Sinh ra để chạy. Chương 2 (phần II)

wellness_tarahumara-1100x727

Chương 2

Phần II

Vào mùa đông năm 2003, khi đang làm nhiệm vụ ở Mexico, tôi tình cờ lật qua vài trang trên một quyển tạp chí du lịch bằng tiếng Tây Ban Nha. Bất ngờ, mắt tôi bị thu hút bởi một tấm hình chúa Giê-su chạy dọc xuống một dốc đá.

Xem kỹ hơn một chút, tôi nhận ra đó có thể không phải là chúa Giê-su, nhưng chắc chắn là hình ảnh một người đàn ông mặc áo choàng, đi dép xăng-đan đang chạy nước rút xuống sườn núi đầy đá vụn. Tôi bắt đầu dịch lời tựa bức ảnh, nhưng không hiểu tại sao nó lại ở thì hiện tại; trông nó giống như một huyền thoại mơ màng kiểu Atlantic về một đế chế đã lụi tàn của toàn những siêu nhân thông thái. Rồi dần dần tôi nhận ra rằng tôi đã đoán đúng gần hết, trừ các phần “đã lụi tàn” và “mơ màng”.

Lúc đó, tôi đang ở Mexico để tìm kiếm theo dấu của một ngôi sao nhạc pop mất tích và giáo phái tẩy não bí mật của cô ta cho Tạp chí The New York Times, nhưng bài báo tôi đang viết bỗng nhiên trở nên nhạt nhẽo khi so với bài mà tôi đang đọc trên tay. Đám ngôi sao nhạc pop đồng bóng đến rồi lại đi, nhưng người Tarahumara thì dường như tồn tại mãi. Được sống yên ổn trong nơi trú ẩn chốn thung lũng kì bí của mình, bộ lạc nhỏ ẩn dật này đã giải quyết được gần hết các rắc rối đối với loài người. Bất kỳ điều gì – tâm trí, thể xác, hay linh hồn – thì người Tarahumara đều đạt tới mức độ hoàn hảo. Cứ như thể họ đã bí mật biến hang động của mình thành các lồng ấp sản sinh ra những người giành giải Nobel, tất cả đều lao động cặm cụi để chấm dứt hận thù, bệnh tim mạch, cơn đau ống đồng hay các loại khí nhà kính.

Ở vùng đất của người Tarahumara, không có tội ác, chiến tranh hay trộm cắp. Không có tham nhũng, béo phì, nghiện ngập, lòng tham, ngược đãi, bóc lột phụ nữ và trẻ em, bệnh tinh, cao huyết áp, hay phát thải carbon. Họ không bị tiểu đường, hay phiền muộn, thậm chí còn chẳng già đi; người năm chục tuổi có thể chạy thắng cả thanh niên, còn các cụ già tám mươi tuổi thì có thể leo trên các triền núi với cự ly marathon. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư của họ là hầu như không có. Sự tài tình của người Tarahumara còn vươn sang cả kinh tế học, tạo ra một hệ thống tài chính độc nhất, dựa vào rượu và các hành động tử tế bất kỳ: thay cho tiền, họ trao đổi bằng các ân huệ và các bình lớn chứa bia ngô.

Bạn cho rằng một bộ máy kinh tế chạy bằng cồn và ân huệ miễn phí sẽ biến thành lễ hội tranh cướp say xỉn, tất cả mọi người tay bia tay rượu như những con bạc cạn túi trong một bữa buffet ở sòng bạc, nhưng ở miền đất Tarahumara, cơ chế kinh tế này lại có hiệu quả. Có thể là bởi vì người Tarahumara cần cù và thật thà một cách khác người; một nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng sau bao nhiêu thế hệ thành thật như vậy, bộ não của người Tarahumra đã đạt tới mức thực sự không thể hình thành được những lời nói dối.

Và cứ như thể là những người tử tế nhất, hạnh phúc nhất trên hành tinh này vẫn là chưa đủ, người Tarahumara còn là những người bền bỉ nhất: thứ duy nhất có thể so sánh với sự bình thản đến siêu phàm của họ, có vẻ như, chính là sức chịu đựng siêu đẳng của họ đối với cơn đau và lechuguilla, một loại tequilla nấu tại nhà từ xác rắn chuông và nhựa cây xương rồng. Theo lời kể của một số người ngoài từng được chứng kiến một cơn say hết cỡ của người Tarahumara, các cuộc tiệc tùng trở nên phấn khích tới mức các bà vợ bắt đầu xé áo của nhau trong một cuộc đấu vật cởi trần, trong khi một ông già đi xung quanh cười khúc khích và dùng lõi ngô để đâm vào mông họ. Trong khi đó, các ông chồng ngồi bất động theo dõi bằng những ánh mắt vô hồn. Thành phố Cancún vào kỳ nghỉ xuân cũng không là gì so với vùng Barrancas dưới ánh trăng trung thu.

Người Tarahumara sẽ tiệc tùng như vậy thâu đêm, để rồi khua nhau dậy vào sáng hôm sau để tỉ thí trong một cuộc đua chạy bộ có thể kéo dài không chỉ hai dặm, không phải là hai tiếng đồng hồ, mà là hai ngày trời. Theo sử gia người Mexico Francisco Almada, một nhà vô địch người Tarahumara có lần đã chạy 435 dặm, tương đương với việc ra khỏi nhà đi chạy bộ ở thành phố New York và chỉ kết thúc khi gần tới Detroit. Những người chạy bộ Tarahumara khác thì được kể là đã chạy ba trăm dặm trong một lần chạy. Quãng đường đó tương đương với mười hai cuộc chạy marathon, liên tục, khi mặt trời mọc, lặn, rồi mọc trở lại.

Và người Tarahumra không chạy trên những con đường bằng phẳng, được rải nhựa, mà chạy lên chạy xuống các con dốc trên đường mòn trong thung lũng, tạo ra bởi chính bàn chân của họ. Lance Armstrong là một trong các vận động viên sức bền vĩ đại nhất, và anh ta đã phải gắng gượng lết hết được cuộc marathon đầu tiên của mình, mặc dù anh ta đã phải ăn một túi gel năng lượng sau mỗi dặm. (Tin nhắn mà Lance gửi cho vợ cũ của mình sau giải Marathon New York City: “Ôi. Chúa. Ơi. Ối. Khủng Khiếp.”) Vậy mà những người này lại có thể chạy mười hai lần cự ly đó mỗi lượt?

Vào năm 1971, một nhà sinh lý học người Mỹ đã vượt núi vào vùng Copper Canyons và đã ngỡ ngàng bởi thể lực của người Tarahumara tới mức ông ta đã phải quay lại hai nghìn tám trăm năm trước mới có được thước đo để xếp hạng cho phù hợp. “Có lẽ từ thời những người Sparta cổ đại tới nay mới có một giống người đạt tới ngưỡng thể lực cao như vậy,” Tiến sỹ Dale Groom đã kết luận như vậy khi ông ta công bố các phát hiện của mình trong tờ Amercian Heart Journal. Tuy nhiên, khác với người Sparta, những người Tarahumara lại hiền từ như bồ tát; họ không dùng sức mạnh phi thường của mình để chiến đấu, mà là để sống hoà bình. “Xét về văn hoá, họ là một trong những bí ẩn chưa được giải đáp vĩ đại nhất,” Tiến sỹ Dr. Daniel Noveck, một nhà nhân chủng họ tại Đại học Chicago chuyên nghiên cứu về người Tarahumara nói.

Người Tarahumara bí ẩn tới mức, trên thực tế, họ chỉ được biết đến với mật danh của mình. Tên thật của họ là Rarámuri – Những người Chạy bộ. Họ bị những người Tây Ban Nha đi chiếm đất, những kẻ không hiểu được ngôn ngữ bộ lạc của họ, đặt cho cái tên “Tarahumara”. Cái tên lai căng đó gắn với họ, bởi vì người Rarámuri giữ nguyên bản sắc của mình, thà chạy đi chỗ khác còn hơn ở lại để tranh luận. Đáp trả các cuộc xâm lược bằng cách quay gót bỏ đi vẫn luôn là cách thức của người Rarámuri. Kể từ đội quân xâm lược mang giáp trụ của Cortés’s ầm ĩ tiến vào quê hương của họ, cho tới các cuộc xâm lấn của kỵ binh Pancho Villa và các trùm ma tuý Mexico, người Tarahumara luôn đáp trả các cuộc tấn công bằng cách chạy xa hơn, nhanh hơn nữa sao cho không ai có thể đuổi kịp, rút chạy vào sâu hơn nữa trong vùng Barrancas.

Trời ơi, họ chắc phải vô cùng có kỷ luật, tôi nghĩ. Tập trung và chuyên tâm hoàn toàn. Các tăng lữ chùa Thiếu Lâm trong môn chạy bộ.

Nhưng không phải vậy. Nói về chạy đường dài, người Tarahumara thích cách tiếp cận kiểu Mardi Gras (lễ hội ăn uống thoải mái trước mùa ăn chay – ND). Về dinh dưỡng và phong cách sống, ý chí chiến đấu, họ sẽ là cơn ác mộng của các huấn luyện viên kiểu truyền thống. Họ uống như thể đêm Giao thừa là sự kiện hàng tuần, nốc bia ngô quanh năm đủ để cứ ba ngày một lần lại ở trong trạng thái say xỉn hoặc đang hồi phục tính từ khi bắt đầu trưởng thành. Không như Lance, người Tarahumara không cung cấp thêm cho cơ thể mình các thức uống thể thao giàu điện giải. Họ không tái tạo cơ giữa các bài tập bằng các thanh protein; trên thực tế, họ hầu như chẳng ăn chút protein nào, chỉ sống nhờ vào ngô, có gia giảm thêm chút sơn hảo vị là thịt chuột nướng. Đến ngày chạy đua, người Tarahumara cũng chẳng tập hay giảm khối lượng. Họ chẳng căng dãn cơ hay khởi động. Họ chỉ dạo bước đến vạch xuất phát, cười nói và trêu đùa nhau… rồi chạy như điên trong bốn mươi tám giờ tiếp sau đó.

Tại sao họ lại không bị thương tật? Tôi thắc mắc. Cứ như ai đó gõ các số liệu thống kê vào nhầm cột: chẳng phải chúng ta, những kẻ có giày chạy với các công nghệ hiện đại nhất và các miếng lót chế tác riêng – mới là người có tỷ lệ thương tật bằng không, còn những người Tarahumara –những người chạy nhiều hơn rất nhiều, trên nền đất nhiều sỏi đã hơn, với những đôi giày thậm chí không thể gọi là giày – lại cứ khoẻ khoắn lạ thường?

Chân họ chắc là bền bỉ hơn, vì họ đã chạy bộ suốt cuộc đời mình, tôi nghĩ, trước khi nhận ra sự phi lý của chính mình. Bởi vì, như vậy đáng ra họ phải bị đau nhiều hơn, chứ không phải ít hơn: nếu chạy bộ là không tốt cho chân của bạn, thì càng chạy nhiều phải càng tệ hơn.

Tôi gạt bài báo sáng một bên, cảm thấy vừa tò mò, lại vừa bức bối. Tất cả mọi thứ về người Tarahumara đều phi lý, như trêu ngươi và khó hiểu đến mức khó chịu, như những câu đố của một thiền sư. Những người mạnh mẽ nhất lại hiền lành nhất; những đôi chân tưởng chừng như phải nát tan vì chạy bộ, lại là những đôi chân nhanh nhẹn nhất; những người khoẻ khoắn nhất lại có chế độ dinh dưỡng tệ hại nhất; bộ lạc ít học hành nhất lại là thông thái nhất; những người làm việc cần cù nhất lại có nhiều niềm vui nhất…

Và chạy bộ thì có liên quan gì đến tất cả những điều này? Liệu có phải là tình cờ khi mà tộc người sáng suốt nhất thế giới lại đồng thời là những người có khả năng chạy bộ đáng kinh ngạc nhất? Người ta trước đây thường leo lên dãy Himalaya để tìm học những uyên thâm, còn lần này, tôi nhận ra, mình chỉ cần vượt qua bên kia biên giới ở bang Texas.

===== Hết chương 2 =====

 

About the Author Nguyen Kien Quoc

>
0 Shares