Top 5 sách hay về chạy bộ

Top 5 sách chạy bộ

Nhân tin vui khi vài cuốn sách về chạy bộ sắp ra sạp, mình xin giới thiệu top 5 sách về chạy bộ mà mình thích nhất. Hy vọng sẽ có ngày tất cả đều có ấn bản tiếng Việt.

5. 26 marathons

Những gì mình biết để có kết quả tốt nhất khi thi đấu, là học từ Meb, qua tác phẩm “Meb for mortals”. Khác với "Meb for mortals" chứa đựng nhiều vấn đề kỹ thuật chuyên sâu như giáo án tập luyện hay chế độ dinh dưỡng, tự truyện về 26 cuộc đua marathon trong cuộc đời thi đấu chuyên nghiệp của Meb Keflezighi đơn giản là câu chuyện về niềm tin và tình yêu của một trong những vận động viên marathon bền bỉ nhất.

Được chắp bút bởi Scott Douglas, một chân chạy kì cựu đồng thời là biên tập viên chính của Runner's World, “26 marathons” còn có rất nhiều kinh nghiệm thực chiến trong quá trình tập luyện và lúc chạy đua.

4. Going Long

Tuyển tập các bài viết hay nhất trên tờ Runner’s World. Viết một cột báo về chạy bộ có vẻ không đơn giản, vì môn thể thao này đâu có nhiều vấn đề kỹ thuật để bàn luận hay nhận định! Nhưng hoá ra chạy bộ, nếu tìm hiểu đủ sâu, lại có quá nhiều điều đáng viết.

Động lực chạy bộ, suy nghĩ cá nhân, tình bạn, tình yêu, đam mê, chấn thương và các rào cản khác, những căng thẳng suy tư không chỉ trên đường chạy... Các biên tập viên Runner’s World lại là các bậc thầy kể chuyện. Những mẩu chuyện ngọt ngào, kịch tính, hay bi tráng nhất được Runner’s World đưa vào tập sách này.

Mình thích nhất các trang viết của Amby Burfoot (nhà vô địch Boston 1968), thích đến mức đã dịch trọn một bài về Ryan Shay (Bản dịch “Pure heart”, câu chuyện về Ryan Shay: https://chay365.com/trai-tim-thuan-khiet-phan-1/)

Trước đây, có thể các bài viết này trên RW Selects. Dạo này mình không thấy đường link đó nữa. RW dự định sắp ra sách mới?

3. Running on Empty

Sách này mình đã giới thiệu hồi năm 2015, trên trang chay365.com.
https://chay365.com/doc-sach-running-on-empty/

“Chỉ những người đã từng lê chân trên những chặng đường dài mải miết và cô độc mới hiểu cảm giác mà tác giả chia sẻ. Khởi đầu của buổi chạy bộ có thể là sự hưng phấn với không gian, tiết trời, cảnh sắc thiên nhiên, nhưng hàng giờ trôi qua thì chỉ còn lại người chạy với con đường, khi đó bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, tốc độ nhanh hay chậm, chạy road hay trail, chẳng còn gì quan trọng nữa.

Lúc đó, các câu hỏi quen thuộc sẽ quay trở về: tại sao cần chạy dài như thế? Động lực nào để chạy bộ? Chạy bộ có phải là một sự sùng bái tôn giáo, có phải là chứng nghiện, có phải là sự tự hành xác? Hay chúng ta có gì cần chứng minh? Mỗi người chạy bộ đường dài tự có câu trả lời của riêng mình”.

2. Born to Run

Cách đây 6 năm, hồi mới chạy bộ, mình được anh Dzung Ng giới thiệu hai tác phẩm: bộ phim tài liệu “Spirit of the marathon” (mà mình xem trên youtube ngay), và truyện dài “Born to run”.

 Không cần nói nhiều về cuốn sách này nữa. Với những ai chưa đọc và còn ngại ngần, mình chỉ có thể nói là nó hấp dẫn như truyện chưởng Kim Dung. Cứ mỗi chương lại xuất hiện một cao thủ mới với các tuyệt chiêu và truyền thuyết mới, ngạo nghễ hành hiệp giang hồ.

Những trang viết rất đẹp, phóng khoáng như cánh chim trời, hùng tráng như rặng núi cao, ngập tràn xúc cảm lãng mạn trên đường chạy có lẽ góp phần quan trọng tạo nên cơn sốt chạy trail (và cả trường phái bare foot nữa) trong cộng đồng chạy bộ toàn cầu. Sách đã có bản tiếng Việt do bạn Nguyễn Kiến Quốc dịch.

1. Let your mind run

Khi trước mình dịch tiêu đề sách là “Chạy bằng ý chí”, vì đề cập đến sức mạnh tinh thần mà tác giả Deena Kastor, nữ vận động viên marathon xuất sắc nhất lịch sử Hoa Kỳ, thường sử dụng khi tập luyện và thi đấu. Gần đây, mình cảm giác tiêu đề nên được hiểu “mềm mại” hơn đôi chút, kiểu như “Chạy trong tâm tưởng”, vì chạy bộ là toàn bộ cuộc sống và suy nghĩ của Deena, và sách có nhắc đến một phương pháp tập luyện rất hay của cô là nằm giang tay, nhắm mắt và đeo headphone nghe nhạc Boga, đồng thời hình dung về những khoảnh khắc của cuộc đua sắp tới.

Mình đặt “Let your mind run” ở đầu danh sách vì tính văn học của nó, có lẽ chỉ thua “Born to Run” tí chút thôi, nhưng lại gần gũi với mình hơn vì mình tập chạy road và không tập trail. Nếu ai chán chạy bộ, hiểu theo nghĩa chán những chuỗi ngày luyện tập, hãy đọc “Let your mind run” để có thêm động lực và cảm hứng tập luyện. Bởi còn có ai giỏi biến những điều tiêu cực trở thành tích cực, hơn là học trò của Joe Vigil (đọc “Born to Run” để biết cụ này là ai), người luôn yêu cầu các vận động viên của mình đến sân tập với “positive attitude”.

Mình cũng đã dịch một phần chương 4 cuốn sách này: https://chay365.com/den-lop-hoc-chay-bo/

Vài quyển khác:
- “Which comes first, cardio or weights” (tạm dịch “Sức bền hay sức mạnh”): Tài liệu chuyên khảo của Alex Hutchison. Đầy rẫy chứng cứ khoa học giải thích các vấn đề thường thức khi tập chạy.
- “Jack Daniels’ running formula”: Công thức chạy bộ của Jack Daniels. Nội dung đúng như tiêu đề, rất nhiều công thức. Đây là nền tảng cho các giáo án tập luyện của mình. Cách đây 2 năm thì cuốn này chắc chắn nằm trong top 3 đấy, nhưng bây giờ mình thấy công thức không quan trọng bằng cảm xúc. Sách đã có bản tiếng Việt.
- “Meb for mortals”: Sách viết cơ bản và hay. Chuyên sâu về kỹ thuật nhưng vẫn giàu cảm hứng.
- “80/20 Running”.
- “The non-runner’s marathon trainer”: Cuốn sách chạy bộ đầu tiên mình mua trên Kindle.
- “Run forever”: Mình mua vì tác giả là Amby Burfoot. Sách sắp có ấn bản tiếng Việt (“Không bao giờ ngừng chạy”).
- “Chi Running
- “What I talk about when I talk about running”: Cuốn sách đầu tiên mình đọc về chạy bộ.
- “Lore of running”: dùng để “cãi nhau” rất tốt. Có thể nói đây là tổng tập các tạp chí y khoa về chạy bộ, vì tác giả là runner đồng thời là bác sỹ.
- “How bad do you want it” và “Endurance”: Mình đang đọc, sẽ đánh giá sau.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

>
17 Shares