Tập Các Môn Thể Thao Sức Bền Làm Tăng Nguy Cơ Xơ Hoá Cơ Tim

Hội nghị thường niên của ESC (European Society of Cardiology, Hiệp hội Tim mạch Châu Âu) là hội nghị Tim mạch lớn nhất thế giới, mỗi năm có 25-30 ngàn đại biểu tham gia.

Trong danh mục các bài báo cáo đáng chú ý tại Hội nghị năm nay có kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trường Đại học Tổng hợp Utah, Salt Lake City, Hoa Kỳ. Theo đó, tập thể thao sức bền tăng nguy cơ xơ hoá cơ tim. Có thể tóm tắt nghiên cứu này như sau: họ so sánh 16 VĐV đã tập các môn sức bền >10 năm (thời gian tập luyện trung bình >10 tiếng mỗi tuần), với 20 người bình thường khoẻ mạnh.

Cả hai nhóm đều được chụp MRI tim, dựng hình 3D. Kết quả cho thấy, nhóm VĐV có điểm xơ hoá nhĩ trái là 13.7% ± 5.4, so với 11.8% ± 7.3 ở nhóm bình thường, mặc dù nhóm VĐV có tuổi trung bình thấp hơn [1].

Xơ hoá cơ tim (fibrosis) là một trong các quá trình lão hoá của cơ thể, nó cũng tự nhiên như da sẽ có nếp nhăn, tóc sẽ bạc, mắt sẽ mờ, các mảng mỡ sẽ lắng đọng trong thành mạch máu. Không giống như chụp ảnh selfie, tỉ lệ xơ hoá cơ tim ở tuổi trung niên và tuổi mới lớn khác nhau rất rõ rệt.

Những biến đổi cấu trúc tim có thể dẫn đến biến đổi về hoạt động điện (cơ tim hoạt động sinh ra dòng điện, dù rất yếu thôi). Thay đổi điện học là một trong các căn nguyên dẫn đến rối loạn nhịp tim như rung nhĩ. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan giữa xơ hoá nhĩ trái với rung nhĩ [2], [3].

Thậm chí, có một hội chứng tên là PAFIYAMA (paroxysmal AF in young and middle-aged athletes, rung nhĩ kịch phát ở vận động viên trẻ tuổi và trung niên). Theo đó, mặc dù trong cộng đồng dân cư bình thường, tỉ lệ rung nhĩ chỉ là 0.5% ở người trẻ tuổi và 5-9% ở người >65, tỉ lệ bệnh tăng lên đáng kể ở những người chơi thể thao sức bền (strenuous endurance exercise, viết tắt SEE).

Các môn SEE ở đây cụ thể là đạp xe đường trường, chạy marathon, và trượt tuyết đường trường (cross-country skiing). Những người chơi SEE lâu năm có tỉ lệ rung nhĩ dao động từ 0.3 đến 12.8%, tuỳ từng nghiên cứu [3].

Cuối cùng, rung nhĩ có nguy hiểm không, hay cụ thể hơn, có gây chết người hay không. Câu trả lời là CÓ (google “atrial fibrillation” để biết thêm chi tiết). Nếu đi quá sâu về vấn đề này, chúng ta sẽ quay lại với câu hỏi muôn thuở: tập thể thao để “khoẻ” hay “khoẻ mạnh” (“fit” vs “healthy”, ngôn ngữ tiếng Anh có vẻ phong phú hơn tiếng Việt). Câu trả lời có lẽ nằm ở chính mỗi người, không dễ để lựa chọn sống đến 80 tuổi hay sống đến 75 tuổi nhưng lại được chạy VMM và cày mileage mỗi sáng mỗi đêm.

Tài liệu tham khảo:

1. Endurance training is associated with a high degree of left atrial fibrosis. https://www.escardio.org/…/endurance-training-is-associated…

2. Effect of lifetime endurance training on left atrial mechanical function and on the risk of atrial fibrillation. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24342396

3. Atrial fibrillation in highly trained endurance athletes – Description of a syndrome. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/27776250

About the Author chay365

follow me on:
>
0 Shares