SOHN KEE-CHUNG , TẤM HUY CHƯƠNG VÀNG TỦI HỔ VÀ MỘT CÂU CHUYỆN BỊ LÃNG QUÊN

Sohn Kee-chung là vận động viên người Triều Tiên đầu tiên từng giành được huy chương tại Thế vận hội Olympic, và đó là một tấm huy chương vàng ở cự li marathon. Thế nhưng, tấm huy chương mà Sohn Kee-chung giành được tại Olympic Berlin năm 1936 đó lại thuộc về đoàn thể thao Nhật Bản.

Sohn, Nam và Harper trên bục nhận giải cự li Marathon Olympic Berlin 1936

Tấm hình Sohn Kee-chung trên bục nhận giải tại Thế vận hội Berlin 1936 đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng trong lịch sử các kỳ Olympic. Tấm hình được chụp vào ngày 9 tháng Tám năm 1936 trong sân vận động Olympic ở Berlin. Trong hình, có ba vận động viên trên bục nhận giải cự li marathon, đứng xa phía sau là vận động viên giành huy chương bạc người Anh, Ernie Harper. Ông đứng thẳng, hiên ngang ngẩng cao đầu với niềm tự hào hiện rõ trên khuôn mặt. Đứng trước mặt ông là hai vận động viên người Triều Tiên, Sohn Kee-chung, người giành được huy chương vàng, và Nam Sung-yong, giành huy chương đồng. Đầu của họ cúi gằm, mắt họ nhìn xuống chân trong một tư thế mà sau này người ta gọi là “nỗi nhục nhã và cơn giận giữ câm lặng”. Sohn đang cầm một cây sồi nhỏ trước ngực. Nam Sung-yong sau này nói rằng ông đã ghen tị biết bao với người đồng đội của mình. Ông không phải ghen tị về màu của tấm huy chương, mà vì không như Sohn, ông không có cây sồi nào để che đi lá cờ Nhật thêu trên tấm áo đang mặc.

Từ năm 1910 đến 1948, Triều Tiên bị chiếm đóng bởi đế chế Nhật Bản, và vì thế, lá cờ được giương lên khi Sohn và Nam nhận giải không phải cờ Triều Tiên, mà là cờ Nhật. Uỷ ban Olympic quốc tế khi đó đã không ghi nhận chiến thắng này là của Triều Tiên, mà là của nước Nhật. Sohn Kee-chung thậm chí còn không được thi đấu với tên thật của mình, mà phải dùng một cái tên dịch sang tiếng Nhật là Son Kitei.

Sohn Kee-chung sinh ngày 29 tháng Tư năm 1912 ở tỉnh Sinuiju, Bắc Triều Tiên, hai năm sau khi đất nước này bị Nhật chiếm đóng. Ở trường, ông bị buộc học tiếng Nhật và ông đã phải lén học tiếng Triều Tiên một cách bí mật. Ông bắt đầu chạy bộ, và rồi chạy thi với cả đám bạn bè đạp xe đạp. Khi các giáo viên nhận ra tài năng của ông, họ gửi ông đi học ở Seoul. Ở đây, ông được huấn luyện bởi Lee-Sun-il, và huấn luyện viên này đã cho ông tập tăng cường sức mạnh cũng như sự bền bỉ bằng cách chạy đeo đá sau lưng, hoặc đổ cát vào túi áo.

Cách tập luyện này đã mang lại hiệu quả. Khi mới 17 tuổi, Sohn đã giành chiến thắng trong giải marathon đầu tiên, và trong năm năm tiếp theo, từ 1931 đến 1936, ông chạy thêm 12 giải nữa, và giành chiến thắng trong 9 giải trong số đó. Vào tháng Mười một năm 1935, ông đã chạy giải Tokyo marathon với thành tích 2 giờ 26 phút 42 giây, phá kỉ lục thế giới. Mãi cho đến tận năm 1947, một học trò của chính Sohn là Suh Yun-Bok mới phá được kỉ lục này của ông tại giải Boston Marathon. Năm tiếp theo, Sohn về thứ ba trong kì thi tuyển chọn đại biểu dự Olympic, sau Nam Sung-yong, và cả hai người cùng được cử đi dự Thế vận hội Berlin trong màu cờ sắc áo của Nhật Bản.

Cùng tranh huy chương ở cự li marathon ở thế vận hội Berlin năm đó có Juan Carlos Zabala, người giành huy chương vàng Olympic 1932. Zabala lúc đó được cho là có triển vọng nhất với chức vô địch, và ông đã lướt như bay khỏi sân vận động ngay khi cuộc đua bắt đầu. Chỉ sau 3 dặm, Sohn tụt lại sau Zabala đến 90 giây và bắt đầu tính đến việc tăng tốc để đuổi kịp. Ngay khi ông định dợm bước tăng tốc, ông nghe thấy một tiếng gọi từ phía sau. Đó là Harper, vận động viên người Anh. Harper bảo Sohn, “Cứ bình tĩnh, hãy để Zabala chạy cho đến kiệt sức đi.” Sohn không hiểu tiếng Anh, nhưng ông đã đoán được ý  của Harper. Trong 14 dặm tiếp theo, Sohn và Harper chạy cùng nhau. Và rồi, đến dặm thứ 19, (khoảng sau km thứ 30), Zabala kiệt sức, vấp ngã. Sohn và Harper ngay lập tức vượt qua. Zabala chỉ cố chạy thêm được hai dặm nữa và quyết định bỏ cuộc.

Sohn Kee-chung (bên phải) chạy dưới màu áo Nhật Bản

Harper bắt đầu bị blister và giày ông ta nhuốm máu. Dù đã cố gắng hết sức trong 10 phút cuối nhưng Harper đã không theo kịp được Sohn. Sau này, Sohn nói, “Cơ thể con người chỉ có thể chịu đựng được đến vậy. Sau đó, bạn phải giao phó hết phần việc còn lại cho trái tim và tinh thần.” Trái tim và tinh thần đó đã đưa Sohn vượt qua con dốc cuối cùng, trở vào sân vận động và vượt qua vạch đích, phá kỉ lục Olympic với thời gian 2:29:19. Như mọi vận động viên thường làm, Sohn ngước mắt nhìn lên bảng điểm. Ông không thấy tên mình, mà chỉ thấy một cái tên đã dịch sang tiếng Nhật, và bên cạnh đó không ghi quốc tịch của mình, mà là tên của kẻ xâm lược.

Sau cuộc đua, đội tuyển tham gia thế vận hội của Nhật đã tổ chức tiệc mừng chiến thắng, nhưng Sohn không có mặt. Ông cùng những người đồng đội Triều Tiên đã đến nhà một người bạn, và ở đây, lần đầu tiên trong đời, ông được nhìn thấy lá cờ Triều Tiên đã từ lâu bị cấm đoán, và nhờ đó, ông vượt qua được mặc cảm phải đeo quốc kì mặt trời mọc của Nhật trên bục vinh quang tại Berlin.

Sau chiến tranh, Sohn trở thành huấn luyện viên đội tuyển marathon của Nam Triều Tiên. Ông tiếp tục công việc huấn luyện của mình thêm 42 năm, và sau này, được chứng kiến học trò của mình là Hwang Yong-Cho, giành được tấm huy chương vàng Olympic cự li marathon thứ hai của Triều Tiên tại thế vận hội Barcelona 1992. Các học trò của Sohn, ngoài Sun Yun-Bok vô địch Boston Marathon 1947, Hwang Yong-Cho vô địch marathon Olympic 1992, còn Ham Kee-Yong, vô địch Boston Marathon năm 1950. Tuy nhiên, đối với Sohn Kee-chung, khoảng khắc vinh dự nhất trong sự nghiệp thể thao của ông vẫn là lúc ông được rước đuốc Olympic vào sân vận động trong lễ khai mạc Olympic Seoul mùa hè năm 1988.

Sohn Kee-chung là vận động viên duy nhất trên thế giới giành được huy chương vàng Olympic cự ly Marathon khi đang nắm giữ kỉ lục thế giới cự li này.

Tượng đồng của Sohn Kee-chung, gần sân vận động Olympic Berlin

Sohn Kee-chung mất năm 2002 ở tuổi 90. Ông được chôn cất tại nghĩa trang quốc gia Daejeon tại Hàn Quốc.

About the Author Nguyen Kien Quoc

>
34 Shares