Nhìn lại câu chuyện chạy bộ của người Tarahumara

Một thập kỷ sau khi cả thế giới biết đến bộ lạc này, ngày nay các nhà nhân chủng học lại nhìn kỹ hơn về câu chuyện của họ

Chắc hẳn ai đã đọc cuốn Sinh ra để chạy của tác giả Christopher McDougall còn nhớ về bộ lạc Tarahumara, cái nôi của những “siêu vận động viên thời kỳ đồ đá” sinh sống tại các hẻm núi vùng tây bắc Mexico và thường chạy trên những địa hình hiểm trở mà không tốn một giọt mồ hôi.

Cuốn Sinh ra để chạy cũng giúp độc giả biết tới chuyên gia nhân chủng học và sinh học tiến hóa Daniel Lieberman của Havard, người đã cố công nghiên cứu nguồn gốc tiến hóa của chạy bộ và từ đó đưa ra giả thuyết cho rằng ngay cả con người hiện đại vẫn có thể khai thác được nhiều lợi ích từ việc chạy chân trần hoặc chạy bằng những đôi giày có độ đệm tối thiểu. Những câu chuyện muôn màu của bộ lạc Tarahumara cùng với uy tín học thuật của ông Liberman là một sự kết hợp hoàn hảo và đầy thuyết phục. Sự ra đời của Sinh ra để chạy cũng đã mở ra một thời kỳ cực thịnh của phong trào chạy chân trần và chạy bộ tối giản (minimalist running).

Kể từ thời điểm đó, người ta đã lật đi lật lại nhiều lần về vấn đề chạy bộ tối giản. Và trong một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nhân chủng học ngày nay mang tiêu đề “Chạy bộ trong văn hóa Tarahumara (Rarámuri): Săn đuổi, lần theo dấu vết, nhảy múa, lao động và sự lầm tưởng về sức mạnh thể chất,” một nhóm các nhà nhân chủng học đã cố gắng vén màn những lầm tưởng về văn hóa chạy bộ của bộ lạc Tarahumara. Trưởng nhóm nghiên cứu, không ai khác, chính là Daniel Lieberman.

Trong giới học thuật, người ta biến đến tiến sĩ Liberman có lẽ chủ yếu qua một nghiên cứu ông công bố năm 2004 cùng với tiến sĩ Dennis thuộc Đại học Utah với quan điểm cho rằng con người tiến hóa để chạy đường dài. Theo nghiên cứu này, việc con người có khả năng đuổi theo các loài động vật lớn đến khi chúng kiệt sức trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày nhờ vào rất nhiều những đặc điểm thích nghi quan trọng từ ngón chân ngắn cho tới khả năng thoát mồ hôi tốt của tuyến mồ hôi. Chính sự quan tâm về chủ đề săn đuổi là động lực ban đầu khiến tiến sĩ Lieberman cùng các đồng nghiệp tìm tới hẻm núi Copper tại Mexico để chứng kiến câu chuyện về tộc người Tarahumara đuổi bắt hươu đã thu hút được sự quan tâm và chú ý của nhiều chuyên gia thám hiểm và nhà khoa học từ những năm 1800.

Tiến sĩ Lieberman đã tuyển chọn một nhóm nghiên cứu đặc biệt trong đó, bên cạnh hai chuyên gia nghiên cứu từng hợp tác với ông khi tiến hành đề tài nghiên cứu sau tiến sĩ là Nicholas Holowka và Ian Wallace, còn có sự tham gia của ông Mickey Mahaffey, một người Mỹ đã và đang sinh sống với người Tarahumara hơn 2 thập kỷ và có thể nói ngôn ngữ Raramuri của bộ lạc này; Silvino Cubesare Quimare, một nông dân và chân chạy bộ người Tarahumara; và Aaron Baggish, chuyên gia tim mạch của Harvard, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về thể thao và tim mạch. Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 10 chân chạy người Tarahumara ở độ tuổi từ 50-90 và tất cả những người này đều tham gia vào công việc săn đuổi khi còn trẻ.

Toàn bộ nghiên cứu này, cùng với ý kiến của các học giả và chuyên gia trong lĩnh vực này được công bố và có thể truy cập miễn phí trên mạng. Đây là nghiên cứu rất thú vị, một số nội dung chính được tổng hợp dưới đây.

Theo nhóm nghiên cứu, nội dung trọng tâm của nghiên cứu này là: 

Chạy bộ, giống như nhiều điểm đặc trưng khác của nền văn hóa và đặc điểm sinh học của người Tarahumara thường chưa được hiểu đầy đủ hay chúng tôi thường gọi là “sự lầm tưởng về sức mạnh thể chất.” Chúng ta phải cùng nhau xóa bỏ cách hiểu sai lầm và siêu nhiên này. Chạy bộ là một nét văn hóa quan trọng của người Tarahumara và một vài cá thể trong cộng đồng này đã trở thành những chân chạy đường dài hàng đầu thế giới nhưng việc chúng ta mặc định xem bộ lạc này là “bộ lạc ẩn dật” với những “vận động viên siêu phàm” bẩm sinh có thể chạy đường dài do không bị ảnh hưởng của nền văn minh phương Tây là một sự sai lầm. Chạy bộ, giống như nhiều khía cạnh khác của người Tarahumara, cần được phân tích trong mối tương quan với bối cảnh kinh tế, xã hội, tinh thần và hệ sinh thái ở quy mô rộng hơn.

Thi đấu để săn bắt

Không giống như các cuộc đua siêu marathon truyền thống, các cuộc chạy đua của người Tarahumara là những sự kiện thi đấu đồng đội giữa các bản làng với nhau trong đó các đội có thể tham gia đá hoặc đập một quả bóng gỗ hoặc đẩy một vòng tròn quanh tuyến đường có độ dài khoảng 5km. Cả cuộc đua chỉ có một nhóm các chân chạy chính tham gia và cuộc đua có thể kéo dài vài giờ hoặc vài ngày nhưng cả bộ lạc cùng tham gia cổ vũ và đôi khi có thể tham gia chạy cùng vài vòng cho vui.

Nếu chạy tốt, bạn sẽ có địa vị xã hội nhất định trong bộ lạc nhưng thực tế không hẳn vậy. Trong một nghiên cứu mới thực hiện, tiến sĩ Lieberman và các đồng nghiệp cho rằng ý nghĩa sâu xa của các cuộc đua chạy do người Tarahumara tổ chức là nhằm rèn luyện thể lực cho các cuộc săn đuổi và lựa chọn ra người phù hợp nhất cho chuyến săn tiếp theo. Điều thú vị là qua các cuộc phỏng vấn với các già làng nhóm nghiên cứu được biết khi có một cuộc chạy đua lớn được tổ chức, các chân chạy không được biết mình sẽ tham gia thi đấu hay chạy đua cho tới đêm trước ngày tổ chức sự kiện. Cả hai hoạt động có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Bí mật của bộ lạc Tarahumara

Thực chất bí mật là không có bí mật nào cả. Theo các tác giả, các truyền thống tương tự cũng tồn tại ở nhiều vùng khác nhau tại châu Mỹ và có lẽ nhiều nơi khác trên thế giới. Ví dụ, Roger Williams, người đã tìm ra đảo Rhode, bên cạnh việc xem người Narragansett là những người “chạy nhanh và được dạy chạy từ nhỏ” cũng đã mô tả về lễ hội chạy của bộ lạc này vào năm 1643 như sau: “tôi biết có nhiều người ở bộ lạc này đã chạy vài chục cho tới một trăm dặm một ngày mùa hè và chạy quay lại trong vòng 2 ngày: họ cũng tập luyện để thi đấu và vào mùa hè họ thường chạy mà không đi giày mặc dù vẫn vác giày theo ở lưng.” Do khoảng cách tới hẻm núi Copper quá xa nên có lẽ đây là điều kiện để những truyền thống này được duy trì qua nhiều thế hệ.

Điều này không có nghĩa người Tarahumara hay bất kỳ bộ lạc nào khác được sinh ra để chạy 100 dặm một cách nhẹ nhàng. Theo các tác giả, “các chân chạy của bộ lạc Tarahumara cũng đối mặt với những thách thức như những chân chạy siêu marathon phương Tây và cũng phải trải qua những chấn thương, chuột rút, nôn ói và các vấn đề khác khi chạy đường dài.” Hơn nữa, chỉ một số ít người là tham gia các sự kiện thi đấu này dù đa phần tham gia cổ vũ và có thể chạy cùng nhưng không chạy quãng đường dài.

Điều này lý giải tại sao tác giả lại sử dụng cụm từ “sự lầm tưởng về sức mạnh thể chất”. Không có bí quyết hay bí mật nào ở đây cả, không phải chế độ ăn nguyên thủy, không phải những đôi dép nhẹ tựa lông hồng, không phải cuộc sống mưu sinh khắc khổ, không phải do thiếu TV truyền hình cáp hay sự “vô cảm” với cảm giác đau đớn khiến họ có thể chạy 100 dặm một cách nhẹ nhàng. Tác giả cũng tìm lại những định kiến mang tính chủng tộc về khả năng chịu đựng đau đớn và cách người ta dùng những định kiến này vào trường hợp của người Tarahumara. Ví dụ, tờ New York World năm 1926 đã mô tả hai người Tarahumara chạy 105km trong vòng dưới 10 giờ là “không có dấu hiệu mệt mỏi dù quãng đường có thể khiến bất kỳ con ngựa nào đuối sức”.  Các chân chạy Tarahumara có thể lực tốt nhưng việc cho rằng có người có thể chạy 105km mà không thấy mệt là điều hoàn toàn vô lý và cho thấy sự thiếu hiểu biết về cách các chân chạy thể hiện sự mệt mỏi hay đuối sức. Việc họ không thở dốc ở cuối cuộc đua chỉ cho thấy họ chạy dưới ngưỡng hiếu khí (giống như chúng ta chứng kiến các vận động viên ở hầu hết các sự kiện marathon). Giống như mọi chân chạy siêu dài, các chân chạy Tarahumara cũng trải qua những đau đớn hay căng cứng sau thi đấu vài ngày và đôi khi là cảm giác mệt mỏi, khó đứng lên ngồi xuống. Đơn giản, đây là quan điểm không chính xác. Chạy siêu dài là bộ môn khó, ngay cả với người Tarahumara và mỗi người khi chọn lựa bộ môn này đều phải đối mặt và vượt qua những thách thức mà bất kỳ ai trong chúng ta đều gặp phải.

Lời kết

Nếu người Tarahumara không có bất kỳ lợi thế đặc biệt nào, tại sao nhiều người có thể thực hiện được những thành tích đáng nể đó? Theo các tác giả, khả năng này “xuất phát từ lao động nặng nhọc, lối sống năng động về thể chất, quyết tâm, các giá trị tinh thần và xã hội họ coi trọng trong môn chạy bền.”

Điều cuối cùng có lẽ là yếu tố có tính chất quan trọng nhất: họ chạy vì chạy có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong đời sống của họ. Nghiên cứu cũng có những mô tả hết sức sống động về ý nghĩa của chạy bộ qua lời của các già làng: “đối với họ, việc điều khiển quả bóng lăn ổn định trên tuyến đường dài giống như việc chèo lái hành trình đầy phức tạp và hỗn độn của cuộc đời.” Chạy bộ giống như một hình thức cầu nguyện, một bộ môn gắn kết các mối liên kết xã hội trong và giữa các cộng đồng với nhau. Nghiên cứu kết luận “do đó chúng ta không ngạc nhiên khi chứng kiến những đặc điểm chung này ngày càng phổ biến trong các giải marathon ở các thành phố lớn nơi tất cả chúng ta đều đề cao sức khỏe và tôn vinh tinh thần gắn kết cộng đồng cũng như quyên góp tài trợ cho các mục đích từ thiện.”

Nói cách khác, các xã hội sẽ có khả năng nổi trội ở những khía cạnh mà họ coi trọng và người Tarahumara không có bất kỳ sức mạnh siêu nhiên bí ẩn nào, họ đơn giản là bộ lạc coi trọng những giá trị mà chạy bộ mang lại trong đời sống vật chất và tinh thần của bộ lạc.

Theo OutsideOnline

 

 

About the Author Phạm Thao

>
0 Shares