Sách về chạy bộ

Cuốn đầu tiên mình đọc về chạy bộ là của Murakami. Hồi đó ở Singapore, mới bập bẹ chạy được 3 km. Đây là sách dịch (từ Nhật sang Anh) nên khá dễ đọc. Murakami viết rất cuốn hút. Mình còn cài audio book vào điện thoại, vừa đi MRT vừa nghe. Hiển nhiên ai đọc xong cuốn đó cũng rất hâm mộ Murakami, kèm theo cảm giác hứng khởi muốn xỏ chân vào đôi giày chạy. Nói chung, cuốn này không quá “nặng đô”, rất phù hợp để dẫn dắt ai đó vào con đường chạy bộ đầy mê hoặc – kiểu Norah Jones hay Diana Krall trong nhạc jazz (đối nghịch với mấy quý bà hát nhạc blues hơi khó nghe như Ella Fitzerald, Nina Simone, Billie Holiday). Đến một lúc nào đó, khi đã chạy đủ lâu, đủ dài, tự dưng không thích cách tác giả kể chuyện tháng này chạy 150 dặm, tháng sau chạy 180 dặm nữa (180 dặm có là gì!!!!) Nhiều người chạy bộ nhờ sách của Murakami, nhưng chắc chắn không “newbie” nào nhận ra cái kiêu hãnh ngấm ngầm của tác giả trong những lời văn khiêm nhường ấy – ví dụ khi ông kể rằng đã từng chạy Boston marathon đủ nhiều đến mức quen thuộc từng con dốc.

Sau 5 năm, mình đã tích luỹ được cả một thư viện nhỏ. Khi chạy bộ trở thành niềm đam mê (gần như) duy nhất, không khó hiểu tại sao quá nửa số sách mình đọc ít nhiều liên quan đến chạy bộ. Có thể chia làm hai loại: học thuật đơn thuần, và những câu chuyện truyền cảm hứng. Loại thứ nhất dùng để ngâm cứu, tra khảo, áp dụng vào quá trình luyện tập (và tiện thể có thêm kiến thức “chém gió” trên internet), loại thứ hai khiến mình muốn ra đường chạy ngay lập tức. Vài quyển nằm đâu đó giữa hai thể loại này, Meb for Mortals chẳng hạn. Đây là một cuốn nhỏ gọn và tiện dụng, thiên về kinh nghiệm thực chiến, dễ nhớ, dễ hiểu, hơn là các lý thuyết cao siêu. Meb cũng chia sẻ nhiều suy nghĩ trong cuộc đời vận động viên chuyên nghiệp của mình. Dù là elite hay người bình thường, muốn chinh phục giới hạn của bản thân thì luôn cần rất nhiều nỗ lực và rất nhiều đam mê. Hy vọng thời gian tới quyển này sẽ có ấn bản tiếng Việt cho cộng đồng, bản dịch đã gần hoàn thiện rồi.

Về khía cạnh học thuật, mình thích nhất quyển Daniels’ Running Formula. Cuốn này có lẽ là sách gối đầu giường của rất nhiều huấn luyện viên trên thế giới, nó lý giải tại sao lại cần những bài tập tempo, interval, long run trong quá trình luyện tập. Cụ Jack cũng đưa ra một công thức để lượng hoá cụ thể các bài tập này (chỉ số VDOT, cái này là luận văn tiến sĩ của cụ luôn). Mình áp dụng đúng tư tưởng của Jack khi tự tập cho giải Richmond Marathon năm ngoái, khá hiệu quả. Đợt này giúp mấy bạn chạy bộ mình cũng tham khảo nhiều công thức của Jack Daniel.

Cuốn về học thuật đồ sộ nhất là Lore of Running, do bác sĩ Tim Noakes biên tập. Tụi bác sĩ nhà mình mở mồm ra là đòi bằng chứng nghiên cứu này nọ. Lore of Running ngập tràn trích dẫn từ các tạp chí khoa học. Bác Tim chắc chạy cũng nhanh, nhưng CV về y khoa hoành tráng hơn nhiều, là thành viên của Trường môn Y học thể thao Hoa Kỳ (American College of Sport Medicine). Luận văn tiến sĩ của Jack Daniel đặt cạnh công trình của Tim Noakes, chỉ như bài toán tiểu học so với một dãy hàm số tích phân phức tạp. Nhưng chính vì thế mà đọc Lore of Running lại quá khô khan, rất khó để nuốt trọn một chương sách liên tục. Thỉnh thoảng đem ra tra cứu thì hiệu quả.

Các cuốn mang nặng tính học thuật mình chủ yếu mua bản Kindle (Lore of Running phải mua sách giấy vì không có ebook), vì nghĩ khó mà thưởng thức theo kiểu bỏ túi mang lên máy bay đọc. Ngoài hai quyển kể trên, còn có gần chục cuốn nữa. Advanced Marathoning của Pete Pfitzinger, trình bày giáo án tập chạy theo trường phái “cày mileage” cổ điển, ai lười biếng tính toán tempo, interval thì cứ tập theo giáo án này. 80/20 Running của Matt Fitzerald cũng có nhiều giáo án các mức độ để tập theo. Theo Matt, muốn chạy khoẻ hơn và đua nhanh hơn thì cần tập chậm hơn. Nghe đầy nghịch lý, nhưng mình đã tự kiểm chứng và thấy “chạy chậm lại để nhanh hơn” rất có tác dụng, ít nhất là giúp tránh chấn thương. Không bị chấn thương là “golden rule of training“.

Cuốn Which Comes First, Cardio or Weights của Alex Hutchison tuyệt hay, trả lời nhiều câu hỏi thiết thực mà ai chạy bộ cũng từng đặt ra. Alex Hutchison là biên tập viên kì cựu của tờ Runners World, rất hiểu runner nghĩ gì. Các sách về học thuật rất khó dịch, nên ai muốn luyện công thì phải chịu khó đọc nguyên bản tiếng Anh. Có một cuốn đã được dịch, là quyển Chi-Running (tiếng Việt “Khí công bộ”). Lần đầu tiên biết tới bản tiếng Việt, thật ngạc nhiên lại do mấy ông bạn ở bệnh viện giới thiệu. Mấy ông này đang tập khí công, luyện chưởng các kiểu, chứ không liên quan gì đến chạy đường dài. Sách dịch không sát lắm, nhưng cứ phổ biến cho cộng đồng để mọi người hiểu thêm về chạy bộ là tốt rồi.


Nói chung đọc sách học thuật rất đau đầu, thậm chí có thể bị “tẩu hoả nhập ma” vì nhiều trường phái quá. Tốt nhất là đọc kiểu tự truyện, tiểu thuyết, dễ thẩm thấu hơn nhiều. Cuốn nổi nhất dĩ nhiên là Born to Run, viết hấp dẫn như chưởng Kim Dung – cứ mỗi chương lại xuất hiện một dị nhân mới. Mình nghĩ tác giả cuốn này chắc có hợp đồng ngầm với Vibram, chê bai mọi dòng giày chỉ trừ Vibram. Xem ra “gian thương” ở đâu cũng có. Nghe nói sau khi Born to Run phát hành, doanh số của Vibram đã tăng lên chóng mặt. Nhưng không thể phủ nhận, dân chạy bộ – nhất là ultra trail – cũng tăng lên chóng mặt.

Có một cuốn mình còn thích hơn Born to Run, đó là Running on Empty. Cuốn này giới thiệu một lần rồi, tác giả là dân chạy bộ chứ không phải nhà báo, nên viết chân chất hơn. Cả sách chả có gì ngoài việc chạy đường dài (70 km, 100 km, xuyên sa mạc, rồi xuyên nước Mỹ). Ở cự ly này thì tốc độ, rồi dáng chạy, hay mọi thứ khác, đều trở nên phù phiếm. Điều duy nhất có ý nghĩa là hai chân đều đặn tiến lên phía trước. Kiểu như tu luyện đến một bậc nào đó thì sẽ thành chính quả, “kiếm không phải là kiếm mà lại là kiếm”. Cộng đồng chạy bộ Việt Nam nghi ngờ mấy cao nhân xuyên Việt, có lẽ vì những người truyền lửa này không toả ra cái tinh thần của người chạy đường dài – một tinh thần rất khó diễn giải thành lời, chỉ những ai từng lê bước tối thiểu 40-50 km mới hiểu. Dễ dàng tìm thấy tinh thần ấy trong một cuốn sách chuyên vè chạy ultra như Running on Empty. Những lúc chán chạy đem cuốn này ra cày thì rất hợp.

Một cuốn nữa, viết kiểu rất vẩn vơ, Runner’s Soul. Chẳng có nội dung gì cụ thể, toàn những mẩu nhỏ vụn vặt. Kiểu như tác giả kì công thu thập các châm ngôn về chạy bộ của những vĩ nhân, dán mỗi câu vào một trang, rồi tán thêm ra. Kết cấu không quá đặc sắc, nhưng được đọc những câu châm ngôn – lại toàn câu hay – cũng khiến chúng ta thêm yêu chạy bộ trong những ngày nắng nóng chỉ muốn rúc trong phòng điều hoà.

Ngoài ra còn một cuốn khác, mình cũng giới thiệu rồi, Duel in the Sun. Quyển này phóng tác từ bài báo vài ngàn chữ trên Runner’s World, đào sâu thêm chút, chắc để câu khách. Nói chung chỉ làm mình càng thêm mơ ước được trải nghiệm đường chạy Boston.

About the Author Mr Marathoner

  • […] sách của các big names :)))))))))))))) Mình đọc cuốn này vì 2 lý do: 1 là vì nó được giới thiệu trong 1 bài trên blog Chay365; 2 là vì Meb là VĐV được tài trợ bởi Skechers, mà mình thì thích Skechers […]

  • >
    16 Shares