Tại sao Nhật Bản lại có nhiều vận động viên marathon cừ khôi đến vậy?

Mặc dù Dickson Chumba là người về đích đầu tiên trong giải Tokyo Marathon 2018 tổ chức hồi tháng 2 vừa qua, nhưng tiếng vang của cuộc đua này lại được tạo ra bởi người Nhật.

Yuta Shitara, một chàng trai 26 tuổi với dáng vẻ tưởng như sắp đuối sức khi chỉ còn khoảng 10km nữa là tới vạch đích, bỗng chốc vùng dậy, tăng tốc và chạy như lên đồng cho tới khi băng qua vạch đích, chiếm vị trí thứ hai với thời gian 2:06:11. Với thành tích này, Shitara đã phá kỉ lục quốc gia do Toshinari Takaoka lập ra vào năm 2002, và giành được phần thưởng trị giá 100 triệu Yên (hơn 20 tỉ đồng Việt Nam), nhiều hơn nhiều so với số tiền thưởng mà Kawauchi nhận được ở Boston là 150.000 đô la Mỹ (tương đương 3,3 tỉ đồng Việt Nam).

Nhưng điều đáng kinh ngạc trong cuộc đua này không chỉ là thành tích của Shitara. Kết thúc giải, Nhật Bản có đến sáu nam vận động viên nằm trong top 10, và có tổng cộng 10 vận động viên có thành tích nhanh hơn 2:10. (Trong khi đó, suốt lịch sử marathon của Hoa Kỳ, chỉ có tổng cộng 17 vận động viên từng có thành tích thấp hơn 2:10, và nếu chỉ tính các giải đua có thành tích được chính thức công nhận, tức là loại ra các kết quả tại giải Boston, thì con số này tụt xuống 11 người).

Nhật Bản đang ráo riết chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020, và có vẻ như quốc gia này đã tìm ra công thức thần kì nào đó để tạo ra những vận động viên marathon tầm cỡ thế giới. Vậy, bí quyết thành công của họ là gì?

Marathon đã thịnh hành tại Nhật Bản từ lâu

Mặc dù môn chạy đường dài đã được đưa tới Nhật Bản từ sau Olympic Stockholm 1912, nhưng sự bùng nổ của marathon chỉ xảy ra sau thế chiến thứ hai. Thời kì hậu chiến, Nhật Bản bị tàn phá nặng nề, và người ta đã phải tìm cách để giúp người dân gượng dậy. Một trong các sáng kiến là tổ chức lại các cuộc đua ekiden (chạy tiếp sức đường dài kiểu Nhật) và các giải marathon. Trong những thập kỉ 40 và 50, người Nhật đã có một cuộc bùng nổ marathon, trong khi các nước phương Tây chỉ chứng kiến sự bùng nổ tương tự vào những năm 70 và đầu thập kỉ 80, còn ở Đông Phi là cuối những năm 80 và đầu 90. Người Nhật đã thống trị bộ môn marathon vào khoảng thập kỉ 50 và 60. Ví dụ như, trong năm 1965, có đến 10 trong 11 giải marathon có thành tích tốt nhất thế giới bị các nam vận động viên người Nhật chiếm lĩnh. Trong năm 1966, con số này là 15 trên 17. Tỷ lệ này chẳng khác gì thành tích của các vận động viên Kenyan thời nay.

Sự kiện thể thao lớn nhất Nhật Bản là một giải Ekiden

Các giải Ekiden là các cuộc chạy tiếp sức đường dài, với mỗi chặng thường có độ dài tương đương một giải bán marathon. Giải đua Ekiden lớn nhất, giải Hakone Ekiden, là sự kiện thể thao lớn nhất trong năm tại Nhật, và cả đất nước cùng dừng hết công việc lại để chứng kiến. Xét trên bình diện các môn thể thao thì bóng chày vẫn được quan tâm hơn, nhưng nếu xét về một sự kiện thể thao, thì giải Hakone Ekiden đè bẹp tất cả các sự kiện khác. Giải này được tổ chức vào ngày mùng 2 và mùng 3 tháng Giêng, và tất cả mọi người trên đất nước Nhật Bản cùng dõi theo từng giờ từng phút. Thậm chí, có thể là không ngoa khi nói rằng với nhiều vận động viên chạy bộ Nhật Bản, việc có mặt trong đội giành chiến thắng giải Hakone Ekiden còn hạnh phúc hơn cả giành huy chương Olympic.

Việc Nhật Bản đang chuẩn bị tổ chức thế vận hội Olympics cũng có tác động

Một lý do khiến thành tích marathon của người Nhật thay đổi đột ngột chính là thế vận hội Tokyo chẳng còn cách xa. Hạng mục marathon trong thế vận hội sẽ là sự kiện được quan tâm hàng đầu tại Nhật. Vì vậy, liên đoàn điền kinh cũng như uỷ ban Olympic quốc gia nước này cũng gây ra nhiều sức ép nhằm chuyển hướng sự tập trung từ các giải Ekiden sang cự li marathon. Các vận động viên chuyên nghiệp trước đây phải tập trung nhiều cho các giải Ekiden theo yêu cầu của công ty quản lý mình thì nay có nhiều thời gian tự do hơn để tập luyện cho cự ly marathon.

Các vận động viên Nhật Bản thường ít được truyền thông chú ý đến

Một số lý do khiến người Nhật lâu nay dường như vắng bóng trong các giải đua tầm cỡ thế giới. Đó là họ tham dự các giải lớn như London và Boston và chỉ đạt được vị trí thứ ba, thứ tư, hoặc thấp hơn (cho đến tuần trước khi Kawauchi giành được chiến thắng chấn động). Người Nhật hầu như không bao giờ nằm trong tốp đầu, vì các vận động viên Kenya thường xuất phát với tốc độ rất cao nhưng lại bỏ cuộc hoặc tụt lại ở đoạn cuối cuộc đua. Và chẳng ai chú ý đến những người về đích thứ tư, thứ năm, trừ khi đó là vận động viên của chính nước mình. Chưa hết, chạy bộ rất được ưa chuộng ở Nhật nên những vận động viên hàng đầu của Nhật sẽ dành nhiều thời gian cho việc chạy đua ở trong nước hơn. Các vận động viên này đều chạy theo dạng chuyên nghiệp cho các công ty Nhật Bản. Một lý do mà các doanh nghiệp Nhật lập ra các đội chạy bộ này là để nhân viên công ty có điều gì đó để hãnh diện. Ngoài ra, ngay ở trong nước Nhật đã có rất nhiều giải chạy lớn, không chỉ giải Tokyo mà các giải như Fukuoka, Lake Biwa, Osaka… cũng có tầm cỡ ngang với các giải lớn của thế giới.

Chạy bộ là một nghề có tương lai

Một lý do khiến Nhật Bản có nhiều vận động viên chạy bộ giỏi chính là vì họ có các đội tuyển của doanh nghiệp. Ở Nhật, có khoảng 60 đội chạy bộ chuyên nghiệp như vậy, 30 đội nam và 30 đội nữ. Mỗi đội có khoảng 20 vận động viên được trả lương toàn thời gian. Có nghĩa là Nhật Bản có khoảng 1200 vận động viên ưu tú được trả lương chỉ để chạy bộ. (Shitara Yuta thi đấu cho đội Honda Motors, còn người anh em sinh đôi của anh, Shitara Keita, cũng là một vận động viên marathon danh tiếng, lại thi đấu cho đội Hitachi). Mô hình truyền thống là công ty sẽ lập ra một đội tuyển ekiden và các vận đông viên chạy bộ sẽ là thành viên của đội tuyển đó, nhưng đồng thời cũng là nhân viên chính thức của công ty. Khi sự nghiệp chạy bộ của họ kết thúc, họ có thể tiếp tục làm việc ở công ty với công việc văn phòng. Như vậy, họ vẫn có công việc đảm bảo trọn đời, dù ban đầu được tuyển mộ vào công ty chỉ để chạy bộ. Thậm chí, có công ty còn luân chuyển các vận động viên này qua nhiều bộ phận khác nhau của công ty để tất cả mọi người đều có cơ hội được gặp gỡ họ. Điều này thực sự tạo ra một niềm hãnh diện, cũng như tạo ra cảm giác gắn bó giữa nhân viên với đội tuyển của công ty. Khi mà các vận động viên có trình độ tương tự ở Mỹ hay châu Âu không thể sống được bằng nghề, thì ở Nhật, vẫn có cách để chạy bộ trở thành sự nghiệp.

Các vận động viên chạy bộ tại Nhật Bản có cuộc sống sung túc

Một số huấn luyện viên chạy bộ của các trường cấp ba ở Nhật Bản đã chia sẻ rằng trường họ không đủ lực lượng để thi đấu tại các giải học sinh cấp quốc gia, vì họ không được trường cấp đủ tiền để mua các vận động viên giỏi. Điều này cho thấy, dù chỉ là cấp độ nghiệp dư, nhưng đã có sự cạnh tranh rất lớn cũng như đãi ngộ hậu hĩnh cho các vận động viên. Thế nên, các vận động viên cao cấp tại Nhật Bản đương nhiên có cuộc sống sung túc. Họ thậm chí không thể rảo bước xuống phố mà không phải luôn tay ký tặng người hâm mộ, không khác gì các vận động viên bóng rổ ở Mỹ. Kawauchi Yuki, người vừa giành được chiến thắng thần kì tại Boston Marathon từ trước đến nay vẫn được mệnh danh là người “nằm ngoài hệ thống” khi liên tục gặt hái thành công với tư cách vận động viên nghiệp dư, không chạy cho bất kì một doanh nghiệp nào. Thế nhưng, chàng “runner công vụ” cũng vừa tuyên bố sẽ từ bỏ việc công và chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp vào năm sau.

 

About the Author Nguyen Kien Quoc

  • […] Tại sao Nhật Bản lại có nhiều vận động vi&ecir… […]

  • […] Tại sao Nhật Bản lại có nhiều vận động vi&ecir… […]

  • >
    70 Shares