Sinh ra để chạy. Chương 13

BORN TO RUN – SINH RA ĐỂ CHẠY – CHƯƠNG 13

Kẻ nào quý trọng thân thể mình hơn cả việc chiếm lấy thiên hạ thì có thể giao cho việc cai trị thiên hạ được.”

– LÃO TỬ, Đạo Đức Kinh

Bác sỹ Joe Vigil, sáu mươi lăm tuổi, đang một mình trực chiến. Ông áp bàn tay xung quanh cốc cà phê khi chờ đợi luồng sáng đèn pin đầu tiên chiếu xuyên qua rừng về phía mình.

Không một huấn luyện viên đỉnh cao thế giới nào khác đang ở quanh Leadville, bởi lẽ, chẳng huấn luyện viên đỉnh cao nào hiểu nổi điều gì đang diễn ra trong cái nhà thương điên lộ thiên khổng lồ ở trên rặng núi Rocky này. Những kẻ thích hành xác, lũ khốn đồi bại hoặc bất cứ cái tên nào khác mà họ tự nhận – những người này thì liên quan gì đến chạy bộ thực sự? Đến chạy thi Olympic? Là một môn thể thao, hầu hết các huấn luyện viên chính quy đều xếp hạng môn chạy bộ siêu dài trong khoảng nằm đâu đó giữa ăn thi và khổ dâm giải trí.

Tuyệt thật, Vigil nghĩ trong lúc đang giậm chân liên tục để chống chọi cái rét. Cứ đi ngủ đi, và để lũ ngợm này cho tôi – vì ông ta biết rằng lũ người này đang có ý đồ gì đó.

Bí quyết thành công của Vigil nằm ngay trong tên của ông ta (Vigil: Canh gác buổi đêm): không có bất kỳ huấn luyện viên nào thận trọng hơn ông trong việc dò tìm những chi tiết nhỏ nhặt quan trọng mà tất cả những người khác có thể bỏ sót. Ông vẫn luôn như vậy trong suốt cuộc đời thi đấu của mình, kể từ khi còn là một cậu nhóc Latin nhỏ thó cố gắng chơi bóng bầu dục trong một giải bóng trung học không có nhiều người gốc Latin, chứ đừng nói đến vóc người thấp bé. Joey Vigil không thể đọ cơ bắp với những tảng thịt bên đối phương, vì vậy, ông dùng khoa học để đánh bại họ; ông nghiên cứu các mẹo đòn bẩy, thúc tới, và tính toán thời gian, tìm cách đặt bàn chân sao cho ông có thể bung lên từ tư thế tấn như một cái đe có lò xo nén. Tới khi ông tốt nghiệp đại học, cậu nhỏ người gốc Latin đã là một hậu vệ hàng đầu trong giải All-Conference. Sau đó, ông chuyển sang điền kinh và sử dụng cái mũi thính như chó săn không biết mệt mỏi của mình để trở thành bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sử chạy đường dài của nước Mỹ.

Bên cạnh bằng Tiến sỹ y khoa và hai bằng Thạc sỹ, Vigil đã theo đuổi nghệ thuật thất truyền của môn chạy đường dài vào sâu tới vùng xa xôi hẻo lánh của nước Nga, lên những ngọn núi cao ở Peru, và vượt xa khỏi vùng cao nguyên Rift Valley của Kenya. Ông muốn biết tại sao các vận động viên nước rút của Nga lại bị cấm không được chạy bước nào trong khi tập luyện, trước khi họ có thể nhảy xuống từ một cái thang cao sáu mét với chân trần, và làm cách nào mà những đứa trẻ chăn dê sáu tuổi ở Machu Picchu có thể leo lên đỉnh núi Andes với một thực đơn chết đói chỉ có sữa chua và thảo dược, và tại sao các vận động viên chạy bộ người Nhật Bản được huấn luyện bởi Suzuki và Koide có thể biến hoá một cách kỳ ảo từ đi bộ chậm thành chạy marathon nhanh. Ông đã săn tìm những bậc thầy nhiều tuổi và moi móc từ bộ óc của họ, tìm cách lôi ra những bí mật của họ trước khi họ biến mất xuống mộ. Đầu ông chẳng khác nào Thư viện Quốc hội về tri thức chạy bộ, mà nhiều trong số đó đã hoàn toàn biến mất trên đời và chỉ còn nằm trong trí nhớ của ông.

Những nghiên cứu của ông đã mang lại thành quả tuyệt vời. Ở ngôi trường của ông, Đại học Adams State tại Alamosa, Colorado, Vigil đã đảm trách chương trình chạy xuyên đồng quê đang thoi thóp và biến nó thành một nỗi kinh hoàng tột độ. Những tay đua việt dã của trường Adams State đã giành được hai mươi sáu danh hiệu quốc gia trong ba mươi ba năm, trong đó có một cuộc phô diễn sức mạnh phi thường chưa từng được thực hiện trong một giải đua vô địch toàn quốc: năm 1992, những vận động viên chạy bộ của Vigl đã giành năm vị trí đứng đầu trong Giải vô địch NCAA Division II, với thành tích chưa từng đội nào đạt được trong một giải vô địch quốc gia. Vigil cũng đã huấn luyện Pat Porter để giành được tám danh hiệu Việt dã xuyên đồng quê của Mỹ (nhiều gấp đôi người dành huy chương vàng Olympic Frank Shorter, gấp bốn lần so với người dành huy chương bạc Olympic Meb Keflezighi), và ông đạt kỷ lục mười bốn lần nhận danh hiệu Huấn luyện viên Trường đại học Cấp quốc gia của năm. Vào năm 1988, Vigil được bầu làm huấn luyện viên cho đội tuyển chạy đường dài Hoa Kỳ đi thi đấu tại Olympic Seoul.

Và điều đó giải thích tại sao, lúc này, Joe Vigil già nua lại là huấn luyện viên duy nhất ở Mỹ đứng run rẩy trong khu rừng lạnh giá vào lúc bốn giờ sáng, chờ đợi được nhìn thấy một cô giáo dạy môn khoa học ở trường đại học cộng đồng và bảy người đàn ông mặc váy. Vậy đó, đối với chạy bộ siêu dài, chẳng điều gì là có vẻ có lý; và khi Vigil không thể giải thích được, thì ông hiểu rằng ông đang bỏ sót điều gì đó hết sức quan trọng.

Chẳng hạn, hãy xem xét so sánh này: tại sao hầu hết tất cả các nữ vận động viên tham gia Leaville đều về đích và chỉ có chưa đến một nửa số vận động viên nam hoàn thành được giải đua này? Mỗi năm, hơn 90 phần trăm các nữ vận động viên chạy bộ mang được mặt thắt lưng hoàn thành giải về nhà, trong khi 50 phần trăm đám nam giới lại phải tìm cách đưa ra lý do này lý do nọ. Ngay cả Ken Chlouber cũng không thể giải thích được tỷ lệ hoàn thành cuộc đua cao ngất trời của nữ giới, nhưng anh ta cũng tận dụng rất giỏi điều này: “Tất cả những người dẫn tốc độ của tôi đều là nữ,” Chlouber nói. “Và họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.”

Hay ta thử một vấn đề khác: nếu bỏ bớt những người Tarahumara trong cuộc đua năm ngoái, thì bạn có gì?

Câu trả lời: một người phụ nữ lao qua dải băng vạch đích.

Trong tất cả những ồn ào về người Tarahumara, một trong những điểm thực tế ấn tượng mà Vigil chú ý là Christine Gibbons suýt nữa thì về vị trí thứ ba. Nếu chiếc xe thùng của Rick Fisher bị hỏng quạt tản nhiệt ở Arizona, thì một người phụ nữ chỉ thiếu ba mươi mốt giây để giành chức vô địch toàn giải.

Tại sao điều đó có thể xảy ra? Chưa từng có người phụ nữ nào đứng trong tốp 50 người chạy một dặm nhanh nhất thế giới (kỷ lục thế giới cho chạy một dặm của nữ, 4 phút 12 giây, đã bị nam giới phá từ cách đây một thế kỷ, và bây giờ thì thường xuyên bị phá bởi các cậu trai tại các trường trung học). Một phụ nữ có thể len vào vị trí hai mươi người đứng đầu trong một giải marathon (năm 2003, kỷ lục thế giới của Paula Radcliffe 2 giờ 15 phút 25 giây vẫn chậm hơn mười phút so với kỷ lục thế giới của nam giới 2 giờ 04 phút 55 giây do Paul Tergat xác lập). Nhưng trong các cuộc đua siêu dài, phụ nữ lại giành được nhiều giải cao. Tại sao, Vigil thắc mắc, mà khoảng cách giữa các nhà vô địch nam và nữ lại nhỏ đi khi cuộc đua kéo dài thêm ra – đáng nhẽ nó phải ngược lại mới đúng chứ?
Chạy siêu dài dường như nằm trong một vũ trụ khác, nơi mà tất cả các định luật trên Trái Đất không thể áp dụng được: nữ giới mạnh hơn nam giới; người già mạnh hơn người trẻ; những gã đến sống kiểu Thời Đồ Đá đi dép xăng đan lại mạnh hơn tất cả những người khác. Và cự ly chạy tổng cộng nữa! Sức ép đè lên chân họ vượt qua mọi kỷ lục. Chạy một trăm dặm mỗi tuần đáng nhẽ phải là tấm vé đi thẳng vào bệnh viện chấn thương chỉnh hình, nhưng những người chạy bộ siêu dài kỳ quặc này lại chạy một trăm dặm trong một ngày. Một số trong số họ còn chạy gấp đôi số đó mỗi tuần khi tập luyện và vẫn chẳng bị đau. Liệu có phải môn chạy siêu dài có tính tự chọn lọc, Vigil băn khoăn, – có phải môn này chỉ thu hút những người chạy bộ với cơ thể không thể bị phá vỡ? Hay những người chạy bộ siêu dài đã tìm ra bí quyết để chạy đước số dặm không tưởng?

Vì vậy, Joe Vigil đã phải lê thân mình ra khỏi giường, ném vào xe một bình giữ nhiệt chứa cà phê, và lái xe xuyên màn đêm để đến xem những thiên tài về cơ thể học này trình diễn. Ông nghi ngờ rằng, những người chạy bộ siêu dài cừ khôi nhất thế giới đang sắp sửa tìm ra được những bí mật mà người Tarahumara chưa từng quên lãng. Giả thuyết của Vigil đã đưa ông đến với một quyết định rất quan trọng, một điều có thể khiến cả cuộc sống của ông phải đảo lộn, và ông hy vọng, có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người khác nữa. Ông chỉ cần phải nhìn thấy người Tarahumara để xác nhận một điều. Đó không phải là tốc độ của họ; có thể, ông còn hiểu rõ chân cẳng của họ còn hơn chính bản thân họ. Điều mà Vigil thèm khát, là được nhìn vào trong đầu của họ.

Bất thình lình, ông hít sâu một hơi. Có một cái gì đó vừa trôi ra khỏi những rặng cây. Cái gì đó trong giống như những con ma… hay những nhà ảo thuật, hiện ra từ một làn khói.

Ngay từ khi tiếng súng khai cuộc vang lên, Đội Tarahumara đã làm tất cả mọi người bất ngờ. Thay vì đeo bám ở cuối đoàn người như hai năm vừa qua, họ lao lên theo đội hình, nhảy lên vỉa hè phố Sixth để len qua đám đông và nắm các vị trí dẫn đầu.

Họ chạy nhanh – Có vẻ quá nhanh, Don Kardong, vận động viên marathon Olympic 1976 và là tay bút kì cựu cho tạp chí Runner’s World, nghĩ khi quan sát từ bên lề cuộc đua. Năm ngoái, Victoriano đã thể hiện sự khôn ngoan khi kiềm chế bằng cách chậm rãi vượt lên từ vị trí cuối cùng lên vị trí thứ nhất, tăng tốc dần dần khi ông đến gần vạch đích gần. Đó là cách để chạy cự ly một trăm dặm.
Nhưng Manuel Luna đã bỏ ra cả năm trời để hồi tưởng lại cách đua của đám người bên ngoài, và anh ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến lại cho các đồng đội. Đường chạy mở rộng dưới ánh đèn đường, anh ta kể cho họ, và rồi bất ngờ thắt cổ chai vào một lối mòn độc đạo tối tăm khi tiến vào rừng. Nếu không ở phía trước, bạn sẽ kẹt lại sau một bức tường người vì các tay đua sẽ dừng lại và loay hoay với đèn pin, và sau đó sẽ kẹt hàng một trên lối mòn. Tốt nhất là tăng tốc sớm để tránh chỗ kẹt, Luna khuyên đồng đội, rồi hạ tốc độ xuống sau.

Bất chấp tốc độ nguy hiểm đó, Johnny Sandoval đến từ thị trấn Gypsum, Colorado gần đó, bám chặt với Martimano Cervantes và Juan Herrera. Cứ để kệ mọi người phát điên lên vì Ann và đám người Tarahumara, anh ta nghĩ, trong khi đó, mình sẽ lẻn lên giành chiến thắng. Sau khi về thứ chín trong giải năm ngoái với thời gian 21 giờ 45 phút, Sandoval đã có một năm luyện tập tuyệt vời nhất trong cuộc đời mình. Anh ta đã lặng lẽ đến Leadville suốt mùa hè, chạy từng chặng của cuộc đua nhiều lần cho tới khi anh ta thuộc lòng hết các lối rẽ ngoặt, từng cái rãnh, và các điểm băng qua suối. Chạy trong mười chín giờ thì có thể chiến thắng, Sandoval tính toán, và đã sẵn sàng để thực hiện điều này.

Ann Trason dự định sẽ dẫn đầu, nhưng tốc độ tám phút một dặm ngay khi vừa xuất phát thì quả là điên rồ. Vì vậy, cô hài lòng với bản thân khi giữ những ánh đèn nhấp nhô của Đội Tarahumara trong tầm mắt khi họ tiến vào khu rừng quanh hồ Turquoise, tự tin rằng cô sẽ dần bắt kịp họ không lâu sau đó. Đường mòn phía trước tối tăm, với nhiều đá và rễ cây rối rắm, và điều này phù hợp với một trong những thế mạnh dị thường của Ann: cô yêu các buổi chạy đêm vô cùng. Ngay từ hồi còn học đại học, nửa đêm chính là khoảng thời gian yêu thích để cô cầm một chiếc đèn pin, rủ thêm một người bạn và chạy tung tăng quanh khu trường đại học tĩnh lặng, khi mà cả thế giới thu lại chỉ còn ánh sáng lấp loá của một ngọn đèn bé nhỏ. Nếu ai đó có thể rút bù được thời gian bằng cách chạy như mù trên một con đường mòn hiểm hóc, thì đó chính là Ann.

Khi tới trạm tiếp tế đầu tiên, Sandoval và những người Tarahumara đã bứt lên với khoảng cách hơn nửa dặm. Sandoval ghi danh tại trạm, xem thời gian – khoảng 1 giờ 55 phút cho 13,5 dặm – và lao ngay trở lại đường mòn. Tuy nhiên, những người Tarahumara, lại rẽ vào bãi đỗ xe và chạy về phía chiếc xe thùng của Rick Fisher. Họ cởi tung mấy đôi giày Rockport màu vàng như thể trong đó đang bò đầy kiến lửa. Rick và Kitty, đúng theo kế hoạch, đang đứng đó với các đôi huaraches của họ. Trình diễn sản phẩm như vậy là đủ rồi.
Những người Tarahumara quỳ xuống, cuốn các dây da vòng quanh phần mắt cá, rồi vòng cao lên bắp chân, điều chỉnh độ chặt lỏng như thể đang lên dây cho đàn ghi ta. Đó là cả một nghệ thuật, tinh chỉnh vừa vặn một miếng cao su dưới lòng bàn chân bạn chỉ với một sợi dây da sao cho nó không dịch chuyển hay lỏng lẻo trong suốt tám mươi bảy dặm đường mòn đầy sỏi đá. Rồi họ bật dậy và chạy đi, bám sát gót Johnny Sandoval. Khi Ann Trason tới trạm tiếp tế, Martimano Cervantes và Juan Herrera đã khuất khỏi tầm mắt.
Tốc độ này thì bệnh thật, Sandoval nghĩ, khi anh ta ngoái lại nhìn. Có ai nói cho mấy gã này biết rằng ở đây trời vừa mưa liền hai tuần qua không? Sandoval biết rằng họ đang hướng thẳng tới một vùng sình nhớp nháp quanh các bãi lầy Twin Lakes và dọc xuống nửa sau đầy bùn của Hope Pass. Dòng sông Arkansas đang gầm vang sẽ là một vấn đề rắc rối; họ sẽ phải nhích lên tay trong tay dọc theo một sợi dây an toàn để vượt qua, rồi bò lên đỉnh Hope Pass ở độ cao sáu trăm mét. Sau đó chạy vòng lại và lặp lại đường đua một lần nữa để quay về đích.

Được rồi, thế này là tự sát, Sandoval quyết định khi anh vượt qua mức 23,5 dặm trong ba giờ và hai mươi phút. Mình sẽ giữ sức và hạ gục mấy gã này khi họ xuống sức. Anh ta để Martimano Cervantes và Juan Herrera chạy trước – và gần như ngay lập tức, bị Ann Trason vượt qua. Cô ta chui ra từ chỗ quái quỷ nào vậy? Ann phải biết rõ chứ; đây là tốc độ đi tới diệt vong.

Tới điểm đánh dấu ba mươi dặm ở khu cắm trại Half Moon, Martimano và Juan đã sẵn sàng để ăn sáng. Kitty Williams đặt vào tay họ những cái bánh burrito nhân đậu mỏng dính. Họ tiếp tục vừa chạy vừa ăn với vẻ mãn nguyện, và nhanh chóng bị nuốt chửng bởi mảng rừng già quanh núi Elbert.

Ann chạy tới đó chỉ sau vài phút, bực mình và quát tháo. “Carl đâu? Anh ta ở chỗ quái nào vậy?” Lúc đó đã là tám giờ hai mươi phút sáng và cô đã sẵn sàng giảm bớt cân nặng bằng cách bỏ lại đèn đeo trán và áo khoác. Nhưng cô ấy chậm hơn nhiều so với tốc độ kỷ lục, mà chồng cô vẫn chưa tới được trạm tiếp tế.

Kệ xác anh ta; Ann giữ lại đống đồ chạy đêm, và biến mất theo lối mòn của những người Tarahumara vô hình.

Ở dặm thứ 40, đám đông đứng vòng quanh căn nhà trạm cứu hoả bằng gỗ cổ kính trong ngôi làng Twin Lakes với các túp lều nhỏ, nhìn ngó đồng hồ. Những tay đua dẫn đầu chắc sẽ không xuất hiện sau khoảng một khoảng –

“Cô ấy kìa!”

Ann vừa lên đến đỉnh đồi. Năm ngoái, Victoriano phải mất bảy giờ và mười hai phút để tới được đây; Ann thì chưa cần tới sáu tiếng. “Chưa từng có người phụ nữ nào dẫn đầu đoàn đua ở vị trí này của giải”, Scott Tinley nói với vẻ nghi hoặc, anh là người hai lần vô địch cuộc thi ba môn phối hợp Ironman, lúc đó đang làm bình luận viên truyền hình cho chương trình Wide World of Sports cho đài ABC. “Chúng ta đang chứng kiến cuộc trình diễn khó tin của lòng can đảm trong thể thao hiện đại.”

Chưa đầy một phút sau, Martimano và Juan tiến ra khỏi rặng cây và lao xuống đồi theo cô gái. Tony Post của hãng giày Rockport bị choáng ngợp bởi cảnh đó, ông ta chẳng màng đến khoảnh khắc đội của ông không những đang bị thua, mà còn quăng đi đôi giày mà ông trả tiền để họ đi từ bao giờ. “Thật sửng sốt,” Post nói, ông từng là một vận động viên marathon có thứ hạng quốc gia, với kỷ lục khoảng hơn 2 giờ 20 phút. “Chúng tôi kinh ngạc, nhìn người phụ nữ này vươn lên nắm vị trí kiểm soát.”

Thật may, chồng của Ann lần này đã có mặt đúng giờ. Anh ta đưa cho Ann một quả chuối, rồi dẫn cô vào trong căn nhà trạm cứu hoả nhỏ bé để thực hiện kiểm tra y tế. Tất cả các tay đua giải Leadville phải kiểm tra mạch và cân nặng ở điểm mốc bốn mươi dặm, vì cân nặng sụt giảm quá nhanh là dấu hiệu sớm của tình trạng mất nước nghiêm trọng. Chỉ khi Bác sỹ Perna cho phép, họ mới được gieo mình vào cái cối xay thịt phía trước: ở đó, lừng lững bên kia bãi lầy, là cuộc leo gần tám trăm mét lên đỉnh Hope Pass.

Ann tranh thủ ăn chuối trong khi một cô y tá tên là Cindy Corbin điều chỉnh cái cân. Chỉ một lát sau, Martimano bước lên chiếc cân bên cạnh Ann.

“Cómo estás?” Kitty Williams hỏi Martimano, đặt tay lên lưng anh ta để khích lệ. Anh cảm thấy thế nào sau gần sáu giờ liên tục chạy trên đồi ở độ cao lớn, với tốc độ nhanh không tưởng?

“Hãy hỏi xem anh ta cảm thấy thế nào khi bị phụ nữ đánh bại,” Ann nói vọng sang. Những tiếng cười e dè cất lên trong phòng, nhưng Ann thì không; cô gườm gườm nhìn Martimano như thể cô là võ sĩ đai đen còn anh ta là một chồng gạch. Kitty đưa nhìn lại với ánh mắt đe doạ, nhưng Ann lờ đi và tiếp tục khoá cặp mắt vào Martimano. Martimano quay sang nhìn Kitty với vẻ ngơ ngác, nhưng Kitty quyết định không dịch lại. Trong suốt nhiều năm chạy bộ siêu dài và chạy dẫn tốc độ cho cha mình, đây là lần đầu tiên Kitty từng nghe thấy một tay đua chế nhạo một tay đua khác.
Không giống như hầu hết mọi người trong phòng lúc đó nghe thấy, một đoạn băng miêu tả sự kiện này sau đó đã gợi ý rằng điều Ann nói thực ra là, “Hãy hỏi xem anh ta cảm thấy thế nào khi thi đấu với một phụ nữ.” Nhưng dù cho lời lẽ chính xác của cô có thể còn phải tranh cãi, thì thái độ của cô ấy là không thể nhầm lẫn: Ann không chỉ chiến thắng bằng cách nỗ lực chạy, cô chiến thắng bằng nỗ lực ganh đua. Cuộc đọ sức này sẽ trở thành trận đấu sinh tử.

Khi Martimano xuống khỏi chiếc cân, Ann len qua anh ta và vội lao ra cửa. Cô cài chiếc túi bụng – vừa chứa thêm gel carbohydrate, găng tay, và một chiếc áo mưa, đề phòng gặp phải mưa tuyết hoặc những đợt gió lạnh cóng trên đỉnh rặng cây – và bắt đầu chạy xuôi xuống con đường hướng về ngọn núi tuyết phủ. Cô ta chạy ra quá nhanh, Martimano và Juan vẫn còn đang cắn mấy lát cam trong khi Ann đã đi tới chỗ ngoặt và khuất khỏi tầm mắt.

Chuyện gì xảy ra với cô ta vậy? Câu nói móc mỉa, rồi việc ra đi trong vội vã – Ann còn chẳng có thời gian thay một chiếc áo hay một đôi tất khô, hay nhồi thêm calories xuống cổ họng. Và hơn nữa là tại sao cô ta lại vượt lên dẫn đầu? Dặm thứ 40 mới chỉ là hiệp đầu trong một cuộc chiến rất dài. Khi vọt lên dẫn đầu, bạn sẽ dễ bị hạ; bạn từ bỏ hết mọi yếu tố bất ngờ, và trở thành tù nhân của tốc độ của chính mình. Ngay cả những đứa trẻ học cấp hai thi chạy cự ly một dặm cũng hiểu rằng chiến thuật thông minh nhất là ngồi trên vai của người dẫn đầu, chỉ chạy nhanh hết sức khi bắt buộc phải làm, sau đó tăng tốc và vượt lên ở vòng cuối cùng.

Một ví dụ kinh điển: Steve Prefontaine. Pre tăng tốc quá nhanh hai lần trong cùng một cuộc đua ở kỳ Olympic năm 72; cả hai lần, anh ta đều bị bắt kịp. Ở vòng cuối, Pre chẳng còn lại gì và để tuột mất huy chương khi về đích với vị trí thứ tư. Trận bại lịch sử đó đã cho ta một bài học: không ai từ bỏ vị trí truy đuổi nếu như họ không bị buộc phải làm như vậy. Trừ khi bạn là kẻ ngốc, hoặc một kẻ liều mạng – hoặc bạn là Garry Kasparov.

Trong giải Vô địch Cờ vua Thế giới năm 1990, Kasparov mắc một lỗi tai hại và mất luôn con hậu ngay ở đầu một ván cờ quyết định. Các kiện tướng cờ vua khắp thế giới rên lên đau đớn; tay chơi trên bàn cờ nay trở thành mồi ngon để bị triệt hạ (một người quan sát kém lịch thiệp của tờ The New York Times nhạo báng thành lời). Nhưng, đó không phải là lỗi; Kasparov đã cố tình hy sinh quân cờ mạnh nhất của mình để có được lợi thế tâm lý mạnh hơn nhiều. Anh ta cực kỳ lợi hại khi bị dồn đến chân tường, bị ép phải tung ra những cú đòn hiểm ác, và trở nên ngẫu hứng để tìm lối thoát. Anatoly Karpov, đối thủ xứng tầm của anh ta, đã quá bảo thủ khi dồn ép Kasparov ngay từ đầu ván đấu, và Kasparov đã tự tạo áp lực lên bản thân mình bằng canh bạc với quân hậu – và đã giành chiến thắng.

Đó là điều mà Ann đang làm. Thay vì săn đuổi những người Tarahumara, cô đã lựa chọn chiến lược đầy rủi ro, nhưng cũng tràn trề hứng khởi, đó là để những người Tarahumara phải săn đuổi mình. Xét cho cùng thì, ai thèm muốn chiến thắng hơn: con vật ăn thịt hay con mồi? Con sư tử có thể thất bại và trở lại cuộc săn vào một ngày khác, nhưng con linh dương thì chỉ được sai sót đúng một lần. Để đánh bại những người Tarahumara, Ann biết rằng cô cần nhiều hơn là sức mạnh ý chí: cô cần nỗi sợ. Khi vượt lên dẫn đầu, bất kỳ tiếng răng rắc của cành cây nào phía sau lưng cũng sẽ khua cô nhanh hơn về vạch đích.

“Đứng vào vị trí dẫn đầu đồng nghĩa với việc hành động thật dữ dằn và phải thật tự tin.” Roger Bannister đã có lần ghi chép. “Nhưng nỗi sợ cũng đóng vai trò trong đó… phải tuyệt đối không được lơi lỏng, và phải để sự thận trọng tan đi theo gió.”

Ann có đủ sự dữ dằn và tự tin. Giờ đây, cô đã quẳng đi hết thận trọng và để nỗi sợ trỗi lên cầm cương. Chạy bộ siêu dài chuẩn bị được lần đầu tiên chứng kiến canh bạc với quân hậu.

———— Hết Chương 13 ———-

About the Author Mr Marathoner

>
0 Shares