Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy: Chạy bộ giúp tôi có cái nhìn sâu hơn vào bên trong mình

Đây là bài phỏng vấn mà người viết thực hiện vào thời điểm cố hoa hậu Nguyễn Thu Thủy (1976 – 2021) vừa hoàn thành một giải chạy đua đầu đời tại Hà Nội vào tháng 12/2018. Nhân 1 năm ngày mất của nữ runner xinh đẹp, xin đăng lại bài trao đổi về chạy bộ này cùng “tấm chiếu mới” trong làng chạy bộ. Những cái nhìn về chạy bộ của một nữ runner đại diện cho phái đẹp mới tập chạy, người hay quan sát và ghi chép, chưa hẳn là đã cũ.

Chúc mừng chị đã hoàn thành một cuộc đua chạy đầu tiên trong đời. Khi chạm đích chạy xong rồi, ý nghĩ đầu tiên đến trong đầu chị là gì?

Để tham gia được cuộc đua này, tôi đã tập trong một tháng với nhịp độ 5 buổi chạy một tuần. Tôi vốn là người chưa bao giờ chạy được quá 200m trong đời và luôn luôn được miễn môn chạy thi khi còn đi học vì sức khoẻ yếu (hen, thấp khớp…), đối với tôi hoàn thành được một cuộc đua 10km là một niềm vui lớn. Tôi nghĩ về giây phút mình về đích trong mỗi lần tập chạy, từ những buổi đầu tiên chạy được 3 phút là thở dốc, rồi 1km chạy liên tục đầu tiên, 2km đầu tiên… cứ mỗi lúc mắt mờ đi vì mệt, tai ù ù, chân trĩu xuống như đeo đá, ngực thắt lại… tôi lại nghĩ đến khoảnh khắc mình sẽ về đích trong một cuộc đua. Nó như một hình ảnh biểu tượng thôi, tôi nghĩ rằng mình sẽ rất hân hoan. Thế nhưng lúc về đích thật thì cảm giác lại khác hẳn. Nó không quá rực rỡ như tôi vẫn tưởng tượng. Nó mềm mại hơn. Tôi không thấy có gì là to tát hay lâng lâng, chỉ là một sự hài lòng nội tâm rất ấm áp. Lúc đó tôi tin rằng, mình sẽ còn rất nhiều lần “về đích” như thế này nữa. 

Dù mới tập chạy được khoảng một tháng và mới bước chân vào “runbiz” nhưng bộ đồ chạy bộ của chị đúng chuẩn runner rồi, chị có kinh nghiệm gì khi chọn mua đồ chạy bộ không?

Tôi là người kỹ lưỡng trong lựa chọn trang phục vì tôi tin rằng, trang phục đại diện cho người mặc nó, nói lên nhiều điều, gửi ra thế giới nhiều tín hiệu hơn người ta có thể nghĩ. Với thể thao nói chung và đặc biệt môn chạy bộ, vì có vóc dáng khá mảnh dẻ, thoạt nhìn có vẻ yếu ớt, nên tôi muốn chọn đồ mặc sao cho trông tôi khoẻ khoắn và mạnh mẽ hơn. Tôi muốn hướng đến hình ảnh một người chơi môn thể thao sức bền với những phẩm chất như kiên định, dẻo dai và khiêm nhường. Tôi luôn luôn nghĩ về những người chạy bộ như thế, từ những người bạn tôi biết và quan sát nhiều năm nay, và tôi quyết định trở thành người chạy bộ cũng vì những điều đó. 

Chạy bộ trong điều kiện thời tiết lạnh rét có phải là trở ngại đối với chị?  

Rất trở ngại. Điều đầu tiên là tôi không thể thở tối ưu trong điều kiện thời tiết giá lạnh (hay ít nhất là chưa thể, có lẽ chạy thêm một thời gian nữa sẽ cải thiện hơn) vì khí quản tôi bị co thắt mỗi khi hít phải khí lạnh. Sau đó là xoang trán tôi nhức nhối và không thể tập trung. Thế rồi thấp khớp mãn tính làm cho chân tay tôi tê buốt. Thật là không phải đối với một người tập luyện thể thao khi cứ kể lể những khó khăn của mình. Có lẽ tôi cũng phải học cách quen dần với những nhược điểm và mọi thử thách, cản trở trên con đường chinh phục môn thể thao sức bền này. Tôi đọc trong một cuốn sách cẩm nang cho người chơi thể thao 3 môn phối hợp triathlon rằng, khi bạn chạy trên đường mà pin của đồng hồ GPS của bạn gần hết, hoặc là bạn phàn nàn vì trời mưa lạnh thì có nghĩa là bạn chưa đạt tiêu chuẩn để trở thành một vận động viên của môn thể thao này. 

Chạy 10km với tốc độ “thong thả” so với người khác, chị có sợ chị là người về đích cuối cùng khi mọi người có thể ra về gần hết rồi không?

Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một cuộc chạy đua, yếu tố tâm lý cũng chưa được tốt. Trong khi chạy một đôi lần tôi đã rất nản khi những người khác cứ chạy vượt qua mình. Đúng là tôi đã lo sợ rằng mình sẽ về cuối cùng. Con người ta kỳ lạ lắm, luôn luôn có sẵn những nỗi sợ hãi mơ hồ: sợ bị bỏ rơi, sợ bị đánh giá, sợ bị hiểu lầm, sợ cô đơn, sợ thất bại… Có lẽ đó cũng là lý do tôi đến với môn chạy bộ, vì chỉ có trong những giây phút lo sợ đó, mình nhận ra rằng mình không còn cách nào khác là phải đối diện, sòng phẳng và thành thật với từng nỗi sợ, không ai có thể gánh vác hay làm bớt sợ hãi đi hộ mình. Cảm giác cô độc đến phát khóc, chán nản, muốn bỏ cuộc, có lẽ người chạy bộ nào cũng từng trải qua. 

Tôi thấy chị về đích xong giãn cơ với động tác asana padahasta đối với người bình thường không chỉ runner khá là khó, chị tập tư thế ấy mất bao lâu?

Đây là một tư thế rất căn bản của yoga. Trong yoga những tư thế càng căn bản càng khó thực hiện vì để đạt được nó, bạn cần phải có một quá trình mở khớp và kéo giãn các cơ nhất định. Tôi tập tư thế gập người này trong khoảng 3 năm liên tục, ngày nào cũng tập, thì mới có thể thật sự thực hiện được trong trạng thái căng giãn hoàn toàn, thở sâu và giữ lâu đến khi nào tôi muốn. Một tư thế yoga hoàn hảo là một tư thế mà người thực hành nó phải hoàn toàn ở trong nó, không khiên cưỡng, gượng ép hay gắng sức. 

Được biết chị đã tập yoga trong một thời gian dài, vậy yoga có hỗ trợ được điều gì cho chị trong việc tập luyện chạy bộ?

Yoga giúp tôi kiên nhẫn hơn với chính tôi, với những giới hạn của bản thân và giúp tôi có cái nhìn sâu hơn vào bên trong mình. Tôi nghĩ chạy bộ cũng vậy, khi chạy đến một mức độ nhất định đủ để tâm trí tập trung, bạn sẽ có cảm giác là mình đang quan sát chính bản thân mình, trong từng chuyển động và suy nghĩ. Điều này rất quan trọng, vì có lẽ con người ta cuối cùng và trên hết cũng chỉ mong muốn trả lời một vài câu hỏi đơn giản: Tôi là ai, tôi từ đâu đến, tôi sẽ đi về đâu. 

Chị từng có câu nói “sắc đẹp là một tài năng” gây bão dư luận, sau một thời gian “mướt mồ hôi” tập chạy bộ, chị có thấy chạy bộ cũng là… một tài năng không?

Tôi nghĩ là khi người ta làm bất cứ một việc gì nếu dành toàn tâm toàn ý cho nó thì cũng đều hết sức đẹp đẽ, và đó là sáng tạo, đó là tài năng. 

Chị có e ngại hình ảnh Hoa hậu chạy bộ không được lung linh, lộng lẫy như khi chị đi dự sự kiện hoặc….lên hình TV trong con mắt công chúng?

Tôi chạy bộ vì tôi muốn chạy bộ, và trong khi chạy có rất nhiều nỗi sợ hãi như tôi đã nói ở trên rồi. Có hai cách, một là tránh không làm việc này việc kia để khỏi phải sợ, hai là từ từ đối diện với từng nỗi sợ hãi. Tôi chọn cách thứ hai, và tôi cũng không lấy gì đảm bảo rằng đó là một lựa chọn khôn ngoan hay tối ưu. 

Chị là một “con mọt sách”, đọc rất nhiều sách kể cả sách chạy bộ, chị có thích câu trích dẫn nào để chiêm nghiệm khi chạy bộ không?

Khi nói đến chạy bộ, người ta hay trích dẫn Haruki Murakami, một nhà văn chạy bộ. Trước đây khi chưa chạy, cuốn sách của ông là sách gối đầu giường của tôi, tôi đọc đi đọc lại nó nhiều lần. Tôi cũng không chắc rằng có phải vì ông và cuốn sách đó mà tôi trở thành người chạy bộ. Rồi sau đó, tôi cũng đọc rất nhiều sách của những người chạy bộ khác, những huấn luyện viên, chuyên gia thể thao, những người chạy bộ xuất sắc… Tuy nhiên, khi đã chạy bộ rồi, và trong khoảnh khắc chạy về đích, tôi lại nghĩ có lẽ cuốn sách tâm đắc nhất về chạy bộ tôi cần phải đọc hẳn phải là cuốn sách của một runner nào đó suốt cả sự nghiệp luôn luôn ở trong tốp về đích cuối cùng. Không có vinh quang, không có tung hô, không có thành tích, không có ghi nhận nào, luôn luôn là người cán đích sau cùng, thế nhưng không bao giờ bỏ cuộc. Một nhà văn người Pháp, Marcel Aymé, từng viết một truyện ngắn về hoàn cảnh tương tự, nhưng nhân vật là vận động viên đạp xe chứ không phải chạy bộ. Tôi muốn biết điều gì sâu thẳm bên trong suy nghĩ của họ, những người luôn luôn về cuối ấy, thực sự làm cho họ lại tiếp tục xỏ giày và chạy trong những cuộc đua tiếp theo. Tôi chắc chắn phải có những con người như thế. Tôi sẽ tìm những cuốn sách họ viết. Còn nếu không có cuốn sách nào như thế, chắc tôi sẽ là người viết nó, một khi nào đó. 

Hành trình để đến với cột mốc 10km của chị không bằng phẳng, chị có những “vấp ngã” nhớ đời nào trong thời gian tập chạy?

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in từng buổi tập chạy của tôi cho đến lúc này, tôi đã làm gì, nghĩ gì, trước, trong và sau mỗi buổi chạy đó, những buổi đầu tiên chạy được vài trăm mét, rồi 1km, 2km… 5km đầu tiên… Tôi nhớ cả những lúc đang chạy bắp chân tôi cứng đờ vì chuột rút, rồi những lúc bụng đau thắt, không ăn nổi thứ gì suốt cả ngày. Tôi nhớ cả những ánh mắt nghi kỵ của người quen khi tôi nói tôi bắt đầu chạy bộ. Tôi nhớ cả những giọt nước mắt tủi thân khi đang chạy một mình trên đường với suy nghĩ: mình đang làm cái quái gì thế này, có cần phải thế không, mình có dở người quá không… 

Chị chia sẻ muốn trở thành một marathoner, vì sao chị lại muốn bước vào “con đường hành xác”, môn thể thao kén người bởi tỉ lệ rất nhỏ 1% dân số thế giới có thể hoàn thành? Chị đang tập yoga rất tốt và cũng là một một thể thao khó không phải ai cũng kiên trì theo đuổi được?

Tôi vốn vẫn được ca ngợi là một người có ý chí và truyền cảm hứng cho rất nhiều người với môn yoga. Rất nhiều người tâm sự và chia sẻ với tôi rằng tôi đã truyền cho họ lòng đam mê. Mỗi lần như vậy, thật sự, tôi rất muốn nói với mọi người rằng, không có gì là đam mê trong việc luyện tập này cả. Tôi đọc sách, tập yoga, và bây giờ là chạy bộ, bởi vì tôi thấy mình cần phải làm điều đó. Đôi khi, cũng chả cần phải thực sự có một lý do chính đáng để làm một điều gì đó trong cuộc đời cơ mà. Chiến thắng bản thân, nâng cao sức khoẻ, truyền cảm hứng, vân vân và vân vân, tất cả những cái đó chỉ là những cái đến sau… sau những giây phút sợ hãi, bất an và không hiểu nổi chính mình. 

Giữa tập yoga và tập chạy bộ, tập môn nào khó hơn?

Môn nào cũng khó, và rất khó để so sánh. Có nhiều người hỏi tôi khi biết tôi bắt đầu chạy bộ rằng thế là tôi bỏ yoga à. Tôi không nghĩ rằng có gì tham lam ở đây khi ta muốn sống nhiều cuộc đời, muốn trải nghiệm và đi đến cùng với mỗi trải nghiệm đó. Cuộc đời chẳng qua chỉ là một cuộc chơi dài, nay ta đóng vai trò này, mai ta đóng vai người chơi khác. Thắng thua cũng chẳng quan trọng bằng cách ta vui với nó, hiểu luật chơi và cam kết không ăn gian. 

Một người có tố chất tốt có thể hoàn thành marathon trong 4-6 tháng, chị dự định sẽ hoàn thành mục tiêu này trong bao lâu nữa? 

Tôi đã đăng ký tham gia chạy cự ly 42km trong giải VMM tại Sapa vào tháng 9 sang năm. Điều này có nghĩa là ngay từ bây giờ và trong 9 tháng tới, tôi đã có kế hoạch cẩn thận cho mình, từ tập chạy, tập yoga, tập các bài tập thể lực và bổ trợ khác, ăn uống, nghỉ ngơi và tổ chức công việc phù hợp. Điều đó cũng có nghĩa là tôi sẽ phải đi ngủ đúng giờ, từ bỏ những cuộc vui vô bổ để dành thời gian tập trung cho việc tập luyện. Với nhiều người, có lẽ sẽ coi đây là lựa chọn “khổ hạnh”. Còn với tôi, tôi thấy vui với kế hoạch đó, ít nhất, tôi biết trong 9 tháng tới tôi hướng tới điều gì, và dành toàn tâm toàn ý cho điều đó. Nghĩ đến thôi tôi đã thấy rất hứng thú rồi. 

Chị có nhắn nhủ gì dành cho chị em cũng đang “ủ mưu” muốn xỏ giày chạy bộ như chị nhưng còn e ngại

Tôi cũng chẳng dám khuyên bất cứ ai rằng chạy bộ tốt lắm, hay cố gắng mà chạy bộ đi. Tôi nghĩ rằng mong muốn được chạy là mong muốn căn bản của nhân loại. Tổ tiên loài người nhờ chạy bộ (chạy trốn thú dữ, săn bắn hái lượm) mà sinh tồn, mà tiến hoá. Cuộc sống hiện đại làm cho chúng ta hướng đến những điều khác, nhưng bản năng muốn được chạy vẫn nằm trong bộ gene của mỗi người. Nếu ai đó chạy, có nghĩa là họ đang sống với bản năng đó, có nghĩa là họ lựa chọn không để cho bộ gene kế thừa đó thoái hoá.

About the Author Nguyễn Đạt

Cây viết chuyên theo dõi điền kinh/chạy bộ, ba môn phối hợp bơi đạp chạy (triathlon), các môn thể thao sức bền. MC, bình luận viên giải chạy. Có sở thích chạy marathon trên sân thượng. PB: Marathon 3h33, Ironman 70.3 5h48, 100K VMM Finisher.

follow me on:
  • Lan Ngo says:

    This is consider hiking not running. Hihi I think this is promote Hoa Hau

  • Nguyễn Đạt says:

    Bạn có thể định nghĩa vậy, VĐV nếu hoàn thành trước COT thì có finisher medal của BTC thôi. Hoa Hậu đã mất tròn 1 năm, chẳng có gì để promote đâu bạn (:

  • >
    0 Shares