6 bài học cuộc sống từ những người phụ nữ tiên phong trong phong trào chạy bộ Mỹ

Họ là người phụ nữ đầu tiên chính thức tham gia một giải đua ở Mỹ, người phụ nữ đầu tiên chạy giải Boston, người phụ nữ đầu tiên phá vỡ cột mốc 2h50 và 2h30 ở cự ly marathon.

Nếu không có bốn người phụ nữ: Julia Chase-Brand, Bobbi Gibb, Cheryl (Bridges) Treworgy, và Patti Catalano Dillon thì giới chạy bộ nữ ở Mỹ chắc chắn sẽ không có thành công được như ngày hôm nay. Và nếu thiếu vắng Treworgy (người mẹ của Shalane Falangan) thì sẽ không có một Shalane Falangan hôm nay mà chúng ta đang được biết tới.

Từ những năm 1960 đến 1980, những người phụ nữ này đã lập nên những cột mốc quan trọng, mở ra một thời kỳ mới với phong trào chạy bộ của nữ giới ở Mỹ. Khi mọi người nói với họ rằng “Cô không thể làm được điều đó đâu!”, thì thật may mắn, họ chưa từng lắng nghe điều đó. Những rào cản họ phá vỡ đã trao quyền cho chính họ vượt qua các thử thách khác trong cuộc sống.

Trong buổi thảo luận tại Boston do Adrianne Haslet điều phối vào ngày chủ nhật vừa rồi, bốn người phụ nữ này đều có mặt chia sẻ câu chuyện đầy cảm hứng của mình. Hãy cùng nhìn lại 6 bài học rút ra từ buổi chia sẻ của họ về chạy bộ và cuộc sống.

Bạn có quyền được hoài nghi

Chase-Brand là người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ tham gia một giải đua chính thức vào năm 1961, đó là giải Manchester Road tại Connecticut. Bà đã chạy dù không được phép tham gia.

“Phụ nữ không được phép chạy, phụ nữ không được phép học ở các trường của nam giới, phụ nữ không được phép làm rất nhiều thứ”, bà kể.

Tại giải Olympics Amsterdam năm 1928, “kiến thức” phổ biến bấy giờ đó là phụ nữ không đủ thể lực để chạy bộ vì giới truyền thông đã đưa tin hàng loạt phụ nữ bất tỉnh và được đưa ra khỏi khu vực thi đấu ngay sau khi hoàn thành cự ly 800m . Điều đó không hề đúng, tuy nhiên bởi thông tin sai lệch này, Ủy ban thể thao Olympic thế giới đã phải ngừng nội dung thi đấu 800m nữ cho mãi tận năm 1960 mới đưa nó trở lại.

“Đó là một sự lừa gạt cố ý. Và mọi người ở Mỹ đã tin vào sự lừa dối đó suốt 30 năm”, bà kể lại.

Bà đã tham gia đợt tuyển chọn đội tuyển dự thi Olympic ở cự ly 800m. Vài tuần sau đó, bà tiếp tục hoàn thành giải đua 5 dặm tại Manchester. Mọi người từng nói với bà rằng phụ nữ không thể chạy, nhưng bà vẫn tham gia giải đua trong bộ đồng phục thể thao của trường cao đẳng Smith. Vì đã phá vỡ các điều lệ, nên hội đồng thể thao của chính phủ đã cấm bà tham gia bất kỳ giải đua nào khác trong tương lai, nhưng mùa xuân ngay sau đó, lần đầu tiên phụ nữ Mỹ được tham gia vào giải chạy băng đồng (cross-country).

Đôi khi bạn phải tận dụng tối đa những cơ hội mà bạn có

Trewory là người từng giữ kỷ lục thế giới ở cự ly marathon trong suốt những năm 60 (với thành tích 2h49’40s vào năm 1971), đã từng ao ước được tham gia chạy ở trường cấp 3.  Vì thế bà đã ghi danh vào trường của nam sinh vì thời đó không một trường nữ sinh nào có chương trình chạy dành cho nữ. Vào đại học, dù không có đối thủ nữ nào, nhưng bà luôn tham gia các giải đua băng đồng tại trường, tuy luôn phải xuất phát trễ hơn 5 giây nhưng Trewory chưa bao giờ về sau vị trí thứ 3 toàn cuộc đua.

Khi Treworgy phá vỡ kỷ lục thế giới ở cự ly marathon, không một ai đợi bà ở vạch đích để phỏng vấn. Khi báo chí đưa tin, chỉ có một dòng tiêu đề “Cô gái Cheryl xinh xắn yêu thích chạy bộ.” Bài báo hoàn toàn tập trung vào vẻ bên ngoài của của một người phụ nữ, thay vì thành tích thể thao mà họ đạt được.

Chase-Brand, người phụ nữ có bằng đại học chuyên ngành sinh lý học động vật , và khi 49 tuổi tiếp tục theo đuổi trường y để trở thành chuyên gia tâm thần, thỉnh thoảng chạy trên giày đế mềm với những miếng dán vì chúng quá cỡ, cùng với áo phông, quần đùi của anh trai. “Có một lần ngay trước một giải đấu, vì áo ngực của tôi quá chật và khó chịu, tôi đã phải chạy trong phía khán đài và cởi bỏ nó ra”, bà nhớ lại.

“Thế giới chưa bao giờ ủng hộ chúng tôi,” bà kể lại.

Đôi khi bạn phải phá vỡ những luật lệ

Năm 1966, Bobbi Gibb muốn tham gia giải Boston marathon. Bà không tin những lời khuyên phổ biến lúc đó về việc phụ nữ không đủ thể lực để chạy quãng đường 26.2 dặm trong khi bà đã chạy được 40 dặm liên tục.

Gibb xuất hiện ở vạch xuất phát tại Hopkinton, mang áo dài tay có mũ che bên ngoài, còn bên trong là bộ đồ tắm, quần ngắn của anh trai và một đôi dày đế mềm của đàn ông.

“Tôi đứng ở một bụi rậm gần chỗ xuất phát, đợi cho một nửa số vận động viên đã đi qua, và rồi lẻn vào cuộc đua”, bà kể.

Những người đàn ông chạy xung quanh bà bắt đầu thì thầm về việc liệu đây có phải là một cô gái, và bà trả đã lời họ. Những người này rất ngạc nhiên nhưng cũng ủng hộ bà và hứa sẽ sẽ không để ai đuổi bà ra khỏi cuộc đua khi bà bắt đầu kể về sự lo lắng này cho họ nghe.

Thành tích của Gibb không được ghi nhận bởi lúc bấy giờ giải Boston không cho phép phụ nữ tham gia, nhưng sau đó 3 năm liên tiếp từ 1966-1969, bà được công nhận là người chiến thắng ở cuộc đua này. Kathrine Switzer là người phụ nữ đầu tiên chính thức đăng ký Boston marathon vào năm 1967, và Jock Semple – giám đốc giải đã cố gắng đuổi bà ra khỏi đường đua. Gibb ngược lại không có bib nhưng hoàn thành cự ly gần như nhanh hơn 1h đồng hồ so với Kathrine.

Lựa chọn cho mình một hướng đi và tiếp tục theo đuổi điều đó

Vào năm 23 tuổi, Patti Catalano Dillon đã bỏ học, chán nản, cảm thấy bất hạnh, thừa cân, gần như hút 2 gói thuốc là mỗi ngày. Sau khi tình cờ gặp lại bạn học cấp 3, bà vô cùng ấn tượng với sự tự tin của cô bạn của mình.

“Điều gì cô ấy đang có, tôi cũng muốn có được nó”, bà kể lại.

Bà bắt đầu học bơi và đạp xe.

“Một chiếc ô tô đầy nhóc những gã trai đi qua và đã vô mông tôi, khiến tôi bị ngã và sợ hãi không dám đạp xe lần nữa”.

Vì thế bà chuyển qua chạy bộ, bà cắt ngắn những chiếc quần jeans và nhiều chiếc áo dài tay gần chỗ nghĩa trang để không ai có thể thấy. Cuối cùng, bà chạy được 7 dặm.

“Trông tôi lúc đó rất kinh khủng, nhưng tôi lại cảm thấy rất vui, khi tôi đi tắm và ngay khoảnh khắc nước chảy lên người, tôi mới có thể thở. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi có thể thực sự thở”, bà kể.

Dillon cũng là một trong những người phụ nữ đầu tiên được Nike ký hợp đồng tài trợ và cũng là người phụ nữ gốc Mỹ đầu tiên nhận được rất nhiều sự tán thưởng và công nhận thành tích, trở thành một trong những vận động viên hàng đầu trong giới chạy bộ nữ những năm 1970.

Bà là người vô địch 5 lần ở giải Honolulu marathon, về nhì ở New York City và Boston marathon, và giữ nhiều kỷ lục quốc gia cũng như thế giới ở các cự ly full marathon, half-marathon, 30K, 20K. Trong vòng 52 tuần, bà tham gia 48 giải và giành chiến thắng 44 lần trong những lần thi đấu đó.

“Tôi đã chiến đấu cho cuộc đời của mình, không phải là quyền phụ nữ hay quyền của những người Bắc Mỹ”.

Khi có điều gì đó bên trong nói với bạn, hãy lắng nghe!

Tất nhiên, không phải ai cũng ủng hộ những người phụ nữ này khi họ bước chân vào lĩnh vực thể thao, nhưng mỗi người đều đã học được cách lắng nghe tiếng nói bên trong mình.

“Hãy tin vào bản thân bạn, ngay cả khi bố mẹ hay bạn trai bạn không hiểu điều đó,” Chase-Brand chia sẻ.

Khi bà chiến thắng ở cự ly 800m tại giải vô địch New England AAU, người bố của bà không hề bị ấn tượng.

“Bố tôi nhìn vào chiếc huy chương bé xíu và nói rằng: “Có lẽ con muốn chơi tennis ư?’
Với Treworgy thì quyết định khó khăn nhất mà bà từng làm là từ bỏ môn chạy băng đồng dù nó đã giúp bà giành 5 giải chiến thắng đồng đội, nhưng chính sự rời bỏ này đã tạo cơ hội cho bà thành công ở bộ môn marathon.

“Dù bạn nghĩ bạn có thể lên kế hoạch cho cuộc đời mình giỏi cỡ nào thì những cơ hội bất ngờ cũng sẽ xuất hiện, nhưng bạn chỉ nhận ra được chúng khi bạn thực sự lắng nghe tiếng nói bên trong mình”, bà chia sẻ.

Hãy chạy cho những lý do của chính mình

Tham gia thể thao có thể thúc đẩy phụ nữ về rất nhiều mặt. Dillon tìm thấy niềm đam mê của mình và tận tâm thực hiện điều đó để trở thành một vận động viên tốt nhất bà có thể, và qua việc chạy marathon, bà đã hiểu thêm về bản thân mình.

“Thể thao đã trao quyền cho tôi, tôi có cảm giác rằng mình có thể làm được bất kỳ điều gì trong cuộc sống.”

 

Allison Torres Burka 

Bài dịch trên tạp chí Womenrunning, 18/4/2019

Nguồn hình ảnh: tạp chí Runner’s word, womenrunning , New York times, storyuntold.blubrry.com

 

 

About the Author Mai Anh

Vận động viên chạy bộ không chuyên. Hiện đang là nhân viên của một công ty quốc tế đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Yêu thích chạy bộ đường dài, đang tập luyện để hoàn thành các giải chạy ultra trail và cải thiện thành tích cự ly full marathon.

>
41 Shares