Tầm hình khá “nóng” trong mấy ngày gần đây ở các Hội chạy bộ (Boston Buddies, LHR, TAUR,…) là hình chia sẻ của chị Heather Schulz. Năm 2008, ở tuổi 34, chị chạy FM 3:21 và nghĩ rằng vậy là đã “kịch đường tàu” rồi. 10 năm sau, ở tuổi 44, chị hoàn thành giải California International Marathon (CIM) trong 2:58. Một câu chuyện đầy cảm hứng.
Ai đó có thể nghĩ rằng người phụ nữ tóc vàng óng này có xuất phát điểm quá tốt. Nhưng một chút tìm hiểu sẽ đem lại nhiều thông tin thú vị. Heather là một “ngôi sao nho nhỏ” trên bầu trời Instagram, với tài khoản #heatherunz có 73,5 ngàn người theo dõi. Lạc vào đây, chúng ta sẽ gặp bầu không khí chạy bộ ngập tràn, rất nhiều tấm hình Heather tham gia các giải chạy, trong nắng hay trong mưa, dưới ánh mặt trời hay khi đêm muộn, trên đường nhựa, ở bãi biển, hay trong sân vận động. Lúc nào cũng là ánh mắt tươi cười rạng rỡ, bím tóc vàng trẻ trung, khối cơ bụng rắn rỏi và những bước chân mạnh mẽ. Không phải lúc nào kết quả chạy cũng như ý, nhưng nếu có ai đó luôn đam mê và tự tin trong mọi hoàn cảnh, đó là Heather Schulz, “Mẹ vẫn bảo tôi rằng đừng theo đuổi tụi con trai… vì thế tôi chỉ cố gắng vượt qua họ mà thôi!!!”
Có một tấm hình chị chạy năm 1995, ở tuổi 21, như vậy là ít nhất chị đã theo đuổi môn thể thao này gần ¼ thế kỷ – một chặng đường dài mà không có tình yêu, không thể nào hoàn tất được. Tính đến này Heather đã 13 lần cán mốc sub3, rất nhiều trong số đó là ở Boston (10 lần Boston liên tiếp). Thành tích tốt nhất là FM 2:54 và HM 1:21. Vào trang chủ của giải California International Marathon (CIM) 2018 sẽ thấy Heather Schulz là một chân chạy kinh nghiệm thế nào, kiểm soát tốc độ rất tốt, với split từng chặng 5km lần lượt là 6:43 (min/mile), 6:40, 6:44, 6:44, 6:43, 6:43, 6:44, 6:44, 6:45, 6:50.
Nếu bạn chưa yêu các giải chạy lắm, hãy một lần nghe Heather chia sẻ. Cũng không có gì quá đặc biệt đâu, chỉ là cảm xúc khi sắp về đích, hay trên đường đua, hay lúc cầm tấm huy chương và hồi tưởng lại.
“Cú nước rút cuối cùng, đây là thời điểm mà bất kể bạn kiệt sức thế nào, bạn cần phải vượt lên trên nó để cất cánh. Đây là thời điểm để dồn toàn bộ sức lực và sử dụng từng giọt năng lượng cuối cùng mà bạn có. Bạn không muốn vượt qua vạch đích mà biết rằng mình còn dư sức chưa bung hết. Nhìn thấy vạch đích, nghe tiếng cổ vũ… theo một cách nào đó những đau đớn sẽ biến mất, hoặc ít nhất chúng ta cũng quên đi đau đớn. Cú nước rút cuối cùng luôn là khoảnh khắc tôi yêu thích nhất ở mỗi cuộc đua”.
“Người chiến thắng là người có những giấc mơ và không bao giờ bỏ cuộc. Đôi khi, chiến thắng không nằm ở chỗ ai vượt qua vạch đích đầu tiên. Đôi khi chiến thắng chỉ là làm những gì tốt nhất bạn có thể trong ngày hôm đó, không bỏ cuộc khi mọi việc trở nên tồi tệ. Đôi khi chiến thắng chỉ là đạt PR, hoặc chạy nhanh hơn lần trước của chính bạn. Đôi khi chiến thắng chỉ là lần đầu tiên hoàn thành cuộc đua. Đó là rất nhiều phương diện của thắng lợi”
“Tôi tin rằng chạy bộ là suối nguồn của sự trẻ trung. Ít nhất, đôi khi nó có vẻ như thế. Ngày hôm qua, tôi có cơ hội gặp vận động viên vĩ đại Joan Benoit Samuelson, người phụ nữ đầu tiên dành huy chương vàng Olympic cự ly marathon vào năm 1984. Chị ấy vẫn chạy trong hàng thập niên sau đó. Năm nay chị ấy chạy ở Boston, và chúng tôi sánh bước cùng nhau một lúc. Thế rồi cuối cùng chị ấy cho tôi ngửi khói tới gần 1 phút (thành tích của Heather ở Boston 2019 là 3:05, Joan Samuelson là 3:04). Khi nghe chị ấy kể chuyện, tôi có niềm tin và cảm hứng rằng tôi còn nhiều thập kỷ nữa để chạy bộ ở thành tích cao. Tôi biết rằng Joan dự định chạy Berlin năm nay với thành tích sub3, tôi cũng vậy. Và tôi có mục tiêu của mình, đó là vượt qua chị ấy, hoặc ít nhất là theo kịp Joan. Tôi thực lòng hy vọng mình có thể tiếp tục chạy bộ trong nhiều năm sắp tới. Những người như Joan cho chúng ta niềm tin rằng tất cả đều có thể”.
“Đôi lúc, thành công chỉ nằm ở cách chúng ta vẫn tiếp tục khi mà kẻ khác đã bỏ cuộc. Sự đau đớn của cuộc đua marathon khác tất cả những đau đớn khác. Tuy nhiên, tôi thích nó hơn những cự ly khác. Bạn xuất phát một cách thoải mái, và chạy với tốc độ mà bạn nghĩ rằng có thể duy trì suốt 26 dặm. Thế rồi sau dặm thứ 20, một cái gì đó đứt vỡ, nếu không phải cơ thể bạn thì cũng là sự mệt mỏi, hay thiếu dinh dưỡng/điện giải. Bất kể thủ phạm là gì, nỗ lực để duy trì tốc độ chỉ ngày càng trở nên khó khăn. Đây là lúc bạn phải quyết chiến hoặc xuôi tay, đây là lúc mà bạn phải bắt đầu chịu đựng và hỏi mình “Tôi thèm khát tới mức nào?” Ở giải CIM, tôi biết rằng mình có thể trạng để chạy sub3. Nhưng trong cuộc đua 26 dặm, điều gì cũng có thể xảy ra. Từ sau giải Boston 2017 tôi đã không còn chạy sub3 nữa. Lần này, đây là cuộc đua của tôi. Khi bắp chân tôi bắt đầu đau chói ở dặm số 22-23, cảm xúc của tôi lại tăng lên cao. Tôi chậm lại đôi chút, thế rồi nhanh chóng làm mấy phép toán trong đầu và biết mình cần phải làm gì để đạt được mục tiêu. Giải toán là một cách tốt để chúng ta phân tâm, không chú ý tới đau đớn nữa. Dù thực lòng tôi muốn chạy nhanh hơn đôi chút, tôi cảm thấy rất biết ơn vì cuối cùng đã đạt mục tiêu sub3. Tôi yêu đường chạy CIM và những con dốc của nó. Chắc chắn tôi sẽ quay trở lại”.
Nếu ai đó đang chán nản, blue, hãy nuôi dưỡng cảm hứng chạy bộ nhờ những trang Instagram thế này. Bài viết dành cho những ai thực sự muốn chạy sub3, sub3:30, hoặc đơn giản là muốn chạy nhanh hơn sau mỗi cuộc đua, không dành cho KOL các thể loại.
Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.