Tôi băng qua vạch đích. Vô cảm và trống rỗng. Mấy nhân viên mặc áo xanh in logo TCS New York City Marathon mỉm cười, “Chúc mừng nhé”. Ai đó khoác cho tôi tấm chăn bạc giữ ấm (hình như chỉ giải Major mới có cái này). Người khác đeo tấm huy chương hình trái táo. Lại là mấy bạn áo xanh vẫy tay, “Don’t stop. Keep moving, keep moving”.
Công viên Trung Tâm vắng lặng, gió lạnh tê tái. Chỉ lác đác vài bóng người khoác tấm chăn bạc đi trước, như những bóng áo mưa trên đường quanh Hồ Tây trong một chiều mưa tháng 9. Tôi có cảm giác mình chuyển sang một thế giới khác, khi tiếng hò reo ầm ĩ đã ở phía sau. Dường như mình không còn thuộc về giải chạy New York City Marathon nữa.
Tôi đã quen với đám đông rộn rã sau vạch đích, âm nhạc xập xình, những nụ cười, những cơ thể méo mó nằm vật xuống đất, nhân viên y tế, tất tả các nhiếp ảnh gia túm tụm, đám đông tình nguyện viên lao xao, những cái ôm và cái bắt tay. Giờ đây chỉ có người Ban tổ chức mặc áo xanh lặp đi lặp lại điệp khúc “Poncho on the left, bag check on the right”, ai lấy áo choàng đi làn bên trái, ai gửi đồ đi theo làn bên phải. Chính xác, trật tự, quy củ như một cái máy. Tôi biết mình sẽ phải đi như vậy trong 1 km nữa, và khi hoàn thành để ra khỏi công viên, cái mà tôi hoà vào sẽ là phố phường New York tấp nập người xe, chứ không hẳn là không khí giải chạy. Tưởng như có một nhân viên NYRR đang nói với tôi “Tụi mình đã thu của cậu một mớ tiền, tụi mình đã chăm sóc cậu rất tốt, từ khu expo hoành tráng, lều xuất phát náo nhiệt, đến việc chia làn chạy bài bản và khoa học, những tình nguyện viên và đám đông cổ vũ rải suốt 26 dặm. Giờ cậu chạy xong rồi nhé, chúng ta không liên quan tới nhau nữa. Congratulations. We’re done. Good bye!”
======
Tôi đến với giải Major đầu tiên trong tâm trạng không háo hức lắm. Điều này cũng dễ hiểu khi quãng thời gian chuẩn bị thiếu trọn vẹn. Đầu tháng 5, tôi bắt đầu chu kỳ tập luyện với kế hoạch rõ ràng để chinh phục các cây cầu qua năm quận nội đô New York, những buổi chạy đường dài tăng dần tốc độ, bài tập interval tăng ngưỡng lactate, xen kẽ các buổi lên Hàm Lợn tập chạy dốc.
Thế rồi chấn thương kéo đến liên miên, suốt ba tháng hè tôi chỉ chạy khoảng 300 km. Công việc ở bệnh viện, luận văn tiến sỹ, chuyện gia đình, khiến chạy bộ trở thành thứ yếu. Nếu không phải Minh đã vì tôi mà đăng ký cùng chạy NYC, giải marathon đầu tiên của nàng, thì tôi đã bỏ giải năm nay và chuyển suất chạy qua năm sau (đó là chính sách rất hay của những bộ óc tiếp thị bậc thầy trong Ban tổ chức: nếu bạn không chạy được, chúng tôi sẽ ưu tiên giữ chỗ cho bạn, nhưng bạn vẫn phải đóng tiền mua bib). Thực tế, tôi chỉ ghé qua New York trong vỏn vẹn 48 giờ, tôi đã check-in chuyến về ngay trong đêm hạ cánh xuống sân bay JFK. 48 giờ, với lịch trình cụ thể: gặp vài người bạn, xem một vở diễn Broadway, góp mặt trong giải marathon lớn nhất thế giới.
New York đón tôi bằng những đợt gió lạnh cuối tháng 10, ánh nắng cuối thu rải vàng góc phố. Công viên Trung Tâm đẹp nao lòng với những chiếc lá đang rụng xuống màu vàng và đỏ. Phải là cảnh sắc này mới xứng với giọng hát rất đẹp và mượt mà của Ella trong “Autumn in New York”. Khách sạn chỉ cách công viên nửa dặm, có thể nhanh chóng cảm nhận không khí ngày hội ở đây, đám đông vận động viên huyên náo, những cặp chân rám nắng và thon chắc, nhún nhảy trên những đôi giày xanh chuối hoặc hồng tím. Hôm thứ Bảy diễn ra sự kiện chạy 5K trên đại lộ số Sáu, các vận động viên người Pháp, Tây Ban Nha, Maroc, đổ ra đường hò reo, chụp ảnh, quấn quanh mình lá quốc kỳ. Các ki-ốt di động bán đồ ăn nhanh gần Quảng trường Thời đại tấp nập hơn đôi chút.
Ngày thứ 7, chúng tôi tới expo. Khu lấy bib rất rộng rãi và chuyên nghiệp. Nhưng expo đông đúc ồn ào khiến tôi bị ngợp. Cộng thêm cảm giác buồn ngủ, tôi ngồi bệt xuống đất giữ chân cẳng, mặc cho bạn bè tham quan khu bán hàng hay chụp ảnh check-in. Đầu giờ chiều, chúng tôi tiếp tục nghỉ ngơi bằng cách dành hai giờ trong nhà hát, nghe “All That Jazz” và tự hỏi có phải khi nào nước Mỹ cũng rộn rã náo nhiệt như thế.
Chris, bạn Minh, mời tụi tôi đi ăn tối. Chris năm nay ngoài 50, hồi 2017 bị chẩn đoán u não, đã trải qua vài lần phẫu thuật. Trong khoảng thời gian đó vẫn tiếp tục theo đuổi chạy bộ để đạt chuẩn Boston. Khi một người dù mắc bệnh hiểm nghèo vẫn chạy Boston 3:12 rủ bạn load carb, bạn biết mình sẽ được gặp đám đông chung đam mê, với những ánh mắt ngời sáng cùng chia sẻ về tình yêu chạy bộ. Nhưng tôi quá mệt để tham gia. Trong buổi tối New York giá lạnh, chúng tôi dùng bữa ở một tiệm ăn bình dân sát khách sạn, chậm rãi và bình lặng. Mai sẽ là một ngày dài gấp gáp.
Ngày chạy giải, tôi tò mò đôi chút về khu “Start Village”, nơi Ban tổ chức sẽ cung cấp bánh, chuối, trà, nước, cà phê cho vận động viên trong lúc đợi xuất phát, nơi sẽ ngập tràn sự háo hức và hồi hộp. Nhưng giao thông kẹt cứng khiến tôi chỉ kịp tới chân cầu Verrazano lúc 8h30. Lúc này wave 1 đã bắt đầu mở cửa (chúng tôi sẽ chạy lúc 9h40). Tôi buộc nút kép giầy chạy, cởi áo khoác ném vào thùng quyên góp, và len chân qua cổng kiểm tra. Trải nghiệm Start Village dành cho dịp khác.
NYC Marathon diễn ra vào chủ nhật đầu tiên của tháng 11, đúng thời điểm các nước Bắc bán cầu đổi giờ. 9h40 sáng chủ nhật thật ra tương ứng với 10h40 sáng thứ 7. Mặt trời lên cao và tiết trời nóng hơn tôi nghĩ. 3 km đầu tiên, chúng tôi chạy dưới gầm cầu Verrazzano. GPS gián đoạn khiển mọi kế hoạch kiểm soát tốc độ đều tan biến. Tôi cuốn theo đám đông rầm rập, 80% số đó xỏ đôi Vaporfly. Nhờ giải pháp chia wave và phân làn khoa học của Ban tổ chức, 50.000 người cùng chạy nhưng không có cảm giác đông đúc hay chật chột. CEO của NYRR là Michael Capiraso, một chân chạy kì cựu đã 28 lần tham gia NYC Marathon. Phải là người chạy bộ để hiểu người chạy bộ cần gì.
Tôi thích cảm giác chạy trong tiếng bước chân rầm rập của những người cùng tốc độ. Có gì đó rất phấn khích. Không ai tự dưng có thể chạy pace 4:00 suốt 20 km. Theo một cách nào đó, nhịp chân kia đồng hoá chúng tôi, nó nói rằng chúng tôi chung một đam mê và sự cống hiến, đã trải qua cùng một chặng đường luyện tập. Ngay cả suy nghĩ chắc cũng tương đồng: giờ bắt đầu các con dốc ở quận Brooklyn, qua vạch Half marathon sẽ là cầu Queensboro, trước khi rẽ xuống Bronx và Manhattan bằng phẳng.
Người ta nói rằng bạn không cần dành thời gian tham quan New York, vì bạn sẽ làm điều đó trong lúc chạy đua. Đó là một New York cuồng nhiệt và tráng lệ dưới ánh mặt trời. Nhưng có đường đua nào diễn tả được tiếng kèn da diết của bản “Bronx Blues” trong đêm Harlem u tối?
Dặm thứ 5, ba làn chạy Blue, Green, Orange bắt đầu nhập lại với nhau. Đám đông cũng huyên náo hơn, và tôi chìm đi trong một trạng thái vô thức. Pace vẫn duy trì khoảng 4:10, nhưng điều đó còn quan trọng nữa không?
Tôi đã mơ về một giải đấu không chỉ người chạy bộ mà cả cộng đồng cư dân cũng là một phần của nó. Thì đây tôi đang tận hưởng cảm xúc ấy, khi ngay cả những nhân viên NYPD nghiêm nghị đứng chốt ở các ngã tư cũng mỉm cười nhún nhảy và làm dấu “thumb up” khi đoàn đua băng qua. Nhìn về phía trái, nhìn về phía phải, ở đâu cũng thấy không khí chạy bộ ngập tràn.
Tôi duy trì pace trung bình 4:07 suốt nửa chặng đường đầu tiên, nhận thấy mình chỉ lệch với biển báo của Ban tổ chức 300m. Với tốc độ này tôi sẽ đạt được mục tiêu A+ là chạy sub 2:55. Tôi sẽ đạt chuẩn NYC ngay tại NYC, điều còn khó hơn đạt chuẩn Boston tại Boston.
Mục tiêu A của tôi là đạt PR (chạy dưới 2:56:18), mục tiêu B là sub 3, mục tiêu tối thiểu là BQ (sub 3:05). Nhưng chẳng phải Meb từng nói về NYC Marathon đó sao, “20 dặm đầu tiên mới chỉ là nửa quãng đường”!
Kilomet số 24, thử thách lớn nhất của đường chạy. Chúng tôi leo cầu Queensboro. Không còn đám đông cổ vũ nữa và tôi lắng lại đôi chút. Bước chân của đoàn đua gợi kí ức những buổi chạy cuối tuần quanh Hồ Gươm cùng LDR. Khi tập lại hồi tháng 9, tôi quyết định bỏ hoàn toàn các bài tập tốc độ dễ gây chấn thương, chỉ duy trì bài chạy dài để tập sức bền. Cám ơn cặp chân mỏi mệt ngày hôm đấy đã trở nên cứng cáp cho 10 phút leo cầu ngày hôm nay.
Chưa xuống cầu Queensboro mà tim tôi đã như bay ra khỏi lồng ngực. Tôi có thể nghe thấy đám đông ở đại lộ số 1, cảm nhận được hơi thở của họ, trước khi nhìn thấy khu Manhattan. Giờ mới hiểu tại sao đường chạy qua đại học Wellesley ở Boston được goi là “scream tunnel”.
Đại lộ số 1 không có các cô nữ sinh đứng ôm hôn vận động viên miễn phí, nhưng sự phấn khích không hề thua kém. Tôi bắt đầu tăng tốc đôi chút, mục tiêu là giữ pace 4:00 – 4:05 cho tới lúc tiến vào Công viên Trung Tâm, nơi cuộc đua thực sự bắt đầu. Tôi vẫn chạy cùng rất nhiều người xung quanh.
Lần đầu tiên chạy marathon mà qua mốc 16 dặm vẫn còn nhiều người đồng hành đến thế. Bất giác thấy mình may mắn vì được ở trong đám đông này, để tận hưởng khoảnh khắc này, tận hưởng con đường này. Carpe Diem! Carpe Viam!
Đoàn đua bắt đầu tiến vào Công viên Trung Tâm. Những rặng cây 2 bên đường úa đỏ. Đây có phải là mùa thu mà Eric Clapton đã hát “The falling leaves, drift by the window”? Tiếng bước chân rầm rập chìm đi khi đám đông hò reo cổ vũ ngày càng lớn. Tôi đã nghĩ đến khoảnh khắc này không biết bao nhiêu lần, từ mùa đông 2017 khi xem Shalane Flanagan vừa khóc vừa băng băng về đích để trở thành người Mỹ đầu tiên sau 40 năm chiến thắng ở NYC Marathon, hay những lần đọc tự truyện của Meb để thuộc nằm lòng là mình sẽ chỉ “nhấn ga” khi nhìn thấy màu xanh của công viên.
Nhưng có những lúc, cơ thể không nghe theo sự chỉ đạo của bộ não nữa. Cảm giác từng thớ cơ đùi đang vỡ ra, rạo rạo. Chỉ cần tôi dừng lại thôi, dù chỉ một giây ngừng chạy, cả đám cơ ấy sẽ siết chặt lại, cứng như ống sắt. Tai tôi ù đi trong tiếng hét, tiếng huýt sáo, tiếng chuông, mắt mờ nhoà. Nếu nói rằng từ Công viên Trung Tâm, cuộc đua mới bắt đầu, thì tôi đã thua trong cuộc đua này, khi liên tục bị vượt qua. Tôi quá quen với việc mình phóng lên trước trong 5 km cuối cùng, nên cảm giác “hít khói” thật khó nuốt trôi.
Tôi qua vạch 24 dặm, tự nhủ rằng chỉ còn 2,2 dặm nữa thôi. Khoảng 3,5 km, bằng hai vòng quanh bán đảo Linh Đàm mà tôi vẫn tập chạy hàng ngày. Đồng hồ chỉ 2 giờ 44 phút. Tôi còn hơn 15 phút để níu kéo mục tiêu B. Tôi không bay nửa vòng trái đất qua đây, lưu lại 48 giờ ngắn ngủi, chỉ để tham gia một giải đấu mà mình bỏ cuộc ở tất cả các mục tiêu.
======
Vậy là tôi đã hoàn thành giải Major đầu tiên. Khi lê lết suốt 5 km cuối cùng, bạn không thể vui. Nhưng tôi bình tĩnh suy nghĩ để nhận ra vài điểm tích cực nho nhỏ. Dù lần đầu tiên không có PR khi chạy marathon, nhưng đây là thành tích FM tốt thứ hai của tôi, thời gian chạy HM 1:25 (theo Strava) cũng xếp hạng 2. Tôi hài lòng vì không có thời điểm nào trong cuộc đua mà tôi buông xuôi, ngay cả khi rã rời nhất.
Chiến thuật tập luyện ưu tiên các bài chạy dài đã giúp tôi cầm cự được đến dặm cuối cùng. Việc đạt mục tiêu B (sub 3) dù quá trình chuẩn bị không tối ưu cho thấy tôi có thể làm được nhiều hơn thế. Được chạy cùng đám đông “người phàm trần” sub 3 ngày hôm nay, rất nhiều trong đó cao tuổi, có cả phụ nữ tóc đã điểm bạc, cho tôi niềm tin rằng mình có thể tiếp tục chạy bộ tốt trong thời gian dài nữa. Chừng nào tôi còn đủ đam mê. Mà sự đam mê dành cho quãng đường 26 dặm khô khan thì vẫn vẹn nguyên như ngày đầu tiên, khi tôi hoàn thành Singapore Sundown Marathon trong 4 giờ 27 phút.
Cảm giác rã rời hôm nay cũng chỉ như đêm hôm đó mà thôi. Bất kể bạn ở trình độ sub 3, sub 4, hay sub 5, sub 6, cần một sự kiên nhẫn và dũng cảm tương đương để chạy tốt nhất khả năng của mình trong ngày thi đấu.
Xin cám ơn New York. Hẹn gặp lại.
NYC, tháng 11/2019
Vài tấm hình kỷ niệm New York City Marathon 2019
Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25
Nhật ký Chay365 Long Run tuần 136: Những bước chân rầm rập trong gió lạnh
Nhật ký Chay365 Long Run tuần thứ 134 – Hoa đào khoe sắc trong gió lạnh mùa đông
Nhật ký Chay365 Long Run tuần 133 – Tưng bừng đón Giáng Sinh, quyên góp giày cho Blue Dragon Runners
Session expired
Please log in again. The login page will open in a new tab. After logging in you can close it and return to this page.
[…] New York City Marathon, giải marathon lớn nhất trên thế giới, có 5 vạn người tham dự mỗi năm. Để […]
[…] bang và thị trưởng thành phố sẽ ủng hộ New York City Marathon, với 50 ngàn vận động viên và nửa triệu […]
[…] Nó cần được hiểu thế này: một giải marathon không chỉ là 42,195 km. Nó là 42,195 km tại một địa hình cụ thể, trong hoàn cảnh thời tiết cụ thể. Bạn tập luyện vào trong tiết trời mát lạnh của mùa đông Hà Nội, duy trì tốc độ cao, để rồi choáng váng với ánh nắng chói chang những ngày tháng Một khi dự giải HCMC Run. Việc thiếu bài chạy dốc cũng từng khiến tôi phải trả giá khi chạy giải New York City Marathon. […]
[…] quan tới một số giải Major khác, như New York Marathon, thị trưởng New York Bill de Blasio nói rằng một giải […]
[…] khác, chứ không chỉ bài chạy dài. Ở giải New York City Marathon 2019, thiếu bài tập leo dốc là lý do khiến tôi […]
[…] lượng VĐV chạy giải marathon NYC đã gia tăng chóng mặt kể từ giải đầu […]
[…] đã phải hủy hơn 20 giải đua, bao gồm cả New York City Marathon – giải marathon được tổ chức vào tháng 11 […]
[…] Nhật ký New York City Marathon […]
[…] Xem thêm: Nhật ký New York City Marathon […]