Giá như tôi biết trước khi chạy bộ

Trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả thể thao nói chung và chạy bộ nói riêng, kiến thức được con người lĩnh hội qua 3 cấp độ: 1) kiến thức có được do nghe/đọc được; 2) kiến thức có được do suy luận bằng lý trí; và 3) kiến thức có được do thực chứng trải nghiệm của bản thân. Mức độ hiểu sâu sắc tăng lên theo từng cấp độ. Trong chạy bộ, có những bài học mà chỉ khi chính bản thân chúng ta trải qua mới có thể cảm nhận hết được ý nghĩa và vai trò quan trọng của nó, đặc biệt những bài học liên quan đến chấn thương và tập luyện. Có người nhìn vào những bài học đó và mạnh mẽ vượt lên. Có người lại nhìn vào đó và buông một câu tiếc nuối: “Giá như…”. Bài viết giúp độc giả có được một góc nhìn như vậy và hy vọng không ai trong chúng ta phải thốt lên câu “Giá như…”.

Đừng so sánh mình với người khác

Người ta nói niềm vui sẽ bị mất đi khi tâm bắt đầu nổi lên ý muốn so sánh. Điều này mình thấy đúng, đặc biệt là trong chạy bộ. Bạn dành quá nhiều thời gian nhìn vào thành tích của người khác, sự tiến bộ của người khác, khả năng chạy lướt như gió, khả năng chạy “dễ như ăn cơm” của người khác. Dù là người bạn quen biết hay người một người lạ ơi tình cờ chạy qua nhau trên đường đời à đường chạy. Việc so sánh bản thân với người khác thường sẽ khiến mình cảm thấy chán bản thân mình vì đa phần mọi người có thói quen nhìn lên chứ ít khi nhìn xuống. Sự so sánh sẽ khiến bạn cảm thấy mình không tiến bộ, mình chạy không đẹp…Xét cho cùng, chúng ta mỗi người có con đường riêng của mình vì chúng ta là những cá thể độc lập. Chúng ta tất cả cũng sẽ về đích nhưng bằng cách riêng của mình. Cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và bớt áp lực hơn nếu bạn thấy mọi người xung quanh là chính họ thay vì lấy họ làm thước đo cho sự tiến bộ hay thành công của chính mình.

So sánh làm mất đi niềm vui chạy bộ

Ai rồi sẽ chạy tốt hơn

Với người mới chạy, mỗi bước chạy là một cuộc thử nghiệm về mức độ và khả năng chịu đựng sự khó chịu mà chạy bộ mang lại. Nhưng đây là quá trình cần thiết để cơ thể thích nghi với bộ môn mới này. Sau vài tháng thay vì cố gắng chạy đến hết đoạn đường quen thuộc, chúng ta sẽ bắt đầu tìm những cung đường mới để khám phá và trải nghiệm với điều kiện mỗi người hay cho mình thời gian, sự kiên nhẫn và tâm lý xác định rõ ràng rằng người ta không thể chạy tốt chỉ sau một đêm.

“Phê” khi chạy là có thực

Hiện tượng này còn có tên là “runner’s high” hay nhiều người gọi là “niết bàn” trong chạy bộ và điều này chỉ đạt được sau quá trình bỏ ra mồ hôi, công sức, sự đau đớn trong tập luyện. Đây là trạng thái khi chúng ta cảm nhận được sự thư thái trong quá trình chạy, sự đồng điệu giữa tâm, thân và hơi thở với môi trường xung quanh. Trạng thái này có thể kéo dài vài giây, vài phút hoặc vài giờ và nếu chưa trải qua trạng thái này, bạn cũng không có gì phải buồn cả. Mỗi niềm vui tìm được trong chạy bộ đã có thể coi là một giây phút “niết bàn” rồi.

Trời có lúc nắng lúc mưa, chạy bộ cũng vậy

Thực ra không có mưa nắng nào ở đây cả. Trong chạy bộ, sẽ có những ngày chỉ chạy 20 phút khiến như bạn đang trải qua một cực hình hay tra tấn. Nhưng ngược lại, cũng có những ngày bạn có thể hoàn thành 20km mà vẫn thấy thòm thèm chưa đủ. Đừng cho rằng mình đang bị thụt lùi vào những ngày tập luyện không như ý. Đó đơn giản chỉ là một bước lùi, một nốt trầm trong bản nhạc để bạn có thể cất lên nốt cao khi cần thiết. Chúng ta còn vô vàn những buổi tập ở phía trước để làm lại.

Không phải khi nào việc tập luyện cũng theo kế hoạch

Muốn nhanh thì phải từ từ

Khi mới chạy, hầu hết mọi người đều quan tâm tới tốc độ chạy của mình. Mình chạy nhanh hay chậm so với người khác? Mình chạy nhanh hay chậm so với hôm qua? Rồi tiếp tục cái máu chạy nhanh sẽ thôi thúc đôi chân và đôi tay guồng nhanh hơn nữa, bước dài hơn nữa để tăng tốc. Chúng ta cần hiểu rằng những bài chạy chậm giúp chúng ta xây dựng nền tảng hiếu khí. Chạy càng nhiều thì hiệu năng chạy sẽ tăng lên. Khi hiệu quả được cải thiện chúng ta có thể chạy lâu hơn.

Chạy núi giúp cải thiện cơ thể và tâm trí

Khi mới bắt đầu tôi nghĩ rằng chạy núi chỉ là cơ hội để giúp mình hòa nhập với thiên nhiên và có tác dụng rất lớn đối với đời sống tinh thần của mỗi người. Tuy nhiên, chạy đường núi còn mang lại nhiều lợi ích hơn nữa, đặc biệt giúp khớp được nghỉ ngơi khỏi những chuyển động lặp đi lặp lại trên đường bằng. Chạy núi còn giúp tăng sức mạnh, tốc độ và khả năng thăng bằng của cơ thể, giúp chúng ta chạy tốt hơn trên bất kỳ địa hình nào.

Chạy núi cũng mang lại nhiều lợi ích

Đừng chỉ chạy bộ không thôi

Khi mới chạy, hầu như ai cũng cho rằng chạy thôi là đủ và không muốn tập thêm các môn khác vì sợ rằng sẽ chấn thương. Tuy nhiên, tất cả nằm ở sự cân bằng mỗi người cần duy trì theo thời gian riêng của bản thân. Tập bổ trợ trong phòng gym, tập các môn khác như bơi lội, đạp xe, yoga, plyometrics…sẽ đều giúp cơ thể chúng ta hoàn thiện hơn và mạnh mẽ hơn trên đường chạy.

Chạy chỉ là 1 trong 3 chân kiềng

Một kinh nghiệm khó quên mà tôi rút ra là thiếu ngủ sẽ khiến nguy cơ chấn thương cao hơn. Giấc ngủ tốt khiến cơ thể có thời gian phục hồi và tự chữa lành. Ngoài ra, thực phẩm bổ sung hàng ngày cũng rất quan trọng vì ngoài cung cấp năng lượng cho bài tập còn giúp chúng ta phục hồi tốt hơn. Bên cạnh tập luyện, ngủ nghỉ và dinh dưỡng là 2 chân kiềng còn lại chống giữ giúp chúng ta chạy lâu hơn, bền hơn và hạn chế chấn thương.

About the Author Phạm Thao

>
0 Shares