Thật hoàn hảo! Leadville chính xác là buổi trình diễn hoang dại, dữ dằn và nghẹt thở mà Rick Fisher đang tìm kiếm. Như thường lệ, anh ta muốn phải nổi đình nổi đám lên, và một lễ hội như Leadville chính là cơ hội để thực hiện điều đó. Chẳng lẽ ESPN lại không nhẩy cẫng lên khi có cơ hội quay được cảnh những anh chàng đẹp trai mặc váy, phá tan kỷ lục của một cuộc đua huyền thoại, nổi danh là ăn thịt người? Đương nhiên rồi!
Vì vậy, Tháng Tám năm 1992, Fisher lại rồ máy quay trở lại làng của Patrocinio trên chiếc Chevy Suburban cũ kĩ. Anh ta đã có được giấy thông hành từ Bộ du lịch Mexico, và một khoản trả công bằng ngô cho các tay đua. Trong khi đó, Patrocinio đã dụ dỗ được năm người cùng làng tin tưởng vào gã chabochi kì lạ và cuồng nhiệt, với cái tên chẳng thoát nổi khỏi miệng họ. Tiếng Tây Ban Nha không có âm “sh”, vì vậy Fisher nhanh chóng được thưởng thức óc hài hước tinh ranh của người Tarahumara khi nghe thấy đội hình mới thành lập của anh ta gọi mình bằng cái tên Pescador – Ngư ông (the Fisherman). Dĩ nhiên, như vậy dễ phát âm hơn; nhưng nó cũng đồng thời mô tả chính xác tính cách tham lam của anh này, với cơn thèm khát câu được con cá lớn luôn thường trực và toả ra ngùn ngụt từ người anh ta như từng đợt hơi nóng phả ra từ mui một chiếc xe ô tô đang nổ máy.
Thây kệ. Fisher chẳng thèm quan tâm. Họ cứ việc gọi anh ta là Tiến sĩ Đần Độn cũng được, miễn là họ trở nên nghiêm túc khi cuộc đua bắt đầu. Ngư Ông tống đội chạy của mình lên chiếc Chevy và giẫm ga tiến đến Colorado.
Vào ngày diễn ra giải đua, ngay trước 4 giờ sáng, đám đông đứng ở vạch xuất phát tại Leadville đã phải cố không nhìn chòng chọc vào năm người đàn ông mặc váy, đang cố gắng loay hoay với đám dây buộc xa lạ của những chiếc giày bóng rổ vải đen mà Ngư Ông đã kiếm cho họ. Những người Tarahumara thay nhau rít vài hơi cuối từ điếu thuốc lá màu đen, rồi sau đó rụt rè di chuyển về cuối đoàn đua trong khi hai trăm chín mươi người còn lại đồng thanh hô Ba… Hai…
Buuuùm! Thị trưởng Leadville nổ phát đạn ra hiệu lệnh xuất phát từ khẩu súng săn nòng loe cỡ lớn cũ kĩ của mình, và những người Tarahumara lao vào cuộc đua để thể hiện tài năng của mình.
Nhưng chỉ được một lúc. Trước khi chạy được nửa đường, thì tất cả các tay đua Tarahumara đều đã bỏ cuộc. Khốn kiếp thật, Fisher rên rỉ vào bất cứ cái tai nào mà anh ta tóm được. Đáng nhẽ tôi không được phép bắt họ đi mấy đôi giày đó, và chẳng ai nói cho họ biết rằng họ được ăn uống tại các trạm tiếp tế. Tất cả là lỗi của tôi. Họ chưa từng bao giờ nhìn thấy đèn pin bao giờ, vì thế, họ cư bị hút theo mấy ánh đèn đó như những ngọn đuốc…
Ôi dào, chuyện xưa như trái đất. Vẫn là câu chuyện về người Tarahumara gây thất vọng; vẫn là những lý do kiểu Tarahumara cũ kĩ. Chỉ có vài sử gia điền kinh thực sự bị ám ảnh bởi môn này mới biết rằng, Mexico từng đưa một cặp vận động viên người Tarahumara đến thi đấu nội dung marathon tại Olympic năm 1982 ở Amsterdam và cả kỳ Olympic 1968 tại Mexico City. Cả hai lần, những người Tarahumara đều không giành được tấm huy chương nào. Lý lẽ của những lần đó là cự ly 26.2 dặm quá ngắn, cuộc dạo chơi marathon ngắn ngủi đó đã kết thúc trước khi những người Tarahumara có cơ hội cài số cao.
Có thể là như vậy. Nhưng nếu những người này thực sự là các siêu nhân tốc độ như đồn đại, tại sao họ không bao giờ chiến thắng được ai? Chẳng ai thèm quan tâm, nếu như bạn có thể ném rổ ba điểm bách phát bách trúng trong sân sau nhà bạn; quan trọng là bạn phải thể hiện được điều đó trong trận đấu. Và trong suốt một thế kỷ, những người Tarahumara chưa bao giờ thi đấu ở thế giới bên ngoài mà không làm mọi người thất vọng.
Fisher băn khoăn mãi về điều này trên chặng đường dài trở về Mexico, và rồi, một ý nghĩ loé lê. Tất nhiên rồi! Cũng cùng lý do tại sao bạn không thể nhặt bất kỳ năm đứa trẻ trong một sân trường ở Chicago và rồi mong đợi chúng đánh bại được đội Bulls: không phải cứ là người Tarahumara thì bạn sẽ là một người chạy bộ Tarahumara vĩ đại. Patrocinio đã cố gắng làm cho mọi việc dễ dàng hơn cho Fisher bằng cách tuyển mộ những người chạy bộ sống gần con đường mới được trải nhựa, vì anh ta cho rằng những người này sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi bị đám người bên ngoài vây quanh, và cũng dễ dàng hơn để tập hợp họ cho chuyến đi. Nhưng cũng như điều mà Uỷ Ban Olympic Mexico đáng lẽ phải nhận ra nhiều năm trước, những người Tarahumara dễ tuyển mộ nhất có thể không phải là những người đáng được tuyển mộ.
“Hãy thử lại một lần nữa,” Patrocinio giục giã. Các nhà tài trợ của Fisher đã đóng góp cả một núi ngô cho làng của Patrocinio, và anh ta không muốn mất món của trời cho ấy. Lần này, anh ta mở rộng đội hình ra khỏi làng mình. Anh ta đi sâu vào trong vùng thung lũng – và quay trở lại kịp thời. Đội hình Tarahumara lần này là đội hình kỳ cựu.
Đúng vậy, thực sự phải gọi là “kỳ cựu”.
Ken chẳng hề quá ấn tượng với đám người Tarahumara mới xuất hiện ở giải Leadville tiếp theo. Người trưởng nhóm lần này trông như một con yêu tinh Keebler đã giải nghệ sớm về Bãi biển Miami: đó là một ông già năm mươi tuổi, thấp bé, mặc váy choàng màu xanh dương với những bông hoa màu hồng lấp loáng, thêm vào đó là nụ cười vô tư lự, một chiếc khăn quàng màu hồng, và một cái mũ len kéo sụp xuống che hết đôi tai. Một người khác thì khoảng ngoài bốn mươi, còn hai đưa trẻ nhút nhát đứng sau anh ta thì trông trẻ như con của anh ta vậy. Cả đội hình lần này còn được trang bị tệ hơn so với năm ngoái; ngay khi đội Tarahumara đến nơi, họ lập tức biến mất vào bãi rác của thị trấn, và xuất hiện trở lại với những dải cao su lấy từ lốp xe mà họ bắt đầu chế thành các đôi dép xăng đan. Lần này thì không lo mấy vụ xây xát chân nữa nhé.
Chỉ vài giây trước khi cuộc đua bắt đầu, đám người Tarahumara lại biến mất. Lại đúng tinh thần thi đấu của năm ngoái, Ken ngao ngán; cũng như lần trước, những người Tarahumara lại bẽn lẽn giấu mình vào phía sau đoàn đua. Khi tiếng súng vang lên, họ lại thong dong chạy ở cuối đoàn. Và họ cứ ở vị trí sau cùng như vậy, thờ ơ và chẳng để tâm đến kết cục…
… cho đến dặm thứ 40, khi Victoriano Churro (người trông như yêu tinh Keebler trong bộ đồ lam nhạt) và Cerrildo Chacarito (gã chăn dê bốn mươi mấy tuổi) bắt đầu nhẹ nhàng, gần như lãnh đạm, rảo bước chân dọc theo lề của đường mòn, và vượt qua vài tay đua mỗi lần khi họ bắt đầu bước vào ba dặm leo núi lên tới Hope Pass. Manuel Luna đuổi kịp và khoá đội hình vào bên cạnh họ, và ba người lớn tuổi dẫn dắt đám người Tarahumara trẻ hơn như một đàn sói đi săn.
Heeya! Ken la lớn và hú lên như một tay cưỡi bò khi trông thấy những người Tarahumara quay trở lại về phía mình sau chỗ quay đầu ở năm mươi dặm. Có điều kì lạ gì đó đang diễn ra; Ken có thể nhận ra từ cái nhìn lạ lùng trên gương mặt của họ. Anh ta đã quan sát từng tay đua giải Leadville trong suốt thập kỷ qua, và chẳng ai trong số họ lại từng có vẻ mặt… bình thường đến như vậy. Mười giờ liên tục chạy trên núi hoặc đánh bạn quỵ ngã, hoặc phải để lại vết hằn của nó trên gương mặt bạn, không có ngoại lệ. Ngay cả những người chạy cự ly siêu dài cừ khôi nhất ở thời điểm này cũng phải cúi gằm xuống, bước nặng nề, tập trung một cách nhọc nhằn vào nhiệm vụ gần như bất khả thi là đưa chân này lên trước chân kia. Nhưng còn ông già kia thì sao? Victoriano? Hoàn toàn bình thản. Như thể ông ta vừa tỉnh dậy sau một lần chợp mắt, xoa xoa bụng, và quyết định thể hiện cho đám trẻ biết người lớn chơi trò chơi này như thế nào.
Tới dặm thứ 60, những người Tarahumara như đang tung cánh. Giải Leadville bố trí cứ khoảng mười lăm dặm lại có một trạm tiếp tế, nơi mà những người hỗ trợ có thể cung cấp bổ sung cho các vận động viên của họ thức ăn, tất khô, và pin thay thế cho đèn, nhưng những người Tarahumara chạy nhanh tới mức, Rick và Kitty chẳng kịp lái xe vòng quanh núi để đuổi kịp họ.
“Họ như thể mang cả mặt đất theo dưới chân mình,” một khán giả nhận xét với vẻ kinh ngạc. “Cứ như một đám mây, hay sương mù bay qua sườn núi.”
Lần này, những người Tarahumara không còn là hai người dân bộ lạc cô đơn trôi dạt giữa một biển các vận động viên Olympic nữa. Họ cũng chẳng phải là năm người dân làng ngơ ngác trong những đôi giày thể thao vải bạt đáng sợ, những người chẳng hề chạy bộ từ khi người ta san ủi con đường tiến vào làng họ. Lần này, họ khoá theo một đội hình mà họ đã tập luyện từ khi còn trẻ con, với những cựu binh dày dạn và mưu lược chạy phía trước và đám nai con hăm hở bám sát theo sau. Họ chạy với những bước chân vững chắc và hoàn toàn tự tin vào bản thân. Họ là Những người Chạy bộ.
Cùng lúc đó, một cuộc thi sức bền khác đang diễn ra cách vạch đích vài dãy nhà. Hàng năm, đám dân chơi ở Sixth Street của thị trấn Leadville lại kéo nhau ra và tiệc tùng suốt kỳ nghỉ cuối tuần, cố gắng thi gan với các tay đua chạy bộ. Họ bắt đầu cụng ly từ lúc phát súng báo hiệu bắt đầu cuộc đua vang lên, và uống liên tục cho tới khi cuộc đua chính thức kết thúc, ba mươi giờ sau đó. Giữa các lần cạn ly Jager và Jell-O, họ cũng đồng thời thực hiện một chức năng cố vấn hệ trọng: nhiệm vụ của họ là báo hiệu cho những người tính giờ ở vạch đích bằng cách hò reo ầm ỹ ngay khi nhìn thấy một tay đua hiện ra từ bóng đêm. Lần này, đám rượu bia này suýt nữa làm hỏng việc; vào lúc hai giờ sáng, Victoriano già nua cùng với Cerrildo lướt vèo qua vừa nhanh vừa lặng lẽ – “như một đám sương mù bay qua sườn núi” – tới mức gần như chẳng ai hay.
Victoriano chạm đến dải băng đầu tiên, với Cerrildo chỉ chậm hơn vài giây. Manuel Luna, dù đôi xăng đan mới đã đứt rời ở dặm thứ 83 và làm cho hai bàn chân anh bị đau rát và rớm máu, vẫn băng lên qua lối mòn đầy sỏi đá quanh Hồ Turquoise để về đích ở vị trí thứ năm. Người về đích đầu tiên không phải là người Tarahumara cán đích chậm hơn Victoriano gần một giờ đồng hồ -với khoảng cách gần sáu dặm.
Những người Tarahumara đã không chỉ lội ngược dòng từ vị trí cuối cùng lên dẫn đầu, mà đồng thời họ còn phá một loạt kỷ lục của giải đua. Victoriano là người chiến thắng cao tuổi nhất trong lịch sử, chàng trai mười tám tuổi Felipe Torres là người về đích trẻ tuổi nhất, và Đội Tarahumara là đội duy nhất từng nắm được ba trong số năm vị trí dẫn đầu – mặc dù hai người về đích đầu tiên của đội này có độ tuổi cộng gộp lên tới gần một trăm.
“Thật đáng kinh ngạc,” một người tham dự giải dạn dày kinh nghiệm tên là Harry Dupree đã nói với tờ The New York Times. Sau khi đã tham gia giải Leadville mười hai lần, Dupree nghĩ rằng chẳng còn điều gì có thể khiến anh ta ngạc nhiên trong giải đua này nữa. Và sau đó anh ta được chứng kiến Victoriano và Cerrildo lướt qua mình.
“Họ là mấy người đàn ông nhỏ bé, chạy bằng những đôi xăng đan và chưa từng tập luyện cho cuộc đua này. Và họ đã hạ gục một số người chạy đường dài cừ khôi nhất trên thế giới.”
—- Hết chương 10 —-
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.