Nữ runner và những câu chuyện phi thường

Ngày càng có nhiều nữ giới tham gia luyện tập bộ môn chạy bộ, tuy xét về số lượng vẫn còn thua xa nam giới. Có thể những câu chuyện về các nữ runner sau đây sẽ truyền cảm hứng cho bạn để bạn có động lực bước ra thế giới bên ngoài và bắt đầu những bước chạy đầu tiên.

Hãy nhớ rằng, bạn không cần phải là người khỏe nhất, nhanh nhất hay trẻ nhất, bạn vẫn có thể là nguồn cảm hứng cho bất cứ  ai đó.

Kathrine Switzer

Kathrine Switzer tại một cuộc triển lãm

Kathrine Switzer là vận động viên nữ đầu tiên tham gia cuộc thi Boston Marathon. Quay trở lại năm 1967 khi cuộc đua Boston Marathon bước sang năm thứ 70, các vận động viên nữ không được phép tham gia vì cuộc thi được cho là quá khó đối với phụ nữ. Tuy nhiên, Kathrine, 19 tuổi, lại có những ý tưởng khác và cô đã thuyết phục huấn luyện viên của mình khi đó cho phép cô tham gia. Cô đã đăng ký dưới tên ‘K.V. Switzer’ nên nếu chỉ nhìn tên thì sẽ khó mà nhận ra đó là tên của một phụ nữ.

Vào thứ Tư, ngày 19 tháng 4, Ngày Yêu nước, Kathrine đứng xếp hàng cùng với 741 vận động viên khác, tô son, đeo khuyên tai bằng vàng và đeo bib số 261. Mọi việc diễn ra suôn sẻ trong 4 dặm đầu tiên cho đến khi người quản lý cuộc đua, Jock Sempel, nhận ra rằng có một người phụ nữ đang chạy trong cuộc đua của ‘anh ấy’. Ông đã dùng mọi cách  để ngăn cô và truyền thông lúc đó rất thích thú với điều bất ngờ này. Tuy nhiên, Kathrine đã thể hiện sự can đảm, quyết tâm cao độ và đã hoàn thành cuộc thi marathon trong 4h20 phút. Kể từ đó, vào năm 1971, Hiệp hội điền kinh nghiệp dư (A.A.U.) chính thức cho phép các vận động viên nữ tham gia cuộc thi Boston Marathon.

Hiện tại bà là tác giả và là nhà bình luận truyền hình, bà đã viết một cuốn sách về câu chuyện cuộc đời mình: “Người phụ nữ chạy marathon: Từ chạy bộ tới cách mạng hóa ngành thể thao dành cho nữ giới”

Lưu ý: Mặc dù Kathrine Switzer là người phụ nữ đầu tiên đeo bib tham gia Boston marathon, nhưng bà không phải là phụ nữ đầu tiên về đích. Trước đó một năm, một phụ nữ khác đã tham gia giải chạy nhưng không đăng ký chính thức với ban tổ chức giải.

Julia Hawkins

Có thể nhiều người chưa từng nghe về Julia Hawkins nhưng vào tháng 3 năm 2018, bà đã lập kỷ lục thế giới mới cự ly 60m trong 24,79 giây ở độ tuổi 102! Tốc độ đó tương đương khoảng 6:57 phút/km hoặc 11:10/dặm. Không có gì ngạc nhiên khi bà được mệnh danh là “siêu bão” Julia Hawkins. Bí mật của bà? Bà bắt đầu chạy vào sinh nhật lần thứ 100 của mình và kể từ đó bà chưa từng dừng chạy. Nói theo cách riêng của bà: ” Mỗi ngày tôi chạy một chút mỗi ngày — không cố định quãng đường bao xa hay bao lâu — đơn giản chỉ để duy trì việc chạy “. “Tôi luôn cần ai đó đỡ lấy mình vào lúc kết thúc cuộc đua vì tôi thường bị hụt hơi và kiệt sức”. Bà cũng luôn bận rộn chăm sóc sân sau của mình và luôn nhận được ủng hộ của 4 người con tuổi từ 64 đến 71.

Lee Dipietro

Lee Dipetrio

Lee Dipetrio sinh ngày 11 tháng 4 năm 1958, là con gái giữa trong gia đình 5 chị em gái  tại Long Island New York. Cô kết hôn năm 1981 và có 2 cậu con trai. Cô bắt đầu chạy ở độ tuổi đôi mươi và chẳng mấy chốc cô ấy đã thống trị các giải chạy từ cự ly 5 km, marathon đến ba môn phối hợp. Cô đã tham gia hơn 30 cuộc thi marathon, 6 cuộc thi ba môn phối hợp Ironman và vô số cuộc thi sức bền khác.

Tuy nhiên, vào năm 2010, cuộc sống của cô đã gặp nhiều biến cố. Em gái tự tử, chồng cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư và một trong những người con trai của cô bị tai nạn xe hơi nghiêm trọng. Chạy bộ là vị cứu tinh của cô giúp cô giải tỏa tâm trí, mạnh mẽ hơn về tinh thần và thể chất để có thể chăm sóc cho gia đình.

Gần đây cô đang viết một quyển sách có tên “Ngược Chiều Gió” kể về việc chạy bộ đã giúp cô ấy vượt qua những ngày đen tối và khó khăn như thế nào và sức mạnh đến từ bên trong mỗi người nếu bạn tin vào chính mình và nếu bạn thực sự kiếm tìm điều đó.

Mirna Valerio

Nhiều người có hình dung rập khuôn về các runner (đặc biệt là các nữ runner), nhưng trên thực tế, các runner có thể mang hình dáng hoặc kích cỡ bé nhỏ cho tới to lớn. Mirna Valerio là một minh chứng cho điều này.

Năm 8 tuổi, Mirna phát hiện ra niềm yêu thích của mình với hoạt động ngoài trời. Điều này dẫn đến việc cô tham gia nhiều môn thể thao khác nhau như bơi lội, đi bộ đường dài và các môn thể thao đồng đội. Sau khi học xong đại học, cô trải qua một số căng thẳng trong cuộc sống khiến cô ngừng tập thể dục và tăng cân. Năm 2008, cô nặng  hơn 150kg  và bác sĩ  đã khuyên cô ấy nên giảm cân nếu muốn tiếp tục ở bên để chứng kiến ​​​​con trai nhỏ của mình  trưởng thành.

Khi thấy thời điểm thích hợp, cô đã chọn chạy bộ và vào năm 2012, cô quyết định chạy marathon.  Chạy bộ đã đưa cô đến với việc viết trang blog Fat Girl Running, để gia đình và bạn bè có thể theo dõi quá trình tiến bộ của mình từ cự ly 5k đến Ultra marathon.


Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số suy nghĩ tiêu cực và chỉ trích một cô gái da đen, thừa cân chạy bộ. Dù vậy, Mirna đã chiến thắng những định kiến và không để những suy nghĩ đó ngăn cản mình. Thực tế, chính điều đó đã thôi thúc cô mạnh mẽ hơn. Như cô từng nói, “Tôi muốn tiếp tục đến những nơi mà mọi người nghĩ rằng tôi không thuộc về nơi đó. Đấy chính là bản chất của tôi – tôi đang làm điều này và tôi sẽ tiếp tục làm điều này một cách kiêu hãnh” . Mirna cũng viết một quyển sách về hành trình cuộc đời mình có tên “A Beautiful Work in Progress”.

Catra Corbett

Cuộc sống thật kỳ lạ, đôi khi con người cần phải trải qua một (hoặc một vài) cuộc khủng hoảng để có thể đạt đến đỉnh vinh quang. Catra Corbett, 53 tuổi, là một ví dụ về điều này. Khi còn nhỏ, cô đã trải qua nhiều tổn thất về sức khỏe tâm thần, lạm dụng tình dục và chứng rối loạn tự hạ thấp bản thân. Năm 17 tuổi, khi cha cô qua đời, cô tìm đến rượu và ma túy để vơi đi nỗi đau. Ở tuổi 21, cuộc sống của cô vượt khỏi tầm kiểm soát với những mối quan hệ độc hại, nghiện ma túy và chứng chán ăn. Cuối cùng, cuộc sống của cô rơi vào bế tắc tột cùng khi bị cảnh sát bắt và tự tử. Đây chính là bước ngoặt cuộc đời, năm 1996, đưa cô đến với bộ môn chạy bộ như một phương cách để tự cứu chính mình.

“Cuộc đời tôi thay đổi khi tôi biết đến chạy bộ. Nó giúp tôi nhận ra mình là ai và mình phải trở thành ai. Tôi đã chuyển từ một cô gái ăn chơi sành sỏi tại các câu lạc bộ thành một cô gái bản lĩnh trên đường chạy, một con người mới sống tích cực hơn và hướng ngoại. Sứ mệnh của cuộc đời tôi là truyền cảm hứng cho càng nhiều người càng tốt thông qua câu chuyện cuộc đời  của chính mình. Chắc chắn, tôi sẽ vẫn còn những lo lắng, trầm cảm, căng thẳng và chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế nhưng tôi đã học được cách đối mặt và hóa giải với những nỗi sợ này.”

Bên cạnh thành tích tuyệt vời trong việc cai nghiện, sự quyết tâm sắt đá của Catra đã giúp cô trở thành một vận động viên chạy siêu hạng đáng ngưỡng mộ. Cô hiện đã tham gia 250 cuộc thi ultra marathon và 100 trong số cuộc thi đó là hơn 100 dặm (tính đến năm 2018).

Nếu cuộc sống của cô ấy cộng hưởng với bạn hoặc bạn muốn được truyền cảm hứng thực sự, hãy đọc câu chuyện của cô ấy  “Reborn on the Run: My Journey from Addiction to Ultramarathons (tạm dịch: Chạy bộ đã sinh ra tôi lần thứ 2: Hành trình từ một người nghiện ngập tới vận động viên Ultramarathons)

 Bích Ngọc

(Tổng hợp)

Bài viết lấy thông tin từ các nguồn:

https://www.midliferunning.com/women-runners.html

https://www.elo.health

https://www.nytimes.com

https://www.kobo.com/

 

About the Author Bích Ngọc

>
0 Shares