Sức hấp dẫn của các giải chạy địa hình băng rừng, vượt núi
Trong vòng 3 năm trở lại đây, phong trào chạy bộ ở Việt Nam phát triển ngày càng rầm rộ, thu hút hàng ngàn người tham gia. Nếu như cách đây 5 năm, số lượng người Việt góp mặt ở các giải chạy địa hình bị lép vế so với các vận động viên nước ngoài thì đến bây giờ, chủ nhà Việt Nam hoàn toàn áp đảo về số người đăng ký tham gia, kể cả ở các cự ly siêu khó, siêu dài như 70km hay 100km.
Các giải chạy địa hình như Vietnam Mountain Marathon (Sa Pa, Lào Cai), Vietnam Jungle Marathon (Pù Luông, Thanh Hóa), Vietnam Trail Marathon (Mộc Châu, Sơn La) thu hút từ 2.000 tới 3.500 người tham gia, chưa tính người thân, bạn bè đi theo để cổ vũ. Không khí nhộn nhịp hệt như lễ hội của những người yêu chạy bộ khắp ba miền đất nước.
Vì sao các giải chạy địa hình băng rừng, vượt núi đầy rẫy khó khăn, thử thách lại thu hút đến như vậy? Khác với các giải marathon thường diễn ra ở nơi phố thị đông đúc, sầm uất, các giải chạy địa hình (hay còn gọi là giải chạy trail, giải chạy đường mòn) được tổ chức ở những khu vực gần rừng, núi, khu bảo tồn thiên nhiên.
Càng gian nan, càng…hấp dẫn
Đối với người thích chạy trail, cung đường càng có ít dấu vết của cuộc sống hiện đại, càng nhiều gai góc, bụi bặm lại càng…đẹp. Chính vì thế, đường chạy ở Sa Pa, Pù Luông hay Mộc Châu rất hấp dẫn bởi người chơi được dẫn dắt đến những vùng hẻo lánh, ít dân cư sinh sống, thậm chí những nơi chỉ có trâu bò mới đi qua được.
Tôi may mắn được tham gia các giải chạy địa hình từ những năm đầu tiên. Vietnam Mountain Marathon (VMM) là giải chạy địa hình được tổ chức sớm nhất Việt Nam, từ năm 2013 tại Sa Pa (Lào Cai). Đây cũng là giải chạy vượt núi thử thách nhất Việt Nam hiện nay với cự ly dài nhất 100km.
Cung đường chạy của VMM đi qua bản làng của bà con các dân tộc thiểu số H’Mông, Dao Đỏ, trải dài hết ngọn núi này đến ngọn núi khác thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Vượt dốc cao, băng qua đường đầy sỏi đá, lội sình lầy, nín thở đặt từng bước chân lên chiếc cầu khỉ chỉ vừa một người đi hay đối mặt với cơn mưa buốt lạnh là những trải nghiệm đắt giá khiến người tham gia không thể nào quên.
Các thử thách khó khăn, tưởng chừng như vượt quá giới hạn của VMM luôn đem lại cảm xúc rất mạnh cho chúng tôi sau cuộc chạy. Để hoàn thành 100km vượt núi Sa Pa, chúng tôi phải xuất phát từ 9 giờ tối thứ 6 và chạy xuyên đêm. Cảnh sắc, thời tiết thay đổi ngoạn mục trong vòng 24 tiếng đồng hồ, thời gian tối đa cho phép của cuộc đua.
Sau hàng giờ dò dẫm trong bóng đêm và sương lạnh, những tia nắng ấm ban mai chiếu rọi trên những thửa ruộng bậc thang bên cạnh con suối chảy róc rách khiến ai nấy đều bừng tỉnh và phấn khích. Phần thưởng cho những kẻ thức đêm, chinh phục dãy Hoàng Liên Sơn là cơ hội được chiêm ngưỡng đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương cao 3143m mờ ảo từ xa. Tuy nhiên, nắng nóng ban trưa, cơn mưa lạnh bất chợt và các con dốc dài tưởng như vô tận có thể “đánh gục” ý chí của chúng tôi bất kỳ lúc nào…
Không để lại gì ngoài những dấu chân
Nếu như giải chạy địa hình vượt núi VMM gắn liền với dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp thì giải Vietnam Jungle Marathon dẫn người tham gia chinh phục rừng già ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, địa danh được ví von là nơi thời gian ngừng trôi.
Gác lại sau lưng những ồn ào của cuộc sống bận rộn, Pù Luông mê hoặc chúng tôi bởi sự tĩnh lặng như chốn bồng lai tiên cảnh. Những đỉnh núi đá vôi sừng sững, im lìm, những con suối, dòng thác đẹp như tranh ở ngôi làng Bản Hiêu, những nếp nhà sàn đơn sơ ở Bản Hang, khu vực đích của các cự ly hay khung cảnh ngoạn mục của Bản Kho Mường là điểm nhấn của đường chạy VJM. Từ đỉnh núi cao nhìn xuống thung lũng, những thửa ruộng đang vào vụ chín tháng 5 hệt như một bức tranh ghép đầy màu sắc sống động
Điều ấn tượng nhất đối với tôi là cung đường chạy dài 70km ở đây hầu như có rất ít rác thải sinh hoạt của con người, đặc biệt là trong khu bảo tồn. Không có gì để lại trên đường ngoài những dấu chân. Để giữ gìn nét đẹp tự nhiên của các khu bảo tồn, ban tổ chức giải đã có những quy định nghiêm khắc áp dụng nếu bất cứ ai có hành vi xả rác không đúng nơi quy định trên đường chạy. Bên cạnh đó, lực lượng dẫn đường cho vận động viên, làm nhiệm vụ hậu cần cho giải chính là những người dân bản địa. Yếu tố này đóng vai trò quan trọng giúp các giải chạy phát triển một cách bền vững.
Tạo ra giá trị xã hội bền vững
Vượt lên ý nghĩa của cuộc thi thể thao thông thường, các giải chạy địa hình ở Sa Pa, Pù Luông, Mộc Châu tạo ra giá trị xã hội to lớn, lâu dài. Trước hết, các giải chạy ngày càng thúc đẩy phong trào chạy bộ, góp phần đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các quốc gia lười vận động nhất thế giới. Thứ hai, các giải chạy này thu hút nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đem lại thu nhập cho địa phương.
Còn nhớ năm 2016, số lượng du khách Thái Lan đến Sa Pa để chạy giải VMM nhiều nhất, lên tới hơn 400 người. Bên cạnh đó, giải chạy địa hình là cơ hội rất tốt để các thành viên trong gia đình cùng nhau tham gia hoạt động thể thao ngoài trời bổ ích. Bố mẹ giáo dục con cái, tăng cường nhận thức về giá trị của thiên nhiên, của các khu bảo tồn. Cuối cùng, những bước chạy của tôi và các vận động viên tham gia càng trở nên có ý nghĩa hơn khi một phần phí đăng ký được đóng góp trở lại cho các dự án xã hội (xây cầu, lớp học) ở các địa phương.
Hiện nay, Topas, đơn vị tổ chức các giải chạy trên, đã và đang hỗ trợ nhiều tổ chức thiện nguyện lớn như Operation Smiles (phẫu thuật Nụ Cười), Newborns Vietnam (giảm tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở Việt Nam), Blue Dragon (chống nạn buôn người trái phép) với số tiền quyên góp ủng hộ lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
(Bài viết được đăng trên Tạp chí Heritage số tháng 11-2020)
Cây viết chuyên theo dõi điền kinh/chạy bộ, ba môn phối hợp bơi đạp chạy (triathlon), các môn thể thao sức bền. MC, bình luận viên giải chạy. Có sở thích chạy marathon trên sân thượng. PB: Marathon 3h33, Ironman 70.3 5h48, 100K VMM Finisher.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] Leave a Comment / Chạy365 / By Thuan […]