Tuy nhiên, tìm được điểm nào ở biên giới để vượt qua, lại khá phức tạp.
Tạp chí Runner’s World giao nhiệm vụ cho tôi đi vào vùng Barrancas để tìm người Tarahumara. Nhưng trước khi tôi có thể bắt đầu tìm kiếm những bóng ma, thì tôi cần phải tìm được một người săn ma trước. Và như tôi được mách nước, Salvador Holguín, là người duy nhất làm được công việc này.
Ban ngày, Salvador là một nhân viên hành chính tại Guachochi, một thị trấn vùng biên tại vùng rìa Copper Canyons. Khi đêm đến, anh ta trở thành ca sĩ hát nhạc mariachi tại quán bar, và quả thực, nhìn anh ta cũng hợp với việc đó; với cái bụng bia và cặp mắt đen, điển trai lãng mạn, anh ta đích xác là hình ảnh một người có cuộc sống chia đôi, nửa cho bàn giấy và nửa cho ghế tròn quán bar. Còn anh trai của Salvador, lại là Indiana Jones của hệ thống trường học Mexico; hàng năm, anh ta chất đầy lên lưng một con lừa nào bút chì, sách vở và lẻn vào vùng Barrancas để cung cấp cho các ngôi trường nằm tận đáy cùng thung lũng. Vì Salvador luôn sẵn sàng tham gia mọi trò vui, nên anh ta thỉnh thoảng lại trốn việc đi theo anh mình trong các chuyến thám hiểm này.
“Không vấn đề gì đâu ông bạn,” anh ta trả lời khi tôi tới gặp. “Chúng ta có thể đi gặp Arnulfo Quimare…”
Nếu anh ta dừng ở đó, thì tôi hẳn đã mừng rỡ. Trong khi đi tìm một người dẫn đường cho mình, tôi được biết rằng Arnulfo Quimare là người chạy bộ vĩ đại nhất hiện còn sống của người Tarahumara, và anh ta đến từ một bộ tộc gồm toàn các anh em họ, anh em trai, anh em vợ và các cháu đều giỏi ngang ngửa với mình. Việc có thể đi thẳng đến các căn lều ẩn giấu của họ tộc Quimare còn hơn cả những gì tôi mong mỏi. Vấn đề nằm ở chỗ, Salvador vẫn tiếp tục nói.
“… Tôi chắc chắn là mình biết đường” anh ta tiếp. “Tôi thực ra chưa bao giờ tới đó. “Pues, lo que sea.” Ôi dào, sao cũng được. “Kiểu gì chúng ta cũng sẽ tìm được tới đó thôi.”
Thường thì, những lời lẽ đó như dự báo có gì đó không hay, nhưng nếu so sánh với tất cả những người khác mà tôi đã từng nói chuyện, thì Salvador có vẻ lạc quan vô cùng. Từ khi trốn chạy vào vùng đất không người ở bốn trăm năm trước, người Tarahumara đã dành thời gian biến nghệ thuật tàng hình của mình thành hoàn hảo. Nhiều người Tarahumara vẫn đang sống trong các hang động cheo leo trên vách đá, chỉ có thể leo lên được bằng các cây gậy dài; khi đã vào bên trong, họ sẽ rút các cây gậy đó lên và biến mất vào trong bờ đá. Những người khác lại sống trong các túp lều được nguỵ trang tài tình tới mức, nhà thám hiểm người Na-uy Carl Lumholtz đã từng giật mình khi ông ta đi xuyên qua cả một ngôi làng của người Tarahumara mà không hề phát hiện chút dấu hiệu nào của nhà cửa hay con người.
Lumholtz thực sự là một tay lang thang cự phách ở các vùng hẻo lánh, người từng sống nhiều năm giữa những kẻ săn đầu người ở Borneo trước khi tiến vào vùng đất của người Tarahumara vào cuối những năm 1890. Nhưng bạn có thể cảm nhận được ngay cả sức chịu đựng ngoan cường của ông ta cũng bị mài mòn sau khi ông lê lết qua các sa mạc và các vách đá chết người, để rồi cuối cùng tới được xứ Tarahumara mà vẫn… không tìm thấy một ai.
“Nhìn ngắm những rặng núi này sẽ cho ta cảm giác phấn chấn tinh thần; nhưng leo qua những ngọn núi đó lại làm kiệt quệ cả cơ bắp lẫn lòng nhẫn nại,” Lumholtz đã viết như vậy trong cuốn sách Một Mexico chưa được biết đến: Ghi chép về năm năm thám hiểm các bộ lạc ở dãy Sierra Madre phía Tây. “Không một ai, trừ những người đã từng vượt qua các ngọn núi ở Mexico, có thể hiểu và nhận thức được những khó khăn và nỗi lo lắng khi tham gia một chuyến đi như vậy.”
Và trước hết, đó là nếu như bạn có thể đi tới được những ngọn núi ấy. “Khi mới tới nơi, vùng đất của người Tarahumara cứ như thể không cách gì tiếp cận được,” nhà biên kịch người Pháp Antonin Artaud đã cằn nhằn như vậy, sau khi ông ta đổ mồ hôi và tiến từng inch một trên đường đi vào Copper Canyons để tìm kiếm kiến thức uyên thâm của các pháp sư bản địa (shaman). “Nhiều lắm thì cũng chỉ có vài lối mòn được đánh dấu sơ sài, mà cứ vài chục mét lại như thể biến mất vào lòng đất.” Khi Artaud và những người dẫn đường của ông ta cuối cùng cũng phát hiện thấy một lối đi, thì họ cũng phải trấn tĩnh một lúc trước khi tiến bước: bám theo phương sách tốt nhất để làm nản lòng những kẻ đuổi theo mình, là đi tới những nơi mà chỉ có kẻ điên mới dám vào theo, người Tarahumara tạo nên những lối mòn ngoằn ngoèo trên những địa hình dốc đứng mà đi theo chẳng khác nào tự sát.
“Chỉ cần bước nhầm một bước,” một nhà mạo hiểm tên là Frederick Schwatka viết trong sổ tay của mình trong một chuyến thám hiểm Copper Canyon vào năm 1888, “thì người leo núi sẽ tự ném mình xuống đáy thung lũng sâu từ sáu mươi đến chín mươi mét, chết không toàn thây.”
Schwatka hoàn toàn không phải là một nhà thơ người Paris kiểu cách; ông ta là một trung sỹ Lục quân Hoa kỳ, đã từng sống sót ngoài chiến trận và sau đó đã sinh sống giữa những người Sioux với tư cách là một nhà nhân chủng học nghiệp dư, vì vậy, ông biết rõ chết không toàn thây là như thế nào. Ông ta cũng đã từng đi qua những vùng đất tệ hại nhất, trong đó có cả một cuộc thám hiểm khủng khiếp ở Vòng Bắc Cực. Nhưng khi tới Copper Canyons, ông ta đã phải sửa lại bảng xếp hạng của mình. Nhìn lướt qua đại dương hoang mạc quanh mình, Schwatka cảm thấy trào dâng niềm ngưỡng mộ – “Trái tim của dãy Andes hay các đỉnh của dãy Himalaya cũng không có nhiều cảnh quan hùng vĩ hơn được tầng tầng lớp lớp núi non hoang dã chưa được biết tới của dãy Sierra Madre của Mexico” – trước khi bị kéo trở lại với nỗi hoang mang phát bệnh: “Làm thế nào họ có thể nuôi dạy lũ trẻ trên những vách núi này mà không mất mát với tỉ lệ một trăm phần trăm hàng năm, đối với tôi, là một trong những điều bí hiểm nhất của những con người kì lạ này.”
Ngay cả ngày nay, khi mạng Internet đã thu hẹp thế giới lại thành một ngôi làng toàn cầu và các vệ tinh của Google cho phép bạn nhìn trộm sân sau của một người lạ ở tận đầu kia đất nước, thì những con người Tarahumara truyền thống vẫn sống lẩn quất như những bóng ma, hệt như bốn trăm năm trước. Khoảng giữa những năm 1990, một nhóm các nhà thám hiểm đã dấn sâu vào vùng Barrancas và rồi bất ngờ bị bối rối khi cảm nhận thấy những con mắt vô hình đang theo dõi:
“Nhóm nhỏ của chúng tôi đã leo núi nhiều tiếng đồng hồ xuyên qua Barranca del Cobre của Mexico – vùng Copper Canyon – mà không nhìn thấy dấu vết của con người,” một thành viên của đoàn thám hiểm viết. “Và giờ đây, ở trung tâm của thung lũng còn sâu thẳm hơn cả Grand Canyon, chúng tôi nghe thấy văng vẳng tiếng trống của người Tarahumara. Những nhịp trống đơn giản ban đầu rất yếu ớt, rồi nhanh chóng hợp lại và mạnh lên. Vang vọng khắp các mỏm núi, thật khó mà nắm được các âm thanh phát ra từ đâu và với số lượng như thế nào. Chúng tôi hỏi người dẫn đường về hướng đi, ‘Quién sabe?’ cô ta nói. ‘Ai mà biết được? Người Tarahumara mà không muốn thì sẽ chẳng để ai trông thấy đâu.”
Mặt trăng vẫn còn ở trên cao khi chúng tôi lên đường trên chiếc xe bán tải hai cầu đáng tin cậy của Salvador. Khi mặt trời mọc, chúng tôi đã rời xa khỏi đường cái và đang xóc nảy tưng tưng trên một con đường đất trông giống một lòng suốt hơn là đường đi, nhích lên bằng số thấp, chốc chốc lại chồm lên, lao xuống như một con tàu chạy bằng hơi nước giữa cơn bão biển.
Tôi cố theo dấu vị trí hiện tại của mình bằng một cái la bàn và bản đồ, nhưng đôi lúc tôi không dám chắc Salvador đang cố tình đi vào ngã rẽ hay chỉ đang né tránh một tảng đá lớn. Và chẳng lâu sau thì vị trí của chúng tôi đang ở đâu cũng không còn quan trọng nữa, vì đó không phải là phần thế giới đã được biết đến; chúng tôi vẫn đang đi ngoằn ngoèo dọc theo một lối nhỏ giữa rừng cây cối, nhưng trên bản đồ thì chẳng có gì ngoài rừng rậm chưa được đánh dấu.
“Mucha mota por aquí,” Salvador nói, chĩ tay về phía các ngọn đồi xung quanh chúng tôi. Quanh đây rất nhiều cây cần sa.
Vì vùng Barrancas là bất khả xâm phạm đối với cảnh sát, khu vực này đã trở thành căn cứ của hai băng đảng ma tuý đối đầu nhau, băng Los Zeta và băng New Bloods. Tất cả đều gồm các cựu lính đặc nhiệm và cực kì tàn nhẫn; băng Zeta nổi tiếng với việc ném các cảnh sát không chịu hợp tác vào các thùng dầu đang cháy và đem những tù binh từ băng đảng đối lập cho biểu tượng của băng Zeta – một con hổ vùng Bengal – ăn thịt. Sau khi các nạn nhân ngừng la hét, những cái đầu cháy sém hoặc bị hổ gặm của họ sẽ được cẩn thận lấy lại để làm công cụ marketing; các băng đảng thích đánh dấu lãnh địa của mình, như đã từng làm một lần, bằng cách cắm đầu của hai viên cảnh sát phía ngoài một toà nhà chính quyền với một tấm biển đề dòng chữ bằng tiếng Tây Ban Nha HÃY HỌC CÁCH TÔN TRỌNG. Cùng trong tháng đó, năm cái đầu khác được ném lên sàn nhảy của một câu lạc bộ đêm đông đúc. Ngay cả ra tới tận đây, ở rìa vùng Barrancas, mỗi tuần lại xuất hiện thêm 6 xác chết.
Nhưng Salvador có vẻ như chẳng hề quan tâm. Anh ta lái xe xuyên qua rừng cây, lớn tiếng phàn nàn về một cô ả rắc rối nào đó tên là Maria. Bỗng nhiên, anh ta nín bặt. Anh ta tắt máy phát nhạc, nhìn trân trối vào một chiếc xe Dodge bán tải có cửa kính đen tuyền vừa chui ra khỏi màn bụi trước mặt chúng tôi.
“Narcotraficantes,” anh ta lẩm bẩm.
Những kẻ vận chuyển ma tuý. Salvador nhích xe sát hết mức vào mép vách đá bên tay phải chúng tôi và nhả bớt chân ga, giữ tốc độ ở mức đâu đó giữa vận tốc trung bình mà chúng tôi đã đi, khoảng mười dặm một giờ xuống đến dừng hẳn, nhường hết phần đường mà anh ta có thể cho chiếc Dodge màu đỏ.
Anh ta cố tỏ ra là không muốn gây chút rắc rối nào. Chúng tôi chỉ đang lo chuyện riêng, không liên quan gì đến ma tuý. Chỉ là đừng có dừng lại… bởi vì chúng tôi biết nói gì đây, nếu họ chặn chúng tôi lại, lần lượt ra khỏi xe, yêu cầu chúng tôi phải nói chậm rãi và rõ ràng trước họng các khẩu súng trường tấn công trong khi chúng tôi giải thích rằng chúng tôi đang làm cái việc quái quỉ gì tít tận nơi này, giữa vùng đất cần sa của Mexico.
Chúng tôi cũng chẳng thể nói sự thật; nếu bọn họ tin chúng tôi, thì chúng tôi sẽ chết. Những kẻ mà các băng đảng ma tuý Mexico thù ghét ngang với cảnh sát, chính là các ca sĩ và đám phóng viên. Ca sĩ ở đây không phải là từ lóng ý nói mấy kẻ chỉ điểm; mà là bọn họ gét các ca sĩ thực sự, tay gẩy ghi-ta, ca các bài trữ tình. Mười lăm ca sĩ đã bị xử tử bởi các băng đảng ma tuý chỉ trong vòng mười tám tháng, bao gồm cả Zayda Pena, ca sĩ hát chính xinh đẹp hai mươi tám tuổi của ban nhạc Zayda y Los Culpables, bị bắn sau một buổi hoà nhạc; cô ấy sống sót nhưng rồi nhóm sát thủ lại theo dấu đến tận bệnh viện và bắn cô chết hẳn khi cô ấy đang hồi phục sau ca phẫu thuật. Chàng trai trẻ hào hoa Valentín Elizalde bị giết dưới một làn đạn AK-47 ngay bên kia biên giới ở McAllen, Texas, và Sergio Gómez bị giết không lâu sau khi anh ta được đề cử giải Grammy; bộ phận sinh dục của anh ta bị đốt, sau đó anh ta bị bóp cổ cho đến chết và vứt xác trên đường phố. Điều khiến họ bị trừng phạt, như mọi người phỏng đoán, là danh tiếng và vẻ ngoài đẹp đẽ, cũng như tài năng của họ; các ca sỹ như thách thức những kẻ cầm đầu các băng đảng ma tuý về tầm quan trọng của chúng, và vì vậy, họ bị khép vào tội chết.
Án tử lạ lùng đối với những ca sỹ hát nhạc trữ tình này vừa mang tính cảm xúc, vừa khó lường trước, nhưng đối với các phóng viên thì hoàn toàn là công việc. Các tin bài về băng đảng ma tuý được đăng trên các tờ báo Mỹ, làm xấu hổ các chính trị gia người Mỹ, và tạo áp lực lên Cục phòng chống ma tuý, buộc họ phải điều tra gắt gao hơn. Bị chọc tức, băng Zeta ném lựu đạn vào phòng tin tức, và thậm chí còn gửi sát thủ qua biên giới Mỹ để hạ sát các nhà báo thích gây phiền hà. Sau khi ba mươi phóng viên bị giết trong vòng sáu năm, tổng biên tập của tờ Villahermosa tìm thấy một cái đầu của một kẻ tay chân cấp thấp trong băng ma tuý bên ngoài văn phòng của mình với tờ giấy ghi, “Tiếp theo là mày.” Tình trạng chết chóc này tệ tới mức, Mexico cuối cùng đã đứng hàng thứ hai, chỉ sau Iraq về số phóng viên bị giết hoặc bắt cóc.
Và lúc này, chúng tôi đã bớt cho các băng đảng một đống rắc rối, một ca sĩ và một nhà báo lái xe thẳng vào sân sau nhà bọn chúng. Tôi giấu ngay cuốn sổ tay của mình vào túi quần và liếc nhanh ghế trước xem còn gì phải giấu đi không. Nhưng chỉ là vô vọng, Salvador để đống băng nhạc do ban của anh ta chơi khắp nơi, còn trong ví của tôi có một tấm thẻ nhà báo đỏ tươi, ở dưới chân tôi là một cái ba lô đầy các máy ghi âm, bút và một chiếc máy ảnh.
Chiếc xe Dodge màu đỏ đỗ lại ngay cạnh xe chúng tôi. Đó là một ngày nắng chói chang, với ngọn gió mang hương gỗ thông dịu mát thoang thoảng, nhưng tất cả cửa kính chiếc xe bán tải đều đóng chặt, cho phép những người trong xe kia ẩn mình hoàn toàn sau những tấm kính đen tuyền. Chiếc xe kia chậm dần lại như bò trên đường.
Cứ đi tiếp đi, tôi niệm thầm trong đầu. Đừng có dừng lại, đừng dừng lại, đừng, đừng…
Chiếc xe bán tải dừng hẳn lại. Tôi liếc mắt sang trái và nhìn thấy Salvador đang nhìn chăm chăm thẳng ra phía trước, hai bàn tay anh ta khoá cứng trên vô lăng. Tôi lại phóng tầm mắt ra phía trước và không dám nhúc nhích.
Chúng tôi ngồi im.
Họ ngồi im.
Chúng tôi im lặng.
Họ cũng im lặng.
Sáu vụ án mạng trong vòng một tuần, tôi nghĩ. Đốt cháy bộ phận sinh dục. Tôi có thể nhìn thấy đầu của mình lăn giữa những chiếc giày cao gót trên một sản nhảy nào đó ở Chihuahua.
Bất thình lình, tiếng máy xe gầm lên xé tan không khí. Mắt tôi lại liếc sang trái lần nữa. Chiếc xe Dodge màu đỏ bắt đầu động đậy và lăn bánh tiếp.
Salvador quan sát gương chiếu hậu cho tới khi chiếc xe chết chóc biến mất hẳn sau một đám bụi. Sau đó, anh ta đạp tay lên vô lăng và lại bật băng nhạc vang những tiếng yay-yay-yay của mình.
“Bueno!” anh ta hét. “Ándale pues, a más aventuras!” Tuyệt vời! Tiếp tục phiêu lưu nào!
Các cơ bắp co cứng đến mức có thể bóp vỡ hạt dẻ của tôi lại dần dần dãn ra. Nhưng chẳng được lâu.
Vài giờ sau, Salvador giẫm phanh. Anh ta lùi lại, rẽ gắt sang phải khỏi lối mòn, và bắt đầu đi giữa các hàng cây. Chúng tôi đi càng lúc càng sâu hơn vào rừng, lăn bánh trên đám lá thông và xóc nảy trên những cái rãnh sâu tới mức đầu tôi cụng hẳn vào trần xe.
Rừng càng tối, Salvador càng im lặng hơn. Lần đầu tiên kể từ lúc chạm trán với chiếc xe chết chóc, anh ta phải tắt hẳn nhạc.Tôi cứ nghĩ anh ta đang cảm nhận sự tĩnh mịch và bình lặng, nên tôi cũng cố ngả lưng ra và cùng tận hưởng với anh ấy. Nhưng cuối cùng, khi tôi phá vỡ bầu không khí im lặng và hỏi anh ta một câu, thì anh ta càu nhàu với vẻ bực bội. Tôi bắt đầu nghi ngờ điều gì đang xảy ra: chúng tôi bị lạc, và Salvador không muốn thừa nhận điều này. Tôi quan sát anh ta kĩ hơn, và nhận ra rằng anh đang đi chậm lại để nghiên cứu các thân cây, như thể trên các cành cây đó bản đồ chỉ đường được mã hoá nào đó.
“Chúng tôi toi rồi,” tôi nhận ra. Chúng tôi chỉ có một phần tư cơ hội để lối rẽ này là đúng, với ba khả năng còn lại là: quay trở lại lãnh địa của băng Zeta, lao xuống một vực thẳm trong bóng đêm, hoặc đi lòng vòng giữa vùng hoang vắng cho tới khi hết nhẵn các phong kẹo Clif Bar và một trong số chúng tôi sẽ ăn thịt kẻ còn lại.
Và sau đó, cũng như mặt trời lặn xuống, chúng tôi tiêu đời.
Chúng tôi thoát ra khỏi rừng cây và thấy cả một đại dương trống rỗng phía trước – một rãnh nứt trên mặt đất lớn tới mức mà phía bên kia rất có thể nằm ở múi thời gian khác. Phía dưới kia, trông như thể một vụ nổ ngày tận thế bị đông cứng lại thành đá, cứ như một vị thần giận dữ nào đó đang phá huỷ hành tinh này dở dang, thì thay đổi ý định giữa chừng. Tôi đang nhìn vào hai mươi nghìn dặm vuông hoang mạc, bị cắt ngẫu nhiên thành các hẻm núi sâu hơn và rộng hơn cả Grand Canyon.
Tôi bước tới rìa vựa, và thấy tim mình bắt đầu đập loạn lên. Ngã xuống đây thì chắc rơi mãi không tới đáy. Xa xa phía dưới, các con chim đang chao lượn. Tôi có thể nhìn ra dòng sông lớn chảy xiết dưới đáy thung lũng; nó trông như một mạch máu nhỏ xíu màu xanh trên tay của một ông già. Bụng tôi quặn lại. Làm thế quái nào chúng tôi xuống được dưới đó đây?
“Ta sẽ làm được thôi,” Salvador trấn an tôi. “Người Rarámuri làm suốt ấy mà.”
Khi tôi trông có vẻ chẳng vui thêm tẹo nào, thì Salvador nhắc thêm một điểm tích cực. “Này, như vậy tốt hơn đấy,” anh ta nói. “Chỗ này dốc tới mức đám vận chuyển ma tuý chẳng dám léo hánh dưới đó đâu.”
Tôi không hiểu anh ta thực sự tin như vậy, hay chỉ đang nói dối để làm tôi vững bụng thêm. Dù sao thì anh ta cũng biết rõ hơn tôi.
— Hết chương 3 —
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.