Chạy giải như Meb

ad_202978303

Khi nào nên bỏ cuộc đua

Chấn thương xảy đến với tất cả chúng ta. Khi bạn đang trong quá trình hồi phục một chấn thương, thì việc bỏ giải là không phải bàn cãi. Ưu tiên hàng đầu của bạn là phải khoẻ mạnh trở lại.

Đôi khi tại thời điểm diễn ra một cuộc đua quan trọng, bạn đã lành chấn thương và đã tập luyện tốt trở lại, nhưng cơ thể chưa ở trạng thái khoẻ mạnh. Đó là lý do tại sao tôi không tham gia giải các giải Marathon New York City 2008 và Boston 2013. Tôi cảm thấy cơ thể mình ổn, nhưng chưa đủ tốt để chạy đua marathon với những vận động viên giỏi nhất thế giới. Đối với tôi, việc nỗ lực ở mức vừa vừa rồi lại phải trải qua cả một chu kỳ phục hồi và bắt đầu trở lại là không đáng. Tôi tự nhủ, “Hãy giữ thể trạng tốt và dùng điều này làm động lực cho năm sau.” Trong cả hai trường hợp, tôi đã chiến thắng trong cuộc đua ở năm tiếp theo khi đạt kỷ lục cá nhân.

Bạn phải đánh giá trước khi đưa ra quyết định trong những tình huống như thế này. Theo tôi, nếu như bạn ở trong mức thể trạng từ 75% trở xuống so với mức mà bạn mong đợi cho một cuộc đua, thì hãy suy nghĩ lại. Hãy làm giống tôi – giữ sức khoẻ và động lực để dành cho những lúc mà bạn có thể chạy được tốt nhất.

Kính râm trong ngày đua

Tôi thường đeo kính râm trong ngày đua nếu trời nắng. Đây không phải vì ánh mặt trời mà là để giúp tôi giữ đầu ở tư thế đúng.

Khi bạn mệt mỏi, đầu bạn thường có xu hướng cúi xuống một cách tự nhiên. Như đã nói trong Chương 2, không giữ đầu ở tư thế thẳng có thể làm hỏng động tác chạy của bạn, điều mà trong một cuộc đua sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy mình mệt mỏi hơn nhiều.

Nếu bạn đeo kính râm thì khi bạn cúi đầu, chúng sẽ trượt xuống mũi. Khi điều đó xảy ra, thì nó như một lời nhắc bạn phải giữ đầu ở tư thế thẳng, nhìn về phía trước khoảng 20 đến 30 mét.

Đối phó với thời điểm xuất phát bị lùi lại

Các giải Marathon lớn như Boston và New York City thường xuất phát rất chuẩn thời gian. Như vậy, bạn có thể lên kế hoạch làm nóng dễ dàng hơn. Nhưng đôi khi thời tiết hoặc một vấn đề về hậu cần có thể làm cho thời điểm bạn thực hiện xong bài làm nóng còn cách xa thời điểm xuất phát. Bạn cần sẵn sàng cho những bất ngờ kiểu này, sao cho bạn không phát hoảng và nghĩ rằng cơ hội có một cuộc đua tốt đã tiêu tan.

Kỷ niệm tồi tệ nhất của tôi về chuyện này là Giải vô địch thế giới năm 2003. Vận động viên chạy nước rút người Mỹ Jon Drummond bị loại ở vòng tứ kết cự ly 100 mét vì lỗi xuất phát. Anh ta tranh cãi với trọng tài và từ chối rời khỏi đường chạy. Có lúc anh ta nằm hẳn ra đường chạy. Sự việc này làm trễ toàn bộ các sự kiện khác trong buổi tối hôm đó, bao gồm cả cuộc đua cự ly 10.000mét của tôi khoảng một giờ. Các vận động viên 10-K chúng tôi phải cố giữ cân bằng – vừa đảm bảo thả lỏng và cơ thể ấm, nhưng chúng tôi không biết là cuộc đua sẽ bị hoãn lại bao lâu, và chúng tôi không thể cứ chạy chậm và tập sải bước mãi.

Một trong số những việc tôi làm là nằm ngửa và đưa bàn chân lên cao để đảm bảo máu tuần hoàn tốt. Nếu như tôi gặp tình huống như vậy một lần nữa, tôi sẽ thực hiện ép dẻo động, ví dụ như vung chân và đứng lên ngồi xuống để giữ ấm các cơ bắp.

Điều này cũng giống như tình huống mà những người chạy bộ nghiệp dư gặp phải trước các cuộc đua lớn ngoài đường. Bạn thường tới bãi xuất phát của mình sớm hơn giờ chạy 20 phút hoặc nhiều hơn. Nếu bạn biết mọi việc sẽ diễn ra như vậy, thì hãy căn thời gian chạy làm nóng sao cho bạn thực hiện xong ngay trước khi bạn phải ra xếp hàng. Ngoài ra, hãy thực hiện vài lần sải bước nhanh, bởi vì có thể bạn sẽ không có không gian thoáng để chạy cho tới khi cuộc đua bắt đầu. Hãy mang nước hoặc một thứ đồ uống điện giải theo. Khi bạn đến bãi xuất phát, hãy thực hiện phần lớn việc ép dẻo ở đây. Chú trọng vào các động tác như vung tay, đứng lên ngồi xuống, diễu hành, và chạy bước nhỏ, là các động tác bạn có thể thực hiện trong không gian hẹp. Nếu có thể, bạn hãy ở bên sườn bãi xuất phát, nơi có hàng rào, và thực hiện động tác vung chân. Điều này giúp giữ ấm cơ bắp cho bạn, nâng được nhịp tim, và tăng tuần hoàn máu, hơn là đứng chôn chân một chỗ.

About the Author chay365

follow me on:
>
1 Shares