Ghi chép của John Nguyen.
Dân chạy bộ đường dài sau khi tu luyện đủ tháng ngày, thường sẽ chọn một giải Marathon truyền thống (như ở Việt Nam sẽ là giải Danang International Marathon, hay sang hơn thì Tokyo Marathon, hoặc có điều kiện và may mắn hơn nữa thì là Boston hay New York Marathon) để thực hiện nghi thức cũng như mơ ước của mình, là hoàn tất quãng đường 42.195km thần thánh ấy, đeo chiếc medal Marathon Finisher và được cộng đồng runners coi như đã thôi nôi để trở thành một Marathoner.
Cũng với cách nghĩ truyền thống như vậy, đầu 2015 tôi đã dự kiến đăng ký Danang International Marathon, sẽ diễn ra tháng 8 2015, nhưng rồi thông tin về giải Marathon đường núi duy nhất hàng năm tại Việt Nam, giải Vietnam Mountain Marathon 2015 (VMM2015), đến như một cơn lốc tràn qua khắp các diễn đàn chạy bộ tiếng tăm khắp trong Nam, ngoài Bắc như SRC, VR, RRR, LDR…, cuốn hút đến mức có những ngày chúng tôi online hay offline cũng chỉ nói về nó. Nhìn lượng anh em đăng ký ngày càng đông, tôi hiểu rằng VMM2015 sẽ là một cơ hội hiếm có của dân runners bởi có đến 90% lượng anh chị em đăng ký đều là lần đầu, với sự hứng khởi và rung động như thể một trải nghiệm đầu đời. Hơn nữa, Tây Bắc đối với tôi và anh em ham xê dịch đã trở thành máu thịt, đến mức nhóm du lịch của tôi mười mấy năm nay đã lấy tên là nhóm Tây Bắc, và còn gì đẹp hơn nếu Tây Bắc lần này sẽ là nơi tôi hoàn tất 42.195km đầu tiên để trở thành một Marathoner. Không còn gì để phải đắn đo, tôi hiểu rằng mình phải nắm lấy cơ hội quý báu này! Và thế là chỉ với một vài click chuột, để ít phút sau sung sướng nhận được email từ Ban tổ chức (BTC) xác nhận, tôi đã chính thức trở thành một đấu thủ trong cuộc đua VMM2015 – ngày mà với tôi, sẽ là một ngày hội.
Đội nắng luyện công ở Hàm Lợn.
Dù tâm trạng lâng lâng, nhưng từ kinh nghiệm của những người đi trước (Dzung Ngo, Luong Pham, Nguyen Dat, 7Seven, Snail Trần…), tôi hiểu chạy Marathon đường núi không phải là một cuộc dạo chơi cho một kẻ tay mơ, bởi ranh giới giữa thành công và thất bại có khi chỉ rất mong manh. Do vậy, tôi nghiên cứu khá kỹ các bài và ảnh mà những người đi trước chia sẻ, và nhanh chóng làm hai việc: lập danh sách đồ dùng cần thiết cho chạy đường núi, và lên một phương án luyện tập.
Với đồ đạc, tối thiểu sẽ là một đôi giày trail (Salomon XA-Pro 3D là lựa chọn của tôi, đế có rockplate, thoát nước khá tốt, chắc chắn như một chiếc xe tăng, dù xe tăng thì có bao giờ nhẹ :J ), một balo túi nước (Nathan Zelos 2L – một món đồ mà tôi cực kỳ tâm đắc), mũ lưỡi trai (Jack Wolfskin, có miếng che gáy tháo lắp được), một cặp gậy (ban đầu tôi dùng gậy tự chế bằng thân cây, sau này mượn được cặp gậy chuyên từ anh bạn – phải nói là công cụ thần thánh), đèn pin đeo trán ( tôi tín nhiệm tuyệt đối Petzl Tikka – người bạn thân thiết lang bạt với tôi khắp Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Tạng, Mông cổ…và các chuyến trail leo Fansipan, xuyên Tây Côn Lĩnh), một đôi găng tay bảo hộ dạng sợi thô, có tráng mặt cao su để tăng độ bám (cũng là một món rất hữu hiệu), và một số đồ lỉnh kỉnh khác.
Về luyện tập, quanh Hà Nội có khá nhiều khu vực có thể lựa chọn để luyện tập. Thời đầu những năm 2000, để chuẩn bị leo Fansipan, tôi và nhóm bạn lựa chọn núi Ba Vì và Tam Đảo làm nơi test khả năng leo núi. Tuy nhiên với VMM2015, không chỉ leo mà còn chạy, dân runners Hà Nội chọn núi Hàm Lợn (Sóc Sơn) làm “đại bản doanh” tập chạy trail. Sau khi hoàn thành một full marathon không chính thức vào tháng 4/2015 trong dịp Thử thách 24h với LDR (nhóm Long Distance Runners), tôi hầu như chuyển hoàn toàn các buổi chạy cuối tuần sang luyện trail, và chỉ còn chạy ngắn đường bằng vào trong tuần. Nhịp độ chạy tại Hàm Lợn ngày càng tăng lên, đến mức tôi không còn nhớ nổi lần cuối cùng chạy hồ Tây hay công viên Thống Nhất là lần nào. Cường độ khắc nghiệt cũng tăng lên, khi chúng tôi sẵn sàng đội mưa tầm tã trong 4-5 tiếng đồng hồ để chạy gần 30km, đội nắng giữa trưa chạy half-marathon cốt để luyện chạy dưới nhiệt độ cao (heat training), và chạy từ tầm 11h sáng, thông qua trưa đến chiều và chỉ ăn những đồ mình mang theo (nước trong ba lô, thanh Sniker, GU gel, lương khô) để cho thật giống “chiến trường” VMM. Những ngày ấy quả là gian khổ, thấm đẫm bao mồ hôi và công sức, nhưng tôi hiểu những nỗ lực ấy rồi sẽ trả công xứng đáng cho chúng tôi.
Gần đến D-day, câu chuyện về VMM2015 ngày càng trở nên hấp dẫn. Chúng tôi nói về nó cả khi gặp mặt và lúc online, ăn với nó, ngủ với giấc mơ về nó. Nhóm hổ báo của LDR có mục tiêu riêng, phần còn lại chỉ mong vượt qua bản thân, hoàn thành trọn vẹn cuộc đua nên lập ra group non-DNF (DNF – Did Not Finish, chỉ những người bị loại, không hoàn thành cuộc đua), bàn nhau đủ thứ về đồ đạc, cách luyện tập, ăn uống, và tính chuyện chạy theo nhóm để nếu cần còn hỗ trợ nhau trên đường. Ngoài tập chạy tại Hàm Lợn, hàng tuần tôi bổ trợ thêm các buổi tập leo cầu thang, với khối lượng thường là 20 tầng x 4 (nhà tôi ở tầng 21) cả lên và xuống, kèm theo chạy bộ easy để thả lỏng xen kẽ. Tôi luyện tập với một tinh thần hứng khởi, và không biết với mọi người thế nào, nhưng tôi thì luôn tin rằng với sự chuẩn bị và luyện tập nghiêm túc, cộng chút kinh nghiệm rừng rú, lang bạt đây đó, việc hoàn thành cự ly 42km của VMM2015 là chuyện đương nhiên, còn chạy được như Samantha Young (đương kim vô địch nữ 42km VMM2014) hay như một cậu thanh niên trẻ cao dong dỏng, tóc xoăn mà tôi rất hay gặp khi tập ở Hàm Lợn, chạy như gió lướt lên những con dốc 8-10 độ thì mới là khó (cuối giải VMM2015, tôi mới giật mình nhận ra cậu ấy chính là Graham Knight, nhà vô địch của chặng 42km năm nay).
Cách D-Day 2 tuần, tôi bắt đầu xả khối lượng, nghỉ ngơi dưỡng sức, và chỉ còn thỉnh thoảng túc tắc leo cầu thang và chạy với khối lượng nhẹ để giữ “nhiệt” cho đôi chân và cơ thể. Đồ đạc lựa chọn kỹ càng, để sẵn vào một góc. 4 ngày trước D-Day, LDR chính là nhóm đến lấy BIB và race kit đầu tiên tại Topas Hà Nội. Để chuẩn bị cho cẩn thận, nhóm chúng tôi rời Hà Nội chiều ngày 24/09, để có trọn một ngày 25 nghỉ ngơi và chuẩn bị tại Sapa. Quả là quyết định đúng đắn, bởi tôi là một người khá nhạy cảm về độ cao. Lên đến Sapa, cũng như mọi lần, tôi đều cảm thấy sự thay đổi lớn về độ cao từ dưới 100m của đồng bằng vọt lên gần 1500m, bởi khi leo dốc, tôi phải thở gấp hơn, tim đập mạnh hơn so với ở Hà Nội, và có cảm giác hơi nặng đầu. Tôi quyết định dùng vài viên Stugeron để tăng tuần hoàn não, đi lại nhẹ nhàng, uống nhiều nước và không cố gắng “chạy vài vòng cho quen” như một số anh em khác. Quả là một ngày lên trước không hề thừa. Sáng sớm D-Day, tôi tỉnh dậy và vui mừng nhận thấy các cảm giác khó chịu đã biến mất, cơ thể đã thích nghi và tôi đã sẵn sàng bước vào cuộc thử thách. Lúc đó là 5h sáng 26/09/2015.
(Còn tiếp)
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.