Những chuyến đi càng lúc càng giống hệt nhau, bất kể bạn đi đâu. Ngủ trên ghế máy bay chật hẹp, bữa trưa chán ngắt trên máy bay với món mì khó nuốt, dấn từng bước trong hàng người dài bất tận chờ nhập cảnh (khi ai cũng cắm mặt vào smartphone, cố công kết nối wifi miễn phí ở sân bay), khách sạn năm sao sang trọng nhưng lạnh lẽo, bữa ăn tối dư thừa chất béo nhưng quá ngon và đặc sắc để có thể chối từ,… Điểm tích cực duy nhất cũng tương đồng: những giờ chạy bộ khám phá thành phố mới.
Tôi đã từng yêu thích, trước khi nhận ra mình không thể nắm được cái thần của nghệ thuật nhiếp ảnh. Nói thế nào nhỉ, bạn dùng ống kính L và máy ảnh đời xịn nhất, tạo ra một sản phẩm có vài chục “like” trên FB, nhưng cảm xúc mà tấm hình đấy đem lại còn xa mới bằng một tấm ảnh cũ kỹ chụp bằng máy Pentax tự động 20 năm trước. Nếu chính thời gian đã mất, chứ không phải nhiếp ảnh gia, tạo ra giá trị của một bức ảnh, thì những giờ lang thang kiếm tìm “con art” của ngày hôm nay liệu có ý nghĩa gì?
Khi máy ảnh và ống kính không còn chiếm chỗ trong vali, không gian ấy được dành cho đồ chạy bộ. Tối thiểu 1 đôi giày (đôi khi là 2, một đôi chạy trail – lại có thể dùng để đi chơi luôn), còn quần áo chạy bộ luôn nhiều hơn tất cả số quần áo còn lại.
Chạy bộ đem đến nhiều trải nghiệm hơn nhiếp ảnh – những trải nghiệm đan xen cảm xúc mới lạ với các góc kí ức rải rác. Tháng trước, tôi chạy ở ngoại ô Jaipur, một đô thị cũ kỹ phía Bắc Ấn Độ, xuyên qua những ngôi làng nghèo xơ xác, với cái nắng cháy gợi nhớ miền Tây Nam Bộ, với chó và bò nghênh ngang trên đường, còn mùi phân gia súc gợi nhớ miền quê đồng bằng Bắc Bộ. Đường bụi mù, không có vỉa hè, xe gắn máy Honda Hero chạy xuôi ngược chẳng theo hàng lối nào. Ai xem “Triệu phú ổ chuột” hẳn sẽ nhớ cái bụi bặm lộn xộn của vùng quê nghèo Ấn Độ. Nhưng bầu trời Jaipur vẫn xanh hơn trời Hà Nội, và xác xuất bị tông xe cũng chẳng hề cao hơn ở thủ đô yêu dấu. Tôi chạy gọn vào mé đường, nhớ lại những buổi chiều chạy từ bệnh viện lên Hồ Tây, hoà vào dòng xe lưu thông như một phương tiện giao thông thực sự (tốc độ di chuyển chắc chắn chẳng hề thua kém) và mỉm cười nhận ra nếu đã chịu được Hà Nội, sẽ sống sót ở bất cứ đâu.
Bạn vẫn có thể vừa chạy vừa chụp hình bằng mắt. Tôi chạy bộ ở Milan cuối thu, ngắm những dãy phố dài cổ kính và vắng vẻ với đường sắt công cộng chạy ở giữa và hai hàng cây cao thẳng tắp sát hai bên hè phủ kín lá vàng – một khuôn hình quá đẹp cho nhiếp ảnh thời trang. Chỉ cần đặt vào khuôn hình này một cô gái xinh vừa đủ, ăn mặc “mốt” vừa đủ, là sẽ có một tấm ảnh tuyệt đẹp, dù bạn có dùng máy 20D đời xa tít. Hay như một ngày lâu lắm, chạy bộ ở Geneve, quanh con phố nhỏ rải đá và ngắm người dân Thuỵ Sỹ ngồi chơi ô chữ trong quán cà phê, cảm nhận sự yên bình thanh thản mà không một ống kính máy ảnh nào có thể ghi lại nổi.
Cứ như thế, chạy bộ dường như trở thành người bạn duy nhất đồng hành trong những chuyến đi cô độc. Chuyến đi của tôi chỉ gói gọn ở mấy vị trí: khách sạn lưu trú (thường là địa điểm tổ chức hội thảo luôn) và các cung đường chạy. Khi tới Milan, tôi không đến nhà thờ chính toà Milano, cũng chẳng sắp xếp kịp để ra San Siro chơi. Ở London cũng vậy, tôi từng định ghé qua số nhà 221B phố Baker rồi phải bỏ vì vướng họp. Sau mỗi chuyến đi, tôi không đem về những tấm ảnh theo kiểu “been there done that”, mà chỉ có các workout ghi lại trên Polar Flow, những workout mà nhìn vào đó tôi có thể nhớ lại cả chuyến đi của mình, từng góc phố, từng thời điểm, sớm mùa hè hay chiều muộn đầu đông, cả tốc độ và tâm trạng của mình khi chạy nữa.
Chạy bộ đồng hành cùng tôi mỗi sáng sớm thức dậy lúc 3 giờ vì lệch múi giờ, giúp tôi bớt cảm giác tội lỗi sau các bữa ăn quá nhiều năng lượng, là một phần trong câu chuyện tôi kể cho em về thành phố lạ… Nó thực sự là một phần quan trọng của chuyến đi ngắn ngủi (ngoài nó ra, thì còn gì nữa?)
Bangkok nửa đêm, vẫn tấp nập và rực rỡ ánh đèn. Sáng sớm mai hẳn sẽ lại đi chạy rồi, như một thói quen tất yếu. Khách sạn nằm sát bờ sông Chao Phraya, chắc không thiếu cung đường đẹp để chạy. Hy vọng có đủ vỉa hè và không quá nhiều đèn giao thông.
Chúc ngủ ngon, Bangkok!
Bangkok, tháng 3/2017
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.