Chạy chậm có nên đi siêu giày không?

Trong thời đại của những siêu giày, việc xuất hiện hàng tá những kỷ lục chạy bộ có lẽ đã không còn trở thành những bất ngờ đối với cộng đồng chạy bộ. Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể lý giải hết nguyên lý của công nghệ này nhưng họ cũng phần nào chứng minh được rằng loại giày được thiết kế với công nghệ đế làm từ bọt foam dày, độ co nén tốt, lồng tấm các bon cong cùng hình dạng ghế bấp bênh thư giãn xuất hiện lần đầu ở đôi giày Nike Vaporfly 4% năm 2017 đã giúp các chân chạy thành tích cao tiết kiệm 2,7-4,2% hiệu năng chạy. Nói cách khác, nhờ những đôi giày này, các chân chạy có thể tiết kiệm được 2,7-4,2% năng lượng và sức lực khi chạy cùng tốc độ để có thể chạy xa hơn hoặc nhanh hơn so với những đôi giày bình thường.

Một hạn chế cho tới nay là những siêu giày này chỉ được thử nghiệm ở tộc độ chạy 4:37 phút/km hoặc nhanh hơn. Tốc độ này đồng nghĩa với thành tích 3:15 hoặc nhanh hơn, thành tích mà chỉ có 21% các chân chạy tham gia giải Boston năm 2021.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố gần đây đã nghiên cứu hiệu quả của siêu giày đối với đại đa số các chân chạy. Câu trả lời mà nghiên cứu này đưa ra là: có hiệu quả nhưng thấp hơn.

Nghiên cứu đối với các chân chạy phong trào

Tiến sĩ Dustin Joubert, giáo sư về vận động cơ thể tại Đại học St. Edward, với mong muốn tiến hành một nghiên cứu cho tất cả mọi người, đã thực hiện nghiên cứu với mục đích tìm hiểu liệu siêu giày, cụ thể là đôi Nike ZoomX Vaporfly Next% 2 có tạo ra lợi thế hiệu năng chạy cho những chân chạy chậm hay không.

Tiến sĩ Joubert cho biết “có rất nhiều người không có khả năng rơi vào nhóm tốc độ thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu họ có nên xuống tiền mua siêu giày hay không? Liệu siêu giày có hiệu quả đối với người chạy chậm hay không?”

Phiên bản nâng cấp của các hãng giày. Hình ảnh từ instagram @runwithtfd

Để trả lời cho câu hỏi này, tiến sĩ Joubert cùng đồng nghiệp đã tuyển 16 chân chạy, 8 nam và 8 nữ với thành tích tốt nhất cự ly 5K dao động trong khoảng 19:06 đến 20:18 và yêu cầu họ thực hiện hai tổ chạy, mỗi tổ gồm 4 lần chạy 5 phút trên máy chạy bộ. Mỗi chân chạy chạy một tổ ở tốc độ 4:58 phút/km (tương đương với tốc độ chạy marathon cho người chạy 5K trong 22:15) và tổ còn lại ở tốc độ 6:00 phút/km (tức ngưỡng chậm của biên độ tốc độ chạy nhẹ cho người chạy 5K trong 22:15). Trong mỗi tổ, các chân chạy chạy thử bằng hai đôi giày khác nhau: một hiệp chạy 5 phút trong đôi Nike ZoomX Vaporfly Next% 2 và hiệp còn lại trong đôi đối chứng Asics Hyper Speed. Sau đó các chân chạy lặp lại nhưng đảo ngược thứ tự giày (tức mang giày Asics trước và giày Nike sau).

Lý do các nhà nghiên cứu chọn đôi Asics Hyper Speed làm giày đối chứng vì đây là đôi giày không có công nghệ đế các bon và bọt foam của đôi Vaporfly nhưng có cùng trọng lượng. Đây là yếu tố tối quan trọng vì trọng lượng giày ảnh hưởng nhiều tới hiệu năng chạy; một đôi giày nặng hơn sẽ đòi hỏi người chạy phải tiêu hao nhiều năng lượng hơn và do đó có thể khiến kết quả không còn phù hợp. Một nghiên cứu trước đó đã so sánh đôi Vaporfly với các đôi giày tập luyện hàng ngày nhưng hầu hết các đôi giày tập luyện hàng ngày đều có trọng lượng nặng hơn 100 gram, tương đương với khoảng 40 đồng xu. Hãy tưởng tượng bạn đeo số lượng xu này và bước chân 55.000 lần (số bước chân bình quân khi chạy marathon ở nam giới và khoảng 63.000 bước ở nữ), chúng ta sẽ cần tiêu hao thêm khá nhiều sức lực!

Lợi thế hiệu năng cho nhóm thành tích 3:30–4:15

Nghiên cứu mới này chỉ ra rằng tính bình quân, hiệu năng khi chạy bằng đôi Vaporfly tốt hơn khi chạy bằng đôi Hyper Speed. Tuy nhiên, do tốc độ chạy chậm nên lợi thế tạo ra nhỏ hơn khi chạy ở tốc độ cao hơn: các chân chạy chỉ tiết kiệm được 1,4% hiệu năng chạy khi chạy ở tốc độ 4:58 phút/km và 0,9% ở tốc độ 6:00 phút/km so với mức 2,7–4,2 % ở tốc độ 4:37 phút/km hoặc nhanh hơn.

Siêu giày thi đấu của một số hãng. Hình ảnh từ instagram @runwithtfd

Tiến sĩ Joubert cho rằng nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch này chủ yếu xuất phát từ cơ chế hoạt động của cấu tạo bọt foam của đế giày. Phần lớn lợi thế về hiệu năng chạy được tạo ra từ việc nén ép lớp bọt foam ở đế để tạm giữ năng lượng như một chiếc lò xo, sau đó sẽ giải phóng năng lượng được lưu trữ tạm thời này khi lớp bọt foam bung trở lại. Người chạy nhanh sẽ tạo ra phản lực lớn hơn lên bề mặt chạy và sẽ nén lớp bọt foam mạnh hơn so với các chân chạy chậm hơn.

Theo giải thích của tiến sĩ Joubert, “bản thân đôi giày không tạo ra năng lượng cho chúng ta, nó chỉ trả lại những gì chúng ta đã tạo ra và tạm thời lưu giữ trong đế giày.”

Không phải ai cũng có lợi

Trước khi cho rằng “lợi thế vẫn là lợi thế dù lớn hay nhỏ” thì chúng ta cần lưu ý thêm một kết quả khác từ nghiên cứu này. Mặc dù kết quả từ 16 chân chạy trong nghiên cứu cho thấy mức độ cải thiện hiệu năng chạy bình quân từ 0,9-1,4% nhưng một phần ba số chủ thể tham gia lại cho thấy hiệu năng chạy giảm đi khi chạy đôi Vaporfly ở tốc độ 6:00 phút/km so với khi chạy với đôi giày đối chứng. Kết quả này khác biệt so với kết quả thử nghiệm đối với đôi Vaporfly ở tốc độ chạy nhanh hơn trng đó các chân chạy đều cải thiện hiệu năng chạy ở mức độ khác nhau nhưng không chân chạy nào bị giảm hiệu năng chạy.

Siêu giày thi đấu của một số hãng. Hình ảnh từ instagram @runwithtfd

Một lý do khả dĩ có thể liên quan đến tấm các bon của đôi Vaporfly. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng độ cứng theo chiều dọc của đôi giày giúp cải thiện hiệu năng chạy khi chạy ở tốc độ nhanh thông qua việc giảm lượng năng lượng cần thiết mà bàn chân phải tạo ra khi tiếp đất và bật bàn chân khỏi mặt đất từ vị trí khớp nối bàn chân và ngón chân. Tiến sĩ Joubert đưa ra giả thuyết rằng, ở tốc độ chạy thấp hơn, tấm các bon cứng có thể không giúp chúng ta tiết kiệm năng lượng và sức lực mà còn đòi hỏi cơ thể phải tiêu hao thêm năng lượng để “vượt qua” tấm các bon. Tiến sĩ Joubert cho rằng “nếu tấm các bon có độ cứng cao, việc chạy ở tốc độ thấp như vậy có thể làm suy giảm hiệu năng chạy.”

Kết quả này một lần nữa khẳng định lời khuyên mà tiến sĩ vật lý trị liệu Nathan Brown thường dành cho khách hàng và vận động viên mà ông hướng dẫn rằng “nếu mục tiêu chọn giày thi đấu là để chạy nhanh hơn nhưng nếu vẫn có 30% khi đi giày thành tích sẽ chậm hơn, tốt nhất nên tìm đôi giày chúng ta chạy thoải mái hơn là đôi giày có thể hoặc không thể mang lại cho chúng ta bất kỳ lợi thế nào.”

Vậy có nên mang siêu giày hay không?

Vậy nếu tốc độ chạy marathon của chúng ta rơi vào khoảng 4:58 – 6:00 phút/km thì chúng ta nên làm gì? Có nên đánh cược rằng mình thuộc về hai phần ba còn lại và xuống tiền đầu tư một đôi siêu giày, đặc biệt trong bối cảnh lượng giày xách tay giảm giá từ Nhật Bản đổ về vô cùng lớn với mức giá vô cùng ưu đãi? Hay chúng ta nên vui vẻ với những đôi giày mình đang có? Xét cho cùng, giày chạy cũng giống như nhiều phụ kiện chạy bộ khác là vấn đề sở thích cá nhân. Khi đưa ra quyết định, chúng ta cần cân nhắc những điểm chính sau đây:

Chọn đôi giày mang lại cảm giác thoải mái

Nếu đi siêu giày mà chúng ta có cảm giác khó chịu, đó có thể là dấu hiệu giày không phù hợp và không tạo ra hiệu năng chạy cho chúng ta. Tiến sĩ Joubert cho rằng mức độ thoải mái mà đôi giày tạo ra có thể ảnh hưởng đến khía cạnh sinh cơ học vào ngày thi đấu, trong đó bao gồm cả hiệu năng chạy và nếu một đôi giày không tạo ra cảm giác thoải mái, nhiều khả năng đôi giày đó cũng sẽ không mang lại nhiều hiệu năng khi thi đấu.

Siêu giày của hãng Asics Hình ảnh từ instagram @runwithtfd

Còn chuyên gia Brown thì xem trọng khía cạnh thoải mái và tự tin khi thi đấu hơn là khía cạnh có hay không có đế các bon. Để có thể xác định mức độ thoải mái, chuyên gia này Khuyên chúng ta nên đi thử giày thi đấu trong một vài bài tập quan trọng và nếu mục tiêu của chúng ta là thi đấu marathon thì nên đi làm quen trong một số buổi chạy dài trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho giải đấu.

Đừng mang siêu giày hay một đôi giày duy nhất cho mọi bài chạy

Theo các chuyên gia, tối thiểu chúng ta nên đầu tư ba đôi giày, một đôi tập luyện hàng ngày, một đôi có trọng lượng nhẹ, và một đôi thi đấu và xoay vòng giày trong quá trình tập luyện. Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta nên luân phiên xoay vòng giày.

Nguyên nhân thứ nhát là giảm nguy cơ chấn thương. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người xoay vòng giày giảm nguy cơ chấn thương 39% so với những người đi cùng một đôi giày cho mọi bài chạy. Bản chất của chạy bộ là hoạt động lặp đi lặp lại và chúng ta nên tránh dồn nén áp lực cho mộn cơ, xương hay gân bấn kỳ. Và mặt khác, việc xoay vòng giày đồng thời giúp chúng ta kích htichs các bộ phận khác phát triển mạnh hơn.

Siêu giày của hãng Saucony. Hình ảnh từ instagram @runwithtfd

Trong hoạt động chuyên môn của mình, chuyên gia Brown thấy rằng siêu giày thường làm giảm tải cho các bộ phận phía dưới chân như bắp chân và gân gót chân. Từ đó ông quan sát thấy xu hướng chấn thương xuất hiện gia tăng ở vùng phía trên như cơ đùi sau và cơ gập đùi trong số những chân chạy thường mang siêu giày trong hầu hết hoặc tất cả các buổi tập luyện.

Lý do thứ hai chúng ta nên xoay vòng giày là buộc chúng ta phải cảm nhận được đôi giày nào phù hợp với mục đích của bài chạy nào. Chúng ta cần cảm nhận được cảm giác mà đôi giày tạo ra và đây là một phần của việc tập luyện và thi đấu. Nói tóm lại, sử dụng những đôi giày khác nhau cho các bài chạy khác nhau trong các buổi tập khác nhau.

Thử nhiều mẫu và thương hiệu khác nhau

Nike Vaporfly là dòng giày đế các bon đầu tiên được tung ra thị trường và có lẽ là dòng giày tạo được tiếng vang lớn nhất. Hầu hết các thương hiệu hiện nay đều có một dòng giày tương tự và mặc dù nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu năng của các đôi giày này không bằng nhưng  không có nghĩa một đôi giày nào đó không phù hợp hơn cho một chân chạy nào đó theo đặc điểm giải phẫu đôi chân, bước chạy và sở thích đơn thuần.

Siêu giày của hãng Nike

Dòng Nike Vaporfly là dóc có đế cao, hẹp và nảy trong khi dòng Endorphin Pro của Saucony lại tạo ra cảm giác thăng bằng hơn với đế cứng hơn. Đôi giày này phù hợp cho những người muốn duy trì được cảm giác của đôi chân với mặt đường. Trong khi đó, dòng Metaspeed của Asics có cấu trúc đế rộng hơn dòng Vaporfly và gồm hai phiên bản dựa trên đặc điểm chạy: một đôi dành cho nhưỡng người muốn guồng chân nhanh và một đôi dành cho những người muốn sải chân dài.

Hiệu năng không phải là tất cả

Dù hiệu năng chạy ảnh hưởng nhiều tới thành tích nhưng đây chỉ là một miếng ghép trong bức tranh lớn hơn; cách chúng ta sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, mức độ căng thẳng, lo lắng, mức độ chăm chỉ tập luyện, giảm tải trước khi thi đấu và nhiều yếu tố khác đều có vai trò tương tự, nếu không muốn nói là lớn hơn, ảnh hưởng tới thành tích của chúng ta trong bất kỳ cuộc đua nào.

Do đó, nếu chúng ta nằm trong nhóm thành tích marathon 3:30–4:15 và không muốn xuống tiền mua giày hoặc không muốn rơi vào nhóm 33% giảm hieeurrj năng, chúng ta có thể lựa chọn tập trung vào các yếu tố cơ bản như dinh dưỡng trước và sau bài chạy hay thậm chí là giấc nhủ. Và khi chúng ta chén được những chân chạy mang Vaporfly, chúng ta sẽ không bao giờ còn phải đau đáu với câu hỏi “họ chén mình là nhờ đi siêu giày phải không?”

Theo Runner’s World

About the Author Phạm Thao

  • ksonhold says:

    Cảm ơn tác giả, bài viết quá đúng lúc khi mình đang định xuống tiền mua Xtep 160x 3.0 😀

  • >
    0 Shares