Mình rất cân nhắc khi trao đổi về chủ đề này. Chắc chắn nó sẽ tạo ra nhiều tranh luận trái chiều. Xin nói trước là dù có quan điểm rõ ràng, mình hoàn toàn không nghĩ các quan điểm đối lập là sai trái hay kém phù hợp.
Cách đây không lâu, trên Runner’s World có một bài viết của Molly Huddle, tựa đề “Tôi thường nghĩ gì lúc chạy đua”, trong đó Molly đưa ra những lời khuyên về mặt tinh thần để có thể chạy đua tốt nhất trong giới hạn năng lực bản thân. Molly Huddle hiện giữ kỷ lục cự ly 10 dặm và Half marathon của Hoa Kỳ. Thành tích HM của cô là 01:07:25, lập hồi tháng Một 2018, nghĩa là vượt qua kỷ lục đứng vững từ rất lâu trước đó của tượng đài Deena Kastor (01:07:34, lập năm 2006). Tháng Mười Một vừa rồi, Molly về hạng tư trong giải New York City Marathon (02:26:44).
Mọi người có thể tìm đọc các “bí kíp” của Molly Huddle trên RW, tất cả đều phản ánh quan điểm chạy đua của cô. Theo đó chạy giải, cũng như làm bài thi SAT, giành điểm cao khi chơi game, hay sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật,… luôn là một nhiệm vụ đòi hỏi sự nhập tâm và tập trung cao độ. Mục đích của người chạy đua là tiếp cận lằn ranh đỏ mỏng manh của ngưỡng lactic, càng gần càng tốt, trong thời gian càng lâu càng tốt. Vào hôm chạy nhẹ nhàng, bạn có thể là một kẻ mộng mơ lãng đãng. Nhưng lúc chạy giải, nhiệm vụ cá nhân sẽ chiếm lấy sân khấu chính.
Chúng ta không cần phải là vận động viên elite hay nhóm đua tranh podium để có thể chia sẻ quan điểm này (podium chỉ là đặc quyền của một số người có bộ gen đặc biệt, thật thế!) Với mình, chạy đua cũng là một cái gì đó nghiêm túc ngang với làm thủ thuật tim mạch. Dù mình yêu thích các công việc này (chạy đua, can thiệp mạch vành) đến thế nào, dù mình luôn tận hưởng tối đa bầu không khí của nó, thì khi đeo khẩu trang và bước vào phòng mổ, hay kéo cặp kính chạy bộ xuống bước tới vạch xuất phát, mình cũng chìm vào một trạng thái hoàn toàn khác, mọi cảm xúc nhường chỗ cho sự kiểm soát của lý trí. Nhiều người nói khi chạy giải mặt mình cứng đơ như đá, không biểu lộ cảm xúc khi có ai đó gọi tên hay vẫy tay chào. Phản ứng đó hoàn toàn vô thức, vì lúc ấy mình chỉ tập trung vào cơ thể, bước chân, và con đường trước mặt (nói theo cách của Molly Huddle là “find your zone”). Mà đâu chỉ có ngày chạy đua, mọi sự chuẩn bị từ trước đó, như quá trình luyện tập, hay bữa load carb vào đêm trước, đều nằm trong dòng chảy ấy. Điều này đúng cả với những cự ly dài như Full marathon hay cự ly ngắn cỡ 3 hay 5 km. Mình tin sẽ không thể có kết quả tốt trong bất cứ lĩnh vực nào dù đơn giản, nếu thiếu sự nỗ lực và tập trung, như ai đó từng nói “My fake plants died because I did not pretend to water them” – “Đám cây giả của tôi chết vì tôi không giả vờ tưới nước cho chúng”.
Đã có lần mình chạy giải với mục đích “vui là chính”. Đó là một trải nghiệm thực sự khốn khổ. Do không tập luyện đầy đủ nên chỉ được nửa đường là cơ tứ đầu đau nhức, sẵn tâm lý chạy cho vui nên mình bung sức không theo chiến thuật nào cả, rồi nhìn rất nhiều người vượt qua mà không sao đuổi được, do không nghiên cứu đường chạy nên mình bị lạc, từ HM nhầm sang đường chạy 10K. Thành thử với mình, sự nghiêm túc khi tập luyện và thi đấu trở thành một điều tất yếu, một dạng “es muss sein” không phụ thuộc ý chí bản thân. Xỏ đôi giày chạy đua khi chưa tập luyện có khác gì “chạy bằng niềm tin”, để rồi phải lê lết về đích? Còn nếu chỉ đơn thuần muốn thử thách ý chí, hoàn toàn có thể chơi trò plank, tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều.
Mình biết nhiều người sẽ thấy quan điểm này kì cục, thậm chí đáng thương hại. Quả thật, có cần phải khổ sở đến vậy không? Tại sao không dự giải một cách thong dong thư giãn, vừa chạy vừa cười đùa vui vẻ? Tại sao cứ để những ám ảnh về thành tích đè nặng trên vai?
“Is heaviness truly deplorable and lightness splendid?” (“Nhưng có thật nặng nề thì tồi tệ còn nhẹ nhàng thì xán lạn?”, Milan Kundera.) Xét cho cùng, chúng ta có quyền tận hưởng cuộc chơi theo cách của mình. Dân chơi high end với những bộ đĩa vinyl thấy tụi nghe nhạc qua bluetooth đáng thương, mình lại thấy những người chỉ chạy theo các bộ dàn analog cao cấp từ từng linh kiện nhỏ nhất chỉ đơn thuần là thưởng thức âm thanh (sound) chứ không phải thưởng thức âm nhạc (music). Bia hơi quán cỏ hay rượu vang rót ra decanter đều có những nét hấp dẫn riêng.
Với mình chơi kiểu nào cũng được, mình thấy chúng không tốt không xấu. Cách đây không lâu khi một người bạn hỏi mình có nên tập luyện nghiêm túc không, mình đã rất cổ vũ bạn ấy, đơn giản vì chúng ta nên thử những thứ chưa từng trải nghiệm. Mình tin bạn ấy sẽ không phải thất vọng chút nào với lựa chọn này. Phong trào chạy bộ đường dài ở Việt Nam ngày càng phát triển, số lượng giải chạy cũng phong phú hơn. Chúc mọi người có nhiều trải nghiệm đáng nhớ trong quá trình tập luyện và thi đấu.
Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
Nếu theo tinh thần bài viết thì mình hiểu ý tác giả về “fun run” là việc chạy giải quá nhiều, tùy hứng mà thiếu sự chuẩn bị chu đáo thay vì nghiêm túc hướng đến kết quả tốt hơn trong khả năng của bản thân (???).
Thực tế như mình thấy “fun run” trong nhiều trường hợp đồng nghĩa với cự ly ngắn dưới 5k và hướng đến việc khuyến khích nhiều thành phần đối tượng khác nhau tham gia vận động (chứ ko chỉ là chạy) mà không cần phải có sự chuẩn bị quá kỹ hay kinh nghiệm chạy đáng kể nào, đúng tinh thần “vui là chính”.
Cá nhân mình hoàn toàn ủng hộ quan điểm tập luyện và thi đấu tích cực của tác giả. Và mình thấy cũng không cần thiết phải tranh luận nhiều về các quan điểm trái chiều liên quan. Như nhiều vấn đề khác trong cuộc sống thôi, mỗi người một cách và nên tôn trọng sự khác biệt đó.