Đọ sức dưới ánh mặt trời

17807647_10155286817619388_2397749972623537436_o (1)

Duel in the sun – Đọ sức dưới ánh mặt trời

Trong giới chạy bộ, “Duel in the sun” chỉ cuộc đua giữa Alberto Salazar với Dick Beardsley tại giải Boston 1982. Đường chạy Boston marathon năm đó, với tiết trời nóng nực bất thường, đã trở thành sân khấu chứng kiến màn so tài kịch tính đến phút chót – khi hai vận động viên bám nhau không rời từ vạch xuất phát đến lúc về đích.

Alberto Salazar khi ấy, ở tuổi 26, là vị vua không bàn cãi của marathon, vừa vô địch New York hai lần liên tiếp, với thành tích gần nhất (NYC marathon 1981) là kỉ lục thế giới. Trước khi chạy Boston 1 tuần, Salazar không nghỉ ngơi gì, lại còn chạy 10k trong 27:30. Vụ chạy 10k này khá ngộ, ban đầu Salazar chỉ định đua cho vui cùng cậu bạn người Kenya để gây quỹ gì đó. Nhưng khi đã vào cuộc chơi thì Salazar chơi tới cùng, với sự quyết liệt “gà chọi” đã trở thành thương hiệu. Nói qua để thấy bác này “máu chiến” thế nào.

Salazar từng phát biểu “Chiến thắng là chưa đủ, tôi muốn chôn vùi các đối thủ”. Cách chạy đua của Salazar nói chung như sau: chạy nhanh nhất có thể, khiến đối thủ hít khói và nản chí bỏ cuộc. Bố của Salazar từng là chiến sĩ cách mạng gộc, bạn thân của Fidel Castro, về sau bất đồng quan điểm bỏ sang Mỹ. Con nhà dòng dõi, mọi người đủ hiểu độ “lì lợm và máu lửa” rồi nhé.

Năm 1982, Dick Beardsley chỉ là một gã vô danh, đến cái mũ đội cũng bị chê quê mùa. Nhưng gã nhà quê này lại là một hảo hán có ý chí cực kì khủng khiếp. Sáng nào ngủ dậy Beardsley cũng nghĩ tới việc đánh bại Salazar tại Boston. Không biết ai xui ngồi đấm vào đùi thì sẽ khiến cơ bắp khoẻ hơn, thế là mỗi tối Beardsley vừa ngồi xem TV vừa kiên trì đấm vào đùi mình 1500 phát, hy vọng sẽ cải thiện vài giây khi chạy dốc. Trước giải Boston, Beardsley có kế hoạch leo đồi Heartbreak 8 vòng để làm quen đường chạy, và đã thực hiện bằng được kế hoạch đó trong một ngày bão tuyết mịt mùng.

Alberto Salazar (2) và Dickie Beardley, (3) trong tốp đầu của cuộc đua Boston Marathon năm 1982

Cuộc đua đi vào lịch sử vì mấy lý do. Thứ nhất, hai người so kè từ đầu tới cuối, trên suốt quãng đường 42 km, bóng của người này luôn chập chờn trước mặt người kia. Người ta ví là “neck-to-neck battle”. So với họ, huyền thoại Bill Rodger (cụ này không kém phần ác liệt, tượng đài 4 lần vô địch Boston, năm 1982 đang là đương kim quán quân) cũng bị hụt hơi. 15 km cuối chỉ còn Salazar và Beardsley mà thôi. Người về thứ ba chậm hơn 3 phút (3 phút với dân elite tương đương 1 km, một khoảng cách không tưởng). Salazar chỉ chiến thắng vào giây cuối cùng, nghe bảo do Beardsley vướng xe cảnh sát nên không tăng tốc được. Boston hồi đó rất buồn cười, người hâm mộ đứng sát đường chạy (như giải LDR Half Marathon), xe môtô quây kín hai vận động viên. Đoạn này có trên Youtube, anh chị em có thể xem lại.

Thứ hai, cuộc đua này, theo một cách nào đó, đã thay đổi cuộc đời hai vận động viên vĩ đại. Cả hai đều phá kỉ lục của đường chạy Boston, nhưng cả hai đều không bao giờ có thể chạy nhanh như thế nữa. Mặc dù cuối năm (1982) Salazar vẫn thêm một lần thắng giải New York, nhưng sau đó tụt dốc không phanh, đến thế vận hội LA 1984 chỉ về đích thứ 15. Khám xét chán chê các bác sỹ kết luận là do hậu quả cơ thể bị quá tải nhiệt khi chạy Boston. Boston marathon nổi tiếng vì độ dốc và gió, bình thường vẫn có tiết trời lạnh kéo lại (xem truyền hình thấy người chạy nai nịt mũ với găng tay đầy đủ lắm) Năm đó xuất phát giữa trưa, nhiệt độ 70-80 độ F (21-27 độ C), không một bóng cây, khắc nghiệt không kém gì sa mạc. Dù còn trẻ (và thể chất khoẻ như trâu mộng), Salazar liên tục chịu đựng các đợt viêm phế quản và vĩnh viễn không bao giờ còn chạy marathon chuyên nghiệp được nữa. Đó là đoạn kết bi tráng cho người mà chạy bộ là lẽ sống. Salazar yêu chạy, nhưng cũng ghét chạy, bởi không thể chạy được. Sự dằn vặt kéo dài 10 năm, lớn tới mức Salazar từng ước mình bị gãy chân, để đỡ phải băn khoăn về chạy bộ nữa.

Beardsley còn thảm hơn, số đen bị tai nạn một phát, sau đó phụ thuộc vào chất giảm đau và gây nghiện, chuyên tìm cách mua bất hợp phát thuốc gây nghiện để mỗi lần nốc 90 viên – liều lượng đủ hạ một con voi. Rất may, Mỹ là mảnh đất lý tưởng để các thiên tài sa cơ có thể hồi phục và tái hoà nhập cộng đồng. Sau một lần bị cảnh sát bắt, Beardsley được detox và cai nghiện thành công, quay trở lại chạy bộ (chạy vui vui thôi), rồi thế nào đó lại trở thành một diễn giả tiếng tăm. Quãng đời sau giải Boston được Beardsley mô tả là khắc nghiệt hơn mọi cuộc đua marathon, bởi “Nếu hôm nay bạn chạy marathon, bạn biết rằng bạn có thể tung hết sức lực, về đích, và mọi thứ kết thúc. Còn với tôi, ngày nào cũng như chạy marathon, mãi mãi không dừng, sáng nào ngủ dậy cũng như buổi sáng ở Boston 1982”. Mọi người xem phim “Spirit of the marathon” phần I sẽ thấy mấy đoạn Beardsley phát biểu, trong đó có câu nói “Khi bạn vượt qua vạch đích, cuộc đua marathon sẽ thay đổi đời bạn mãi mãi” – không biết có phải là tự liên hệ bản thân không.

Tụi Mỹ thì cái gì cũng khai thác đủ góc độ, tranh thủ thêm thắt cho nó trở thành “epic”. Nhưng Boston 1982 đúng xứng đáng với chữ “epic”. Bài báo “Duel in the sun” được chọn là một trong những bài hay nhất trong lịch sử 50 năm của Runner’s World, đến mức tác giả của nó hứng quá phóng tác luôn thành một quyển sách. Sách được viết theo hướng kể ba câu chuyện cùng lúc, chuyện của Salazar, của Beardsley, đan xen với lời tường thuật cuộc đua. Có thể tìm trên amazon, giá rất rẻ, chưa tới 7 USD, nhờ Trung Bếu ship về chắc chỉ đắt hơn chút xíu. Chay365 đã có bản lược dịch bài báo này.

Đọ sức dưới ánh mặt trời: Beardsley vs Salazar

Boston marathon 1982 cũng là lần áp chót mà mấy anh Mỹ thống trị. Năm 1983, có một bác Mỹ nữa cũng vô địch, rồi phải đợi 30 năm sau, Meb mới trở thành người Mỹ tiếp theo thắng ở Boston. Meb thì anh em biết quá rõ rồi, thần tượng của biết bao người, trượt ngã ở vạch đích (Rio 2016) cũng được khen. Tuy nhiên Meb đã qua thời đỉnh cao, chạy xong Boston 2017 sẽ giải nghệ. Đương kim hoàng tử của xứ cờ hoa là Galen Rupp, hồi trước chuyên trị cự ly trung bình trong sân vận động (huy chương Bạc ở Olympic London 2012 đường chạy 10K). Năm ngoái Rupp vượt mặt đàn anh Meb cả phút để vô địch Olympic trial (giải chạy tuyển chọn VĐV Mỹ dự thế vận hội), sau đó thừa cơ nhặt luôn giải ba khi chạy marathon ở Rio, chỉ thua hai chuyên gia Đông Phi (một cụ là độc cô cầu bại Eluid Kipchoge). Ấy là năm 2016 Rupp vẫn nấn ná chạy trong sân vận động (về đích thứ 5 nội dung 10K). Bây giờ, ở tuổi 30 – độ tuổi đẹp nhất của VĐV chạy đường trường – Rupp đang dồn toàn bộ công lực luyện chưởng cho cự ly marathon, quyết chí gặt vàng tại Tokyo 2020. Ngoại hình mảnh khảnh, có vẻ rụt rè, nhưng Rupp được mệnh danh là quái thú trong luyện tập (“a beast in training”). Năm nay, Rupp lần đầu chạy Boston. Mục tiêu, dù không nói ra nhưng ai cũng biết, hiển nhiên là chức vô địch – cần tranh thủ lúc các “đại ca” Kipchoge và Kipsang mải mê chinh phục mốc sub 2.

Hai học trò của Alberto Salazar, Galen Rupp và Mo Farah, đều từng giành huy chương Olympic

Rupp tập chạy ở Oregon, cùng đội với một hổ báo khác rất đình đám, là Mo Farah. Mo gốc Somali, quốc tịch Anh, dọn nhà sang Oregon để tiện bề lên núi tu luyện, hồi đầu năm tí nữa không được nhập cảnh về “nhà” do sắc lệnh của Donald Trump. Ở Rio 2016, chính Mo vấp vào chân Rupp khi chạy 10K, thế mà vẫn về nhất. Hai cao thủ cùng nằm trong dự án “Oregon Project” đầy tham vọng của Nike. Vào youtube gõ chữ “Oregon Running Project” sẽ xem được nhiều video Rupp và Mo cởi trần tập chạy tempo, nhìn họ sải bước như báo cheetah trên thảo nguyên là muốn xỏ giày ra đường. Huấn luyện viên của đội này hoá ra là người quen, sư tổ Alberto Salazar. Kênh FB “Sweat Elite” là trang nhà của Salazar, hay rò rỉ một số giáo án của sư tổ này. Chắc chắn nhà vua của đường chạy Boston năm xưa sẽ có nhiều bí kíp truyền đạt lại cho đệ tử trước giờ xung trận.

Vài dòng kể lể trước thềm Boston 2017. Nếu bạn là người yêu chạy bộ, nên tìm đọc bài báo “Duel in the sun”. Boston marathon có một lịch sử huy hoàng, với nhiều cột mốc đáng nhớ, năm nào cũng đáng xem cả.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] marathon xuất sắc nhất lịch sử Hoa Kỳ. Từng giữ kỷ lục marathon thế giới, vô địch Boston Marathon, và ba lần chiến thắng ở New York City Marathon, Salazar đại diện cho thế hệ […]

  • […] ĐỌ SỨC DƯỚI ÁNH MẶT TRỜI […]

  • >
    0 Shares