Chạy qua những ngày gian khó: Nữ runner bền bỉ nơi tâm dịch Sài Gòn

Trong những ngày tháng cả Thành phố Hồ Chí Minh phải giãn cách vì Covid, cả cộng đồng chạy bộ đã không hề ngồi yên mà vẫn “chạy” theo những cách thức khác nhau để hỗ trợ bệnh nhân và những người dân gặp khó khăn. Những người chạy bộ phong trào một lần nữa cho thấy, chạy bộ không chỉ đem lại sức khỏe, tạo sức đề kháng với virus, mà còn giúp các runner làm được nhiều việc ý nghĩa cho xã hội.

Chay365 xin giới thiệu một vài gương mặt và nhóm chạy đã “chạy” hết mình trong những ngày gian khó đó.

Runner Nga Võ

Cho đến thời điểm này, Nga Võ, crew runner của câu lạc bộ chạy adidas Runners Saigon, vẫn phải đi châm cứu hàng ngày. Mỗi ngày chị Nga mất ít nhất 30 phút điều trị do sức khỏe có phần bị giảm sút sau khi nhiễm Covid.

Trở lại tập luyện ra sao sau khi khỏi COVID-19

Cô gái quê Lâm Đồng chạy giải ultra 320km sau hơn 3 tháng nhiễm Covid

Chuyên gia về sinh lý học chạy bộ trở thành người phụ trách dự án dùng huyết thanh điều trị COVID-19 của Mỹ

Đại dịch Covid ập tới khiến chị Nga Võ, người phụ trách thị trường châu Âu trong một công ty du lịch tại TP.HCM, bị ảnh hưởng nặng nề. “Ngành du lịch của tôi có lẽ bị chịu thiệt hại nặng nề nhất và có lẽ lâu dài nhất. Công ty tôi từ 200 nhân viên mà giảm sút chỉ còn 10 người. Đây là quãng thời gian thật sự khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Nhưng tôi nghĩ, mình còn sức khỏe là vẫn còn may mắn, rồi sẽ vượt qua được”, chị Nga tâm sự.

Ảnh: NVCC

Trong bối cảnh dịch Covid bủa vây khắp nơi, chị Nga, một runner đã tập chạy được 3 năm, không chịu ngồi yên chỉ nghĩ đến bản thân mình. Cuối tháng 7, Sài Gòn bắt đầu “trở bệnh” nặng hơn. Chị Nga Võ tham gia vào lực lượng tình nguyện giúp đỡ các bác sĩ ở các điêm tiêm vắc-xin.

Công việc của chị là điều phối hoạt động của trung tâm: nhận thông tin tiêm từ quận, sắp xếp thuốc cho các bác sĩ, hướng dẫn người dân, phân luồng…Mỗi sáng, công việc xoay như chong chóng kể từ lúc chị bước vào ca làm “không thù lao”. Tất cả các thành viên trong đội tình nguyện phải trang bị đầy đủ bộ quần áo bảo hộ, kính chống giọt bắn, găng tay, sát khuẩn.

Ảnh: NVCC

“Nếu mình không xắn tay góp sức lúc này thì lúc nào nữa. Sài Gòn đang cần mình, tôi tự nhủ khi đăng ký”, chị Nga chia sẻ. “Mỗi ngày, chúng tôi phải tiếp xúc rất nhiều người, từ 1.000 tới 1.600 người nên nguy cơ lây nhiễm cao. Sài Gòn giữa tháng 7, tháng 8 nóng kinh khủng. Chúng tôi đứng giữa sân nắng mà không dám uống nhiều nước, chưa tới nửa lít/ngày vì uống nhiều sẽ phải cởi đồ đi vệ sinh, gây mất an toàn. Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy sợ khi mặc bộ đồ đó. Trong tháng đầu tiên làm việc, tôi sút 3 ký liền”.

Thời điểm ban đầu, nhiều người dân Sài Gòn chưa muốn được tiêm vắc-xin mà tỏ ra hoài nghi, sợ vắc-xin ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Các tình nguyện viên như chị Nga phải chịu rất nhiều áp lực từ phía bà con. Trong gần 4 tháng làm việc tình nguyện tại điểm tiêm vắc-xin, chị Nga phải tiếp xúc với muôn vàn câu chuyện vui có mà buồn cũng có.

Ảnh: NVCC

“Nhiều người nổi cáu, chửi mắng vì phải xếp hàng lâu. Có những lúc tinh thần của chúng tôi cũng dao động, tủi thân lắm vì bị bà con la hoài. Tôi tự nhủ phải đặt mình vào vị trí của người đi tiêm để thông cảm. Không vì 1, 2 người gây khó dễ mà bỏ nhiệm vụ, luôn phải giữ tinh thần hết mình. Ai cũng bỏ hết thì ai ở lại để làm những công việc này đây?”, chị Nga trăn trở.

Chính những người già yếu, neo đơn một mình đi đến điểm tiêm vắc-xin là nguồn động viên để chị Nga và các đồng đội vượt qua lúc mệt mỏi, căng thẳng.

“Nhìn mấy cháu mặc đồ bảo hộ mà thương quá. Bác cảm ơn con gái. Những câu nói đơn giản như vậy của các bác nhưng đúng thời điểm đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều. Tôi còn nhớ một bác 70 tuổi đi tiêm một mình tâm sự với tôi  rằng, hàng xóm ngăn cản tiêm vắc-xin Trung Quốc còn tôi quyết định tiêm để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng, không trở thành gánh nặng cho các con khi trở bệnh. Tôi biết bác cũng phải đấu tranh dữ lắm”, runner này cho biết.

Bật đồng hồ đếm bước chân trong những ngày làm tình nguyện viên. Ảnh: NVCC

Do diễn biến dịch phức tạp trong thành phố nên chị Nga thường…chạy bộ từ nhà đến điểm tiêm và ngược lại thay vì đi xe. “Do tôi đi lại nhiều mà xe gửi ở ngoài, ra vào lấy xe phải tiếp xúc nhiều sẽ bất tiện nên tôi chạy bộ”, chị Nga giải thích.

Hàng ngày, chị Nga vẫn bật đồng hồ thể thao để theo dõi mình hoạt động như thế nào. Có ngày, đồng hồ ghi nhận chân chạy này đi bộ được khoảng 35.000 bước.

Nga Võ chạy 42K trong một giải chạy Trà Vinh tháng 1/2022. Ảnh: NVCC

“Mỗi ngày tôi đi bộ trung bình khoảng 20km, tiêu hao hơn 2000 calo. Nếu chạy bộ để tiêu thụ hết chỗ calo này thì tôi phải chạy tận hơn 30km pace 5 phút/km. Tôi còn mang giày chạy bộ đến điểm tiêm, định bụng tranh thủ chạy nhưng thực tế là tôi không có thời gian rảnh để chiều theo sở thích của mình”.

Tưởng như mọi chuyện êm xuôi khi TP.HCM được nới lỏng dần dần từng bước thi tối muộn ngày 1/10, chị Nga biết mình bị dương tính với Covid. Cú sốc này khiến chị bị mất ngủ 2-3 đêm liền. “Tôi không có triệu chứng gì cụ thể nhưng đi lên cầu thang rất yếu, khác hẳn thời điểm cách đây 4 tháng. Cảm giác cơ thể tôi như trải qua cơn bạo bệnh vậy. Có lẽ trong 4 tháng vừa rồi, tôi đứng và làm việc hơi quá tải, cũng có thể bị ảnh hưởng bởi Covid nữa”.

Lạc quan. Ảnh: NVCC

Không những phải chịu căng thẳng ở nơi làm việc, mà chị Nga còn bị ảnh hưởng tâm lý khi phải chứng kiến những người thân quen quanh mình qua đời vì Covid.

“Một người sếp đã dìu dắt khi tôi mới chân ướt chân ráo đi làm mà tôi coi anh ấy như người thân cũng mất vì Covid. Quanh nhà tôi, hàng xóm cả 3 phía đều có người mất vì Covid. Tôi còn không biết họ ra đi khi nào nữa. Thành phố trải qua quãng thời gian tồi tệ bởi Covid. Có những hôm tôi đi về mà thấy lòng mình trĩu nặng”.

Nga Võ chạy trên quê hương Gia Lai trong những ngày Tết Nhâm Dần. Ảnh: NVCC

May mắn là quá trình chạy bộ đã giúp chị Nga Võ vẫn giữ được sự thăng bằng, ổn định tâm lý để vượt qua những ngày “giông bão”, hỗ trợ người dân Quận 4 tiêm phủ vắc-xin.

“Hãy xác định đi làm vì cộng đồng, đừng vì một chút khó khăn mà bỏ cuộc nửa chừng, ảnh hưởng đến mục đích chung. Hãy đi theo tiếng gọi của trái tim mình. Dù tôi không muốn đi lại một lần nào nữa hết song nếu có lời kêu gọi, tôi lại sẵn sàng lên đường”, chị Nga nhắn nhủ.

About the Author Nguyễn Đạt

Cây viết chuyên theo dõi điền kinh/chạy bộ, ba môn phối hợp bơi đạp chạy (triathlon), các môn thể thao sức bền. MC, bình luận viên giải chạy. Có sở thích chạy marathon trên sân thượng. PB: Marathon 3h33, Ironman 70.3 5h48, 100K VMM Finisher.

follow me on:
  • […] đồng chạy bộ quyên góp muối gel ủng hộ bác sĩ tuyến đầu chống dịch Chạy qua những ngày gian khó: Nữ runner bền bỉ nơi tâm dịch Sài Gòn Sáng 30 Tết rét 12 độ nhà vô địch SEA Games vội vã chạy quanh hồ Tây […]

  • >
    0 Shares