• You are here:
  • Home »
  • Chân dung »

Người Đàn Bà 70 Tuổi Chạy 7 Marathons Trên 7 Châu Lục Trong 7 Ngày Liên Tục

marathon_1488235594818_55999211_ver1.0_640_480

Người Đàn Bà 70 Tuổi Chạy 7 Marathons Trên 7 Châu Lục Trong 7 Ngày Liên Tục

(dịch từ bài viết của ký giả Melissa Hung trong trang NBC News, Asian America, 22 tháng 2, 2017)

Bruce Vu

Khi còn bé, bà Châu Smith không nghĩ nhiều về chạy bộ. “Tôi nghĩ đó là môn thể thao nhàm chán nhất,” người đàn bà 70 tuổi tiết lộ với đài truyền hình quốc gia NBC.

Giờ đây thì bà có suy nghĩ khác. Cư dân của Kansas City mới đây hoàn thành 7 cuộc đua marathon trong 7 ngày liền ở 7 châu lục, để đánh dấu sinh nhật lần thứ 70 của bà, và trong suốt thời gian chạy bà đội chiếc mũ tai mèo màu hồng.

Từ ngày 25 đến 31 tháng Giêng năm 2017, bà chạy marathon ở thành phố Perth, Úc; Singapore, Cairo, Ai Cập; Amsterdam, Hòa Lan; Garden City, New York; Punta Arenas, Chile; và King George Island, Nam Cực. Đây là một phần trong cuộc thử thách có tên gọi “Triple 7 Quest” do công ty Marathon Adventures phụ trách, mọi việc từ hành trình cho đến hậu cần.

Trong 8 người tham gia thử thách này có 6 người chạy FM, và trong 6 người đó, bà Châu là người cao tuổi nhất. Bà cho biết là có thể phá kỷ lục người già nhất chạy 7 FM trong 7 ngày và bà sẽ nộp đơn cho cơ quan Guiness để đăng ký kỷ lục thế giới này.

Ông Steve Hibbs, 45 tuổi, là người sáng lập ra công ty Marathon Adventures và cũng là một dân chạy bộ tài năng, nói bà Châu là một ví dụ điển hình về sống một cuộc đời đáng sống. Ông đồng hành với bà Châu ở những cuộc đua do ông tổ chức, và bà can đảm thử hết các hoạt động, bao gồm trò đu dây gần thác Victoria ở Zambia. Trong trò chơi này người tham gia đeo nịt vào người và được rơi tự do khoảng 70 mét trên sông Zambezi.

“Bà làm chúng tôi kinh ngạc!” Steve nói về 7 cái marathons của bà Châu. “Nếu có điều gì để miêu tả về bà ta thì đó là KẾT QUẢ. Bà muốn chứng minh với bản thân là bất cứ ai ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể chạy bộ và hoàn thành kỳ công này.”

Dù trên giấy tờ bà chỉ có 67 tuổi, nhưng tuổi thật của bà là 70. Bà Châu sinh ra ở Việt Nam năm 1947 trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương. Bố của bà là một nhà giáo gia nhập lực lượng kháng chiến Việt Minh, ông bị bắt và thủ tiêu 5 tháng trước khi bà chào đời. Vì lý do chiến tranh, mẹ bà phải đợi 3 năm sau mới đăng ký được giấy khai sinh cho bà và không thể ghi ngược lại ngày sinh.

Hai vợ chồng ông Michael và bà Châu Smith

Trong chiến tranh Việt Nam, có sự tham chiến của Hoa Kỳ, bà bị trúng miểng đạn khi 13 tuổi và phải nhập viện suốt một tuần lễ. Các mảnh đạn cho đến ngày hôm nay vẫn còn nằm trong chân và tay phải của bà, và bà cho hay là có cảm giác như chúng cắt xuyên thấu thịt da khi bà chạy bộ.

“Tôi luôn cố gắng nghĩ đến những điều tốt đẹp. Vì thế khi thật đau đớn, tôi có thể nghĩ đến những điều tích cực,” Bà nói thêm, “Thay vì có những suy nghĩ như ‘Trời ơi, đau quá!’ Bạn chỉ cần nghĩ đến thác nước, dòng suối, hay sông hồ.”

Bà cũng nghĩ về các anh chị em của bà, tất cả trong số họ đều mắc các chứng bệnh kinh niên, trong đó có một cậu em trai bị bán thân bất toại do bị đột quỵ, từ đó bà cảm thấy rất may mắn là vẫn còn chạy bộ được.

Trong thời chiến, bà Châu được nhập cư vào Mỹ và định cư ở thành phố Independence, tiểu bang Missouri với người chồng lúc đó. Sau khi họ ly dị, bà sinh sống bằng hai công việc, trong xưởng máy và ở nhà hàng nhằm lo cho hai đứa con gái với cương vị là bà mẹ đơn thân. Công việc của bà bắt đầu từ 5 giờ sáng mỗi sáng, và cho đến nửa đêm thì bà mới về đến nhà. Sau này, bà làm việc cho một cửa hàng may và sửa chữa quần áo.

Vào một buổi tiệc Giáng Sinh năm 1982, bà gặp ông Michael Smith, người đàn ông tán tỉnh bà bằng cách liên tục trở lại quầy thức ăn buffet nhờ bà giúp đỡ. Sáu tháng sau họ kết hôn. Ông Michael là dân chạy bộ, bà đã nhiều lần đi xem ông đua nhưng vào thời điểm đó bà không bao giờ nghĩ bà hợp với chạy bộ.

Suy nghĩ đó thay đổi khi cuộc sống trở nên bận rộn hơn. Bà phải giúp đỡ 4 người anh em và gia đình của họ, tổng cộng là 25 người, định cư ở Mỹ. Bà cũng mở ra cửa hiệu sửa chữa quần áo. Ban ngày thì giúp họ hàng, đưa đón họ đi làm, đi học, đi họp ở vùng đất mới; ban đêm bà lại phải làm nhiều giờ.

“Và đó là tại sao tôi bắt đầu chạy chút đỉnh với Michael,” bà Châu kể. “Và tôi cảm thấy thoải mái vì nó giúp tôi xã stress. Tôi cảm nhận mình khỏe hơn khi ra ngoài và chạy bộ.”

Năm 1995, ở tuổi 48, bà chạy giải đua đầu tiên trong đời, giải 5K của Kansas City. Bà bị sốt và phải dùng thuốc trụ sinh để trị nhiễm trùng đường mũi. Bà còn nhớ là cuộc đua thật khó khăn đối với bà, và bà gần như ngất xỉu.

“Họ đã phải đeo mặt nạ cung cấp oxy cho tôi,” bà kể lại. “Nhưng tôi khỏe lại khoảng nửa giờ sau đó. Thế là Michael chở tôi về nhà ở Independence từ Kansas City. Tôi nói, ‘Michael à, em muốn chạy giải 10K.’ Và anh ấy nói, ‘Châu, em suýt mất mạng hôm nay! Em đang nói gì thế? Và 3 tháng sau đó, tôi chứng minh cho anh ấy thấy. Tôi hoàn thành giải HM và không bao giờ nhìn lại.”

Bà Châu ước tính là bà đã chạy gần 70 cái marathons khắp thế giới. Bà cũng có mặt ở giải đua Boston Marathon năm 2013, và còn khoảng 400 mét về đến đích thì bà bị cảnh sát chận lại vì vụ khủng bố đánh bom.

Ông bà Smith từng chạy chung ở nhiều giải và họ dự định sẽ du lịch và chạy chung khi cả hai về hưu. Năm 2014, hai vợ chồng chạy tất cả 7 châu lục, tuy nhiên lúc đó mức độ thoải mái hơn chứ không liên tục 7 ngày. Khi nghe về thử thách Triple 7 Quest của Steve Hibbs thì bà liền lên kế hoạch tìm thử thách kế tiếp cho mình.

Mặc dù ban đầu chồng bà không tỏ ra hứng thú về ý tưởng này, ông vẫn ủng hộ bà. “Tôi biết rõ nhà tôi sau hơn 30 năm chung sống, tôi không được nói với cô ấy là cổ không thể làm được điều gì đó,” Michael Smith tiết lộ với đài truyền hình NBC. “Tôi rất hoài nghi, bởi vì khả năng chấn thương cho những trò thám hiểm như vậy rất là cao và tôi không muốn thấy cô ấy bị chấn thương ở tuổi 70 rồi phải kết thúc nghiệp chạy bộ.”

Bà Châu cũng nhận được lời khuyên từ HLV chạy bộ, bác sĩ thể thao, chuyên gia thể dục, và các nhà nghiên cứu dinh dưỡng để thiết lập một chương trình luyện tập với mục đích xây dựng sức chịu đựng. Bởi vì vẫn phải làm việc đủ thời gian ở cửa hiệu sửa quần áo, bà luyện tập vào những giờ bất thường suốt quanh năm (bà Smith nói bà chay quanh năm, nhưng chỉ tăng cường độ luyện tập bằng các bài chạy dài khoảng bốn tháng trước giải đua), và phải khắc phục cơn sốt do chứng đau cuống phổi chỉ vài ngày trước khi bay qua Úc cho giải marathon đầu tiên.

Một trong những vòng đua mà bà thích nhất là ở Cairo, Ai Cập, khi các VĐV của Triple 7 Quest được cặp chung với dân chạy địa phương để chạy qua các địa hình khó khăn, bao gồm băng qua những con đường giao thông bận rộn (BV: cái này khó với bà Châu và các bạn ngoại quốc chứ đối với các bạn chạy bộ ở Việt Nam chắc là chuyện nhỏ!). Vì thời khóa biểu bay của họ, các VĐV tham gia Triple 7 Quest có 6 tiếng rưỡi để hoàn tất mỗi cuộc chạy marathon, và vòng này có khoảng thời gian ngắn nhất trong hành trình của họ.

Bà Châu cho hay bà thường chạy marathon dưới 5 tiếng, nhưng phải dưỡng sức để chạy nhiều ngày liên tục. Bà không chắc là mình có thể chạy nhanh nỗi, nhưng rồi bà cũng làm xong trong thời gian 5 tiếng 51 phút, và đó là thời gian tốt nhất trong tất cả 7 cái marathons.

Ở vòng đua sau đó ở Amsterdam, bà vấp té trước lúc xuất phát, nhưng bà vẫn chạy bất kể đầu gối bị sưng vù, rách xướt và chảy máu.

Châu Smith: Cụ bà U80 chạy marathon từ Mộc Châu đến London, 7 lục địa, 50 bang nước Mỹ, sắp hoàn thành “Big 6”

Châu Smith – Cụ bà U80 chạy marathon 50 bang nước Mỹ, sắp hoàn thành “Big 6”

Trong quá trình chạy kỷ niệm ngày sinh, bà Châu tâm sự bình thường bà không thích bày tỏ quan điểm chính trị, bà đội một chiếc mũ biểu tượng con mèo suốt các vòng đua, thậm chí lúc thời tiết 102 độ F ở Perth, Úc. Cô con gái lớn nhất của bà, Trần Thy, đan cho bà chiếc mũ này.

“Tôi hy vọng tôi không xúc phạm ai, nhưng tôi là phụ nữ. Tôi có những cô con gái. Tôi có một cháu gái. Tôi chạy để đại diện cho phái nữ,” Bà Châu nói. “Tôi chống lại những người đàn ông quyền thế, những người nghĩ là họ có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn với phụ nữ mà không cần sự bằng lòng hay sự cho phép của chúng tôi.”

Và bà Châu đã làm gì để ăn mừng sau khi hoàn tất vòng đua cuối cùng ở Nam Cực? Trong lúc nghỉ ngơi ở mạn nam của nước Chile, bà nghe về một giải đua khác. Hai ngày sau, bà xỏ đôi giày Saucony vào và chuẩn bị chay cái marathon thứ tám.

About the Author chay365

follow me on:
  • […] chạy marathon ở Nam Cực. trong số đó có cô Châu Smith, một trong những runner truyền cảm hứng của th&… khi chạy 7 marathon ở 7 lục địa trong 7 ngày liên […]

  • >
    29 Shares