Bản dịch “Born to Run” đã lên kệ

“Chạy một mình một cách điên rồ trên đường mòn, mệt đến nhừ tử, thậm chí cả đổ máu, lại có thể so sánh với thưởng thức rượu sâm-panh dưới ánh trăng?

Nhưng thật vậy, Ann quả quyết, chạy bộ rất lãng mạn; và tất nhiên là các bạn của cô chẳng thể hiểu được điều này, vì họ chẳng bao giờ làm thử. Đối với họ, chạy bộ là hai dặm khổ sở với mục đích ních vừa vào quần bò cỡ số 6: họ leo lên bàn cân, cảm thấy thất vọng, rồi đeo tai nghe vào, và chạy cố cho xong. Nhưng bạn không thể gồng mình kiểu đó trong suốt năm giờ đồng hồ được; bạn phải thả mình nhẹ nhàng vào việc chạy, như trườn người vào trong một bồn tắm nước nóng, cho tới khi cơ thể không chống cự cơn sốc nữa và bắt đầu tận hưởng.

Thư giãn thả lỏng đúng mức, thì cơ thể của bạn sẽ trở nên quen thuộc với nhịp điệu đều đặn như đưa nôi đó, tới mức bạn gần như quên rằng mình đang di chuyển. Và khi bạn vượt ngưỡng để đạt tới trạng thái trôi chảy nhẹ nhàng, nửa như đang lơ lửng đó, thì ánh trăng và rượu sâm-panh sẽ xuất hiện: “Bạn sẽ hoà nhịp với cơ thể mình, và biết khi nào có thể gắng thêm và khi nào cần phải nhả bớt,” Ann thường giải thích như vậy. Bạn phải chú ý lắng nghe tiếng hơi thở của chính mình; nhận biết được bao nhiêu giọt mồ hôi đang rịn ra trên lưng; đảm bảo rằng mình uống nước mát đầy đủ, kèm theo đồ ăn nhẹ có muối và tự hỏi bản thân, một cách thành thực và thường xuyên rằng mình đang cảm thấy thế nào. Còn gì khoái lạc hơn là chú ý một cách tinh tế tới cơ thể của chính mình. Và khoái lạc thì được tính là lãng mạn, phải không?”

Trên đây là đoạn trích trong chương 11 cuốn “Born to Run” (tựa tiếng Việt: “Sinh ra để chạy”), kể về Ann Trason – nhà vô địch của những cự ly đường núi siêu dài. Một giảng viên đại học bình thường chẳng có gì nổi bật trong đám đông, “khi mặc quần áo hàng ngày, cô chỉ nhỉnh hơn một mét rưỡi, hơi gầy, có dáng vẻ uể oải, gần như vô hình sau mớ tóc mái màu nâu lông chuột; còn khi mặc quần chạy bộ, cô biến hoá thành người mẫu Brazil, với đôi chân thon gọn và lưng thẳng như nghệ sĩ múa ba lê với phần bụng màu nâu rám nắng, rắn rỏi đến mức gậy bóng chày quật vào cũng phải gãy nát”. Ann chạy đơn giản vì “thích cảm giác gió luồn qua tóc”. Nếu bạn nghĩ cô – hay những người yêu chạy bộ khác – là những kẻ dị thường, thì tại sao mỗi năm ở Mỹ lại có tới gần 70 triệu lượt người tham gia và hoàn thành các cuộc đua marathon, tại sao cứ 3 người Đan Mạch – quốc gia phát triển bậc nhất thế giới – lại có 1 người từng chạy 42 km ít nhất một lần trong đời? Xét trên mọi khía cạnh (số người chơi, ảnh hưởng tới cộng đồng, doanh thu từ các hoạt động liên quan), chạy bộ đường dài xứng đáng là môn thể thao phổ biến nhất trên toàn thế giới.

Không chỉ hấp dẫn với “người ngoại đạo”, siêu phẩm best-seller “Born to Run” của Christopher McDougall còn rất cuốn hút với dân chạy bộ lâu năm. Nói như Bill Rodger, huyền thoại 4 lần vô địch Boston (giải marathon danh giá nhất toàn cầu), “Born to Run” nhắc nhở mỗi chúng ta tại sao mình lại yêu và bắt đầu tập chạy. Christopher dẫn dắt độc giả vào thế giới của những người chạy bộ, không phải chạy bộ đơn thuần, mà là những tín đồ cuồng nhiệt và cực đoan nhất của trò chơi giản dị này. Cuốn sách là hành trình của bản thân tác giả, xuất phát từ câu hỏi “tại sao chân tôi đau”, để tìm về với ngọn nguồn hoạt động nguyên thuỷ và bản năng nhất của loài người.

“Làm cách nào bạn có thể bật được cái công tắc bí mật làm thay đổi chúng ta trở lại thành Những người Chạy bộ Bẩm sinh như trước đây? Không phải trong lịch sử từ xa xưa, mà chính trong cuộc đời của bạn. Bạn có nhớ không? Khi bạn còn là một đứa trẻ và phải bị quát mắng thì bạn mới chịu chậm bớt? Tất cả các trò chơi mà bạn từng chơi, bạn đều chơi với tốc độ cao nhất, chạy như điên khi đá những chiếc ống bơ, hay chơi đuổi bắt ngay ở sân sau nhà hàng xóm. Một nửa niềm vui khi làm bất cứ điều gì, là làm điều đó với tốc độ kỷ lục, như thể đó là lần cuối cùng trong đời bạn có thể bị than phiền vì chạy quá nhanh vậy… Chạy bộ chính là nghệ thuật đỉnh cao đầu tiên của nhân loại, là hoạt động sáng tạo theo cảm hứng nguyên thuỷ. Rất lâu trước khi chúng ta bắt đầu nguệch ngoạc các bức tranh trên vách hang động, hay vỗ theo nhịp vào những thân cây rỗng, chúng ta đã hoàn thiện nghệ thuật kết hợp hơi thở, trí não và các cơ bắp thành chuyển động tự thân tiến lên phía trước, vượt qua địa hình hoang dã. Và khi các tổ tiên của chúng ta cuối cùng cũng vẽ nên những bức tranh đầu tiên trong hang động, thì các hình vẽ đầu tiên là gì? Một vết cắt xuống, hình tia sét xuyên qua một hình ảnh – người Chạy bộ”.

Christopher McDougall đã kể câu chuyện của mình theo một phong cách hùng tráng và lôi cuốn nhất. Xen kẽ những đoạn văn tả cảnh đầy chất thơ, khi ông đưa người đọc từ triền núi Colorado xuống vách đá dựng đứng giữa sa mạc Mexico, là các cuộc đua giữa những vận động viên chạy bộ hàng đầu mang dáng dấp nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung. Đọc “Born to Run” quả thật hấp dẫn không kém chưởng Kim Dung. Mỗi khi một cao thủ nào đó vừa xuất hiện, thì lại có một người khác còn nhanh hơn, dị thường hơn, nhảy ra thách thức. Và không như chưởng Kim Dung chỉ toàn nhân vật hư cấu, “Born to Run” là đời thực việc thực. Nếu bạn đọc sách và ưa thích Zaptopek, VĐV chạy bộ vĩ đại người Tiệp Khắc, người đã “chọn nhà xí thay vì Hồng Quân”, bạn hoàn toàn có thể google tiểu sử của ông. Bạn cũng có thể tìm hiểu về Scott Jurek, VĐV chạy đường dài xuất sắc nhất trong lịch sử, huyền thoại sống của rặng núi Appalanchia, mà cuộc đua giữa anh và người Tarahumara là đoạn kết cao trào của cuốn sách này.

Tác giả cuốn sách đã tìm đến nhiều trung tâm y tế nổi tiếng của Mỹ để điều trị dứt điểm chấn thương của mình. Vì vậy, nếu quan tâm đến khía cạnh y học của hoạt động chạy bộ (định nghĩa giản dị là đặt chân này phía trước chân kia, và lặp đi lặp lại việc đó hàng chục nghìn lần), bạn có thể tìm thấy nhiều thông tin hữu ích: cách nhận biết chấn thương thường gặp (ví dụ viêm cân gan chân, plantar fasciitis), vai trò của giày chạy, chạy bộ chân trần liệu có tốt,…? Nhưng rồi những thông tin khoa học này cứ chìm đi, khi gập sách lại chỉ còn niềm vui và cảm hứng chạy bộ ngập tràn.

Chạy bộ cho ta cơ hội để trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời. Hãy xem tác giả nhớ lại đoạn cuối của cuộc đua kì vĩ với người Tarahumara, khi ông về chót và được Caballo chạy ra đón. “Từ trên ngọn đồi cao, tôi có thể nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy của những ngọn đèn xanh đỏ treo trên con đường dẫn vào Urique. Mặt trời đã lặn, để lại tôi một mình chạy xuyên qua ánh sáng nhá nhem màu xám bạc của vùng hẻm núi sâu thẳm, thứ ánh sáng mờ ảo như ánh trăng, cứ tĩnh lặng như thế, không thay đổi, cho tới khi bạn cảm thấy tất mọi thứ đều đã đông cứng lại, trừ chính bạn. Và đúng lúc đó, từ những cái bóng màu trắng đục như sữa, hiện ra hình hài của kẻ lãng du đơn độc vùng High Sierras”. Rõ ràng, bạn không cần phải chạy thật giỏi để có thể tận hưởng niềm vui khi chạy và hoà mình vào vẻ đẹp của núi rừng. Bạn cũng không cần phải là người mê mệt với chạy bộ để có thể yêu thích “Born to Run”. Mỗi chúng ta, dù chỉ mới bắt đầu hay đã chạy bộ lâu năm, đều có thể tìm thấy một phần bản thân trong các nhân vật của Christopher. Bởi xét cho cùng, tất cả chúng ta đều “sinh ra để chạy”.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Born to Run”, do “Hội những người thích chạy đường dài” LDR phối hợp với Alpha Books xuất bản, qua bản dịch của dịch giả Nguyễn Kiến Quốc.

About the Author chay365

follow me on:
  • […] bắt đầu từ sự xuất hiện của cuốn sách “Sinh ra để chạy” vào năm 2009. Luận điểm cơ bản được […]

  • >
    29 Shares