Lời Khuyên Của Chuyên Gia Về Chạy Bộ Trong Kỳ “Đèn Đỏ”

Hãy vượt qua chu kỳ hàng tháng như một nhà vô địch với những lời khuyên từ các chuyên gia. Dưới đây là lời khuyên từ một bác sĩ phụ khoa chuyên về thể thao.

Với các triệu chứng đau quặn bụng, đầy hơi, cáu gắt, và mệt mỏi, kỳ “đèn đỏ” có thể khiến lịch trình tập luyện của bạn tiêu tan như mây khói – thậm chí một vận động viên kinh nghiệm nhất cũng có thể cảm thấy như thể cô ấy phải bắt đầu từ đầu. Vậy thì, phụ nữ nên đối mặt với các dấu hiệu của kỳ “đèn đỏ” như thế nào? Khi “Mẹ thiên nhiên” ghé thăm, nên nghỉ ngơi hay tiếp tục tập luyện?

Lời khuyên của chuyên gia

Dưới đây là bài phỏng vấn của tạp chí Women’s Running với bác sĩ Mona Shangold tại trung tâm Sức khỏe phụ nữ và Phụ khoa thể thao ở Philadelphia. Qua đó, chúng ta sẽ được bác sĩ mách nhỏ một số cách để “chèo lái” qua “cơn gió to ngược chiều” mỗi tháng.

Women’s Running: Kỳ kinh hàng tháng ảnh hưởng thế nào đến thành tích của chúng ta thưa bác sĩ?
Dr. Mona Shangold: Bản thân kỳ “đèn đỏ” không ảnh hưởng đến thành tích chạy, nhưng các triệu chứng của nó thì có. Đau bụng, đầy hơi, và mệt mỏi có thể làm giảm cả tốc độ và sức bền của chúng ta. Thêm nữa, tâm trạng bất ổn đi cùng với kỳ kinh hàng tháng khiến ta thấy khó có tinh thần chạy bộ trong kỳ đèn đỏ.

Women’s Running: Vậy phụ nữ có nên giảm cường độ chạy bộ trong kỳ đèn đỏ không thưa bác sĩ?
Dr. Mona Shangold: Hoàn toàn không. Không có lý do về mặt y học nào để bạn thay đổi lịch tập luyện. Dù vậy, không may là đối với hầu hết phụ nữ, những kỳ “đèn đỏ” nặng nề cũng khiến việc chạy trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, các runner có thể sẽ muốn tránh hoặc chạy ít đi khi đang trong những ngày nhiều kinh nguyệt. Nhưng thực ra không cần thiết làm vậy. Dựa vào các triệu chứng kinh nguyệt của bạn, bạn có thể tìm được một số bài tập nhẹ nhàng hơn cho cơ thể. Ví dụ, nếu kỳ kinh đi kèm với đau quặn bụng hoặc đau lưng, các bài tập không ảnh hưởng như đạp xe, bơi, hay yoga, có thể sẽ phù hợp hơn. Dù sao thì phụ nữ cũng nên lắng nghe cơ thể họ và chọn hình thức tập luyện phù hợp nhất. Và dù tập luyện dưới hình thức nào, một chế độ ăn thích hợp là điều cần thiết. Hãy ngăn chặn bản thân ăn no bụng các loại thức ăn không tốt cho sức khỏe, dù cho các hormone có hoành hành cơ thể bạn thế nào.

Tham khảo: Tập chạy trong giai đoạn đèn đỏ

Women’s Running: Cách tốt nhất để chống lại các triệu chứng như đầy hơi, co thắt, đau bụng, trong kỳ “đèn đỏ” là gì thưa bác sĩ?
Dr. Mona Shangold: Tin tốt là các runner nữ đã hơn các phụ nữ khác một bước: tập luyện thường xuyên giúp giảm các triệu chứng kinh nguyệt.  Vì chạy bộ giúp giải phóng endorphins (một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng, giảm đau…), nhiều phụ nữ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi tập luyện. Hãy thử chạy bộ nhẹ nhàng để gặt hái được lợi ích này nhé. Nhiều loại thuốc tránh thai, đặc biệt các loại chứa hàm lượng estrogen thấp, có thể giảm chảy máu, đau bụng, đầy hơi, và mệt mỏi. Thuốc giảm đau khẩn cấp, như ibuprofen hay naproxen, là cách phòng ngừa và trị liệu hiệu quả nhất đối với các triệu chứng kinh nguyệt như quặn bụng, vì chúng ngăn cản sự hình thành prostaglandin (một chất trung gian hóa học của quá trình viêm và cảm nhận đau). Dù dùng loại thuốc nào, hãy chắc chắn rằng bạn đã đọc rõ nhãn thuốc để có liều dùng thích hợp, và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào.

Tham khảo: Chạy bộ khi đang phải dùng thuốc

Women’s Running: Có khi nào mà phụ nữ không nên chạy khi đang trong kỳ “đèn đỏ”?
Dr. Mona Shangold: Từ góc nhìn y khoa, không bao giờ có chuyện đó. Nhưng dựa vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng kinh nguyệt, đừng xấu hổ khi cho phép bản thân nghỉ ngơi một ngày. Cho cơ thể nghỉ ngơi chút không sao cả. Nếu các triệu chứng kinh nguyệt khiến bạn phải đấu tranh liên tục, hoặc nếu bạn thấy bất cứ sự thay đổi lớn nào trong chu kỳ của mình, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Cách giải quyết của những vận động viên chuyên nghiệp

Kara Goucher 

Kara Goucher là chân chạy đường dài nổi tiếng người Mỹ, với PR marathon 2:24:52. Cô đã dành huy chương bạc 10.000 mét tại Giải vô địch thế giới về điền kinh năm 2007 và đại diện cho nước Mỹ tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008 và Thế vận hội London 2012.
Trong cuốn sách của cô mang tên Running for Women (tạm dịch: Chạy bộ đối với phụ nữ), ngôi sao chạy bộ đường dài có nói: “Một trong những cuộc đua tốt nhất của tôi đến ngay sau kỳ kinh nguyệt. Hãy tập luyện qua cả “đèn đỏ”!”

Kathrine Switzer

Nhà tiên phong trong các nữ vận động viên chạy bộ (nữ vận động viên đầu tiên hoàn thành Boston Marathon) nhớ lại cuộc đua marathon mà cô phải mặc một chiếc quần tất len bên trong quần sooc vì sợ có “tai nạn”. Trong hồi ký của mình mang tên Marathon Woman, cô đã nói: “Không có cách nào khác, kể cả khi ngoài trời 38 độ C, tôi vẫn phải mặc chiếc quần tất đó để chạy.”

Uta Pippig

Uta Pipping là nữ vận động viên đầu tiên vô địch Boston Marathon ba lần liên tiếp, cùng với đó là ba chiến thắng ở Berlin Marathon và một lần vô địch New York Marathon. Trong giải Boston Marathon năm 1996, vận động viên chạy bộ người Đức này chiến thắng vào những ngày “nặng nề” nhất trong kỳ kinh của mình, với các triệu chứng mà ai trong đám đông cổ vũ đều có thể dễ dàng nhận thấy. Hình ảnh Uta về đích (thành tích 2:27)  với máu chảy dọc hai bên đùi đã trở thành một trong những tấm hình biểu tượng của giải Boston. Vào thời điểm đó cô đã phát biểu rằng “Sau 4 dặm, tôi đã vài lần định bỏ cuộc vì quá đau. Nhưng cuối cùng, tôi đã chiến thắng.”

Uta Pippig vô địch Boston 1996

Theo Women’s Running

About the Author tranphuongthao

  • […] Lời Khuyên Của Chuyên Gia Về Chạy Bộ Trong Kỳ &ldquo… […]

  • […] Lời Khuyên Của Chuyên Gia Về Chạy Bộ Trong Kỳ &ldquo… […]

  • >
    44 Shares