Làm thế nào để chạy bộ xuyên Việt

Hôm trước, anh Nguyễn Trung Kiên, một người bạn của tôi trong LDR, có báo với tôi về kế hoạch chạy bộ xuyên Việt của anh.

Chi tiết mọi người có thể xem ở đây, tôi không vào facebook nên không rõ mọi người bàn bạc những gì.

Với những ai chưa biết, anh Kiên là một runner dày dạn trận mạc. Thành tích FM của anh là 3h07, tương đương VDOT khoảng 52. Anh cũng từng hoàn thành 160 km trong vòng 24h. Anh Kiên thuộc dạng chạy bộ cần mẫn và chăm chỉ, không theo giáo án nào cụ thể, cũng không có chế độ tập bổ trợ hay dinh dưỡng gì khắt khe. Nói chung, năng lực của anh đã được thừa nhận rộng rãi trong cộng đồng chạy bộ đường dài. Sự thừa nhận đó chắc chắn không dễ thay đổi, bất kể anh có hoàn thành chạy bộ xuyên Việt hay không.

Tôi nhận thấy chạy bộ xuyên Việt là một kế hoạch đầy tham vọng. Xin chia sẻ vài suy nghĩ của bản thân, khi tôi đặt mình ở địa vị người có ý muốn hoàn thành thử thách này.

1. Tính hợp lệ của thành tích

Một thành tích cỡ chạy xuyên Việt không phải để “cho vui”, rất cần sự công nhận rộng rãi của cộng đồng chạy bộ – bất kể động lực để chạy là gì (gây quỹ, PR, chạy cho mình,…) Đây sẽ là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của môn thể thao này ở Việt Nam. Nếu bạn muốn chạy vì bản thân thì cũng tốt thôi, hãy cứ chạy và đừng đăng lên FB. Tôi nghĩ để được công nhận, người chạy cần 2 thứ kiểm định:

Track log

Track log là bắt buộc. Cần phải công khai track log sau mỗi buổi chạy (file GPX). Có thể sử dụng bất cứ thiết bị nào như điện thoại (Strava, Endomondo, Runkeeper,… phần mềm nào cũng được) hay đồng hồ GPS (đồng hồ nào cũng được). Thiết bị (điện thoại hay đồng hồ) phải có đủ pin, hoặc có sẵn đồ thay thế nếu chẳng may hết pin

Người giám sát

Phải có người giám sát qúa trình chạy. Đảm bảo ngày hôm sau người chạy bộ bắt đầu ở đúng điểm dừng của ngày hôm trước. Trong quá trình chạy bộ không nhận được hỗ trợ của một phương tiện giao thông nào khác (xe đạp, xe máy, ô tô,…) Người làm nhiệm vụ giám sát phải là người có uy tín trong cộng đồng. Như thế là có thể phải nhờ/thuê người giám sát cho mình (chẳng ai rảnh để bỏ công việc suốt 30 ngày).

Tư cách pháp nhân

Để tránh những rắc rối ngoài dự liệu, tư cách pháp nhân của đoàn chạy cũng là yếu tố nên được tính tới. Nếu có đơn vị chính thống nào bảo trợ là tốt nhất.

2. Các vấn đề hậu cần

Chỗ ngủ

Chắc chắn cần có người giúp đỡ việc đặt phòng khách sạn nghỉ đêm. Có thể đặt trước 1,2 hôm hay cả tuần. Nhưng tránh việc ngừng chạy không biết đi đâu về đâu. Tốt nhất là kiếm một người ngồi ở Hà Nội, liên tục kiểm tra vị trí của người chạy, lướt web và gọi điện để đặt phòng. Khách sạn / nhà nghỉ nên có dịch vụ giặt ủi (nếu không thì giặt đồ vào lúc nào?)

Những thứ cần mang

a. Quần áo và vật dụng cá nhân

  • Cần tối thiểu 3 bộ quần áo chạy bộ, gồm cả tất chạy và mũ
  • Tốt nhất chuẩn bị sẵn kính râm
  • Tối thiểu 2 đôi giày chạy bộ. Chạy 1800 km chắc chắn hỏng > 1 đôi giày. Tốt nhất là vài ba đôi, 1 đôi rộng hơn chút, để đề phòng chạy ultra chân sưng nề thì còn có đôi khác thay trên đường
  • Đèn pin chiếu sáng, đồ phản quang
  • Cần tối thiểu 2 bộ quần áo ngủ
  • Cần tối thiểu 1 bộ thường phục (đề phòng có báo đài nào đến chơi, hỏi han phỏng vấn)
  • Các vật dụng cá nhân khác như rao cạo râu, kem cạo râu, khăn mặt, bàn chải,…

b. Thuốc và vật dụng y tế

  • Thuốc giảm đau thông thường, chống ho, sốt, cảm cúm,…
  • Salonsip, salonpas, thuốc mỡ voltaren giảm đau cơ
  • Băng urgo
  • Băng chun
  • Băng dính chống blister
  • Kem chống nắng
  • Vaseline chống blister
  • Băng dính dán đầu vú, chống chafing

Phải có người mang giúp tất cả những thứ này. Nếu không có đội hậu cần riêng thì có thể nhờ người giám sát luôn. Do cũng khá nhiều thứ nên người giám sát sẽ không thể đi xe đạp mà tối thiểu cần xe máy. Ô tô là lý tưởng.

Ăn uống

  • Chạy ultra nghĩa là phải ăn trên đường, hoặc vừa ăn vừa chạy, Khi chạy 93 km trong vòng 12 giờ, tôi ngốn hết lượng thức ăn tương đương 8000 kcal.
  • Có thể không mang theo đồ ăn. Chạy từng đoạn thì ghé vào quán ăn. Cách này tiện dụng nhưng không chủ động, và cũng không đảm bảo được đồ ăn an toàn, phù hợp.
  • Lý tưởng nhất là chuẩn bị sẵn đồ ăn trước khi chạy. Trong quá trình chạy sẽ có người hỗ trợ và ăn dần.
  • Chắc chắn phải có người tiếp nước trong lúc chạy.
  • Không rượu, bia, thuốc lá
  • Hạn chế tối đa mang vác

3. Tốc độ chạy

Không đếm xỉa đến hội chém gió không có tracklog, bất kể chạy nhanh chậm thế nào (kể cả nếu đi bộ) cũng đều là kỉ lục xuyên Việt (chính thức) tốt nhất của một người Việt chỉ sử dụng đôi chân.

Anh Kiên dự định chạy 1868 km trong tối đa 28 ngày, tương đương mỗi ngày chạy trung bình 66,7 km. Với tôi đây là một mục tiêu khá tham vọng. Tôi chưa nói đến có cần thời gian tập luyện trước đó hay không, vì không theo dõi tài khoản Garmin của anh nên không rõ anh đã tập luyện thế nào.

Lấy ví dụ, Marsch Ulrich là một quái vật ultra marathon mình đồng da sắt, người từng thắng vô số giải ultra khủng khiếp, như Badwater 146, chạy 146 dặm từ đáy của Thung Lũng Chết, có độ cao -85 m so với mực nước biển, lên đến đỉnh núi Whitney 4100 m (vô địch không chỉ 1, mà tới 4 lần). Năm 2008, cụ siêu nhân này chạy xuyên nước Mỹ (khoảng 4900 km) trong 52 ngày, tương đương mỗi ngày trung bình 94 km.

Link tham khảo: https://en.wikipedia.org/wiki/Marshall_Ulrich

Nói luôn là Marsch tập luyện đến 2 năm trước khi bắt đầu chạy, có cả giai đoạn cao điểm hay taper đàng hoàng. Có thể xem kỹ giáo án của ông trong phần phụ lục cuốn sách “Running on Empty”.

Tôi nghĩ anh Kiên khó có thể chạy nhanh bằng 70% bác Marsch, dù thời gian chạy chỉ bằng một nửa. Nói thêm là khí hậu ở Mỹ (nói chung) dễ chịu hơn Việt Nam nhiều. Trời mát và thoáng đãng. Bản thân tôi đã chạy 12h liên tục, trong hoàn cảnh trời mưa mát mẻ, được hỗ trợ tối đa, cũng chỉ đạt được 94 km.

Xem thêm: Chia sẻ về thử thách 12h

Với cự ly ultra, vấn đề không nằm ở chạy nhanh hay chậm, mà nằm ở việc sau một thời gian chạy đủ dài, các chấn thương sẽ có nguy cơ xuất hiện. Sợ nhất là blister (rộp chân). Rộp chân là game over, dù bạn có lì lợm và kiên trì tới đâu.

Ngoài ra còn đủ loại chấn thương gân, cơ, dây chằng,… nữa, mà vì chưa chạy ultra đủ dài, chẳng ai trong chúng ta biết cả. Cơ thể con người có nhiều điều kì diệu, nhưng không phép màu nào giúp hệ cơ xương chưa quen với việc di chuyển 20 km mỗi ngày lại kịp thời thích nghi với nhịp độ gấp 3-4 lần mức đó, trên những cung đường nhựa bỏng cháy ít bóng cây, giữa khí hậu nhiệt đới gió mùa cực kì khắc nghiệt.

Theo tôi, anh Kiên nên đặt mục tiêu 50-60 km mỗi ngày. Cứ thử như vậy trong vòng 2 tuần. Nếu ổn thì điều chỉnh dần. Sẽ có người bảo, tôi đi bộ cũng được 40 km một ngày. Anh không cần ngại những người đó, anh chạy 50 km là nhanh hơn họ 25% rồi. Trong chạy bộ, khoảng cách 25% là cực kì đáng kể. Nếu ai còn chê nữa thì xin mời cùng chạy thi xuyên Việt. Nói chung cái bọn anh hùng bàn phím hay PR trắng trợn giả dối, anh chả nên để tâm làm gì.

Nói luôn, năm 2013, vận động viên Pat Farmer đã chạy xuyên Việt trong khoảng 35 ngày (từ 10/12/2012 đến 14/01/2013).  Ngày cuối cùng chạy 60 km mất tới 9 giờ. Mà Pat cũng thuộc dạng hàng khủng trong giới ultra thế giới. Chi tiết xin mới xem trên Google. Pat chạy từ Móng Cái tới Cà Mau, anh Kiên chạy ngắn hơn. Do đó dự định chạy tầm 30 ngày là hợp lý.

Kể chút, hồi ấy có một bạn Việt Nam chạy theo Pat – cũng không phải “tay mơ” (nghe nói trước khi được Pat chấp thuận phải đăng ký chạy một cái ultra bên Úc để chứng minh năng lực) – nhưng được nửa đường thì chấn thương.

Xem thêm: Hành trình chạy bộ xuyên Việt của Pat Farmer (Thể Thao Văn Hoá)

Nếu chạy 60 km một ngày thì có thể chia làm đôi hoặc làm ba buổi chạy. Sáng chạy 1 phát, chiều 1 phát. Tối khoẻ thì chạy thêm 10 km ngủ cho ngon. Nên đi ngủ sớm.

Khi Marsch chạy xuyên nước Mỹ, ông tuân theo một quy định là không dùng thuốc đường tĩnh mạch. Thuốc uống, giảm đau, bôi ngoài da, nắn cơ mát-xa thì ok. Nhưng tôi nghĩ về cuộc chạy xuyên Việt sắp tới, những quy định đó không khắt khe quá.

Vấn đề an toàn trên đường chạy cũng cần đặc biệt lưu ý. “Safety first!” Quốc lộ 1A có lẽ là con đường nguy hiểm nhất trên thế giới. Tài xế xe tải vượt nhau như đua công thức I. Tốt nhất rủ một đám bạn chạy cùng. Chạy đông thì tài xế có ẩu cũng lưu ý mình hơn. Trong mọi trường hợp, tuân thủ luật giao thông đường bộ.

Chạy theo nhóm là một cách tốt để bảo đảm an toàn

4. Chi phí, tài trợ

Chi phí thì quả là khó để ước tính. Thôi tuỳ mỗi người. Nếu tôi chạy, tôi dự tính mỗi ngày mất tầm 3 triệu, tính cả xăng xe, chi phí cho người hỗ trợ + giám sát. 3 triệu là tính rẻ, có khi còn đắt hơn. Hơn 30 ngày là khoảng 100 triệu, cỡ 5000 USD. 5000 USD cũng chỉ bằng giá cái xe SH, đắt hơn máy ảnh 5D Mark IV chút xíu. Tóm lại là chấp nhận được so với trải nghiệm không thể đong đếm của quá trình xuyên Việt, chưa kể còn đi vào lịch sử nữa (mà muốn thực sự đi vào lịch sử, quay lại mục 1).

Khi Terry Fox thực hiện chuyến chạy bộ lịch sử, anh đã từ chối mọi tài trợ dưới hình thức tiếp thị. Quả là một quyết định khôn ngoan. Mình mà chạy thì không thể hoành tráng độc hưởng vinh quang như Terry Fox, nhưng có kêu gọi tài trợ cũng cần hợp đồng rõ ràng. 5000 USD chỉ là cái móng tay với các thương hiệu lớn, tránh để việc cày quốc vất vả 1800 km chỉ trở thành màn PR cho họ.

5. Tâm lý

Chuẩn bị tâm lý, theo tôi là quan trọng nhất. Tôi yêu chạy bộ nhưng cũng phải thừa nhận chạy 90 km là thấy bắt đầu tẻ rồi. Làm thế nào để vượt qua rào cản tinh thần khi giai đoạn phấn khích đã trôi qua.

Ngoài việc xác định trước động lực, theo tôi nên có cổng thông tin tương tác với cộng đồng. Mình sẽ có thể chia sẻ về buổi chạy, cũng như nhận được sự động viên, khích lệ.

Có báo đài, TV cũng hay, nhưng tránh để họ làm phiền, mất tập trung. Nguy nhất là họ lại đánh động chính quyền. Chính quyền ra hỏi han thì cũng mệt.

Kết luận

Đây chỉ là vài dòng gõ vội. Dù rất muốn, nhưng chắc phải năm 60 tuổi tôi mới có thể sắp xếp mọi thứ để chạy xuyên Việt. Nếu tôi dự định chạy thì chắc chắn bản kế hoạch chi tiết sẽ dài gấp 3-4 lần. Tôi tin rằng với những thử thách cỡ này, sự chuẩn bị quyết định 90% thành công.

Hiện tại tôi ít có dịp liên lạc với anh Kiên. Eluid Kipchoge từng nói, “chạy bộ không phải là việc của đôi chân, mà là của khối óc và con tim”. Tôi chúc anh có trí óc tỉnh táo, con tim nhiệt huyết, và “chân cứng đá mềm” để hoàn tất thử thách này.

 

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

>
87 Shares