Chạy bộ là món quà

Chạy bộ là món quà

Khi ấy là giữa tháng Hai, hai ngày sau giải Turn Up and Run 2014. Tôi chạy 10 km trong 42 phút. Mặc dù cách mục tiêu 40 phút khá xa (2 phút ở đây tương đương nửa km), nhưng tôi nghĩ mình còn nhiều cơ hội cải thiện thành tích. Lần đua tới tôi sẽ phân bố sức hợp lý hơn, sẽ tập thêm core trước giải chạy, sẽ chạy nhanh hơn trong mỗi buổi tập, vv và vv…

Ngay trong buổi tập đầu tiên sau giải, tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn ở chân phải. Tôi không biết điểm đau cụ thể ở đâu, chỉ cảm thấy mỗi bước chân đặt xuống đều kèm theo cảm giác nhoi nhói rất khó chịu. Hôm đó tôi chỉ chạy được 8 km. Cảm giác khó chịu còn đeo đẳng đến tận chỗ làm. Không hẳn là đau đớn, nhưng đủ khiến tôi ngại di chuyển.

Đây không phải lần đầu tiên tôi gặp vấn đề về chân cẳng khi chạy bộ. Suốt 4 tháng đầu tập chạy, tôi luôn luôn đáp gót, cho đến ngày đau đầu gối. Tôi nghỉ 2 hôm, đổi kỹ thuật chạy sang tiếp đất bằng phần giữa bàn chân, và mọi chuyện ổn thoả. Từ đó đến nay, dù đã chạy khá dài, khá nhanh, tôi chưa bao giờ bị chấn thương nào khác. Lần này tôi cũng nghĩ đơn giản, cứ nghỉ sẽ khỏi.

Ba hôm sau, khi không còn cảm giác khó chịu nữa, tôi quyết định chạy trở lại. Mục tiêu là chạy từ bệnh viện lên Hồ Tây, làm một vòng hồ rồi về. Đây là cung đường quen thuộc, cự ly 28 km, tôi thường hoàn thành trong khoảng 3 giờ đồng hồ. Sau 5 km đầu khá thoải mái, cảm giác nhói đau xuất hiện trở lại. Lần này rõ rệt hơn, ở vùng hông phải. Tôi giảm tốc độ, cố gắng thích nghi với cơn đau. Nhưng mọi thứ trở nên trầm trọng hơn rất nhanh chóng. Đau cay xè mắt. Đến phố Văn Cao thì tôi chấp nhận bỏ cuộc. Cảm giác bỏ cuộc chẳng dễ chịu chút nào. Miệng tôi đắng chát, chắc không chỉ vì mất nước. Tôi lủi thủi cuốc bộ về. Một quán cà phê bật nhạc của Frank Sinatra, nghe cô đơn và buồn tê tái. Đi ngang qua sân bóng cạnh khách sạn Daewoo, tôi nhìn những thanh niên đang chạy theo quả bóng mà thấy thèm được như họ.

Người khôn ngoan dừng lại khi có dấu hiệu cảnh báo đầu tiên. Còn kẻ bướng bỉnh phớt lờ mọi thứ để rồi phải trả giá. Lần đau này dữ dội hơn, và kéo dài nhiều ngày sau đó. Dù chưa biết chấn thương của mình thuộc loại nào, nhưng tôi nắm được một thông điệp rõ ràng: cần nghỉ chạy, bao lâu chưa rõ, nhưng phải nghỉ hoàn toàn. Bản án đã được tuyên.

Hà nội những ngày sau tháng Giêng Âm lịch thật u buồn và ảm đạm. Mưa xuân giăng kín trời, kéo dài lê thê từ hôm này qua hôm khác. Trời nồm và ẩm thấp. Mây mù xám xịt. Tôi cũng gặp vài chuyện không vui nho nhỏ. Lẽ ra, mọi thứ sẽ ổn hơn nếu tôi có thể chạy. “Tiếp tục làm những công việc mình đang làm và xã hội trông đợi mình phải làm – Tìm một môn thể thao nào đó để chơi – Chờ thời gian trôi qua và mọi thứ ổn dần lên”, đó vẫn là “phương thuốc” của tôi trong những hoàn cảnh khó khăn. Tiếc là lúc này tôi không thể chạy.

Trời mưa rả rích khiến tôi bỏ ý định đạp xe. Tôi quay lại bể bơi vài buổi. Thật không có gì thú vị. Tôi bơi uể oải và chỉ nghĩ đến lúc đôi chân lành lặn để có thể tiếp tục chạy.

Có những hôm tôi rời bệnh viện về sớm và tiếc vì thời tiết quá thuận lợi cho chạy bộ. Tôi cũng nhớ cung Hồ Tây da diết. Hồ Tây lúc sớm mai, sương giăng mịt mờ, luôn đẹp và quyến rũ. Hồ Tây lúc tối muộn, yên tĩnh và lặng lẽ như một góc nhỏ Châu Âu giữa phố phường Hà nội. Khi mấy anh em LDR rủ nhau chạy quanh hồ, tôi xung phong quay phim. Nhìn mọi người chạy mà thấy “ghiền” không thể tả. Nhiều người từng hỏi tôi lấy đâu ra tinh thần để “nuốt” hết những quãng đường 20 km, 30 km. Bây giờ tôi nhận ra để quyết tâm không chạy đòi hỏi ý chí lớn hơn chạy. IMG_7877

Một đồng nghiệp khoa Khớp khám cho tôi. Anh ấn mạnh vào vùng hông và nói tôi bị viêm mấu chuyển lớn xương đùi. Mấu chuyển lớn là nơi tất cả các cơ đùi bám vào, và hoạt động quá nhiều sẽ khiến nó bị viêm. Thật sung sướng khi có người ấn đúng điểm đau của mình. Tôi làm siêu âm khớp đùi để yên tâm rằng tình trạng viêm ổn định. Ánh sáng mới le lói cuối đường hầm lại vụt tắt khi sau 5 ngày dùng thuốc chống viêm giảm đau, tôi vẫn thấy nhói nhói dọc đùi phải mỗi lúc đi bộ nhanh. Đau mấu chuyển lớn thì đúng rồi, nhưng có lẽ còn đau nhiều nơi khác nữa. Có hôm tôi đau ngay cả khi nghỉ ngơi. Đúng là đau kiểu viêm (khác với đau cơ học, đau khi vận động). Tôi bắt đầu chườm đá mỗi tối. Viên đá lạnh buốt áp trên da khoảng 10 phút là vùng da tấy đỏ lên. Với suy luận rằng phản ứng viêm sẽ dẫn tới “sưng, nóng, đỏ, đau”, tôi nghĩ điều trị bằng cách áp lạnh có lẽ ổn.

Tôi nghỉ chạy tổng cộng 3 tuần – mà dài như 3 tháng. Ngày đầu tiên chạy trở lại, tôi nhớ rất rõ buổi sáng hôm ấy. Tôi xỏ chân vào đôi giày quen thuộc – cái đôi Nimbus 15 đã cùng chinh chiến biết bao dặm đường, đã đồng hành cùng tôi quanh Hồ Tây, trong giải chạy 21km và 10km, và cả hôm tôi phải đi bộ về nữa. Đôi giày chạy như người bạn thân lâu ngày không gặp. Tôi chạy 7 km buổi sáng, và thêm 7 km buổi chiều, chạy chậm rãi trong một niềm hứng khởi không kìm hãm được. Mưa vẫn rơi rả rích và chân tôi hưng phấn đạp trên những vũng nước bắn tung toé. Thật may, không kèm một cảm giác nhói đau nào cả.

Sau này, tôi tìm hiểu và biết mình bị đau dải chậu chày (Ilio-Tibial Band Syndrome, ITBS). ITBS vẫn đeo bám tôi dai dẳng suốt cả mùa hè năm ngoái. Bất cứ khi nào tôi định chạy nhanh hơn một chút, thì hông lên tiếng để nhắc cái thằng tôi đừng hăng hái quá mức. Mãi cho tới mùa thu, nó mới không còn xuất hiện nữa. Từ đó, tôi hết sức thận trọng khi tăng khối lượng vận động, đặc biệt tránh chạy đua những cự ly quá ngắn. Nếu phải chạy giải thì dành thời gian đáng kể để dưỡng sức (taper) và phục hồi (recover). Với một đối thủ nguy hiểm và dai như đỉa như ITBS, tốt nhất là nên nể trọng nó.

Nhân kỷ niệm một năm bị chấn thương, tôi ngồi gõ lại bài này, để tự nhắc mình và anh em chạy bộ đừng chủ quan. Chạy bộ rất dễ chấn thương, thật thế. Đừng bỏ qua những tín hiệu cảnh báo của cơ thể. Ai đang bị chấn thương cũng hãy kiên trì. Chạy bộ là chuyện cả đời. Sớm muộn gì sẽ cũng sẽ khỏi thôi, dù thời gian chờ đợi có thể là 2 tuần, 2 tháng, thậm chí nửa năm.

Xin mượn lời anh Lương Phạm – người cũng đang phải nghỉ chạy vì chấn thương –làm tiêu đề cho bài viết. “Chạy bộ là món quà”. Món quà khi chúng ta chạy và tận hưởng niềm vui chạy bộ, món quà khi chúng ta có đủ thời gian cho đam mê, và là món quà khi chúng ta có thể chạy thoải mái mà không bị chấn thương.

Tháng 3.2015

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] sâu hơn nữa vào sự biết ơn, hãy trân trọng tất cả những thứ xảy ra xung quanh […]

  • >
    47 Shares