Chạy bộ dưới chân Phú Sĩ

Dupont Tran

Bài viết được tác giả chia sẻ trực tiếp cùng chay365.com

Rời Kyoto khá lưu luyến vì còn nhiều địa điểm chưa kịp khám phá, đoàn tôi đi tiếp tục đến địa điểm tiếp theo, Lữ quán Fujinobou Kaen ở Hakone ngay dưới chân của đỉnh Phú Sĩ.

Tôi chưa có dịp đến núi Phú Sĩ, trước kia có một lần, tôi tưởng có cơ hội đi Phú Sĩ thì ngay trước khi khởi hành trận sóng thần xảy ra, chuyến đi bị hủy bỏ nên đến giờ tôi mới chỉ có dịp thoáng thấy Phú Sĩ từ tầu Shikasen như trong một tập truyện tranh thám tử Conan.

Tôi có anh bạn từng sống ở Nhật, khuyên tôi là nếu có dịp nên về vùng nông thôn quanh Phú Sĩ, ở lữ quán kiểu Nhật, ngủ chiếu tatami, tắm onsen, sẽ có trải nghiệm rất thú vị. Trước chuyến đi tôi nghe được phổ biến sẽ ở tại lữ quán kiểu Nhật nên mường tượng ra lữ quán tôi ở sẽ là một ngôi nhà gỗ hai tầng kiểu cổ của Nhật. Ai dè đến nơi lữ quán lại là một khách sạn cao tầng ở ngoài lát gạch đỏ, an ủi lại là khung cảnh khách sạn rất đẹp, màu gạch đỏ ẩn hiện giữa rừng thông, và view nhìn thẳng ra núi Phú Sĩ; thêm nữa phòng ốc ở trong vẫn được trang bị theo đúng kiểu Nhật.

Nói đến Phú Sĩ, trí nhớ hình ảnh của tôi luôn gắn với bộ tranh khắc gỗ 36 phong cảnh núi Phú Sĩ của Honkusai, nghĩa là tôi nghĩ rằng núi Phú Sĩ quanh năm có đỉnh tuyết phủ trắng.

Katsushika Hokusa,: “Phú Sĩ từ đền Hongan ở Asakusa”

Hóa ra một năm có mấy tháng, tuyết tan sạch và lần này tôi đến thăm đúng lúc đỉnh núi không có tuyết. Cậu hướng dẫn viên có nói rằng núi Phú Sĩ rất thất thường, một năm chỉ có chừng chưa đến trăm ngày là trời quang mây tạnh để nhìn thấy núi Phú Sĩ rõ ràng nên cơ hội để chụp ảnh núi cũng rất tùy duyên.

Không gì tốt cho việc luyện thể lực, tim mạch tốt bằng việc chạy bộ đường dài và cũng không gì đơn giản bằng môn chạy bộ, thế nhưng ở Việt Nam môn chạy bộ đường dài vẫn còn khá xa lạ với hầu hết mọi người nói chung.

Trong bộ môn kinh tế học, có những chỉ số để đánh giá sự phát triển của một khu vực, một quốc gia ví dụ như chỉ số GDP/ đầu người, thế nhưng chỉ số ấy không phản ánh được hết chất lượng cuộc sống của người dân khu đó. Tôi vẫn nói đùa là có những chỉ số để đánh giá mức sống tốt hơn nhiều ví dụ như số lượng giàn nhạc giao hưởng trên số dân, số lượng nhà hát, bảo tàng trên số dân, số lượng triển lãm nghệ thuật hàng năm… Và có cả một chỉ số nữa có thể dùng để đánh giá là số lượng cuộc thi marathon tổ chức mỗi năm. Ví dụ số cuộc đua marathon chính thức hàng năm ở các nước xung quanh Việt Nam như sau;

  • Malaysia: 11
    Trung Quốc: 10
    Nhật Bản: 36

Con số này chưa thấm vào đâu nếu so với Mỹ khoảng hơn 20.000 cuộc và so với Anh hơn 1.000 cuộc đua. Việt Nam hiện nay duy trì được 2 cuộc đua marathon hàng năm là giải đua Đà Nẵng và giải đua đường núi ở Sapa. Ở Việt Nam môn chạy bộ đường dài chưa phổ biến có lẽ là vì bấy lâu nay phong trào thể dục thể thao bị chạy theo thành tích, cách huấn luyện không tạo cảm hứng nên hầu như mọi người nghĩ đến chạy dài là điều không tưởng. Ngay bản thân tôi thời đi học cũng chưa từng chạy dài quá 1km, bởi vì tôi nghĩ sai hoàn toàn về phương pháp chạy đường dài mà các thầy cô cũng không hề chỉ cho tôi, thế là hầu như buổi chạy nào cũng cắm đầu cắm cổ chạy hết sức sau 100m, 200m là thấy đuối dần và 1km là bò về đích. Cách dạy chạy ở Việt Nam khiến cho mọi người nghĩ chỉ có những người có sức khỏe siêu phàm mới có thể hoàn thành được những cự li như 41 km, 21 km.

Không gì giúp cho việc quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch bằng các cuộc chạy đua marathon. Hàng năm, dân chạy khắp nơi trên thế giới, bỏ ra hàng đống tiền để có cơ hội được chạy tại các giải marathon trên thế giới. Trước khi tập chạy đường dài, tôi không nghĩ là người ta chạy không được tiền mà phải mất tiền ra để chạy. Đối với những giải marathon danh giá như Boston, New York thì ngoài chuyện có thành tích cao để được chạy, còn phải mất nhiều tiền để đăng ký, thậm chí còn phải tranh nhau bốc thăm để được chạy. Mà dĩ nhiên đến để chạy thì phải đăng ký khách sạn, ăn uống, mua sắm…

Murakami bắt đầu chạy đường dài khi ngoài ba mươi tuổi và từ ấy đến nay năm nào ông cũng đều đặn tham gia ít nhất một giải marathon, và khi ông viết sách về chạy bộ, đã tạo cảm hứng được cho rất nhiều người bởi vì ông chỉ ra một nguyên tắc đơn giản của môn chạy bộ, ai cũng có thể chạy. Tất nhiên với nhiều người, rào cản lớn nhát với môn chạy bộ không phải là thể lực mà là tâm lý. Đa phần mọi người đến với môn chạy bộ đều công nhận rằng, khó khăn lớn nhất là quyết tâm xỏ giày mỗi sáng, nếu xỏ được giày thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Sớm hôm sau, tôi dạy sớm từ 5h để bắt đầu chạy dưới chân núi Phú Sĩ, 5h nhưng mặt trời đã sáng chói chang, bầu trời trong vắt không một gợn mây. Từ khách sạn tôi chạy xuyên qua khu vườn thông và cây phong để ra con đường chính hướng lên phía núi. Con đường chạy lên dốc không một bóng người và đột nhiên hiện ra cuối dốc, sừng sững núi Phú Sĩ in trên nền trời xanh. Nếu gọi thấy Phú Sĩ là duyên thì tôi thật có duyên với Fuji-san trong chuyến đi này. Chiều qua, khi thăm một ngôi làng cổ nổi tiếng bởi 8 cái giếng lấy nước từ núi Phú Sĩ, đáng nhẽ đấy là một địa điểm tốt để chụp ảnh núi trời sắp mưa đầy mây nên không thấy gì, khi một mình đi sâu vào trong làng, đột nhiên tôi thấy trời đột nhiên quang mây và núi hiện ra.

Trời vẫn còn là tiết hè, ở Osaka và Kyoto vẫn còn nóng lắm nhưng ở độ cao này dọc đường chạy tôi đã thấy lác đác cây phong chuyển màu lá. Đường chạy vẫn chỉ có một mình tôi, nhưng như tôi đã nói, cô đơn với người chạy bộ đường dài là đối thủ, là bạn đồng hành không thể thiếu.

Mẹo để vượt qua chính mình là đừng suy nghĩ nhiều, chỉ tập trung sao cho cứ lần lượt nhấc từng chân lên và tiến về phía trước. Murukami có nói rằng những lúc đau đớn, mỏi mệt thì ông chỉ tâm niệm rằng đau đớn là điều tất yếu và đau khổ này là tự nguyện để tiếp tục tiến lên. Bản thân tôi tự thấy nếu đủ kiên nhẫn vượt qua đau đớn thì tập trung ý chí sẽ giúp cho bản thân rơi vào trạng thái như lúc thiền định, toàn bộ cơ thể sẽ tự động hoạt động nhịp nhàng, thiền trong khi chạy.

Lúc này chạy giữa rừng núi dưới chân ngọn Phú Sĩ, tôi cũng đang rơi vào trạng thái thiền định để tận hưởng không khí trong lành, khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Tôi dừng chân chụp vài kiểu ảnh nhưng cho dù rất cố gắng tôi cũng không thể tái tạo lại được toàn bộ khung cảnh thiên nhiên xung quanh, hình dáng hùng vĩ của ngọn núi Phú Sĩ.

Hai bên đường chạy là những cánh rừng nguyên sinh âm u, tôi nghĩ rằng nếu chỉ rời đường chạy, đi vào trong người ta sẽ lạc lối, vừa nghĩ xong đột nhiên bên đường xuất hiện lối vào một con đường mòn âm u không rõ dẫn đi đâu. Tôi chợt liên tưởng tới con đường dẫn vào khu rừng trong cuốn tiểu thuyết Kafka bên bờ biển của Murukami, đi vào là sẽ tới một nơi nào đó thời gian không trôi. Sau đấy khi đi ô tô lên núi Phú Sĩ tôi mới biết, hóa ra dưới chân núi, có một khu rừng âm u vốn là nơi người Nhật đến để tự sát.

Chạy mãi mới thấy một bác già chạy ngược lại. Trái với suy nghĩ của nhiều người chạy bộ chỉ dành cho thtanh niên, hàng năm tại các giải marathon có rất nhiều người già tham gia thi chạy. Ở Việt Nam đợt trước đọc báo thấy huấn luyện viên đội tuyển bóng đá yêu cầu mỗi ngày đội tuyển phải chạy mấy km, báo chí kêu ầm ĩ là vắt kiệt thể lực mà không để ý rằng bác huấn luyện viên mặc dù 53 tuổi rồi ngày nào cũng duy trì chạy bộ đường dài và tham gia chạy cùng đội tuyển. Có lẽ vì thế mà bác huấn luyện viên người Nhật có dáng người rất chuẩn chứ không ôm bụng bia như huấn luyện viên nội địa.

Nhìn đồng hồ thấy sắp đến lúc quay về để chuẩn bị lên trạm 5 thăm núi Phú Sĩ, tôi chạy ngược lại và kết thúc buổi chạy sớm vừa kịp. Đáng buồn là những bức ảnh tôi chụp núi Phú Sĩ hội bạn xem và quả quyết không khác gì núi Ba Vì ở Hà Nội.

Ngoài lề: Xét về độ cao núi Phú Sĩ so về độ cao cũng chỉ cao hơn đình Fansipan vài trăm mét nhưng người Nhật không xây dựng cáp treo lên tận đỉnh như ở Việt Nam. Người Nhật nào cũng có một mơ ước được leo lên núi Phú Sĩ để ngắm cảnh bình minh. Hóa ra mùa tôi đến thăm núi không có tuyết là lúc người ta leo núi để thực hiện ước mơ đó.

About the Author Dupont Tran

>
0 Shares