Vài mẩu chuyện về chạy giải

Tôi vẫn nhớ hồi đầu tháng 12 năm 2012. Một ngày sau Singapore Standard Chatered Marathon, tôi đi từ ga Outram Park ra nhà ga trung tâm City Hall. Trên tài điện ngầm, rồi cả MRT (ga tàu điện ngầm) rộng lớn ngập tràn những người mặc áo đồng phục in dòng chữ “42,195 km finisher”, đầu ngẩng cao đầy kiêu hãnh. 5 tháng sau, tôi mới bắt đầu tập chạy đường dài, nhưng dường như đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy, chạy giải không chỉ đơn thuần là chạy bộ.

Tôi thường nghĩ lại những lần chạy giải (“race) của mình với thật nhiều kỷ niệm đẹp và cảm xúc khó quên. Nếu bạn cho rằng “race” chỉ đơn thuần là đeo số bib, xuất phát cùng nhiều người khác, và chạy một quãng đường nhất định, bạn đã nhầm. Chúng ta phải bỏ tiền để “race”, và với tôi, đó là tiền để được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ sự hồi hộp trong giai đoạn taper, sự hưng phấn náo nức khi lấy số bib, đến cảm giác rạo rực khi tập trung khởi động trước giờ xuất phát. Dĩ nhiên còn cả sự tự hào ngấm ngầm nhiều ngày sau đó, trưng ra áo “finisher” đi lại ngoài phố, hay ngắm bộ sưu tập kỷ niệm chương treo trên tường. Ngay cả bữa ăn tối cuối cùng trước hôm race – bữa “carbo loading” – dường như cũng đặc biệt hơn những bữa ăn thông thường.

Lần đầu tiên tôi chạy “race” là giải Sông Hồng Half Marathon năm 2013 – một giải nhỏ, hết sức nghiệp dư, tổ chức bởi các tình nguyện viên. Tôi đứng lẫn trong đám đông phía sau, chỉ bắt đầu chạy khi người đầu tiên đã xuất phát được vài phút (ở một giải tính thời gian theo “gun time” thay vì “chip time”, xuất phát chậm là một bất lợi không nhỏ). Nhưng tôi không có thời gian nghĩ đến điều đó. Tôi bận chỉnh RunKeeper, rồi mở bài nhạc quen thuộc và áp vào tai nghe. Tôi vẫn nghe những bài hát quen thuộc, khởi động chạy theo cách tôi thường làm, tất cả không khác gì một buổi chạy thông thường, chỉ khác là ở đây tôi chạy cùng rất nhiều người nữa. Một cảm giác sung sướng khó tả dâng lên trong lòng. Về sau tôi chạy nhiều giải lớin hơn, như chạy cùng hàng chục ngàn người ở Singapore Sundown, nhưng không gặp lại cảm giác rộn ràng như lần “race” đầu tiên ở giải Sông Hồng 2013 nữa.

Một sớm đầu tháng 9 năm 2014, chúng tôi phải lái xe 70 dặm từ Los Angeles đến thị trấn Ventura để chạy giải. Giờ xuất phát của cự ly FM là 6h30, vì vậy chúng tôi rời thành phố lúc 4 giờ sáng. Hôm đó là ngày Trung thu, trên đường cao tốc không một bóng người, chỉ có ánh trăng rằm tròn trịa nhuốm một màu vàng kì ảo. Bạn tôi mở một bản nhạc hào tráng, nói em thường nghe bài này khi sắp kiệt sức, để lấy tinh thần chạy tiếp. Tôi phóng xe với tốc độ 90 dặm một giờ, nghe nhạc, và nhớ lại những lần adrenaline trào lên trong máu sau khúc cua cuối cùng – khi vạch đích thấp thoáng trước mặt. Tất cả mọi thứ xung quanh tôi, đường cao tốc, ánh trăng, bạn gái, âm nhạc, cả những rặng núi tối đen thấp thoáng đằng xa…, chợt đẹp một cách mê muội. Ngay từ lúc chưa xuất phát, tôi biết mình đã đúng khi quyết định tham gia giải chạy này.

Chạy race là một cơ hội tốt để đạt thành tích cá nhân (PR), nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải có PR. Hôm chạy Ventura, tôi có khoảng 5 km chạy cùng tốp dẫn tốc (pacer) 3h55. Dẫn đầu tốp chạy là một bác tầm 50 tuổi, người đỏ au rắn rỏi, nhìn đã biết là dân chạy đường dài lâu năm. Nhìn cách chạy, tôi biết người đàn ông này có thể chạy nhanh hơn rất nhiều lần. Có thể ông đang taper, đang thư giãn, hoặc đơn giản là chỉ muốn lấy giải chạy này làm một buổi tập thông thường – một buổi chạy mà ông sẽ hoàn thành 42km trong 3 giờ 55 phút. Ông vừa chạy vừa trò chuyện và cổ vũ những người xung quanh. “Cô chạy marathon lần nào chưa?” – “Đây là lần chạy marathon đầu tiên của tôi, nhưng tháng 10 tôi sẽ chạy ở Chicago” – “Thật tuyệt, lần đầu tiên mà chạy dưới 4 giờ là oách lắm, nhưng cô không nên chạy nhanh quá, giữ tốc độ vừa phải thôi”,… Tôi còn nghe được nhiều câu chuyện đại loại thế trước khi quyết định bứt khỏi nhóm này.

10 km cuối cùng trên đường chạy Ventura, mặt trời bắt đầu lên cao và đôi chân tôi nặng trịch. Tôi bắt đầu leo lên con dốc cuối cùng. Qua ngã tư, hai cô bé dừng xe đạp nhường tôi chạy qua, một cô chép miệng đầy thông cảm “Running is hard, running is hard”, cô kia thì gật gù ra vẻ hiểu biết “I know…”. Chạy bộ đường dài ở Mỹ rất thích. Vì dọc đường “race” có rất nhiều tình nguyện viên và cổ động viên. Có những người kiên nhẫn dừng xe 15 phút chờ người chạy bộ băng qua. Họ không cáu giận mà còn liên tục vỗ tay cổ vũ “You rock”, “Great job”,… làm mình hết sức hưng phấn. Tôi tin chắc những người đó cũng đã từng chạy bộ đường dài, có thể họ từng tham gia vài ba giải và thấu hiểu các trải nghiệm trên đường chạy. Ngoài ra còn rất nhiều người, già trẻ đủ loại, đứng dọc đường chạy, chủ động mang ra các loại chuông và khẩu hiệu tự chế. Các khẩu hiệu khá thú vị, đại loại như “Pain is temporary, but posting to FB is forever”,…

Tôi chưa chạy giải nhiều lắm, có lẽ vì thế hay căng thẳng và đặt quyết tâm cao khi race. Khi chạy Ventura, tôi gặp nhiều người hết sức thư giãn. Chạy race như một ngày hội. Có người vừa chạy vừa đập bóng rổ (một quả, hoặc hai quả hai tay), rất nhiều người chạy chân trần. Còn thể loại mặc trang phục như siêu nhân, người nhện, người khổng lồ xanh,… đông không đếm xuể. Ngay trong giải Sông Hồng 2014 vừa rồi, có một chị người Nhật cũng nổi bật với kiểu tóc xù nhiều màu, nhìn hết sức ấn tượng.

Chạy race không nhất thiết phải chạy nhanh. Có rất nhiều mục tiêu khi race, mục tiêu phổ biến nhất là cán đích một cách tươi tỉnh và thoải mái. Không hiếm trường hợp tôi gặp người đi bộ ngay từ khi được nửa quãng đường. Nhưng nhìn cách họ đi bộ, tôi biết rằng đó là một chiến thuật chủ động và nhiều khả năng những người đó sẽ về tới đích.

Ngày mai, rất nhiều bạn tôi sẽ xuất phát ở giải chạy HCMC Run. Nhân dịp này ghi lại vài mẩu chuyện nho nhỏ về những kỉ niệm chạy race của mình. Chúc tất cả mọi người chạy tốt, chạy vui. Hẹn gặp mọi người trong các giải chạy sắp tới.

About the Author Mr Marathoner

>
0 Shares