Leo 72 tầng Keangnam Landmark Tower

4

Thú thực, tôi chưa bao giờ coi leo cầu thang là một bài tập chính thức. Tôi không tập chạy marathon vượt núi Sa Pa, tôi cũng chưa hiểu rõ mối liên hệ giữa leo cầu thang với chạy bộ đường dài.

Tôi chỉ mới bắt đầu leo từ 1 tuần trước, để chuẩn bị cho giải Hanoi Vertical Run. Địa điểm luyện tập là chung cư gần nhà, 32 tầng. Cầu thang chung cư không dốc lắm, ngay lần leo đầu tiên tôi chỉ mất chưa tới 4 phút rưỡi để lên tới tầng cao nhất. Ngay khi được nửa chặng đường, mồ hôi đã vã ra như tắm. Tiết trời đầu hạ chưa quá oi bức, cảm giác được vã mồ hôi thật phấn khích và thú vị. Những lần sau đó, động lực leo cầu thang của tôi là suy nghĩ “chỉ thêm 5 phút thôi”, và tôi bắt đầu hình thành thói quen leo chung cư sau bài tập chạy theo giáo án.

Tuy nhiên để tham gia “race” thì vẫn cần kinh nghiệm thực chiến. Tôi quyết định thử leo 72 tầng của toà tháp Keangnam nhân một hôm không vướng lịch ở bệnh viện.

Đồng hành cùng tôi là anh Lâm Phạm, người có thâm niên vài năm làm việc ở cao ốc này. Leo thang bộ, tưởng đơn giản mà lại không đơn giản. Về nguyên tắc, thang bộ chỉ dành cho những tình huống cần thoát nạn khẩn cấp. Sự hiện diện của khách tham quan trong cầu thang thoát hiểm là điều các nhân viên bảo vệ toà nhà không chờ đợi. Vài người bạn của tôi đã bị “tóm” khi mới chỉ leo tới tầng 40.

Chúng tôi khéo léo né tránh mấy nhân viên bảo vệ, thoát ra ngoài từ tầng 15, đi bộ xuống tầng hầm B2. Khi những âm thanh của đội tuần tra đã tắt dần, trong ánh đèn vàng vọt của tầng hầm, chúng tôi hăm hở bấm nút Start của đồng hồ và bắt đầu leo.

Tôi chưa hình dung được 72 tầng sẽ thế nào, nên khởi đầu khá nhanh và bỏ cách anh Lâm cả 1 tầng cầu thang. Tôi vẫn giữ thói quen bước gấp, mỗi bước 2 bậc (bằng cách này tôi đã hoàn thành 32 tầng trong 4 phút 17 giây). Tuy nhiên, Keangnam 72 tầng mà như 80 tầng. 10 tầng đầu là khu thương mại, nên cao hơn bình thường, lại chia nhỏ thành nhiều bậc thềm ở giữa khiến người leo chóng mặt. Các bậc của cao ốc cũng cao hơn bậc trong chung cư mà tôi từng leo. Cầu thang bộ kín mít, có vẻ hơi thiếu dưỡng khí. Đến tầng thứ 20 thì tôi chịu, không sao nhảy 2 bậc 1 bước được nữa. Anh Lâm bắt kịp dần và bắt đầu vượt lên. Anh có vẻ là một người leo đầy kinh nghiệm, không gấp gáp, phân phối sức hợp lý. Anh leo điềm đạm nhưng tập trung, không vội vã hay hăng hái quá sức. Tuỳ anh đi trước thôi. Hai chân tôi bắt đầu có cảm giác nặng nề. Cơ đùi và bắp chuối căng cứng. Tôi tiến từng bậc một trong hơi thở hổn hển, hai tay mỏi cũng ngại không muốn bám thành cầu thang nữa.

Leo chung cư buồn tẻ hơn chạy bộ rất nhiều, vì khung cảnh hết sức đơn điệu. Nếu cứ nhìn số và đếm từng tầng (30-31-32-…) thì sẽ có cảm giác chẳng bao giờ tới đích. Hiển nhiên, tôi sẽ không bỏ cuộc. Khi mệt nhất, tôi sử dụng là bài học trong những buổi chạy đường dài, cứ kiên nhẫn tiếp tục tiến lên, dù chậm, kiểu gì cũng hoàn thành mục tiêu. Tôi chậm rãi và nặng nề leo, tiếng bước chân của anh Lâm ở những tầng trên cứ xa dần rồi mất hẳn. Dù sao, biện pháp của tôi cũng có hiệu quả (đừng nói là 72 tầng, nếu 200 tầng dùng cách này vẫn ổn). Đến tầng 50 thì tôi hồi phục đôi chút và có thể nhảy 2 bậc một. Dọc cầu thang treo đầy poster quảng cáo về sự kiện Vertical Run diễn ra hai năm trước. Có lẽ 2 năm qua chẳng mấy ai đặt chân tới những tầng trên cùng này. Những tầng cuối cùng tôi cảm giác có thể chạy được, nhưng tự ghìm lại để dành sức cho ngày thi chính thức.

Kết quả, tôi hoàn thành 72 tầng (thực ra là 74 tầng, vì leo từ B2) trong 17 phút. Thành tích chẳng biết là cao hay thấp, nhưng dù sao tôi cũng đã có trải nghiệm về leo cao ốc Keangnam. Trên ban công ở nóc, gió mát lồng lộng. Quả là một phần thưởng xứng đáng. Tự hỏi mấy hôm nữa, trong ngày race, ở ban công này sẽ hào hứng đến thế nào. Vạch “finish line” luôn đem lại cảm giác hào hứng như thế.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ leo thang bộ, chúng tôi quyết định chạy thêm một chút. Lúc này thì những tác động của leo cầu thang bắt đầu biểu hiện rõ. Chân tôi nặng như chì, nó gợi lại hồi ức của km số 35, 36 trên đường chạy marathon. Một sự mệt mỏi hết sức quen thuộc của thời điểm sắp “hit the wall”.

Tôi đã được nghỉ ngơi, lại thở nhịp nhàng, nên không thiếu oxy. Tần số tim có lẽ cũng chỉ ở zone 2. Nhưng hai chân vẫn lê đi đầy mệt mỏi. Tôi nhìn điều này theo hướng tích cực. Một trong những nhiệm vụ của giáo án tập marathon là phải “giả lập” đường chạy thực cùng sự mệt mỏi của tim phổi và cơ bắp trong những km cuối cùng. Để hai chân mỏi như thế này tôi thường phải chạy 30 km, tương ứng 3 giờ chạy bộ. Giờ đây, để cơ thể quen với cảm giác chạy khi mỏi chân, tôi chỉ cần chưa tới 20 phút leo cầu thang.

Dù thế nào buổi leo 72 tầng Kaengnam cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Hy vọng mấy hôm nữa tôi sẽ thi đấu tốt hơn. Mong là bài này sẽ có ích với những bạn sắp tham gia Vertical run cuối tuần tới. Vertical run thì sẽ qua đi thôi, nhưng tôi biết từ giờ tôi sẽ phải đưa bài tập leo thang vào giáo án chạy bộ của mình một cách bài bản và nghiêm túc.

13-660x332

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

>
0 Shares