Ấn tượng LDR Half Marathon 2015

Cover
Ấn tượng LDR Half Marathon 2015

Nguyễn Đạt

“Tôi có nên tham gia LDR Half Marathon hay không?” Trước giải LDR Half Marathon 2015, tôi bắt gặp hơn 1 lần câu hỏi trên cả ở group Hội những người thích chạy đường dài cũng như qua tin nhắn cá nhân. Không dễ để trả lời ngay tức thì cho câu hỏi tưởng đơn giản ấy mặc dù với tư cách là người trong ban tổ chức hay là người thích chạy bộ, tôi luôn mong muốn và khuyến khích càng nhiều bạn bè, càng nhiều người tham gia càng tốt. Tôi không biết rõ họ đã chạy bao lâu và được bao xa thành ra rất khó để nói Có hay Không.

Người tham gia chạy bộ có rất nhiều lí do để chạy: giải sầu chạy, béo chạy, “đánh bóng” chạy, giảm gút và các thể loại độc tố trong người chạy, đau đầu chạy, khám phá bản thân chạy, sưu tập kỉ niệm chương chạy, ham vui chạy v.v… Do vậy, cách tiếp cận với giải chạy đua 21km cũng không ai giống ai. Có người chuẩn bị rất kĩ càng cho giải đấu bằng những buổi tập theo giáo án (training plan) để đạt kết quả tốt nhất (Personal Best/Record) thậm chí giật giải, có người chạy ở mức độ vừa phải để dành sức cho những cuộc chơi khác nhưng cũng có những người mới chỉ chạy khoảng 2-3 tháng hay chạy dài nhất với quãng đường 5-7km và muốn thử phiêu lưu.

Những ai đã có kinh nghiệm chạy trong một thời gian dài đều hiểu nguyên tắc chạy chậm để chạy nhanh và chạy xa. “Chạy chậm” ở đây được hiểu là một quá trình. Không có sự thần kì nào giúp một người mới tập chạy/ít chơi thể thao có thể chạy ngang ngửa với người có nhiều kinh nghiệm trong thời gian ngắn. Tất cả cần phải có thời gian đủ dài để tích lũy, xây dựng nền tảng thể lực. Để chạy được 21km trong khi bản thân chưa chạy quá 10km bao giờ thực sự là một thử thách lớn đối với người tham gia ở mức độ phong trào. Rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra về mặt sức khỏe, đặc biệt trong điều kiện thời tiết không thuận lợi hay tâm lí trên đường chạy chưa vững. LDRHM cũng chưa có đội ngũ y tế chuyên biệt có thể chăm lo sức khỏe cho các VDV. Chính vì vậy, BTC (các giải thi đấu khác đều vậy) đã phải khuyến cáo giải đấu có sự rủi ro và người tham gia tự chịu trách nhiệm nếu điều không may ấy xảy ra. Tất nhiên, rủi ro này ở mức thấp, chủ yếu là những người chạy chưa đủ dài băn khoăn liệu có thể chạy hết 21km cho đến trước thời gian cutoff (3h30′) hay không.

Nếu quá thời gian cutoff, vận động viên (VĐV) sẽ không được công nhận là Finisher và bị đánh dấu là DNF (Did Not Finish – Không hoàn thành), hay nói cách khác là thất bại ở cuộc đua. Trong các cuộc trao đổi với các bạn sắp tham gia các giải lần đầu, tôi vẫn thường nói rằng thất bại là một phần của cuộc chơi. Ngay cả thất bại cũng mang lại cho ta những trải nghiệm đáng giá không thể nào quên. Với những người tham gia các giải chạy đường dài như thế này (không phải Fun run 5km/10km), tôi tin rằng không ai muốn là người thất bại, không ai muốn phải dừng lại khi còn có thể tiếp tục chiến đấu. Tất cả đều có khát khao chinh phục thử thách của giải. Trong các giải chạy đua, không ít các trường hợp VDV vẫn cố gắng lết về đích ngay cả khi đã quá thời gian cutoff. Họ muốn chiến thắng theo một cách cách khác. Chiến thắng bản thân dù chẳng có ai công nhận thành tích.

Trở lại với giải LDR Half Marathon lần đầu tiên, những VDV khiến tôi chú ý không phải là những người về đầu mà là những nhóm về cuối, người không được ghi nhận thành tích và cả không hoàn thành cuộc đua (DNF). Không hẹn mà gặp, trong tốp cuối đoàn đua, 2 VDV có số Bib dính liền nhau 140 & 141 gây ấn tượng lớn đối với tôi. Họ nằm ngoài những cuộc đua tốc độ ồn ào của nhóm trên và gần như không được khán giả chú ý nhưng họ có sự bền bỉ đáng nể. 3h22′ (kết quả tạm thời, còn chờ kết quả chính thức từ tổ trọng tài) để người cuối cùng về đích, nghĩa là chỉ 8 phút trước giờ cutoff khi một phần sân khấu đang dần được dỡ bỏ, VDV về đích sớm và khán giả đã lục tục ra về. Đường dài đến vạch đích vắng bóng đến “rợn người” nhưng họ đã hoàn thành. Finisher chính hiệu. Họ đã chiến thắng bản thân trong điều kiện chẳng còn mấy ai lăng xê, cổ vũ (về khâu này BTC còn chút thiếu sót, sẽ rút kinh nghiệm nội bộ). Không còn gì khích lệ chúng tôi hơn là những nỗ lực cá nhân cho đến tận giây phút cuối cùng ấy.

Tuy là giải đấu Half Marathon chính thức đầu tiên với nòng cốt là các thành viên LDR, nhưng đường đua không chỉ toàn tiếng cười chan hòa, hữu nghị cùng những bước chạy lơi lỏng. Có VDV 2 lần bị chuột rút cần hỗ trợ, có người mệt lả đi ở 3 km cuối cùng khi đã duy trì vị trí tốp đầu trong phần lớn thời gian và 1 vị trí trong top 3 tưởng như đã cầm chắc trong tay. Những sự cố về thể lực hay thất bại khó nuốt trôi ấy khiến cá nhân tôi rất cảm kích bởi họ đã dốc hết sức cho cuộc đua này. Nghe có vẻ vô tâm bởi họ nếu sức khỏe bị ảnh hưởng nhẽ ra áy náy mới phải :D. Họ đã chơi “tất tay”. Có người gượng dậy được, có người không và phải trả giá bằng thất bại. Dưới cái nhìn của người tổ chức cũng như người đã từng tham dự một số giải chạy, tôi trân trọng sự cống hiến ấy (hi vọng các bạn đã bình phục trở lại :p). Tôi cũng không mong đợi thất bại (DNF) khi tham gia một giải chạy những nếu nó xảy ra chắc hẳn sẽ đáng nhớ lắm 😀

Cũng cần nói thêm 1 trường hợp đặc biệt nữa với số Bib 201. VDV này đến muộn, sau khi BTC đã “khóa sổ”. Các VDV đã xuất phát trước đó được vài ba phút. BTC vẫn chấp nhận VDV nộp tiền đăng kí nhận Bib nhưng có nói rõ rằng thành tích sẽ không được BTC công nhận. 201 chấp nhận “kèo” mà BTC đã đưa ra và đã hoàn thành 21km trong thời gian không tệ chút nào. Tội biết VDV này (có trong fl :D) chạy dài không nhiều, và thành tích tập luyện chưa hẳn là ấn tượng. Rõ ràng, nhu cầu chiến thắng chính bản thân mình đã vượt qua mong muốn cần phải được người khác ghi nhận. Bảng vàng thành tích không gọi tên anh. Đó đích thực là tinh thần chạy bộ, tinh thần thể thao không có gì có thể ngăn cản. VDV này chiến thắng hay không? Câu trả lời xin dành cho các bạn 😀

Sau khi viết ra một số điều lảm nhảm trên, hi vọng anh/chị/bạn/em đã có thể tự trả lời câu hỏi có nên tham gia một giải chạy đua hay không (mà LDR Half Marathon chỉ là 1 ví dụ minh họa)

About the Author Nguyen Dat

>
0 Shares