Sinh ra để chạy. Chương 2 (phần I)

dvd-backcover-runners-1-800x449

BORN TO RUN – SINH RA ĐỂ CHẠY – Chương 2

=========================================

Chương 2

Phần I

Tất cả bắt đầu từ một câu hỏi mà không ai có thể trả lời.

Đó là một câu đố có năm từ, đã dẫn tôi tới một tấm ảnh của một người đàn ông chạy rất nhanh, mặc váy rất ngắn và từ đó, mọi việc càng trở nên kì lạ hơn. Và chẳng lâu sau đó, tôi đương đầu với một vụ giết người, các băng đảng ma tuý, và một người đàn ông một tay, với một cái chén kem-pho mát buộc lên đầu. Tôi đã gặp một người nữ kiểm lâm tóc bạch kim xinh đẹp, cởi bỏ hết quần áo và tìm thấy sự cứu rỗi linh hồn bằng việc chạy khoả thân trong rừng ở bang Idaho, và một nữ vận động viên lướt sóng trẻ tuổi, với mái tóc thắt bím, chạy thẳng vào chỗ chết ngoài sa mạc. Một người chạy bộ trẻ tuổi tài năng có thể tử nạn. Hai người khác suýt nữa thì cũng mất mạng.

Tôi đã tìm kiếm, và vấp phải Người dơi Chân đất… Gã Khoả Thân… Những người sống trong bụi rậm ở Kalahari… Người cụt móng chân… và, cuối cùng là, bộ lạc cổ xưa của người Tarahumara, cùng với gã học trò bí ẩn của họ, Caballo Blanco.

Và cuối cùng, tôi đã có được câu trả lời cho mình, nhưng chỉ sau khi tôi nhận ra mình đang ở ngay trong cuộc đua vĩ đại nhất mà thế giới chưa từng được chứng kiến: Cuộc thi đấu đỉnh cao trong môn chạy bộ, một cuộc tỷ thí đỉnh cao giữa một vài trong số những người chạy bộ cự ly siêu dài giỏi nhất trong thời đại của chúng ta với những người chạy bộ siêu dài giỏi nhất mọi thời đại, một cuộc đua năm mươi dặm trên những con đường mòn bí ẩn chỉ có dấu chân của người Tarahumara. Tôi sẽ giật mình phát hiện ra rằng lời dạy cổ xưa của Lão Tử – “Người chạy bộ giỏi nhất không để lại dấu vết nào” – không phải lời thuyết giảng sáo rỗng, mà thực sự là lời khuyên nghiêm túc, giải thích cách phải luyện tập như thế nào.

Và tất cả là bởi vì, vào tháng Giêng năm 2001, tôi đã hỏi bác sỹ của mình: “Tại sao chân tôi đau?”

Tôi đã đi gặp một trong những chuyên gia hàng đầu về y học thể thao trong nước bởi vì có một cái que chọc đá vô hình nào đó cứ đâm thẳng vào gan bàn chân tôi. Tuần trước đó, tôi đi chạy nhẹ nhàng ba dặm trên một con đường nông trại tuyết phủ, rồi bỗng nhiên thét lên vì đau, nắm chặt lấy bàn chân phải và la hét chửi thề khi ngã lăn xuống tuyết. Khi tôi đã trấn tĩnh lại, tôi kiểm tra xem mình chảy nhiều máu đến mức nào. Tôi đoán là bàn chân tôi chắc phải bị một mảnh đá nhọn, hoặc một cái đinh cũ kẹt trong lớp băng, đâm xuyên qua. Nhưng không hề có giọt máu nào, thậm chí, giày cũng chẳng có lỗ thủng.

“Chạy bộ chính là vấn đề của anh,” Bác sỹ Joe Torg khẳng định khi tôi lết vào phòng khám của ông tại Philadelphia vài ngày sau đó. Chắc ông ta phải biết rõ; Bác sỹ Torg không chỉ giúp xây dựng nên toàn bộ nền y học thể thao, mà ông còn là đồng tác giả cuốn sách Vận động viên chạy bộ (The Running Athlete), phân tích cụ thể bằng chụp X-quang tất cả các chấn thương có thể xảy ra khi chạy bộ. Ông kiểm tra tôi bằng X-quang và nhìn tôi đi loanh quanh tập tễnh, rồi kết luận rằng tôi đã làm thương tổn xương hộp, là một cụm xương nằm song song với hõm bàn chân mà tôi không hề biết là nó tồn tại, cho tới khi nó tự biến thành một que chích điện nằm ngay trong bàn chân.

“Nhưng tôi hầu như chẳng chạy chút nào,” tôi nói. “Tôi chỉ chạy mỗi lần khoảng hai đến ba dặm, cách một ngày chạy một lần. Và thậm chí tôi chẳng chạy trên đường nhựa. Chủ yếu là đường đất.”

Cũng chẳng ý nghĩa gì. “Cơ thể người không phải sinh ra để bị hành hạ như vậy,” Bác sỹ Torg trả lời. “Đặc biệt là cơ thể của anh.”

Tôi hiểu rõ ý ông ấy muốn nói gì. Với chiều cao 193cm, cân nặng 104kg, tôi đã nhiều lần được khuyên rằng những người có kích cỡ như tôi được thiên nhiên sắp đặt cho việc đứng chắn dưới vòng bóng rổ hoặc ra đỡ đạn cho Tổng thống, chứ không phải nện thân mình xuống hè đường. Và vì tôi đã lên tới tuổi bốn mươi, tôi bắt đầu hiểu lý do tại sao; trong năm năm từ khi tôi ngừng chơi bóng rổ nửa sân và cố biến mình thành vận động viên marathon, tôi đã bị rách gân kheo (hai lần), bong gân Achilles (liên tục), lật cổ chân (cả hai bên, lúc bên này, lúc bên kia), bị đau hõm bàn chân (thường xuyên), và phải đi giật lùi xuống cầu thang trên đầu ngón chân, vì gót chân quá đau. Và bây giờ, rõ ràng là điểm lành lặn duy nhất trên bàn chân tôi cũng đã tham gia vào cuộc nổi loạn.

Điều kỳ lạ là, đối với các hoạt động khác, tôi như thể mình đồng da sắt. Là phóng viên cho tạp chí Men’s Health và một trong những người phụ trách đầu tiên của chuyên trang “Người không biết nghỉ” trong tạp chí Esquire, một phần lớn trong công việc của tôi là thử sức với các bộ môn thể thao gần cực hạn. Tôi đã từng xuôi dòng sông mức khó khăn Cấp độ IV trên một tấm ván lướt sóng, trượt trên các đồi cát khổng lồ bằng ván trượt tuyết, và đạp xe đạp địa hình xuyên qua vùng Badlands bang North Dakota. Tôi cũng đã đi lấy tin ở ba vùng chiến sự cho Associated Press và trải qua nhiều tháng ở một trong những khu vực hỗn loạn không luật pháp ở Châu Phi, mà không hề gặp đau đớn hay thương tổn gì. Nhưng chỉ chạy bộ nhẹ vài dặm xuống phố, và tôi bỗng nằm lăn lộn dưới mặt đất như bị bắn hạ bởi một kẻ lái xe qua ngang qua.

Với bất kỳ môn thể thao nào khác, một mức chấn thương như của tôi sẽ xếp tôi vào hàng phế phẩm. Trong chạy bộ, thì tôi lại là bình thường. Những kẻ bất thường lại chính là những ai đi chạy bộ mà không bị chấn thương. Hàng năm, cứ mười người đi chạy bộ thì có tới tám người bị chấn thương. Bất kể là bạn béo hay gầy, chạy nhanh hay chạy chậm, là nhà vô địch marathon hay người chạy tuỳ hứng cuối tuần, thì bạn vẫn có khả năng bị hỏng đầu gối, ống đồng, gân kheo, hông hoặc gót chân như bất kỳ ai khác. Lần sau, khi bận xếp hàng chuẩn bị tham dự một cuộc chạy đua, hãy nhìn những người khác bên trái hay bên phải bạn: về thống kê mà nói, một trong số các bạn sẽ phải lết về.

Cho đến nay, chưa ai tìm ra cách nào để làm chậm lại sự tàn phá này; bạn giờ đây có thể mua những đôi giày chạy bộ có lò xo thép đệm ở phần đế và các đôi giày Adidas điều chỉnh độ êm bằng vi mạch, nhưng tỷ lệ chấn thương chẳng giảm đi chút nào trong suốt ba mươi năm qua. Nếu có thay đổi, thì thực ra là tệ hơn; tình trạng bong gân Achilles đã tăng khoảng 10%. Chạy bộ dường như là phiên bản rèn luyện sức khoẻ của việc lái xe khi say rượu: bạn có thể bình an trong một thời gian, thậm chí bạn sẽ có cả niềm vui, nhưng thảm hoạ thì lại rình rập ngay đằng sau lối rẽ.

“Ngạc nhiên chưa,” y văn thể thao chế nhạo. Có thể không hẳn là như vậy. Như thế này thì đúng hơn: “Các vận động viên chơi các môn thể thao có liên quan đến chạy bộ tạo ra căng thẳng khủng khiếp cho đôi chân.” Đó là điều mà Tập san Chấn thương Thể thao (Sports Injury Bulletin) đã tuyên bố. “Mỗi bước chân giẫm xuống tạo nên va chạm lên đôi chân với lực có độ lớn gấp đôi trọng lượng cơ thể. Cũng như việc gõ búa liên tục lên một tảng đá tưởng như không thể phá huỷ cuối cùng sẽ làm nó tan thành bụi, mức va chạm phải chịu trong khi chạy bộ cuối cùng có thể sẽ phá huỷ xương, sụn, cơ, gân và dây chằng của bạn.” Một bài báo của Các phẫu thuật gia Chấn thương Chỉnh hình Hoa kỳ đã kết luận rằng chạy đường dài là “một mối đe doạ trầm trọng đến tính nguyên vẹn của đầu gối.”

Và không phải là “một tảng đá không thể phá huỷ”, mối đe doạ trầm trọng đó đang dồn lên một trong những điểm nhạy cảm nhất trên cơ thể bạn. Bạn có biết bàn chân bạn có những loại dây thần kinh như thế nào không? Nó giống như dây thần kinh nối với bộ phận sinh dục vậy. Bàn chân bạn chứa đầy các nơ-ron thần kinh cảm nhận, luồn khắp xung quanh để thu nhận cảm giác. Chỉ cần kích thích các dây thần kinh đó một chút thôi, thì xung cảm giác sẽ phóng qua khắp toàn bộ hệ thần kinh của bạn; đó là lý do tại sao cù vào gan bàn chân lại làm cho hệ thống quá tải và khiến cả cơ thể bạn co rút.

Không khó để hiểu tại sao các nhà độc tài Nam Mỹ lại thích bàn chân khi cần phải xử lý các trường hợp khó khăn; bastinado, phương pháp trói nạn nhân xuống và đánh vào gan bàn chân, được phát triển bởi Toà án Dị giáo Tây Ban Nha và được hân hoan đón nhận bởi những kẻ tàn bạo bệnh hoạn nhất thế giới. Khơ-me Đỏ và người con trai độc ác Uday của Saddam Hussein là các những kẻ hâm mộ bastinado nổi tiếng bởi lẽ họ biết về giải phẫu học; chỉ có khuôn mặt và bàntay là có thể so sánh với bàn chân về khả năng truyền tín hiệu nhanh về não bộ. Để cảm nhận những vuốt ve mềm mại nhất hay những hạt cát nhỏ bé nhất, thì các ngón chân của bạn có khả năng truyền tín hiệu tốt không kém như đôi môi hay các đầu ngón tay.

“Vậy, tôi không thể làm gì được hay sao?” Tôi hỏi bác sỹ Torg.

Ông ta nhún vai. “Anh có thể tiếp tục chạy, nhưng rồi anh sẽ trở lại đây nhiều hơn vì cái này.” ông nói, và gõ gõ móng tay vào mũi tiêm to tướng đầy cortisone mà ông ta chuẩn bị tiêm vào gan bàn chân tôi. Ngoài ra, tôi cần có thêm các miếng đệm chỉnh hình (giá 400 đô la Mỹ) để nhét vào trong đôi giày kiểm soát chuyển động (giá 150 đô la Mỹ và càng ngày càng tăng thêm, vì tôi sẽ cần phải dùng hai đôi thay đổi nhau, thành ra là 300 đô la Mỹ). Nhưng đó cũng chỉ là để trì hoãn thêm đối với tờ hoá đơn thực sự tốn kém: chuyến viếng thăm tiếp theo ở phòng khám của ông ta.

“Anh biết tôi khuyên điều gì không?” Bác sỹ Torg kết luận. “Hãy mua một chiếc xe đạp.”

Tôi cám ơn ông ta, và hứa sẽ nghe theo lời khuyên của ông, và ngay lập tức sau đó, lén đi tới một bác sỹ khác. Tôi nhận ra, Bác sỹ Torg đã nổi danh từ nhiều năm qua; có thể ông ta đã trở nên hơi quá bảo thủ với lời khuyên của mình và hơi vội vàng quá khi sử dụng cortisone. Một người bạn bác sỹ giới thiệu cho tôi một bác sỹ chuyên chữa bệnh thể thao về chân, người đồng thời là vận động viên marathon, do đó tôi đã hẹn gặp ông ta trong tuần sau đó.

Người bác sỹ chữa chân này chụp X-quang cho tôi một lần nữa, rồi khám xét chân tôi bằng ngón tay cái của ông ta. “Có vẻ như anh bị hội chứng xương hộp,” anh ta kết luận. “Tôi có thể ngừng tình trạng viêm bằng cortisone, nhưng sau đó anh sẽ phải dùng lót chỉnh hình.”

“Khốn nạn thật,” tôi lẩm bẩm. “Torg cũng nói y như vậy.”

Lúc đó, anh ta đã chuẩn bị ra khỏi phòng để đi lấy kim tiêm, nhưng rồi lại dừng lại một chút. “Anh đã đi gặp Joe Torg rồi à?”

“Đúng vậy.”

“Anh đã được tiêm cortisone rồi chứ?”

“Ừ, phải.”

“Vậy anh đang làm gì ở đây?” ông ta hỏi, bỗng nhiên tỏ ra mất kiên nhẫn và pha chút nghi ngờ, như thể ông ta nghĩ tôi thực sự thích việc bị đâm kim vào vùng mỏng manh nhất dưới bàn chân vậy. Có thể ông ta nghi ngờ rằng tôi là một kẻ nghiện khổ dâm, vừa nghiện đau và nghiện cả thuốc giảm đau nữa.

“Anh biết bác sỹ Torg là bố già trong y học thể thao, phải không? Kết quả khám của ông ấy thường được mọi người rất tôn trọng.”

“Tôi biết. Tôi chỉ muốn kiểm tra lại.”

“Tôi sẽ không tiêm cho anh thêm lần nữa, nhưng ta có thể hẹn một buổi thử lót chỉnh hình. Và anh nên nghiêm túc suy nghĩ về việc tìm một môn thể thao khác ngoài chạy bộ.”

“Nghe hay đấy,” tôi nói. Ông ta là một người chạy bộ giỏi hơn mà tôi sẽ không bao giờ sánh được, và ông ta vừa khẳng định lại lời phán quyết của một bác sỹ mà ông ta đã thừa nhận là sư phụ trong ngành y học thể thao. Như vậy thì chẳng có lý gì để tranh luận về chẩn đoán của ông ta nữa. Vì vậy, tôi bắt đầu đi tìm một người khác.

Không phải do tôi quá bướng bỉnh đến thế. Cũng không phải tôi thích chạy bộ đến phát điên. Nếu tính tổng quãng đường mà tôi từng chạy, thì phải đến một nửa trong số đó là lê lết trong đau đớn. Nhưng có một điều, mặc dù suốt hai mươi năm qua tôi chưa đọc lại cuốn Thế giới theo lời kể của Garp (The World According to Garp), tôi vẫn không quên một cảnh nhỏ, chắc không phải là cảnh mà bạn đang nghĩ tới đâu: Tôi cứ nghĩ về cái cách mà Garp thường chạy ào ra khỏi cửa giữa một ngày làm việc để chạy năm dặm. Cảm giác đó có điều gì đó chung nhất, cái cách mà chạy bộ kết hợp hai xung động nguyên thuỷ nhất của chúng ta: sự sợ hãi và cảm giác hài lòng. Chúng ta chạy khi sợ hãi, chúng ta chạy khi ta ngây ngất, ta chạy trốn khỏi các rắc rối và chạy để tận hưởng niềm vui.

Và khi mọi việc tồi tệ nhất, thì chúng ta chạy nhiều nhất. Ba lần, nước Mỹ đã chứng kiến chạy bộ đường dài bỗng nhiên tăng vọt, và đó luôn là giữa một cuộc khủng hoảng cấp quốc gia. Đợt bùng nổ đầu tiên đến trong Cuộc Đại suy thoái, khi mà hơn hai trăm người chạy bộ tạo nên xu thế bằng cách chạy đua bốn mươi dặm một ngày xuyên qua khắp đất nước trong Great American Footrace. Sau đó, chạy bộ lại lắng xuống, chỉ để nhen nhóm trở lại vào đầu những năm 70, khi chúng ta đang gắng gượng hồi phục lại từ chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh Lạnh, các cuộc bạo loạn sắc tộc, một tổng thống phạm tội, và các cuộc ám sát ba nhà lãnh đạo được yêu mến. Và đợt bùng phát chạy dài thứ ba? Một năm sau các cuộc tấn công Ngày 11 tháng Chín, chạy đường mòn bỗng nhiên trở thành môn thể thao ngoài trời phát triển nhanh nhất cả nước. Có thể đó chỉ là ngẫu nhiên. Hoặc có một cái lẫy gạt nào đó trong linh hồn con người, một phản ứng đã được lập trình trước đã kích hoạt kĩ năng sinh tồn đầu tiên và quan trọng nhất khi ta cảm thấy thú dữ đang tới gần. Nói về việc làm giảm căng thẳng và thoả mãn xác thịt, thì chạy bộ là thứ bạn có trong đời trước khi bạn quan hệ tình dục. Cả công cụ lẫn ham muốn đã có sẵn ngay từ đầu; tất cả những gì bận cần phải làm là bung ra sẵn sàng cho cuộc chạy.

Đó chính là điều mà tôi đang tìm kiếm; chẳng phải miếng nhựa đắt tiền nhét vào trong giày, không phải các mũi tiêm giảm đau hàng tháng, mà chỉ là một cách nào đó khiến tôi có thể bung ra, nhưng không làm bản thân mình hỏng bét. Không phải là tôi yêu chạy bộ, nhưng tôi muốn được yêu môn này. Và điều đó đưa tôi đến vị bác sỹ thứ ba: Bác sỹ Irene Davis, một chuyên gia về sinh cơ học và là người đứng đầu Phòng khám Chấn thương chạy bộ (Running Injury Clinic) của Đại học Delaware.

Bác sỹ Davis bắt tôi lên máy tập chạy, đầu tiên là với chân trần và sau đó là thử ba loại giày chạy khác nhau. Bà ta yêu cầu tôi đi bộ, chạy chậm và chạy hết sức. Rồi bà bắt tôi chạy ngược chạy xuôi trên một tấm đo lực để đo sốc chấn động từ các bước chân của tôi. Và rồi, tôi ngồi đó, kinh hoàng khi xem lại đoạn phim do bà quay được.

Trong tâm trí mình, tôi nghĩ mình nhẹ nhàng và nhanh nhẹn như người thổ dân Navajo đang đi săn. Tuy nhiên, cái gã trên màn hình, lại trông như quái vật của Frankenstein đang tập nhảy Tango. Tôi bị nhảy nhót quá nhiều, đầu tôi còn biến mất khỏi viền trên của màn hình. Cánh tay tôi thì chém từ trước ra sau như trọng tài bóng chày chĩa tay báo hiệu người chơi về chốt an toàn, còn bàn chân cỡ 13 của tôi thì dộng xuống nặng tới mức như thể trong đoạn phim có nhạc nền chơi bằng trống bongo vậy.

Và nếu như vậy là chưa đủ tệ hại, bác sỹ Davis cho tôi xem lại đoạn phim ở tốc độ chậm, để cả hai chúng tôi có thể ngồi thoải mái thưởng thức cái cách mà bàn chân phải của tôi cứ xoắn lại, đầu gối trái của tôi bị ngả vào trong, và lưng của tôi khòng xuống, co quắp tới mức nếu có ai đó trông thấy, họ sẽ vội vàng nhét giẻ vào miệng tôi và đi gọi cấp cứu. Làm thế nào mà tôi có thể tiến nổi về phía trước với tất cả những chuyển động trồi lên hụp xuống, sàng qua sàng lại, và giãy giụa như cá dính móc câu như vậy?

“Được rồi,” tôi nói. “Vậy, chạy như thế nào mới là đúng?”

“Đó là câu hỏi muôn thuở,” bác sỹ Davis trả lời.

Và đối với câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở… chuyện này khá phức tạp. Tôi có thể sửa bước chạy thành thẳng thớm hơn và sẽ giảm được chấn động nếu như tôi tiếp đất giữa bàn chân, thay vì bằng phần gót chân xương xẩu, nhưng… có thể tôi sẽ chỉ đánh đổi những vấn đề này để lấy các rắc rối khác. Gò ép vụng về theo một dáng chạy mới có thể bất ngờ tạo áp lực lớn lên gót chân và gân Achilles, và sẽ gây ra một loạt các chấn thương khác.

“Chạy bộ là phiền cho chân cẳng lắm,” bác sỹ Davis nói. Bà rất nhẹ nhàng và tỏ vẻ thương cảm, khiến tôi hiểu được bà đang nghĩ gì: “Đặc biệt là với chân của anh, anh chàng to xác ạ.”

Vậy là tôi đã trở lại đúng điểm xuất phát. Sau nhiều tháng đi gặp các chuyên gia và tìm hiểu các nghiên cứu sinh lý học trên mạng, cuối cùng tôi cũng chỉ khiến các câu hỏi dội trở lại chính bản thân mình:

Tại sao bàn chân tôi bị đau?

Bởi vì chạy bộ có hại cho bạn.

Tại sao chạy bộ có hại cho tôi?

Bởi vì nó làm bàn chân của bạn bị đau.

Nhưng tại sao lại như vậy? Các con linh dương không bị đau ống đồng. Các con sói không phải chườm đá cho đầu gối. Và tôi ngờ rằng lũ ngựa hoang không bị thương tật đến 80% mỗi năm vì chấn thương do chấn động. Điều này khiến tôi nhớ lại một câu cách ngôn của Roger Bannister, một người vừa nghiên cứu y học, đồng thời làm việc với tư cách một nhà nghiên cứu lâm sàng, là người viết ra những câu châm ngôn súc tích, và là người đầu tiên vượt được mức chạy một dặm trong bốn phút: “Mỗi buổi sáng ở Châu Phi, một con linh dương thức giấc,” Bannister nói. “Nó hiểu rằng mình phải chạy nhanh hơn con sư tử chạy nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị ăn thịt. Mỗi buổi sáng, một con sử tử thức dậy. Nó hiểu rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chạy chậm nhất, nếu không nó sẽ chết đói. Là sư tử hay linh dương không quan trọng – khi mặt trời mọc, bạn phải bắt đầu chạy.”

Vậy thì tại sao tất cả các loại động vật có vú khác trên hành tinh này có thể phụ thuộc vào chân của mình, trừ chính chúng ta. Và nghĩ kĩ hơn một chút thì, tại sao một người như Bannister có thể hàng ngày lao ra khỏi phòng thí nghiệm, nện chân xuống đường rải xỉ than cứng với đôi dép da mỏng, mà không chỉ chạy càng ngày càng nhanh hơn, mà còn không bao giờ bị đau? Tại sao một vài người trong chúng ta có thể đi chạy dũng mãnh như chúa sơn lâm hay như Bannister mỗi sáng khi mặt trời thức giấc, trong khi đám còn lại lại cần cả vốc thuốc giảm đau ibuprofen chỉ để đặt bàn chân xuống sàn nhà?

Đó toàn là những câu hỏi thú vị. Nhưng tôi sắp sửa phát hiện ra rằng, những người duy nhất biết các câu trả lời – những người duy nhất đang sống như những câu trả lời – lại không chịu nói chuyện.

Đặc biệt là không nói chuyện với một gã như tôi.

(hết phần I)

About the Author Nguyen Kien Quoc

>
2 Shares