Đào Trung Thành
Có lẽ một trong những trang bị quan trọng nhất của người chạy bộ là giày. Tuy nhiên, trong lịch sử không hẳn như vậy. Con người sau hàng triệu năm tiến hóa mới đi giày và chạy vốn là phẩm chất bẩm sinh, “born to run”. Người ta chạy để kiếm cái ăn và tránh bị ăn nên chân mới quan trọng và đang có phong trào chạy “về nguồn”, chân đất, barefoot hay các dạng giày kiểu “minimalist” ít hỗ trợ để người ta có thể cảm nhận mỗi bước chân khi chạy. Nhưng với đa số con người hiện đại mà phương tiện đi lại chủ yếu là cơ giới và đi xe nhiều hơn đi bộ thì rõ ràng khi chạy rất cần đến giày nếu không muốn rủi ro và nguy hiểm.
Bước vào làng chạy, trong các nhóm SRC hay LDR thì vẫn hay nhận được các câu hỏi của nhiều người mới tham gia chạy là “đôi giày nào chạy tốt nhất?”. Câu hỏi đó rất khó trả lời và nếu có sẽ rất khác nhau giữa những người trả lời. Giả sử có một đôi giày tốt nhất thì không thể có những đôi giày khác bán cũng chạy và không thể có hằng hà sa số, ma trận các thể loại giày chạy bộ và các hãng giày được.
Thế nên, trước các câu hỏi này thường là tôi im lặng, hoặc cần phải hỏi thêm về thông tin người muốn tìm hiểu. Các thông tin thường là bạn chạy trung bình bao nhiêu km một tuần, chỉ số BMI (Body Mass Index) là bao nhiêu, có hay bị chấn thương hay không?
Tạp chí Runners’ World thường có mục Shoe Finder và cứ nhìn vào sơ đồ như trung bình một tuần ít hơn 18 mile (30km), từ 18-32 miles (50 km) và trên 32 miles rồi BMI nhỏ hơn hay lớn hơn 23, nghĩa là có dư cân (overweight) không, cấu tạo chân dạng Normal, Arch hay Flat thì một người có thể tìm được một đôi giày phù hợp cho mình.
Về cấu tạo chân thì người ta chia làm 3 dạng chính: loại bình thường (normal arch) thì chân bình thường, hehe. Nghĩa là cấu tạo vòm chân không quá cong (high arch) hay quá phẳng (flat arch). Loại bàn chân bẹt (flat arch) là một dạng bàn chân rất dễ bị chấn thương khi chạy và thậm chí khi đi bộ bình thường cũng có thể đau.
Người ta cần phải chữa trị dạng bàn chân bẹt này, nhẹ thì làm các miếng đệm hay lót vào giày, nặng có khi phải phẫu thuật chỉnh hình. Loại nhẹ thì chỉ cần chú ý và tập luyện là được, mình có dạng bàn chân hơi bẹt. Các hãng giày thì có các loại giày neutral pronation phù hợp với chân bình thường, over pronation cho loại bàn chân flat arch và supination cho loại bàn chân có vòm lớn (high arch). Các hãng có thể có cách phân loại khác như Cushioning, Motion Control hay Stability nhưng tựu trung lại là phù hợp cho từng loại chân.
Tiếp theo là tiếp đất. Có người tiếp đất bằng gót (heel strike), người bằng mũi (forefoot strike), người bằng cả bàn chân (midfoot strike) và như vậy sẽ có rất nhiều loại giày mà một thông số là heel drop (heep-toe drop), chênh lệch về độ dày giữa gót giày và mũi giày. Chênh nhau nhiều khi 22 mm cho đến không chênh (zero).
Người đáp mũi thì thường chọn loại giày có heel drop nhỏ hơn đáp cả bàn chân và người đáp gót thì thường heel drop khá lớn. Tuy nhiên, sự chênh lệch này nên so sánh giữa cùng một loại giày, hai loại giày khác nhau sẽ có cảm giác khác nhau. Adidas adizero Hagio mặc dầu heel drop 6mm nhưng khi tiếp đất có cảm giác giống như tiếp đất bằng Newton Distance Racers chỉ 2 mm drop hay heel của đôi Newton này cứng (firm) hơn.
Các hãng giày thật sự đa dạng. Adidas hay Nike có thể được ví như Toyota hay Honda của làng chạy bộ. Không phải là nó không tốt mà là nó khá phổ biến, bền đẹp theo tiêu chuẩn trung bình và của người không quá cầu kỳ chọn lựa. Nike có các dòng chạy hay mà mình từng thử qua như Free Run, hay Air Max, adidas có dòng Energy Boost mà mình có “đôi màu xanh thần thánh” được hãng tặng. Đó là các hãng giày thông dụng với người Việt.
Một hãng giày Nhật ít nổi tiếng nhưng trở thành một thương hiệu nhờ quảng cáo của tác giả Rừng Nauy, nhà văn đam mê chạy bộ H. Murakami. Giày của hãng Mizumo không quá đẹp nhưng bền và chắc. Mình cũng đã từng đi một đôi Ultima, trong khi dòng phổ biến mà anh em SRC hay đi là Wave Rider.
Một số anh em rất thích đi giày của ASICS. Sau chiến thắng của Meb Keflezighi trong giải thi đấu NYC Marathon 2014 với GOmeb Speed 3 thì giày Skechers được ưa chuộng. Hiện mình đang đi đôi Gorun 3 (skechers), được đánh giá Best Editor Choice (Runner’s World) năm ngoái. Đôi Sense Mantra 2 của Salomon dùng để chạy địa hình (trail) rất ít đi.
Thực sự sẽ không có giày nào tốt nhất và sẽ chỉ có giày phù hợp với từng người, từng giai đoạn, từng địa hình, từng cự ly thi đấu mà thôi. Tuy nhiên, các nhà khoa học thể thao lại khuyên mỗi người yêu thích chạy bộ nên có vài ba đôi giày, khác loại để chân cẳng làm quen với từng loại giày và địa hình giúp giảm thiểu chấn thương nếu chỉ quen một kiểu giày. Như thế chúng ta phải tìm cho mình 2,3 đôi phù hợp nhất với mình. Theo khuyến cáo thì cứ 300 miles (khoảng gần 500km) thì nên thay giày.
Giày rất giống người tình với dân chạy bộ. Luôn luôn muốn kiếm thêm những đôi mới mẻ và không nỡ rời bỏ những đôi đã từng mình chinh chiến lâu năm. Hôm nọ, mình nhìn trên FB giáo sư Dương Nguyên Vũ (Telecom-ParisTech và EPHE Sorbonne (Pháp) có hơn một chục đôi giày chạy bộ các loại, chị Tiểu Phương, một HLV thể hình (California Yoga & Fitness) cũng có trên chục đôi giày chạy các loại, nhiều bạn trong nhóm SRC cũng phải 5,6 đôi. Mình hiện giờ nếu tính đôi Saucony KINVARA 5, Best Editor của mùa thu 2014 nữa là 4. Đang nhắm tiếp một em Go Meb Speed 3 hay một anh Newton.
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.