Thư nước Mỹ: Một quốc gia yêu chạy bộ

Thư nước Mỹ: Một quốc gia yêu chạy bộ

Theo wikipedia, các môn thể thao phổ biến nhất tại Mỹ là bóng bầu dục, bóng chày, và bóng rổ.  Tiếp đó là khúc quân cầu trên băng, bóng đá, quần vợt,… Tuy nhiên, nếu hỏi rằng môn thể thao nào được nhiều người Mỹ chơi nhất, câu trả lời sẽ là chạy bộ.

Mặc dù trận chung kết giải vô địch bóng bầu dục Mỹ NHL, còn gọi là Super Bowl Sunday do diễn ra vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Hai, vẫn là sự kiện truyền hình được nhiều người theo dõi nhất, theo thống kê, số người chơi bóng bầu dục ở Mỹ “chỉ” là 3,5 triệu. Trong khi đó, hàng năm có gần 20 triệu lượt người tham gia (và về đích) ở các giải chạy bộ chính thức trong hệ thống của Hội chạy bộ Hoa Kỳ. Thu nuoc My Nguoi My chay bo 2.jpg

Đó là chưa tính hàng triệu người khác không tham gia thi, nhưng vẫn miệt mài chạy bộ mỗi tuần, coi đó như một phần không thể thiếu của cuộc sống. Rất khó có được con số chính xác, nhưng số liệu của Hiệp hội công nghiệp thể thao và sức khoẻ Hoa Kỳ (Sport and Fitness Industry Association) năm 2012 cho thấy có 29,4 triệu người Mỹ chạy tối thiểu 50 ngày 1 năm, cùng với đó là gần 45 triệu đôi giày chạy bộ được bán ra trong năm. Một thống kê khác là số người chạy bộ ở Mỹ lên tới 60 triệu. Dân số Mỹ khoảng hơn 300 triệu người, nghĩa là cứ  5-10 người lại có 1 người chạy bộ đường dài, nhiều hơn bất cứ môn chơi nào khác.

Người Mỹ chạy bộ

Số người chạy bộ ở Hoa Kỳ

Điều đáng chú ý là trên khía cạnh thể thao đỉnh cao, Mỹ không phải là cường quốc của môn chạy bộ đường dài. Nếu như ở những cự ly ngắn, điền kinh Mỹ vẫn đang là một thế lực trên đường chạy Olympic thì các cự ly tính từ 5000 m trở lên, đặc biệt là marathon 42 km, đã từ lâu là lãnh địa độc chiếm bởi các vận động viên Kenya hay Ethiopia. Cho đến tháng Tư năm nay, Meb Keflezighi mới là người Mỹ đầu tiên sau hơn 30 năm giành chiến thắng ở trận đánh trên sân nhà Boston Marathon, giải marathon lâu đời và uy tín nhất trên thế giới. Nữ vận động viên hàng đầu của Mỹ hiện nay, Shalane Flanagan, mặc dù lập kỉ lục quốc gia trong lịch sử Boston marathon, thậm chí chỉ cán đích thứ 7, chậm hơn người dẫn đầu tới 3 phút.

Trong khi xuất phát điểm của các vận động viên chạy bộ Kenya là chạy để kiếm sống, để thay đổi cuộc đời,… thì cộng đồng chạy bộ ở Mỹ phần lớn là dân nghiệp dư. 99% những người chạy bộ trên đường là những công dân Mỹ bình thường, hoàn toàn không phải người có tố chất thể thao đặc biệt. Có thể là một anh chàng 200 pounds đang muốn giảm bớt cân nặng, một thanh niên nai nịt như “siêu nhân” (có lẽ đang tập luyện cho một giải trail marathon), hay một cụ bà 60 tuổi nhưng vẫn hàng ngày chậm rãi rải bước 5-6 dặm.

chay365

Không ai nói rằng người Mỹ có lối sống thực sự lành mạnh. Tỉ lệ béo phì của quốc gia này còn rất cao, cứ 3 người Mỹ có 1 người bị tăng huyết áp, 2,5 người có 1 người bị đái tháo đường. Nhưng tôi vẫn gặp khá nhiều người béo phì trên đường chạy, thậm chí là đeo số bib để chạy thi. Có lẽ với họ, tập thói quen chạy bộ là bước đi đầu tiên để thay đổi các hành vi sức khoẻ.

Trong cuốn tự truyện “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”, tác giả Murakami có kể chuyện những ngày tập chạy ở dọc sông Charles ở Boston, và gặp các nữ sinh trường Havard sải những bước chân dài đều đặn cùng bím tóc tung bay phất phơ trong gió. Hiển nhiên những cô gái ấy chạy chỉ vì yêu thích hay vì sức khoẻ, chứ không nhằm lập kỉ lục thế giới hay tương lai sẽ kiếm tiền từ môn thể thao này. Mà đâu chỉ có sông Charles ở Boston? Mỗi buổi sáng sớm hay chiều muộn, mỗi ngày cuối tuần, từ các bãi biển dọc vịnh San Francisco tới các hoang mạc ở Arizona hay Texas, từ những rặng núi ở bang Colorado miền Trung nước Mỹ tới con đường nối từ đồi Capitol tới tháp bút chì ở thủ đô Washington DC, đâu đâu bạn cũng gặp người chạy bộ. Nhiều người vừa chạy vừa dắt chó chạy cùng, nhiều cặp vợ chồng cùng chạy và thay phiên nhau đẩy xe đẩy cho con. Thật thú vị khi liên tục giáp mặt những người cùng sở thích đang mướt mồ hôi trên đường chạy, gật đầu chào nhau, và cùng làm động tác “thumb up” đầy khích lệ.

Nước Mỹ cũng chẳng tội gì không cổ vũ cho môn thể thao này. Dân chạy bộ có quá nhiều lựa chọn tuyệt vời để chạy: trong công viên, dọc bãi biển, quanh các bờ hồ, xuyên qua khuôn viên trường đại học, trong các khu vườn quốc gia rộng lớn hay trên những triền núi có quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ tuyệt vời… Nếu du lịch San Francisco, bạn có thể trải nghiệm cảm giác chạy bộ qua cầu Cổng Vàng, bởi có riêng làn đường cho người chạy bộ và đi xe đạp. Và hiển nhiên khi chạy bộ không phải hít thở mùi tanh ô nhiễm hay mùi thịt nướng toả ra từ những quán nhậu “Dzô Dzô” (một điều bạn hay gặp nếu chạy bộ quanh Hồ Tây, địa điểm chạy đẹp nhất Hà Nội). Dân chạy bộ ở Mỹ có câu “There’s no better way to see America the Beauty than during a run”. Quả thật, sống ở Mỹ, bạn không chạy bộ thì hơi … phí!!!

Chạy bộ ở cầu Cổng Vàng

Chạy bộ ở cầu Cổng Vàng

Khi tản bộ trong công viên trung tâm (Central Park) ở thành phố New York, cứ 5-10 giây tôi lại gặp một tốp chạy bộ băng qua. Lòng đường trong công viên khá rộng (tầm 12-15 m), đủ chỗ cho cả chạy bộ, đi bộ, đạp xe, lướt pa-tanh, nhưng dân chạy đường dài vẫn chiếm số lượng áp đảo. Mà đó là giữa trưa thứ Sáu chứ không phải một ngày cuối tuần.

Chay bo o Central Park New York City

Chạy bộ ở Central Park

Nhiều nhân vật nổi tiếng của Mỹ cũng là tín đồ của bộ môn này. Tổng thống Bush (con) từng hoàn thành cự ly marathon (42 km) trong 3 giờ 45 phút. Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey chạy marathon trong khoảng 4 tiếng rưỡi. Tài tử điện ảnh Robin Williams (người vừa tự sát tháng trước) cũng là một tay chạy bộ có hạng, từng chạy 10 km trong 31 phút.

Hệ quả là hàng năm ở Mỹ có vô số giải chạy. Gần như cuối tuần nào, ở bang nào cũng có thi chạy, dân chạy bộ tha hồ thử sức hoặc lấy làm động lực tập luyện. Các nhà tổ chức thì thu bộn tiền bởi cộng đồng chạy đường dài quá đông đảo. Trang http://marathons.ahotu.com/ thống kê có 2500 cuộc thi bán marathon, 900 cuộc thi marathon, 1000 cuộc thi  ultra-marathon ở Mỹ, dành cho một cộng đồng trên 300 triệu dân. Để so sánh, Nhật Bản có 34 cuộc thi marathon cho 130 triệu dân, Singapore có 3 giải marathon cho 5 triệu dân, Thái Lan và Malaysia đều có 7 giải cho dân số 66 triệu và 30 triệu người.

Việt Nam có 2 giải chạy marathon cho 90 triệu dân: Đà Nẵng marathon và Sapa Mountain Marathon. Không biết có nên tính thêm giải Hạ Long marathon không vì thông tin quá mù mờ và việc đăng ký vô cùng phức tạp. Còn các cuộc thi đại loại như môn marathon trong Đại hội thể dục thể thao toàn quốc hay giải chạy báo Tiền Phong, Hà Nội Mới,… thì số lượng người tham gia vô cùng hạn chế, và chủ yếu dành cho dân thể thao “gà nòi” chứ không phải những người chạy bộ phong trào.

Có gì ngẫu nhiên khi cuộc chơi marathon quốc tế uy tín nhất Việt Nam (Danang International Marathon) được tổ chức ở thành phố được coi là đáng sống nhất cả nước?

Nhưng có lẽ không hề ngẫu nhiên khi chúng ta liên tưởng số lượng giải chạy marathon với trình độ phát triển kinh tế văn hoá của một quốc gia.

Xin cám ơn và chúc mọi người chạy khoẻ, chạy vui!

Xem thêm: Chạy bộ ở Los Angeles

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] thống kê, nước Mỹ hàng năm có tới 20 triệu lượt người hoàn thành cự ly marathon. 30% người […]

  • […] Ghi chép: Nước Mỹ – Một quốc gia yêu chạy bộ […]

  • […] Xem thêm: Thư nước Mỹ – Một quốc gia yêu chạy bộ […]

  • >
    50 Shares