Nhiều người bảo mình, đăng ký giải (nhất là giải ở nước ngoài nữa) mà cứ cố chạy nhanh thì phí lắm, tà tà tận hưởng sẽ “đáng đồng tiền bát gạo” hơn. Nhưng tham gia chạy giải đâu chỉ có 3-4 tiếng trong ngày thi đấu, mà là quá trình kéo dài vài tháng, từ lúc lên chiến thuật, tập luyện, đến expo lấy bib, bữa load carb trước cuộc đua…
Ngày đua chỉ là 42 km cuối cùng của một chặng đường rất dài. 360 USD (phí đăng ký giải New York City Marathon) cho vài tháng là một cái giá quá rẻ. Trải nghiệm khi luyện tập đôi khi thật khó diễn tả bằng lời. Nó cũng không cầm nắm được như một tấm medal, không quan sát hay bình luận được như bản track-log.
Có ai ghi lại giọt mồ hôi nhễ nhại trong những sớm mùa hè oi ả, bước chân đạp xuống mặt đường làm nước bắn lên tung toé trong một chiều mưa rả rích, hay nhịp tim rộn ràng sau buổi chạy tempo? Nhưng cảm xúc của ta vẫn có thể chạm vào nó, ghi lại trong ký ức.
Như khi bạn đi nghe Broadway, nếu không chụp ảnh “check-in”, chẳng còn gì lưu giữ lại buổi nhạc kịch đó cả, âm thanh, ánh sáng, ánh mắt của nữ diễn viên chính, các động tác vũ đạo… Nhưng bạn vẫn nhớ trải nghiệm ấy mãi, và sẵn sàng bỏ tiền mua vé cho những lần tiếp theo.
Hạnh phúc không có chuẩn chung, với một số người là iPhone thế hệ mới nhất, với người khác lại là âm nhạc của Bach hay Andrew Lloyd Webber… Thế nên đừng nói về "đồng tiền bát gạo"!
Hôm nay mình xem lại video môn điền kinh ở SEA Games, ngắm những bước chạy đẹp như linh dương cùng tinh thần chiến đấu hết mình của Nguyễn Thị Oanh, Hồng Lệ, Dương Văn Thái, Tú Chinh, Nguyễn Thị Huyền, Trần Nhật Hoàng, cùng rất nhiều người nữa trên đường chạy, quá cảm động và tự hào. Có ai đong đếm thời gian và công sức đã bỏ ra cho vài phút hay vài chục giây ngắn ngủi cháy rực dưới ánh mặt trời?
Với mình, vẻ đẹp thể thao là vẻ đẹp của nỗ lực thách thức giới hạn bản thân: "Chạy bộ là món quà". Tham gia thi đấu trong một giải chạy, dù chỉ ở cấp độ địa phương hay sự kiện marathon lớn nhất thế giới, cũng là một món quà dành cho người yêu chạy bộ. Vì theo một cách nào đó, chúng ta được trải nghiệm đủ cung bậc cảm xúc, đau đớn hay ngọt ngào, tưởng chỉ là đặc quyền của các vận động viên chuyên nghiệp.
Thành tích có thể chênh lệch, nhưng sự rệu rã của đôi chân sau buổi chạy đường dài, hay hơi thở hổn hển trong cữ chạy biến tốc, nào có gì khác biệt? Chia sẻ trải nghiệm này là một cảm giác cực kỳ đặc biệt với mình, người không có tố chất thể thao (chính vì vậy mới chọn chạy bộ, môn chơi không đòi hỏi nhiều kỹ thuật).
Mình đồng cảm với ánh mắt của vận động viên sau vạch đích, “Bất kỳ người chạy bộ nào, dù chạy nhanh hay chậm, đều hiểu được sự cống hiến và dũng cảm cần có để có thể chạy hết khả năng của mình”.
5 năm trước, vào một ngày đông lạnh giá 8ºC, mình hoàn thành cự ly Half Marathon (giải Sông Hồng) trong 1 giờ 32 phút, để sau đó phải nghỉ cả tuần vì đôi chân tê dại. Giờ đây, khi đã già thêm 5 tuổi, mình đủ sức chạy nhanh hơn thế, với cự ly dài hơn, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi bằng, mà vẫn hoàn toàn sung sức cho tuần tập luyện tiếp sau đó.
Con sư tử tự hào về sức mạnh của mình, chó săn mồi tự hào về cái mũi thính nhạy, nhà khoa học tự hào về kiến thức uyên bác, phẫu thuật viên tự hào về đường mổ khéo léo và điêu luyện... Người chạy bộ cũng vậy thôi. Điều tuyệt diệu nhất không phải được cầm trên tay tấm huy chương, mà là tận hưởng cảm giác nhanh hơn và bền bỉ hơn mỗi ngày. Trải nghiệm ấy có tiền bạc nào mua được?