Nếu coi chạy bộ là một mối tình thì với tôi, những lần tham gia giải Marathon đường núi Việt Nam (VMM) luôn là những phút giây lãng mạn nhất.
Kể cả lần này.
Tôi tham gia đủ cả 3 lần giải được tổ chức, mỗi năm một cự ly khác nhau, lần lượt là 21km, 42km và năm nay là 70km. Nhưng ngay cả khi mọi thứ không còn thực sự mới mẻ nữa, sự rung động của cảm xúc không còn mãnh liệt nữa, và thậm chí khi không may phải đối diện với những khía cạnh trần tục nhất của “người trong mộng”, thì sự thơ mộng khi ở bên nàng vẫn không vì thế mà mất đi. Đó là thời điểm tôi chạy ngang qua bãi tập kết rác của thị trấn Sa Pa ở gần Check Point 3. Mưa tạnh, sương mù đã tan hết, bãi rác lộ thiên bẩn thỉu có kích cỡ của một cái hồ nhỏ phơi bày trước mắt. Giữa khung cảnh đó, tôi và một runner người Thái Lan vừa chạy vừa trao đổi với nhau vài câu trong khi hít thở mùi xú uế lúc thoang thoảng, lúc đậm đặc tùy theo hướng gió thổi. “Cậu thấy đường chạy Sa Pa thế nào?” Bạn mang số bib 4114 trả lời: “Quá đẹp, quá tuyệt vời. Chắc chắn năm sau tôi sẽ lại chạy tiếp”. Bạn thấy chưa?
Tôi bước vào giải không ở trong tình trạng sức khỏe tốt. Khoảng vài tuần trước giải, lòng bàn chân và cổ chân trái của tôi xuất hiện những cơn đau buốt khi đi lại. Dù mức độ không trầm trọng như lần chấn thương đầu năm, nhưng đủ tạo ra sự lo ngại đáng kể. Tôi nghỉ chạy, đổi từ giầy da sang giầy thể thao khi đi làm và tự xoa bóp. Nhưng sáng nào ngủ dậy cũng có chút thất vọng khi những bước đầu tiên khỏi giường bao giờ cũng hơi khập khiễng. Trước race 2 tuần, tôi chạy Hàm Lợn lần cuối 27km để thử giầy mới vì không muốn vào giải với đôi giầy xỏ chân lần đầu. Lúc chạy thấy không tệ lắm nhưng về nhà thì đau nhiều hơn. Vậy là tôi quyết định nhả khối lượng luyện tập luôn, hơn 10 ngày sau đó chỉ chạy tổng cộng có 8km. Hôm trước race, tôi chạy nháp 2 vòng quanh hồ ở trung tâm Sa Pa, khoảng hơn 3km, với pace 5:00. Chân vẫn đau y như vậy. Chạy xong tình cờ gặp Nguyễn Bình Dương. Dương rủ uống nước. Không muốn bạn thấy hình ảnh mình đi tập tễnh, tôi phải nói với Dương là cứ vào quán trước, còn tôi ngồi nghỉ một lúc để cho bàn chân dịu đi.
Thực sự điều làm tôi lo lắng nhất không phải là chân đau ảnh hưởng đến thành tích. Tôi chưa từng chạy tới 70km, nên thành tích nào cũng sẽ là kỷ lục cá nhân. Khả năng DNF (Did Not Finish) tôi tự tin để không tính tới. Tôi sẽ về đích. Tôi có thể vào trận như một chiến binh bất đắc dĩ, nhưng nói chung không bao giờ bỏ cuộc. Nhưng tôi sợ hậu quả của sự cố gắng để về đến đích. Có thể sau đó có thể chân sẽ đau nặng hơn, sẽ phải nghỉ chạy rất lâu giống như hồi tháng 2. Nhưng thôi kệ.
Tôi dạy từ 1:45 phút sáng, ăn uống nai nịt gọn gàng. Ở một phòng riêng để tránh đánh thức bố mẹ nhưng bố mẹ tôi cũng không ngủ được vì hồi hộp lại sang gõ cửa phòng tôi. Mẹ tôi chụp cho tôi một kiểu ảnh trước khi rời khỏi khách sạn. Tôi tới điểm tập kết lúc 2:30 và là vận động viên đầu tiên có mặt. Các runner khác lần lượt lầm lũi kéo đến. Đêm Sa Pa vắng lặng. Một đám thanh niên Tây ngồi nhậu lai rai ở quán vỉa hè cười nói ầm ĩ. Một cô gái trong nhóm, chắc say, cầm một lá cờ vừa hát vừa khua đi khua lại. Hai anh chàng nổi hứng lên xe máy, rồ ga bốc đầu rồi cả người và xe cùng ngã bổ chửng, tiếng động cơ náo loạn cả góc phố. Như một lũ khùng, tôi nghĩ. Nhưng biết đâu khi nhìn sang đám runner lỉnh kỉnh đồ nghề lặng lẽ đứng bên này, họ cũng có chung suy nghĩ như vậy. Lũ khùng.
Đúng 3 giờ, xe lăn bánh tới điểm xuất phát ở Topas Ecolodge, xã Thanh Kim, cách Sa Pa 18km. Tôi ngồi cạnh Jintana, một runner nữ người Bangkok. Cô này là vận động viên triathlon. Jin nói rất háo hức với VMM vì vậy luyện tập khá nghiêm túc, mỗi ngày dành ra 4 tiếng và mỗi tuần đều chạy 1 FM. Tôi hỏi Jin các vận động viên hàng đầu Thái Lan có tham gia giải lần này không thì Jin nói không, vì họ bận giải gì đó bên Nhật Bản trùng thời điểm. Nhưng nhà vô địch của họ thì có. Anh chàng Sanya Khanchai đang ngồi đâu đó phía đuôi xe buổi chiều sẽ là người cán vạch đích đầu tiên. Jin hỏi tôi dự kiến thành tích thế nào. Tôi nói dự định khoảng 13-14 tiếng. Cô ta có vẻ ngạc nhiên nhưng không bình luận gì. Tôi hỏi Jin câu tương tự. Jin nói sẽ chạy trong khoảng 9 tiếng. Hàng khủng đây, tôi nghĩ, nhưng rõ ràng là chưa được nếm mùi đồi núi Sa Pa (chung cuộc Jin chạy mất 14:01). Jin hỏi tôi lát nữa có phải chạy trên tuyến đường đang đi qua không? Chắc vì thấy đường khá xấu. Lúc đó trời vẫn tạnh ráo, hơi oi so với đêm Sa Pa nhưng phía chân trời bắt đầu có ánh chớp, báo hiệu cơn mưa sắp đến. Một tia chớp lóe lên, để lộ ra đường viền của ngọn núi Silverstone nhọn hoắt giữa bầu trời đêm tím sẫm. Tôi chỉ cho Jin. Cung đường này thì không chắc nhưng chúng ta sẽ phải chạy qua quả núi đó đó.
Chúng tôi xuất phát muộn gần 15′ so với lịch 4 giờ sáng của ban tổ chức. 154 runner với đèn pin đeo trên trán rầm rập chạy vào bóng đêm. Kịp nghe giọng anh Dzung Ng đâu đó nhắc nhở: “Mọi người chạy chậm thôi”. Giữa không gian tĩnh mịch, tiếng bước chân nện xuống đường, tiếng va đập vì xóc của các đồ nghề mang trên người và tiếng thở là những âm thanh duy nhất tôi nghe được. Tôi chạy vừa phải ở nhóm 1/3 cuối, pace khoảng 6:30, để cảm nhận phản ứng của chân trái. Hơi nhói nhưng OK, hy vọng sẽ không có gì trục trặc đáng kể. Sau hơn 6km đầu chạy trên đường trải nhựa đã bong tróc, chúng tôi rẽ trái. Xuống dốc, qua một chiếc cầu hẹp bắc ngang con lạch nhỏ và vào bản. Ra khỏi bản, chạy giữa các tảng đá lớn, vượt qua một con suối và bắt đầu lên dốc. Đường khá trơn, len lỏi giữa các khóm tre. Tú Hoàng, một runner hàng top của Đà Nẵng, người sẽ là bạn đồng hành trong suốt chặng đường VMM lần này, bắt kịp tôi. Tú khuyên tôi kéo gậy ra sử dụng. Chúng tôi đều chưa sử dụng gậy chống bao giờ nên đều quyết định mua mấy cây trekking pole hàng Tàu rẻ tiền ở ngay Sa Pa để nếu chạy thấy vướng víu không tác dụng thì có thể vứt luôn đỡ tiếc. Tú đưa cho tôi một viên điện giải và nói mình chạy gần tiếng rồi nên uống một viên bổ sung. Tú trữ một gói khá nhiều nhưng thật đen đủi là đó là lần cuối cùng cả hai được nhìn thấy gói thần dược quý báu này vì sau đó Tú đánh rơi nó lúc nào không biết.
Xuống hết quả núi là lại chạy vào một bản khác. Không biết dân làng người dân tộc gì nhưng kiểu nhà của họ rất lạ, không giống của người Dao hay H’Mong. Nhà cửa màu xám tro bằng gỗ và đá với bậc thềm thấp san sát hai bên lối đi hẹp chứ không cách xa nhau và không phải nhà sàn. Tờ mờ sáng nên chưa ai ngủ dậy, cả làng tịnh không có một tiếng gà kêu chó cắn. Tôi có cảm giác như mình đang lạc vào trong một phim trường cổ trang và rất có thể ở một ngã rẽ sẽ gặp một thích khách nhảy xổ ra. Quả nhiên gặp thật. Nhưng đó là ba bố con dạy sớm đứng ngoài hiên phục kích đoàn chạy đi ngang cửa. Ông bố háo hức giơ smart phone lên chụp các runner.
Vượt suối gần CP 1. Photo: David W Lloyd Photography
Ra khỏi bản chúng tôi chạy theo thảm cỏ xanh mướt mênh mang dọc theo triền một con suối lớn. Sương mù và tiếng nước róc rách làm cảnh vật trở nên hữu tình. Tôi bắt kịp lại Tú khi lội qua suối. Chúng tôi dừng chân giữa làn nước, pose cho David Lloyd, photographer chính thức của BTC chụp. Năm ngoái Lloyd vô địch cự ly 42km, nhưng rồi chuyển qua môn đạp xe, nên năm nay không chạy nữa. Tiếp tục lòng vòng, vượt qua một cái cầu, tôi chạy tới Check Point 1.
Hầu như ở mỗi Check Point tôi đều uống một lon bò húc. Cả ngày hôm đó tôi uống 5 lon, nhiều như một tài xế lái xe liên tỉnh. Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay tôi rất chịu khó ăn uống. Suốt chặng đường, tôi ăn hết 14 trái chuối, 7 gói GU gel, 6 thanh ngũ cốc Granola, một bát mì trứng ở Check Point 4, húp một bát con súp trứng ở Check Point 6, chén một thanh xúc xích bé tí ở Check Point 5. Tôi cũng uống một lon Coca Cola ở Check Point 4, nhai hai miếng chanh chấm muối lúc trước khi leo Silverstone và uống cỡ khoảng hơn 4l nước pha điện giải. Lẽ ra còn ăn thêm một quả trứng luộc xin được của nhóm support LDR ở Check Point 5 nhưng do để trong túi quần va đập với cây gậy chống nên quả trứng nát bét, móc ra chỉ được một nắm rơi lả tả. Ăn uống đầy đủ kết hợp dừng nghỉ 10’ đến 20’ ở hầu hết các Check Point nên tôi sung sức trong suốt cuộc đua, cảm giác về đích vẫn có thể chạy được tiếp. Tôi với Tú chạy tất cả các cung xuống dốc từ Check Point 4 đến 7, chúng tôi chỉ chuyển sang đi bộ khi gặp dốc dài hoặc gắt để, theo cách gọi thống nhất giữa tôi và Tú là, “cool down”.
Khác với sự lo lắng ban đầu, chân tôi ổn trong phần lớn thời gian. Giữa Check Point 1 và Check Point 2, ở khoảng km 14 đến 18, tôi bị chuột rút hai lần ở bắp chân, mỗi chân 1 lần. Lần đầu thoáng qua còn lần hai thì nặng hơn làm tôi phải ngồi bết xuống đường. May lúc đó có Đỗ Ngân Sơn đi qua giúp tôi căng cơ và một runner người Sing bóc cho tôi một gói thuốc muối chiêu với nước. Sau hai lần chuột rút như một nghi lễ bắt buộc cần có trong những lần chạy dài, tôi không gặp vấn đề gì nữa. Triệu chứng đau ở bàn chân và cổ chân cũng dần biến mất tiệt, chạy xong khỏi luôn như chưa hề có.
Một trợ thủ đắc lực khác là cặp gậy. Lần đầu sử dụng nhưng rất nhanh tôi làm quen với cách dùng chúng. Nắm vào đâu để nhấc chúng lên khi chạy trên đường bằng hoặc xuống dốc, nắm vào đâu khi leo dốc, sử dụng chúng như thế nào để giữ thăng bằng hoặc làm điểm tựa ở những đoạn đường trơn. Có gậy, tôi leo dốc phăm phăm mà không thấy mỏi chân, kể cả lúc leo quả núi Silverstone có độ dốc gắt nhất. Mà có gậy rồi thì cũng khỏi phải để ý đến bọn chó luôn.
Cho tới Check Point 3 thì đường chạy với tôi là mới. Tôi rất thích cung chạy theo bờ ruộng giữa Check Point 2 và 3. Trong khoảng 4km dưới mưa tầm tã, tôi chạy, đúng hơn là rảo bước, một mình giữa khung cảnh đại ngàn hùng vĩ của một bên là những thửa ruộng bậc thang vàng ươm sắp gặt đổ dần xuống thung lũng và một bên là đường cống thủy lợi không có nắp chạy men theo bờ núi với um tùm cây bụi và điểm những chùm hoa dại. Cảm giác siêu thực lúc đó khiến tôi thấy mình hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của thế giới và chẳng phải để tâm đến bất cứ điều gì ngoài khoảnh khắc hiện tại. Vì vậy tôi khá tiếc rẻ khi những dải marking đánh dấu đường hai màu trắng đỏ dẫn tôi quay trở lại đường nhựa và thực tại ở km 27.
Đoạn này gần với điểm xuất phát của cự ly 42km. Đường lớn trải bê tông phẳng phiu nhưng rất vắng vẻ, có lẽ vì trời mưa. Gần như không có phương tiện cơ giới qua lại. Thỉnh thoảng mới gặp những em bé mặc quần áo dân tộc bé cầm ô đi học hoặc một chiếc xe máy phóng vụt qua. Khi vào vòng cung rộng, tầm nhìn thoáng, tôi có thể nhìn thấy lác đác một số runner ở đằng xa, trước và sau, lầm lũi leo dốc. Rồi đường nhánh nhập vào đường quốc lộ 4D ở đèo Ô Quy Hồ. Tôi bắt đầu chạy lại khi đường thoai thoải xuống dốc khoảng 1.5 km cho đến Check Point 3.
Check Point 3 đặt giữa nơi vắng vẻ không có hàng quán gì. Đây cũng là điểm cut off đầu tiên của cự ly 70km. Nếu không tới đây trước 11:00 sáng thì runner sẽ bị loại, sẽ giữ được quần áo sạch sẽ như á hậu Vũ Hoàng My và sẽ về đích ở tư thế ngồi, bằng xe của ban tổ chức. Tôi nhìn thấy Nguyễn Quang Thành, runner Sài Gòn, đang đứng soạn lại đồ. Năm ngoái Thành cũng chạy 70km, do bung sức sớm nên đoạn cuối kiệt sức, về đến đích không được xinh tươi lắm. Vì vậy lần này rút kinh nghiệm, rải sức đều hơn. Một thành viên BTC cảnh báo chúng tôi vào rừng không được chạy nhanh, vì đường rất trơn, có một bạn chạy 42km người Trung Quốc bị ngã rách chân, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Cung đường từ CP3 đến CP4 xa nhất, gần 14km, qua nhiều địa hình khác nhau, tưởng chừng dài lê thê vô tận. Đầu tiên là một cung xuống dốc trong rừng già. Đường dưới chân là một mớ lổn nhổn gồm rễ cây và những viên đá hộc lớn được ngâm trong một thứ nước sốt bùn màu xám, sền sệt, lõng bõng và được đánh nhuyễn với nhau bằng khoảng gần 300 cặp chân của các runner 42km và 70km chạy trước tôi. Năm ngoái, đây là đoạn đường tôi tâm đắc nhất, nhưng giờ chạy lại cảm giác sốc giống như sau một thời gian không gặp một cô gái đẹp, ta chợt nhận ra nhan sắc của cô ấy bỗng nhiên xuống cấp trầm trọng. Tôi và Thành xuống dốc với hai cây gậy nên rất liều, chạy băng băng, các runner khác đều dạt ra tránh đường. Đang chạy thì gặp lại Đỗ Ngân Sơn, đứng chống một cây gậy giữa một con dốc, chân dầm trong bùn, vẻ mặt đầy tư lự. Sơn lúc đầu không dùng gậy nhưng khúc này được Tú nhường lại cho một chiếc. Sơn leo núi rất khỏe nhưng khi xuống có phần hơi nhát chân nên bị thiệt thòi. Đây cũng là lần cuối tôi gặp Sơn trên đường chạy.
Tới những khúc dốc gắt và dài, các runner dồn toa vì không đi nhanh được, chúng tôi đứng trên cao nhìn các runner đi trước lần lượt trượt ngã oành oạch. Mình nhắc họ cẩn thận nhưng rồi đến lần mình cũng ngã y như vậy, trượt dài đến vài ba mét mới bám vào cỏ để dừng lại được. Rồi tôi nghe thấy tiếng Thành trượt sau lưng tôi, chưa kịp ngoái lại thì ông bạn đã mắc luôn vào người, may hai chân kịp dạng sang hai bên, nhưng quán tính của Thành lại kéo cả hai trượt xuống thêm gần 2m nữa. Cả hai cười như bị ma làm.
Điệp khúc ngã, lấm đầy bùn, qua suối gột rửa rồi lại bẩn như thế kéo dài đến lúc lên dốc trở lại. Đoạn lên dốc này cảnh rất đẹp, cây cối cứ như ở trong vườn thượng uyển, mỗi tội dốc cao hun hút. May nhờ có gậy nên tôi leo không biết mệt. Rồi đường rẽ ngang vào bản của người Dao. Tới một cài vòi nước, runner đứng xếp hàng gột rửa, tôi dừng một chút nhưng đoán chừng sẽ phải đợi lâu nên đi tiếp luôn. Tôi cũng chẳng ngại gì bùn, vì đằng nào có rửa sạch sẽ thì cũng lại bê bết ngay, chỉ cần giữ hai bàn tay sạch để cầm gậy khỏi trơn. Ra khỏi bản là một cung leo dốc thoai thoải tưởng như không bao giờ dứt. Mầu bùn ở đây chuyển từ xám sang cam. Tôi không mệt nên vượt được rất nhiều runner ở đoạn này.
Mãi rồi cũng tới Check Point 4. Gặp Tú đang ăn mì nóng. Tôi cũng gọi một bát. Sau đó gặp Thành, rồi tới lúc sắp đi thì Tuấn Anh (7) vừa tới.
Tôi đuổi kịp Tú ở bờ ruộng khoảng gần 3km từ Check Point 4. Từ đó chúng tôi đi với nhau một mạch tới Check Point 7. Tú là một bạn đồng hành tuyệt vời, rất có tinh thần đồng đội và tính cách cũng lãng mạn. Chúng tôi đều sung sức nên chạy được rất nhiều đoạn, vượt qua kha khá các bạn 42km cũng như dẫn lại được một số các bạn 70. Từ khởi điểm nằm trong top 1/3 cuối đoàn, tôi nghĩ mình dần về lại được nhóm nửa trên.
Tôi bàn vơi Tú định bỏ qua Check Point 5 không tiếp nước vì vẫn còn đủ đồ dự trữ nhưng chưa tới Check Point 5 thì đã gặp đội support của LDR với gương mặt đầu tiên đập vào mắt là Đặng Ngọc Lâm béo. Gặp được đồng đội thật là vui. Các bạn tíu tít săn đón hỏi có ăn mì, ăn xúc xích, ăn trứng rồi uống cà phê không? Cà phê, từ đó nghe thật xa xỉ và trưởng giả vào lúc này, nhưng tôi không uống cà phê nên từ chối. Các bạn cũng cung cấp cho tôi và Tú một động lực để chúng tôi phải vội vã hơn đó là cho chúng tôi biết nhóm 70k của Việt Nam hầu hết đều đã đi qua đây từ lâu rồi.
Tới Check Point 6 chúng tôi lại gặp được một nhóm support khác của LDR với món súp tuyệt hảo của đầu bếp Cẩm Tú. Các bạn cho biết nhóm chạy LDR cự ly 42km đều đã qua đây từ khá lâu. Cảm thấy thật tự hào và nể phục tất cả các thành viên của LDR vì thực sự tới lúc này chúng tôi cũng vượt được kha khá các bạn 42km, trong đó có một số bạn Việt Nam nhưng chưa đuổi được ai của LDR cả.
Từ Check Point 6 đến Check Point 7 đường hầu như toàn xuống dốc nên tôi và Tú chạy rất hăng. Chúng tôi gặp Nguyễn Mạnh Trung đang vừa đi vừa nhăn nhó, không quan tâm đến đích còn bao xa, chỉ một mực hỏi bao giờ hết dốc. Gặp nhiếp ảnh gia Hoàng Việt bắt phải pose bằng được một kiểu với mây ngàn và ruộng bậc thang mới được thả cho đi. Và cuối cùng chúng tôi bắt kịp Đạt Nguyễn ở đoạn bờ đá bao quanh các thửa ruộng và vườn tược của bản Sử Pán. Đạt đang đi bộ vì bị đau IT Band nên không xuống dốc nhanh được.
Đạt, Tú và tôi tập hợp ở Check Point 7, điểm dừng chân cuối cùng. Trước mắt là ngọn Silverstone sừng sững với con trăng 14 tròn vành vạnh treo đầu núi trên bầu trời chiều đã chuyển sang màu lam nhạt. Chắc chắn chúng tôi sẽ phải qua quả núi này với đèn. Nghỉ ngơi, xốc lại tinh thần, cả ba bắt đầu bước vào chặng cuối. Đường dốc đứng ngay từ những mét đầu tiên. Chúng tôi đi loanh quanh trong bản Hoa Si Pán một lúc thì rẽ lên núi. Có lẽ nhờ hai cây gậy, nhờ chuẩn bị tinh thần sẵn nên ngọn núi hóc hiểm này không còn đáng sợ như năm ngoái. Chúng tôi leo một mạch, gần như không nghỉ. Bóng tối sập xuống rất nhanh. Tôi đi trước và dẫn cả nhóm leo băng băng, chỉ một khúc ngắn trên núi mà chúng tôi cũng vượt qua được khoảng nửa tá các runner lúc này thất thểu chẳng khác gì những con zombie. Tới cuối đoạn leo dốc, tôi bị lạc vì trời quá tối. Đang loay hoay tìm đường thì thấy ánh đèn pin của ai đó lia trên cao. Tôi lần theo các bụi cây leo lên đúng lúc Đạt và Tú tới nơi. Đó là điểm Check Point bổ sung. Nước hết, chỉ còn lỏng chỏng vài chai La Vie uống dở. Chúng tôi nghỉ chân một chút. Tú nói giờ anh em xuống núi ai có sức thì cứ về trước, không đợi nhau nữa. Nhất trí.
Tôi chạy xuống dốc bằng cảm giác là chính. Đèn pin của tôi có ánh sáng khá yếu, không đủ soi rõ đường. Ánh sáng lờ mờ chỉ giúp tôi phân biệt được theo một cách nào đó những dải đất chạy dọc theo hai bên đường với những vạt đá mỗi viên to bằng nắm tay ở giữa đường. Tôi cố chạy trên những dải đất cho khỏi đau chân hay vấp ngã. Chỉ còn 5km kể từ điểm Check Point bổ sung nhưng cảm xác đường xa tít tắp. Tôi cảm nhận được bước chân của Đạt theo sát phía sau trong khi cả hai chúng tôi vượt qua những runner đi lững thững khác. Tôi nghĩ ý thức về sự nguy hiểm khiến không ai trong số họ chạy, ngoại trừ hai chúng tôi. Tôi chạy vụt qua Samantha Young, trước khi kịp nhận ra cô. Samantha vô địch cự ly 70km nữ, về đích thứ 8, tức là từ rất sớm, giờ quay lại để đón và động viên các runner về muộn. Samantha động viên tôi bằng câu: “You’re so fast”. Ngay lúc này thì có thể, nhưng cả chặng thì chắc là không phải, tôi nghĩ. Rồi Đạt vượt lên. Tôi thực sự khâm phục Đạt. Đạt xuống dốc bị đau vì IT band, Tú phải đưa cho bình xịt của mình nhưng Đạt vẫn rất cố gắng chạy không nghỉ. Tôi bám sát Đạt nhưng đến đoạn đường chuyển qua cung mấp mô lồi lõm thì tôi bị tụt lại vì bước hụt chân mấy lần xuýt ngã nên không dám chạy nhanh nữa. Lúc này hình như đèn sắp hết pin nên tôi gần như chẳng còn nhìn thấy đường cứ thế chạy bằng niềm tin là chân mình sẽ tiếp đất an toàn. Mãi rồi cũng đến đường nhựa, rồi đến cửa Topas và đích.
Đây là lần thứ Ba tôi được tận hưởng cảm giác về đích ở VMM. Mỗi lần mỗi khác. Lần đầu tôi về đích ngay từ trưa, một mình tận hưởng cảm giác sung sướng. Lần thứ Hai là 5 rưỡi chiều, trước khi nắng tắt, với vợ con và bố mẹ vợ chờ ở vạch đích. Lần này là 7:30, trong bóng tối và đón tôi là bố mẹ tôi và những người bạn LDR.
Chung cuộc, tôi xếp thứ 71/154, trong đó chỉ có 108 hoàn thành cự ly. Trong số runner Việt, tôi về đích thứ 6. Thời gian ban tổ chức tính cho tôi là 15:25, theo tôi là lâu hơn thực tế gần 10′ vì tôi về đích lúc 7:30 tối và xuất phát lúc 4:15. Không hiểu nguyên nhân vì sao. Nhưng sai lệch này không làm ảnh hưởng đến thứ tự xếp hạng, nên tôi cũng chẳng quan tâm. So với hai lần chạy VMM trước, đây là lần chạy tôi cảm thấy thoải mái nhất cả về tâm lý và cơ thể. Chiến thuật ăn nhiều, dùng gậy, nghỉ đủ đã giúp tôi về đích với còn dư khá xăng trong bình, đủ để tôi nghĩ đến những cự ly xa hơn. Biết đâu. Vì ngay lúc tưởng như tôi không còn gì để tìm kiếm ở VMM nữa, thì ban tổ chức lại công bố rằng trong giải lần tới, họ sẽ bổ sung thêm cự ly 100km.