16 “tác dụng phụ” của chạy bộ

Khoa học đã chứng minh tập luyện chạy bộ mang lại nhiều tác dụng tích cực đối với cơ thể như giúp tăng cường sức khỏe hệ tim mạch, giúp xương khỏe hơn, giảm nguy cơ bệnh tim, bệnh tiểu đường và mỡ máu, giảm nguy cơ ung thư, giúp khớp khỏe hơn, giảm căng thẳng và giúp tâm trí minh mẫn, suy nghĩ tích cực hơn. Tuy nhiên, chạy bộ cũng mang theo mình những “tiếng xấu” vì những “tác dụng phụ” mà nó để lại đối với cơ thể, từ các bộ phận như gối cho đến móng chân, đặc biệt ở những người mới tập. Vậy khi chúng ta bắt đầu tập chạy, chuyện gì sẽ xảy ra đối với một số bộ phận trên cơ thể?

1. Móng chân đen

Đáng tiếc đây là tác dụng phụ rất phổ biến khi bắt đầu chạy bộ. Tất nhiên, không nhất thiết ai mới chạy cũng sẽ bị tác dụng phụ này nhưng khi chúng ta tăng quãng đường hoặc chạy thường xuyên hơn, hãy chú ý quan sát tình trạng dần đổi màu ở móng chân. Nhưng vì sao móng chân lại bị đen? Có ba nguyên nhân bao gồm giày quá chật, móng chân dài cọ xát với giày và bấm ngón chân quá chặt trong khi chạy.

Dù là nguyên nhân gì thì hậu quả cũng không có sự khác biệt, mạch máu dưới móng chân sẽ vỡ, máu tràn vào vùng khoảng trống giữa móng chân và phần đế móng khiến móng chân chuyển màu. Tiếc là chúng ta không có có giải pháp nào để giải quyết ngay lập tức tình trạng này. Khi lớp da phía dưới móng lành trở lại, móng chân đen sẽ chết và rụng để móng mới phát triển trở lại.

2. Cọ xát

Một vết thương nữa mà chạy bộ để lại là vết xước do cọ xát, có thể là cọ xát giữa một bộ phận cơ thể với bộ phận khác hoặc với quần áo. Để giải quyết vấn đề cọ xát, chúng ta cần có biện pháp phòng bị như mặc quần áo thông thoáng và vừa vặn, bôi chất bôi trơn lên vùng hay bị cọ xát (thường xảy ra ở vùng mặt trong của đùi) và giữ ẩm cho da.

Nếu bị cọ xát, cần thu xếp tắm ngay sau bài chạy và sử dụng xà bông kháng khuẩn để tránh bị nhiễm trùng. Có thể bôi các loại kem chống hăm để bảo vệ vùng da bị tổn thương.

3. Phồng rộp

Phồng rộp là hậu quả của sự cọ xát giữa da với một bề mặt khác, thường là tất/vớ, giày hoặc cả hai. Nếu vết phồng rộp gây đau đớn, cần xem lại đã đi đúng kích cỡ giày chưa hoặc đã buộc giày chặt trước khi chạy hay chưa. Có thể thử mang hai đôi với mỏng thay vì mang một đôi để tình trạng cọ xát xảy ra giữa hai lớp vớ thay vì với da.

4. Giật cơ

Sau bài chạy nặng, việc cơ bị co giật khi nằm nghỉ sau bài chạy có thể là dấu hiệu cơ thể không được bổ sung đầy đủ năng lượng sau chạy. Cơ thể mất muối và canxi qua tuyến mồ hôi và đây là hai loại điện giải phụ trách quá trình thả lỏng cơ. Ở nữ giới, đây có thể là dấu hiệu thiếu sắt nhẹ. Cần lưu ý bổ sung canxi (qua các loại thực phẩm như sữa, đậu…), muối và sắt trong bữa ăn sau khi chạy.

5. Ngủ sâu hơn và tập trung tốt hơn

Nghiên cứu thực hiện đối với 51 thanh niên cho thấy những người chạy đều có giấc ngủ sâu hơn, có dấu hiệu cải thiện chức năng tâm lý và tập trung tốt hơn trong ngày. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng chỉ cần chạy ở ngưỡng trung bình khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần trong 3 tuần là có thể thu được những lợi ích này.

6. Cảm thấy hạnh phúc hơn

Thực tế đã chứng minh, những người chạy bộ là những người có cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc hơn. Một nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học tại Đại học Glasgow Caledonian thực hiện đã chỉ ra rằng 89% các chân chạy cho biết chạy thường xuyên giúp họ cảm thấy hạnh phúc hơn cũng như chạy bộ mang lại tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của họ.

7. Xóc hông

Nếu khi đang chạy mà cảm giác cơn đau nhẹ, thường là bên sườn phải, khiến chúng ta phải dừng lại, chào mừng bạn đến với cơn đau xóc hông (mà thực ra nó không liên quan đến hông). Thường nguyên nhân chính có liên quan đến cơ hoành, cơ có chức năng kiểm soát chuyển động hô hấp của cơ thể. Khi chúng ta chạy, gân gắn liền sẽ bị kéo giãn và tác động lên cơ hoành tạo cảm giác đau. Nếu bị xóc hông, chúng ta cần chạy chậm lại, lấy tay ấn sâu vào chỗ đau đồng thời hít thật sâu vào. Lặp lại 3-4 lần cho tới khi cảm thấy tốt hơn. Khi cơ thể quen dần với hoạt động chạy, hiện tượng này sẽ dần hết.

8. Mũi có thể chảy nhanh hơn chạy

Nếu là người thường xuyên phải lau mũi khi chạy, đừng quá lo lắng. Viêm mũi trong khi vận động là hiện tượng phổ biến, đặc biệt khi chúng ta chạy ngoài trời trong điều kiện thời tiết lạnh. Nguyên nhân là do ống mũi bị kích thích khiến gia tăng quá trình tạo dịch nhầy trong mũi. Một số nhà khoa học cho rằng tình trạng ô nhiễm cũng gây ra hiện tượng này, điều này lý giải tại sao một số người thường gặp tình trạng này khi chạy ở các thành phố đông đúc. Giải pháp là liên hệ với bác sĩ để sử dụng các loại thuốc xịt trong quá trình chạy.

9. Ti chảy máu (thường ở nam giới)

Nếu sau bài chạy phát hiện ra áo dính máu, đừng quá lo lắng. Khi chúng ta chạy, mồ hôi sẽ tạo ra một lớp muối trên đầu ti và đầu ti sẽ cọ xát với áo trong khi chạy. Điều này hay xảy ra đối với nam giới. Đối với nữ giới, đây có thể là dấu hiệu của việc áo ngực không bó sát hoặc không được làm từ vật liệu hút ẩm.

Nếu bị nhỏ máu đầu ti trong khi chạy, cần chú ý bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể và sử dụng miếng bảo vệ đầu ti trong khi chạy.

10. Miệng có thể có vị kim loại (tanh, nhạt)

Vị tanh, nhạt giống kim loại trong miệng là do hồng cầu tiết ra sắt. Đây là dấu hiệu cơ thể đang hoạt động rất nặng và hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu thường xuyên cảm nhận vị này trong miệng, chúng ta cần đi khám để chắc chắn cơ thể không đang bị bệnh.

11. Làm bạn với….nhà vệ sinh

Nếu đang chạy mà phải dừng lại tìm nhà vệ sinh, bạn không phải là người duy nhất. Việc bất ngờ phải đi vệ sinh là hiện tượng phổ biến trong giới chạy bộ do cơ chế xóc khi chạy gây ra. Cách phòng tránh là không sử dụng đồ ăn nhiều đường hoặc caffeine trước khi chạy và nên ăn những loại thực phẩm tươi như cơm và chuối.

12. Đùi có thể có cảm giác ngứa sau khi chạy vài phút

Hiện tượng đùi có cảm giác ngứa sau khi chạy vài phút thường do da bị khô hoặc là một phạn xạ tự nhiên với hoạt động khởi động làm nóng khi mao mạch và động mạch nhanh chóng giãn nở và kích thích dây thần kinh xung quanh. Đối với một vài người, đây là phản ứng dị ứng, còn gọi là bệnh mày đay do vận động gây ra gây nóng đỏ, ngứa hoặc nghiêm trọng hơn gây khó thở. Nếu bị bất kỳ triệu chứng nào ở trên, cần liên hệ khám bác sĩ. Nếu triệu chứng chỉ là ngứa, không cần quá lo lắng, giữ ẩm cho vùng da đó, khởi động từ từ và cứ gãi nếu ngứa quá.

13. Sẽ có cảm giác chạy thoải mái hơn vào sáng sớm hoặc tối

Nhiều người gặp rất nhiều khó khăn dậy sớm để chạy mà chỉ có thói quen chạy sau giờ làm. Thực ra, nguyên nhân không hẳn là do lười biếng mà do vấn đề di truyền quyết định và việc điều chỉnh đồng hồ sinh học là khá khó khăn. Những người quen dậy sáng sớm sẽ có nhiệt độ cơ thể thấp nhất vào buổi đêm và vào sáng sớm cơ thể sẽ ấm hơn và dậy sớm dễ hơn. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, buổi chiều muộn là khi cơ thể ở trạng thái tự nhiên khỏe nhất.

14. Có thể nghe gối kêu lục khục khi bước xuống cầu thang

Âm thanh lục khục hoặc lọc cọc mà gối tạo ra là hiện tượng bình thường khi phần sụn kết nối xương bị lão hóa. Nếu là người còn trẻ, việc cơ đùi yếu hoặc dây chậu chày bị căng cứng cũng khiến bánh chè bị mất cân bằng và khiến tình trạng hao mòn trở nên mạnh hơn. Do đó, cần chú ý tập các bài tập tăng cường độ bền bỉ cho các nhóm cơ kiểm soát vùng hông và gối, giúp cơ, khớp chuyển động cân bằng hơn, giảm thiểu nguy cơ tạo ra các tiếng kêu lục khục.

15. Có thể bị đau đầu trong hoặc sau khi chạy

Có nhiều nguyên nhân gây đau đầu liên quan đến chạy bộ, từ các nguyên nhân rất đơn giản (như nón hoặc đai đeo đầu quá chặt) cho tới các nguyên nhân phức tạp hơn (gây đau nửa đầu). Hai nguyên nhân phổ biến nhất là căng cứng cơ (đặc biệt cơ vùng cổ và vai) và thiếu nước. Đảm bảo cơ thể không quá căng và rơi vào tư thế khom lưng khi chạy. Khi không chạy, cần thả lỏng, nghiêng tai phải về phía vai phải và nghiêng tai trái về phía vai trái để thả lỏng cơ. Ngoài ra cần uống khi khát trong quá trình chạy.

16. Mắt cá có thể bị cọ xát hoặc dơ bẩn

Vết dơ trên mặt trong của mắt cá là hiện tượng chân không di chuyển theo đường thẳng về phía trước mà tạo thành đường cong khiến gót chân va vào xương mắt cá chân kia. Nếu thấy mắt cá hoặc xương ống chân đau, cần thăm khám bác sĩ để có các bài tập bổ trợ một chân khắc phục tình trạng này.

About the Author Phạm Thao

>
0 Shares