Vì Sao Cần Cử Vận Động Viên Tranh Tài Marathon Ở SEA Games?

Tại SEA Games 30, trong lúc hân hoan với HCĐ nội dung marathon nữ của VĐV Phạm Thị Hồng Lệ (mà Chay365 xếp đầu trong danh sách các khoảnh khắc đáng nhớ của chaỵ bộ Việt Nam năm 2019), cộng đồng chạy bộ đường dài trong nước không khỏi băn khoăn khi đoàn Việt Nam không cử VĐV nam tham gia tranh tài ở nội dung này.

Nguyên nhân khiến Việt Nam không có VĐV nam dự marathon tại SEA Games 30 được các lãnh đạo thể thao đưa ra là khả năng cạnh tranh huy chương của VĐV marathon nam Việt Nam còn thấp.

Điều này không phải không có cơ sở khi thành tích tốt nhất của Hà Văn Nhật, VĐV dự kiến thi đấu là 2 giờ 37 phút 23. Thành tích này kém rất xa các đối thủ trong khu vực, như ứng cử viên vô địch hàng đầu là VĐV Tony Payne(Thái Lan) từng chạy 2 giờ 16 phút 56. Nhiều VĐV khác của Indonesia, Singapore hay Philipines cũng đã phá mốc 2 giờ 30 phút.

Tuy nhiên, liệu rằng cơ hội tranh chấp huy chương có nên cản trở việc gửi VĐV tham gia sự kiện thể thao lớn nhất khu vực ?

Cách đây gần 30 năm, khi bắt đầu hội nhập với thể thao Đông Nam Á, chiến lược “đi tắt đón đầu”, theo đó đầu tư trọng điểm cho các môn có thế mạnh huy chương (như những môn võ), đã giúp Việt Nam đạt được một số thành tựu bước đầu. Giờ đây, khi đã xây dựng vị thế vững chắc ở đấu trường khu vực, thể thao Việt Nam có nhiều lý do để chờ đợi sự hiện diện của marathon nước nhà tại mỗi kỳ SEA Games.

Đưa Việt Nam khỏi top “lười vận động nhất thế giới”

Đầu tiên, một nền thể thao mạnh phải là nền thể thao giành chiến thắng ở các môn Olympic. Còn môn thể thao nào giàu tinh thần Olympic như marathon?

Marathon là một trong những môn thể thao được thi đấu tại Thế vận hội hiện đại đầu tiên (năm 1896), và chưa từng vắng bóng ở bất kỳ Thế vận hội mùa hè nào.

Sự giản dị đến nguyên sơ khiến chạy bộ 42 km trở thành thử thách hoàn hảo để kiểm chứng giới hạn con người, về cả thể lực, sức bền, lẫn ý chí tinh thần. Chẳng thế mà cách đây một tháng, chiến tích chạy marathon dưới 2 giờ của VĐV Kenya- Eliud Kipchoge được ghi nhận tương đương với sự kiện con người đặt chân lên mặt trăng.

Bản thân việc góp mặt tranh tài ở nội dung marathon đã xứng đáng là một niềm tự hào. Nếu quốc gia nào cũng chỉ quan tâm tới cơ hội cạnh tranh huy chương thì môn marathon ở mỗi kỳ Thế vận hội chỉ nên dành cho một nhóm nhỏ các VĐV Kenya hay Ethiopia.

Thứ hai, với các đặc điểm đơn giản và linh hoạt đặc trưng, chạy bộ đường dài là một trong những môn thể thao phổ biến nhất trên toàn thế giới.

Theo thống kê, nước Mỹ hàng năm có tới 20 triệu lượt người hoàn thành cự ly marathon. 30% người trưởng thành ở Đan Mạch từng chạy marathon ít nhất một lần trong đời. Không thể tìm được sự kiện thể thao cộng đồng nào mà cùng lúc có hàng chục ngàn người tự nguyện tham gia như marathon. Ở Việt Nam, cộng đồng chạy bộ đường dài đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, quy tụ nhiều tầng lớp tham gia bất kể tuổi, giới, nền tảng thể lực.

Chạy bộ đường dài, đại diện là chạy marathon, có tác dụng tích cực cho sức khoẻ trên mọi phương diện: giảm cân, làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, chuyển hoá, đem lại sự thư thái tinh thần cho người tập,… Mục đích cuối cùng của thể thao là phát triển cộng đồng khoẻ mạnh và năng động. Từ đây, chạy bộ đường dài sẽ mang lại tác động để đưa Việt Nam ra khỏi top 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới.

Thứ ba, marathon là một môn chơi mà thể thao đỉnh cao và thể thao phong trào rất gần gũi. Marathon nằm trong nhóm nhỏ các môn thể thao Olympic diễn ra ngoài đường (không phải trong sân vận động hay nhà thi đấu). Có một sự kết nối và tương tác đặc trưng giữa VĐV thi đấu với đám đông người hâm mộ, do đó tầm ảnh hưởng và sức lan toả của marathon với cộng đồng rất rõ nét. Có lẽ không môn chơi nào mà một người bình thường lại có cơ hội trải nghiệm điều kiện thi đấu cùng thời gian, địa điểm, hoàn cảnh với VĐV đỉnh cao như marathon.

Với marathon, phát triển thể thao đỉnh cao sẽ là cách tốt nhất để phát triển thể thao phong trào, làm tiền đề để tới lượt mình, thể thao phong trào lại trở thành nền tảng để chọn lựa những hạt giống tốt nhất cho thể thao đỉnh cao.

Cuối cùng, đành rằng thành tích của Hà Văn Nhật còn kém so với các ứng cử viên vô địch khác. Nhưng nếu có nội dung điền kinh nào tiềm ẩn nhiều bất ngờ thú vị, đó chính là marathon. Bởi quãng đường 42 km, với điều kiện địa hình và khí hậu đa dạng, luôn tạo cơ hội cho những chú ngựa ô tạo bất ngờ. Chiến thắng của chân chạy phong trào người Nhật Bản- Yuki Kwauchi tại giải marathon danh giá nhất thế giới, Boston Marathon năm 2018 là một ví dụ.

Thực tế cho thấy chính ứng cử viên hàng đầu Tony Payne cũng đã thất bại tại SEA Games 30 vừa qua (anh không thể hoàn thành cuộc đua).

Marathon Việt Nam xứng đáng có VĐV dự SEA Games

Xét theo thành tích thi đấu trong nước năm 2019, Hà Văn Nhật chưa phải VĐV xuất sắc nhất. Anh còn về sau Lê Quang Hoà (Đà Nẵng) tới 1 phút trong màn so tài trực tiếp tại giải Long Biên Marathon.

Việc Hà Văn Nhật liên tục tham gia thi đấu các giải phong trào trong cả năm, dẫn tới tăng nguy cơ chấn thương và không có điểm rơi phong độ tốt nhất vào SEA Games. Nếu có quy trình tuyển lựa hợp lý để chọn ra người xuất sắc nhất, cộng với quá trình tập huấn bài bản, marathon Việt Nam không hẳn là hết cửa đạt huy chương ở SEA Games.

Vẫn biết rằng đầu tư cho marathon là một sự đầu tư tốn kém, khi VĐV chỉ đủ khả năng thi đấu tối đa hai hay ba giải marathon mỗi năm. Nhưng những lý do kể trên cho thấy marathon xứng đáng nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các cấp lãnh đạo.

Trong 6 năm qua, cộng đồng chạy bộ đường dài ở Việt Nam đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Từ chỗ chỉ có một giải marathon duy nhất năm 2013, tới năm 2020 dự kiến có không dưới 20 giải marathon diễn ra tại các tỉnh thành trong cả nước.

Giờ đây các VĐV người Việt không chỉ thống trị bục huy chương tại các giải đấu trong nước mà đã tham gia ngày càng nhiều hơn các giải marathon trên thế giới. Cộng đồng đó xứng đáng được cử đại diện ưu tú nhất tham gia tranh tài tại đại hội thể thao lớn nhất khu vực- SEA Games.

Hy vọng rằng trong thời gian tới Việt Nam, một đất nước hơn 90 triệu dân, sẽ có VĐV giành huy chương vàng nội dung marathon ở SEA Games.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] Vì Sao Cần Cử Vận Động Viên Tranh Tài Marathon &#79… […]

  • >
    0 Shares