Các Cuộc Đua Sức Bền Siêu Dài: Nữ Đang Dần Đánh Bại Nam? – Kỳ 3

Các nhà tâm lý học thể thao còn hay nói về việc tận hưởng “quá trình” chứ không phải “kết quả”, hay ít nhất là hãy sống trong thực tại. Rõ ràng là Thomas ủng hộ quan điểm này. “Vào các ngày thi đấu môn bơi, tôi luôn luôn cảm thấy bất bình thường. Tôi yêu thích tập luyện hơn là thi đấu,” cô nói. Không giống như mọi người vẫn tưởng, Perry lại tin rằng cách nghĩ này có thể mang lại chiến thắng. “Điều tôi thường thấy ở các vận động viên là khi bạn được kì vọng sẽ thể hiện tốt thì áp lực sẽ tăng lên đáng kể,” bà giải thích. “Khi không có kì vọng nào hết, ta có thể thả lỏng và tận hưởng quá trình khám phá các giới hạn, chứ không phải lo lắng về thất bại. Các nữ vận động viên này có lẽ đã xem giải đua đó “chỉ là một cuộc đua thôi”, trong đó họ có thể khám phá xem năng lực của mình tới đâu, chứ không phải công khai tuyên bố sẽ giành chiến thắng. Điều này có thể mang lại lợi ích không tưởng cho hiệu năng vận động.”

Ngoài ra, còn một vấn đề nữa là niềm kiêu hãnh. Mặc dù nữ giới không giành được thắng lợi áp đảo, nhưng họ lại thường thể hiện tốt hơn nam giới theo nghĩa là tỉ lệ vận động viên nữ hoàn thành các giải đua siêu dài là cao hơn. Và vấn đề cái tôi – hay đúng hơn là có cái tôi nhỏ hơn – có thể cũng là một yếu tố then chốt.

Paris kể với tôi về một giải đua siêu dài tiếng tăm khác mà cô chạy năm 2015, giải Dragon’s Back (Lưng Rồng): 5 ngày, 315km và 15.500m tăng độ cao trên các ngọn núi xứ Wale. “Một trong các thần tượng của tôi là Helene Diamantides, một trong những nữ vận động viên tiên phong trong môn chạy đường núi. Cô ấy nói với chúng tôi khi giải chạy bắt đầu: Hãy nhìn cả đoàn đua mà xem. Nếu là nam giới, bạn chỉ có 50% khả năng hoàn thành đường chạy. Còn nếu là nữ, bạn có tới 90%. Thực ra, trong đoàn đua có ít vận động viên nữ hơn nhiều. Bởi vì họ có cái tôi nhỏ hơn nam giới, nên họ chỉ tham gia giải khi đã chuẩn bị sẵn sàng. Trong khi đó, nam giới lại hay có thái độ ngạo mạn, kiểu như “giải này làm gì khó đến vậy?”

Thomas cũng đồng tình với cách nghĩ này. “Tôi cho rằng nữ giới thực sự tập luyện chăm chỉ hơn, và nói chung là ít khi nhắm mắt làm bừa như nam giới,” cô nói. “Tôi nhớ rằng vài năm trước mình có xem một nghiên cứu gì đó liên quan đến các con số và tốc độ. Có nhiều vận động viên nam bơi các cư li siêu dài, và vì vậy thành tích thời gian của nam giới có phổ rộng hơn, biến thiên nhiều hơn. Dù các vận động viên nữ là ít ỏi hơn, nhưng thành tích của nữ lại có vẻ ổn định hơn.”

Courtney Dauwalter giành chiến thắng tại giải Moab 383km (2017), cán đích trước người về nhì là nam giới khoảng 10 tiếng đồng hồ.

Điều này cũng được ủng hộ bởi các dữ liệu từ các sự kiện ít cam go hơn. Trong môn marathon, chúng ta biết rằng nữ giới thường là người dẫn tốc (pacer) tốt hơn. Về tổng thể, nữ giới không chạy nhanh hơn, nhưng lại giỏi hơn trong việc chạy ổn định: ít khi nữ giới xuất phát quá căng để rồi “đứt gánh”. Và dù là 26,2 hay 262 dặm, bung sức quá căng có thể là lỗi lớn nhất của người chạy bộ.

“Trong các sự kiện kiểu như Spine Race, điều quan trọng không chỉ nằm ở khả năng chạy được một quãng đường dài,” Paris nói. “Trên thực tế, bạn còn phải biết chăm sóc cho bản thân. Bạn cần phải ăn đủ, tự chuẩn bị đồ ăn cho mình, chăm sóc bàn chân. Tôi nghĩ rằng đôi lúc cái tôi của nam giới mang lại cho họ khả năng quán tâm và tập trung. Nhưng đó gần như lại là một thiệt thòi, vì trên thực tế, trong một cuộc đua dài đến vậy, bạn cần phải có khả năng đa nhiệm, để suy nghĩ về rất nhiều điều, và để ý mọi việc [chăm sóc cho bản thân].”

Vì vậy, khi có trái tim to khoẻ nhất, khả năng cung cấp oxy tốt nhất, bạn có thể là người nhanh nhất ở một cự li nhất định, nhưng điều đó chưa chắc giúp bạn trong cuộc đua sức bền kéo dài nhiều ngày. Tuy nhiên, theo Tucker phỏng đoán, nếu có môn thể thao nào mà nữ giới thu hẹp được khoảng cách về thành tích hơn cả, thì đó chính là môn bơi siêu dài. Ở các cự li từ 16 – 36km, nữ giới thường chỉ chậm hơn từ 1.  6%. Và trong hai cuộc thi bơi siêu dài là Catalina Channel (32km) và giải Manhattan Island Marathon (45,9km) – hai giải mà Thomas đều đã hoàn thành – các vận động viên nữ có thành tích tốt nhất vẫn bơi nhanh hơn các nam vận động viên nhanh nhất. Và như phỏng đoán của Tucker, có thể mỡ cơ thể của nữ cũng như phân bố mỡ hài hoà hơn là một lợi thế – mỡ nổi trên nước nên giúp cơ thể nổi tốt hơn.

Hầu hết nam giới đều kiêng nể các phụ nữ mà họ bơi cùng. Họ dường như chấp nhận rằng chúng tôi bền bỉ không thua gì họ, và cũng nhanh không kém

Nhưng Thomas chẳng màng đến các giả thuyết đó. “Tôi chưa để ý kĩ lắm đến mấy vấn đề khoa học sâu xa,” cô nói. “Dù có ghét đám mỡ quanh mạng sườn mình đến mấy đi nữa, tôi vẫn cố gắng chấp nhận rằng cơ thể mình khoẻ mạnh và có khả năng chịu lạnh tốt.”

Dĩ nhiên, chuyện nữ giới thắng nam cũng không phải điều gì mới mẻ. Trong bất kì cuộc đua nào, vẫn sẽ có các nữ vận động viên về đích trước các vận động viên nam – thậm chí, còn có một từ vựng trong thể thao để gọi điều này, đó là “bị nữ thịt”. Đây không phải là thứ mà tất cả nam giới có thể nuốt trôi. Ngay cả trong thời gian tôi tham gia câu lạc bộ chạy bộ, tôi cũng đã gặp một vài anh chàng bị giày vò bởi điều đó, trong đó có một anh thậm chí nhất quyết không để tôi chạy nhanh hơn ngay trong một buổi chạy về nhà, tới mức anh ta cuối cùng phải nôn oẹ dưới gốc cây vì đã cố gắng quá sức. Và tôi chẳng đếm xuể các đuộc đua mà nửa sau tôi tha hồ vượt qua các vận động viên hăng hái bung sức quá sớm, 99% trong số này là nam.

Ảnh minh hoạ

Thật may, sự thù địch này chỉ là số ít. Thomas chỉ ra rằng bơi lội có bề dày lịch sử về sự bình đẳng dài hơn hầu hết các môn thể thao khác. “Gertrude Ederle là người phụ nữ đầu tiên từng bơi qua Kênh Anh vào cuối những năm 1920, trong khi người phụ nữ đầu tiên chạy marathon mãi đến những năm 70 mới xuất hiện. Vì vậy, các nữ vận động viên bơi lội có truyền thống được chấp nhận dài hơn các nữ vận động viên chạy bộ đến hàng thập kỉ.

“Tôi nghĩ rằng hầu hết nam giới đều kiêng nể những người phụ nữ mà họ bơi cùng,” cô nói thêm. “Họ dường như chấp nhận rằng chúng tôi cũng bền bỉ không thua gì họ, và cũng bơi nhanh chẳng kém. Tuy vậy, vẫn luôn có ngoại lệ. Tôi từng tập luyện cùng các vận động viên nam có suy nghĩ và hành động như thể họ có thể đánh bại tôi, để rồi bị tổn thương khi bị tôi vượt mặt. Mấy năm trước, tôi từng bơi cùng làn với một vài gã, và họ cứ cố cản tôi. Khi tôi rời khỏi bể, bọn họ quát tháo rằng tôi không chịu ‘tôn trọng’ buổi tập của họ, và chẳng hề bận tâm rằng họ không tôn trọng bài tập của tôi. “Và vào năm 2008 hay 2009 gì đó, tôi thắng đậm trong một cuộc đua 10k. Tôi vượt qua vận động viên nam dẫn đầu khi còn khoảng 1 dặm và về đích trước khoảng vài phút. Khi bơi xong, tôi tới để chúc mừng anh ta về cuộc đua hào hứng. Anh ta đã từ chối bắt tay tôi.” Paris cũng có một câu chuyện tương tự về một vận động viên chạy bộ đường mòn cứ nhất quyết không để cô vượt qua khi đang leo một ngọn đồi, mặc dù làm vậy là anh ta đã huỷ hoại cuộc đua của chính mình do tăng tốc quá mức. Nhưng cô chỉ ra rằng nhìn chung, chạy bộ đường núi khá là dân chủ: “Ở đây, ta có thể bắt gặp một vận động viên cao cấp và một lão tướng 80 tuổi trong cùng một giải đua, và sau khi chạy xong, chúng tôi có thể cùng uống trà và ăn bánh ngọt. Trong môn thể thao này thực sự rất ít chỗ cho cái tôi.”

Tuy nhiên, những vận động viên nữ giành chiến thắng vẫn phải chịu cảnh phân biệt giới tính, đặc biệt là ở phản ứng đối với các thành tích của họ. Thomas nhận xét rằng cô thường xuyên bị hỏi han chuyện có con hay chưa, “người ta thường cho rằng nếu có con rồi thì tôi sẽ chẳng đi làm mấy cái trò này.” Paris nói rằng cô thường tránh không xem kĩ lời bình luận dưới các bài báo viết về thắng lợi của mình.

Chúng tôi còn trò chuyện về Emelie Forsberg, một ngôi sao trong giới chạy bộ siêu dài có tên tuổi gắn với nhiều danh hiệu. Gần đây, cô có con với người tình của mình, Kilian Jornet – cái tên có thể nói là phổ biến nhất trong giới chạy bộ siêu dài. Forsberg đăng trên Instagram về việc cô sẽ trở lại thi đấu trong giải Courmayeur-Champex-Chamonix (CCC; một phần của loạt giải đấu thuộc về UTMB), giải đua sẽ chiếm của cô khoảng 12 tiếng đồng hồ. Paris nói rằng cô ngay lập tức trông thấy một lời phản hồi hỏi rằng: “Khi chạy suốt 12 tiếng đồng hồ, ai sẽ chăm con của cô? Cô không lo lắng về con mình sao?”

“Cô ấy trả lời bằng bốn từ rành rọt: ‘Cháu nó có cha’”, Paris nói. “Và tôi nghĩ như thế đủ cho ta thấy rõ mọi chuyện. Thật là ngán ngẩm.”

Emilie Forsberg

Và cứ như thế, bất chấp các vận động viên kì tài này đang thống trị các cự li mà hầu hết chúng ta sẽ phải nỗ lực hoàn thành bằng ô tô, vẫn còn nhiều điều cần được cải thiện. Nhưng cần phải nhận thấy rõ rằng thế trận đang thay đổi trong giới thể thao sức bền. Và những người phụ nữ này biết rất rõ cách để tiếp tục cuộc chơi này lâu dài.

(Hết)

Link tới kỳ 1

Link tới kỳ 2

About the Author Nguyễn Kiến Quốc

>
86 Shares