Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có nhiều sự cố đau lòng xảy ra trên đường chạy.
Các Ban tổ chức, các đội cấp cứu đã làm việc hết sức mình, trong khả năng cho phép. Tuy nhiên, khi số giải chạy ngày càng nhiều, lượng VĐV tham gia ngày càng đông, chắc chắn chúng ta cần phải làm tốt hơn. Bởi cứ tổ chức giải lại có người gục xuống thì quả thật khó chấp nhận.
Các nghiên cứu ở Mỹ cho thấy tỉ lệ đột tử trên đường chạy không cao. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép bỏ qua, coi đó như số phận. Ngoài ra, nhớ rằng hệ thống cấp cứu ngoại viện ở Mỹ thuộc loại tốt nhất thế giới.
Mục lục
Để kết luận chính xác căn nguyên biến cố là việc không đơn giản. Có thể do mất nước, do rối loạn nước, điện giải, rối loạn thân nhiệt. Hoặc do những nguyên nhân tim mạch như bệnh lý tim bẩm sinh gây rối loạn nhịp, hoặc bệnh mạch vành.
Xem thêm: Đột tử khi chạy bộ
Nếu như các nguyên nhân bẩm sinh (ví dụ bệnh cơ tim phì đại gây rối loạn nhịp) gần như không thể khắc phục, thì nhiều căn nguyên khác, ví dụ mất nước, rối loạn điện giải, nạn nhân hoàn toàn có thể hồi phục, nếu được cấp cứu kịp thời.
Dù nguyên nhân là thế nào, phác đồ xử trí trong những phút đầu tiên không thay đổi. Nếu phát hiện ngừng tim, cần phải ép tim sớm, tiến hành sốc điện khử rung nếu cần, dùng các thuốc cấp cứu, và thông khí nhân tạo (đặt ống nội khí quản). Đây là quy trình chuẩn mực mà Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đưa ra, Bộ Y tế và Hội Tim mạch học Việt Nam cũng đã áp dụng và đưa vào khuyến cáo chính thức.
Trong các bước xử trí, thì việc ép tim đúng cách và sốc điện sớm giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Nhiều số liệu nghiên cứu cho thấy, nếu kịp thời xử lý trong 5 phút đầu, chúng ta có thể tăng tỉ lệ sống sót của nạn nhân từ 0% lên 30%. Chính vì thế, đội y tế của Ban tổ chức bắt buộc phải thành thạo kỹ năng ép tim (CPR) và có chứng chỉ cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản.
Tim co bóp nhờ hoạt động điện trong mỗi tế bào cơ tim. Khi có tình trạng rối loạn nhịp, hoạt động điện trong tim sẽ bị rối loạn, tim không co bóp, vì thế không tống máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Não người là bộ phận cực kỳ nhạy cảm. Nó chỉ chịu được tình trạng thiếu máu (đồng nghĩa thiếu oxy, thiếu glucose và chất dinh dưỡng) trong 4 phút. Sau 4 phút, tế bào thần kinh sẽ chết. Kể cả sau đó nhịp tim có trở lại bình thường, nạn nhân cũng sẽ chỉ sống thực vật vì não không thể hồi phục.
Kỹ năng ép tim đúng nghĩa là ép đủ nhanh, đủ mạnh, để tim “xì” đủ máu đi nuôi cơ quan, giúp “câu giờ” cho đến thời điểm tim có thể tự đập trở lại. Nhiều trường hợp, nhân viên y tế phải ép tim liên tục suốt nhiều giờ. Trong những giờ đó, quả tim đập nhờ bàn tay của người ép tim. Ép tim là việc không đơn giản, những người thành thạo ép tim sẽ nói với bạn rằng, 2 phút ép tim đúng cách sẽ mệt hơn một cữ chạy interval.
Biết ép tim đúng là chưa đủ. Bởi vì nhiều rối loạn nhịp tim không thể trở về bình thường nếu thiếu đi máy sốc điện khử rung.
Máy sốc điện sẽ tạo ra một dòng điện đi qua quả tim. Dòng điện với cường độ mạnh này sẽ dập tắt mọi hoạt động điện của tim, sau đó các dòng điện bình thường của tim sẽ được kích hoạt trở lại. Khi hoạt động điện của tim được phục hồi, tim sẽ bóp trở lại và đưa máu đi nuôi não, thận, gan, cùng nhiều cơ quan quan trọng khác.
Khuyến cáo của Hội Tim mạch Hoa Kỳ chia ra 2 trường hợp ngừng tim
Ở các nước phát triển, máy khử rung tự động (AED) được đặt ở các địa điểm công cộng như siêu thị, nhà ga,… như bình cứu hoả. Đây là thiết bị đơn giản, mà một người bình thường cũng có thể vận hành được. Nếu phát hiện ngừng tim, chỉ cần dùng búa đập hộp bảo vệ, lắp máy vào người nạn nhân. Máy sẽ tự phát hiện rối loạn nhịp và tiến hành khử rung.
Mọi người có thể theo dõi bài giảng về sốc điện ở đây.
Tại Việt Nam, chúng ta chưa có điều kiện trang bị AED tại nơi công cộng. Nhưng trong một giải chạy, việc đội y tế có sẵn máy AED hoặc máy sốc điện chuyên dụng xách tay là cực kỳ cần thiết. Bởi nó có thể cứu được 1 mạng người.
Các nghiên cứu cho thấy biến cố tim mạch thường xảy ra ở 1/4 cuối cuộc đua Half Marathon hoặc Marathon, đặc biệt trong vài trăm met cuối cùng. Nếu điều kiện nhân lực và vật lực còn hạn chế, hãy bố trí máy sốc điện và đội cấp cứu ngừng tim ở khu vực đó.
Ngoài ra, đội y tế cũng cần có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, như ống nội khí quản, thuốc cấp cứu. Bình xịt lạnh hay thuốc giảm đau có thể giúp runners đỡ bị căng cơ, chuột rút. Bông băng gạc có thể xử trí những chấn thương đơn giản. Nhưng phải có thuốc và máy khử rung mới cứu được mạng người trong trường hợp ngừng tim.
Người tham gia chạy giải, dù đã ký biên bản miễn trừ trách nhiệm, cũng có quyền yêu cầu BTC công khai các thông tin về đội y tế, bác sĩ có chứng chỉ cấp cứu ngừng tim hay không, trang thiết bị thế nào. Nếu đội y tế không đầy đủ, runners có thể lựa chọn không mua bib của giải chạy đó nữa, vì sự an toàn của bản thân.
BTC nào không thực hiện đúng cam kết chuẩn bị đội y tế, có thể đối diện các rắc rối pháp lý nếu quy trình xử trí ngừng tim không được đảm bảo.
Sự bùng nổ các giải chạy, nói chung là điều tốt. Nhưng thi đấu chạy bộ cần phải vui và an toàn nữa.
Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.