Thất Bại Là Mẹ Thành Công

Matshona Dhliwayo, triết gia người Canada, đã một lần phát biểu “Những giọt nước mắt hôm nay tưới cây cho khu vườn ngày mai.” Người Mỹ thì có câu “Hard work pays off” có nghĩa là chăm chỉ làm việc sẽ được đền đáp. Những câu châm ngôn này có thể được cho là đúng trong hầu hết mọi tình huống vì một khi mình bỏ ra nhiều công sức thì ắt sẽ đạt được mục tiêu, cũng như cổ nhân chúng ta có câu “có công mài sắt, có ngày nên kim.”

Hãy đối mặt với sự thật, đằng sau những thành công không phải lúc nào cũng là con đường trải đầy hoa hồng. Nó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực kiên trì và bền bĩ. Ngạn ngữ phương Tây có câu “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” hàm ý rằng chỉ có sự chăm chỉ, lòng kiên trì mới giúp con người vươn tới thành công, vì thế chúng ta đừng nhìn vào một người thành công và cho rằng thành công của họ đến dễ dàng. Trên thực tế, gần như mọi thành công đã phải đối mặt với những thất bại và  nhiều lần vuột mất cơ hội.

Nói riêng về bộ môn chạy bộ, có phải cứ miệt mài tập luyện thì sẽ có ngày đạt được chỉ tiêu đề ra, chỉ tiêu đó  có thể là chạy dưới 5, 4,  3:30, hay hay 3 giờ cho quảng đường dài 42,195km. Nhưng giả sử chúng ta tập luyện chăm chỉ mà không đạt được kết quả mong muốn thì sao? Giả sử này thật ra cũng khá thực tế đấy, bạn hãy nhìn xung quanh, không ít người bỏ công ra luyện tập nhưng đến ngày thi đấu xảy ra sự cố, có thể là không quen địa hình ở giải đua, thời tiết khắc nghiệt, bị chuột rút, đụng tường, vân vân.

Một khi chuốc lấy thất bại, nếu là người có bản lĩnh thì bạn sẽ nghĩ đơn giản là mình chỉ gặp xui hoặc cũng có thể “hard work” của mình chưa đủ “hard”, cần phải xét lại lịch tập và luyện tập chăm chỉ hơn nữa, dốc sức nhiều hơn nữa; cũng như trong một ván bài nếu bị thua bạn có thể đặt cược gấp đôi! Nếu bạn vẫn còn niềm tin trong cái câu “Hard work pays off” thì không còn cách nào khác là phải luyện tập chăm chỉ hơn nữa mà thôi.

Tôi có một người bạn Mỹ tên là Larry, ông luyện tập cho các giải đua Marathon rất nghiêm túc nhưng gần đến ngày thi đấu thì ông  luôn gặp sự cố, một lần dọn garage trong lúc taper hai tuần trước khi đua Larry khiêng mớ đồ quá tải và dẫn tới chấn thương ở lưng, rốt cuộc ông phải lê lết suốt chặng đường đua. Một lần khác, con ông ấy đến chơi cũng trong dịp ông đang taper. Thằng con trai dẫn theo con chó, nó gặp con chó của ông và hai con nhào vô cắn nhau, Larry nhảy vô can bị nó cắn một vết khá sâu, sướt gân bàn tay cần phải giải phẫu và băng bó, rốt cuộc ông phải bỏ đua. Lần thứ ba khi vừa mới bước qua tuổi 60, Larry liền nghỉ đến chuyện tập luyện để đạt chuẩn chạy Boston vì BQ cho lứa tuổi này là 3:50, một mục tiêu quá dễ với Larry. Ông nhắm đạt mục tiêu ở giải Marines Corp Marathon năm 2019. Ông luyện tập khá bài bản, đến tuần lễ taper ông cẩn thận nghỉ ngơi và không tiếp khách. Tôi đã làm người bạn đồng hành của Larry trong suốt quá trình luyện tập của ông ấy và tôi nghĩ rằng ông sẽ phá chuẩn BQ ít nhất là 10 phút. Nhưng rồi, như lời của một người bạn khác của tôi cũng chạy trong giải MCM nói lại, Chúa đã chọc tức tất cả các runner trong giải đua ngày hôm ấy. Hôm thứ Bảy trước giải đua và thứ Hai sau giải đua thời tiết thật tuyệt vời, nhưng đúng Chủ Nhật ngày diễn ra giải đua thì mưa như trút nước. Tất cả bạn bè của tôi dự giải đua hôm đó đều rớt mục tiêu, nhưng điều tôi vô cùng ấn tượng là Larry đã chiến đấu mạnh mẽ, cho đến dặm thứ 20 ông vẫn còn giữ được mục tiêu, cho đến lúc bị chuột rút ở dặm thứ 21 khi leo lên chiếc cầu dài vượt sông Potomac trên đường số 14 thì ông mới bắt đầu rớt pace. Mặc dù không đạt được BQ nhưng Larry vẫn đạt được thành tích sub 4 trong một ngày mưa gió bão bùng.

Marines Corp Marathon 2019

Tôi kể cho bạn nghe câu chuyện ở trên để cho chúng ta thấy đôi khi những nổ lực không ngừng của chúng ta vẫn không được đền đáp vì lý do này hay lý do nọ. Đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ. Runner hơn thua nhau ở chỗ phải biết ứng xử thế nào khi mục tiêu bị phá sản. Ông bạn Larry của tôi sau mỗi lần thất bại, ông luôn gửi tin nhắn cho tôi và tuyên bố từ nay ông cạch đến già, ông không chạy marathon nữa đâu; vừa mất thời giờ luyện tập, tốn công, tốn sức mà chả thấy công sức mình được đền đáp. Nhưng rồi không lâu sau đó ông lại lên Internet dò tìm các giải đua marathon kế tiếp để tham gia.

Thay vì ăn mừng sự thành công khi đạt được mục tiêu thời gian ở giải đua tại sao chúng ta lại không thể ăn mừng thành công trong tập luyện, vượt qua chính mình đâu phải chỉ được ghi nhận bởi thời gian ở vạch đích. Những ý nghĩ tiêu cực và chán nãn sau giải đua không như ý muốn chính là sự thụt lùi khiến chúng ta không thể nhận ra điều gì sai hoặc tại sao chúng ta không đạt được mục tiêu của mình.

Những kẻ bất bại không nhất thiết phải là những người chưa bao giờ nếm mùi thất bại nhưng họ chính là những chiến binh không chịu lùi bước sau những thất bại.

Trong suốt hơn 3 thập niên làm việc cho trung tâm vũ trụ của Hoa Kỳ, tôi học được một điều là cho dù mình cẩn thận cách mấy đi nữa thì sự cố vẫn có thể xảy ra, mà chỉ vì sự cố mà lùi bước thì chúng ta không bao giờ đạt được những mục tiêu cao cả. Thám hiểm không gian là một công việc cực kỳ nguy hiểm cho nên vấn đề an toàn được đặt lên hàng đầu, từ những hạt bụi trong phòng thí nghiệm chứa khoang phi thuyền cũng được soi kỹ. Thế nhưng tai nạn vẫn xảy ra, và sau những biến cố như vụ nổ phi thuyền Challenger và Columbia thì NASA lại ngưng phóng một thời gian cho đến khi tìm ra lý do dẫn đến tai nạn, đưa ra giải pháp mới, thông qua nhiều buổi họp phê bình, và cuối cùng được các chuyên gia có thẩm quyền chấp thuận trước khi tiến hành phóng tàu trở lại. Quá trình này có thể đình trệ từ nhiều tháng đến nhiều năm. Trong khi đó quá trình hồi phục này được rút ngắn đáng kể ở công ty tư nhân SpaceX; không phải họ không đặt nặng vấn đề an toàn kỹ thuật, nhưng khác với cách làm việc của NASA, SpaceX có phương châm học hỏi từ thất bại, họ luôn có trước phương án phòng khi chẳng may gặp sự cố. Cũng nhờ vậy mà công ty này đã có những bước đột phá trong phóng phi thuyền và thám hiểm không gian, chẳng hạn việc đáp trở lại tầng một của phi thuyền Falcon trên đất liền và trên biển, sau đó tái sử dụng bộ phận tên lửa này. Đó là những điều chưa cơ quan nào trên thế giới làm được.

Thế thì không có lý do gì chỉ vì không đạt mục tiêu ở một giải đua mà chúng ta lại nản chí. Một điều chắc chắn là nếu các bạn cứ gặp bà mẹ mang tên Thất Bại mãi cũng chán, cũng sẽ có ngày bà không muốn gặp các bạn nữa, thay vào đó là đứa con của bà sẽ tiếp bạn. Bài học thứ hai chúng ta có thể rút ra từ kỹ nghệ phóng tàu vũ trụ là nếu có đầu óc mạo hiểm, dám mơ chuyện to tát thì sẽ được đền đáp xứng đáng. Tên lửa Merlin của tàu Falcon không phải tự nhiên mà có thể đáp an toàn xuống chiếc phà lắc lư trên biển Đại Tây Dương, nó cũng đã nhiều lần bị nổ banh. Những thành công đột phá thường đến sau những thất bại.

Hỏa tiễn Merlin đáp trên phà “I Still Love You”

Để tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện về một runner nữ ở địa phương tôi đang sống, tên của cô là Holly Davis, năm nay 24 tuổi. Holly có một câu phát biểu rất hùng hồn:

Tôi đặt mục tiêu táo bạo, nhưng có thể đạt được cho bản thân mình. Các giải đua có mục tiêu giúp định hình quá trình luyện tập của tôi và chúng cho tôi lý do để luyện tập, đặc biệt là vào những ngày tôi phải vật lộn để làm điều đó.

Cuối năm 2018 Holly đã không có kết quả như mong muốn ở giải đua California International Marathon (CIM), hôm đó cô gặp vấn đề tiêu hóa, nôn thốc ở mile thứ 18 do nạp quá nhiều đường trong vòng 13 mile đầu tiên và phải chấp nhận kết quả DNF. Nhưng chỉ hai tuần sau đó cô đã trở lại đường đua và đoạt chức vô địch nữ ở giải đua Jacksonville với thành tích 2:49:39. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là cú phục thù ngoạn mục, vì cuối năm 2019 Holly đã trở lại thi đấu ở CIM và đạt chuẩn Olympic Trial với thành tích 2:44:13

Holly Davis, CIM 2019
(ảnh từ tạp chí Women’s Running)

Qua những câu chuyện ở trên chúng ta có thể nghiệm ra rằng thành công luôn mĩm cười với những ai kiên trì bền bĩ tập luyện, không ngại khó khăn và không biết lùi bước trước thất bại.

About the Author Bruce Vũ

Bruce Vũ là khoa học gia với công việc nghiên cứu toàn thời gian ở trung tâm vũ trụ Hoa Kỳ (NASA Kennedy Space Center) và là giáo sư bán thời gian, phụ trách giảng dạy các môn kỹ thuật động lực học. Ngoài giờ làm việc hành chánh, Bruce dành phần lớn thời gian trên những cung đường chạy bộ vào sáng sớm trước khi đi làm và trong phòng gym sau giờ làm việc. Sở thích hiện tại của anh là nghiên cứu, dịch thuật, và sáng tác các bài viết có liên quan đến đề tài chạy bộ.

  • […] Thất bại là mẹ thành công […]

  • >
    60 Shares