Xem phim tài liệu Boston Marathon

Không được cuốn hút từ những phút đầu tiên như “Spirit of the Marathon”, nhưng phim tài liệu “Boston” (có tài tử Matt Damon đọc lời dẫn) vẫn ngập tràn cảm hứng. Phim kể lại những dấu mốc chính của lịch sử giải marathon lâu đời nhất thế giới (ngoài môn marathon ở Olympic), kết thúc bằng Boston 2014 – kì Boston quan trọng nhất có lẽ chỉ sau Boston năm đầu tiên, qua đó cho chúng ta thấy phong trào marathon có ý nghĩa thế nào trong việc kết nối mọi người và làm cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sau thế chiến thứ II, Boston marathon là một trong những sự kiện thể thao quốc tế đầu tiên mà các vận động viên Nhật Bản được mời tham gia. Vượt qua nỗi đau chiến tranh, họ giành vài chiến thắng, và giới thiệu “tinh thần Nhật Bản” với toàn thế giới. “Bạn ngã 7 lần, bạn sẽ đứng lên 8 lần”, trích lời Bredan Reilly (Bredan là người đưa Kawauchi đến với Boston 2018, nơi anh đã lên ngôi vô địch đầy xứng đáng). Boston cũng chứng kiến những người phụ nữ đầu tiên trên thế giới hoàn thành chặng đua 42 km (không bib và có bib), là nơi diễn ra vụ gian lận đáng xấu hổ khi một vận động viên “không biết chạy interval là gì” nhảy vào đường đua và phá kỉ lục quốc gia để chiếm ngôi đầu – chị này đã khóc khi bị tước chức vô địch, còn vận động viên về nhì được tổ chức lại một màn cán đích mang tính biểu tượng.

Phim có nhiều cảnh hậu trường chuẩn bị cho giải đấu, mà ban tổ chức các giải chạy ở Việt Nam có thể tham khảo hay lấy cảm hứng. Ở đâu cũng thế thôi, muốn thành công phải có chính quyền hỗ trợ. Thật thú vị khi biết rằng hơn 30 năm trước, thị trưởng thành phố đã yêu cầu ban tổ chức phải kiếm được nhà tài trợ và có giải thưởng hậu hĩnh, tránh tình trạng Boston marathon ế khách đìu hiu.

“Boston” không chỉ kể về những huyền thoại, những người tiên phong mở đường, những nhà vô địch, những người hùng. Còn vô số câu chuyện nữa, về những con dốc của đồi Newton và đôi Heart Breaker (xem phim sẽ biết tại sao đồi này có tên như thế), về các cô nữ sinh trường Wellesley đã biến đường chạy thành một “scream tunnel” – các cô không chỉ giương cao biển “Kiss me” mà còn nhận dán, kẻ theo đơn đặt hàng hàng trăm khẩu hiệu cổ vũ cho vận động viên tham gia giải. BQ cũng là một câu chuyện thú vị, khi mục đích ban đầu đề giới hạn số người tham gia lại trở thành động lực khiến càng nhiều người muốn dự giải chạy này. Nói như Dave McGillivray – trưởng BTC Boston marathon, “I want that BQ” không chỉ là dấu mốc đáng tự hào để người chạy bộ trình độ trung bình hướng tới, mà còn trở thành biểu tượng của môn chạy bộ đường dài. Có người đã khóc khi đạt chuẩn Boston, nhiều người khác rung chuông “BQ” một cách đầy hưng phấn và tự hào. Hàng năm, ban tổ chức nhận được cả thùng thư và bưu thiếp xin xỏ cho tham gia giải, những bức thư mùi mẫn đại loại như “Làm ơn, hãy cho phép bác tôi chạy giải này”, hay “Tôi trông giống Abraham Lincoln, tôi sẽ rất nổi bật khi chạy giải”, hay “Sau khi chạy xong, tôi hứa sẽ viết đủ 1998 chữ số sau dấu phẩu của số Pi (π)”. Có người dán ảnh các thành viên B.A.A. lên phong bì để gây sự chú ý, có giáo viên còn được cả lớp kí tên ủng hộ được chấp thuận chạy Boston marathon.

Chuẩn Boston

Điều gì để thương hiệu Boston trở nên đặc biệt (và nó càng đặc biệt sau sự kiện khủng bố năm 2013)? Câu trả lời có lẽ nằm ở những người dân thành phố này, những người đã thực sự coi giải chạy là một di sản văn hoá. Chắc hẳn trải nghiệm rẽ vào vạch đích phố Boylston (góc rẽ trái vĩ đại của thể thao thế giới) sẽ cực kì khó quên với đường chạy rợp cờ hoa cùng hàng ngàn người hò reo cổ vũ đầy cuồng nhiệt và phấn khích (“Khi một người lạ trong đám đông hét tên bạn và nói rằng họ tin tưởng bạn, bạn cảm thấy mình có thể làm được tất cả mọi thứ!”). Sau sự kiện 2013, hashtag #BostonStrong nhanh chóng trở thành thông điệp chống chủ nghĩa khủng bố. Nói như Amby Burfoot – cựu vô địch Boston 1968, “Sự khâm phục không dành cho người chạy bộ chúng tôi, những người quay lại giải năm 2014 để chạy, mà thuộc về hàng triệu người cổ vũ, đã dũng cảm đứng ở bên đường, nơi mà bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra”.

Boston là một địa danh đặc biệt. Boston marathon cũng là một sự kiện đặc biệt, vượt ra ngoài khuôn khổ một giải chạy thông thường – cái này ai yêu chạy bộ mới nhận ra được. Vì thế, nếu ai đam mê marathon và hướng đến BQ, rất nên kiếm phim này để xem, để hiểu tại sao không phải ngẫu nhiên mà trước Boston marathon 2014, tổng thống Obama đã có bài phát biểu, trong tiếng vỗ tay của Quốc hội Mỹ, “Trong ngày thứ Hai thứ ba của tháng Tư, cả thế giới sẽ hướng về một thành phố vĩ đại trên nước Mỹ, để chạy bộ mạnh mẽ hơn bao giờ, để cổ vũ cuồng nhiệt hơn bao giờ, cho giải Boston lần thứ 118”.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • BQ says:

    […] Xem phim tài liệu Boston Marathon  […]

  • Cut-Off Time says:

    […] giải chạy marathon thường có thời gian giới hạn khoảng 6-8 giờ, như giải Boston Marathon là 6 giờ. Các giải bán marathon có thời gian giới hạn dao động từ 3,5 đến 5 […]

  • […] đấu, đồng thời và được tham gia giải Boston Marathon ảo trong thời gian từ […]

  • […] trở thành người Anh đầu tiên vô địch Boston Marathon và phá luôn kỷ lục đường đua này […]

  • >
    0 Shares