Sinh ra để chạy. Chương 7

9515011_1456868450.9221

BORN TO RUN – SINH RA ĐỂ CHẠY – CHƯƠNG 7

May mắn là, tôi đứng gần cửa hơn.

“Này! Ờ…, anh có biết Ángel không?” tôi lắp bắp khi bước ra đứng chắn giữa Caballo và lối thoát duy nhất của anh ta. “Người giáo viên ở ngôi trường của người Tarahumara? Va Esidro ở Huisichi? Và, ừm, Luna, Miguel Luna…” tôi liên tục bắn ra những cái tên, hy vọng anh ta sẽ nhận ra một cái tên nào đó trước khi huých tôi văng vào tường và chạy trốn lên những ngọn đồi phía sau khách sạn. “… Không phải, Manuel. Không phải Miguel Luna. Là Manuel. Con anh ta nói rằng anh ta và anh là bạn bè. Marcelino? Anh biết Marcelino chứ?”

Nhưng tôi càng nói, thì anh ta càng cau có hơn, cho tới khi trông như muốn đe doạ. Tôi lập tức ngậm miệng. Tôi đã có một bài học sau thất bại ở khu nhà của Quimare; có thể anh ta sẽ dịu bớt nếu tôi giữ im lặng và cho anh ta một cơ hội để tự mình đánh giá tôi. Tôi đứng yên trong khi anh ta nheo mắt nhìn tôi dưới viền chiếc mũ rơm của nông dân Mexico, tỏ vẻ nghi ngại và khinh miệt.

“Ờ,” anh ta làu bàu. “Manuel là một người bạn. Còn anh thì là thằng quái nào?”

Vì tôi không chắc điều gì đã khiến anh trở thành kẻ bất kham như vậy, nên tôi bắt đầu trình bày rằng tôi không phải là những ai. Tôi không phải là cảnh sát, hay một nhân viên cục Phòng chống ma tuý, tôi bảo. Tôi chỉ là một nhà văn và một người chạy bộ dính chấn thương và muốn học hỏi những bí quyết của người Tarahumara. Nếu anh ta là một kẻ đang lẩn trốn, thì đó là việc của anh ta. Có chăng, điều đó chỉ làm tăng tính đáng tin của anh ta mà thôi: bất kỳ ai có thể trốn tránh luật pháp trong suốt chừng ấy năm mà không có bất kỳ phương tiện lẩn trốn nào ngoại trừ đôi chân mình, thì ắt hẳn đã phải học theo người Rarámuri. Tôi có thể bỏ qua các nghĩa vụ của mình với luật pháp đủ lâu để nghe hết câu chuyện lẩn trốn độc nhất trên đời ấy.

Nhưng vẻ cau có của Caballo chẳng hề giảm – nhưng anh ta cũng không cố tránh tôi để đi ra. Mãi sau đó, tôi mới phát hiện ra rằng mình đã vô cùng may mắn chạm trán anh ta ở một thời điểm lạ kỳ trong cuộc đời kỳ lạ của anh ấy: theo cách của riêng mình, Caballo Blanco cũng đang đi tìm tôi.

“Được rồi, ông bạn,” anh ta nói. “Nhưng giờ tôi phải đi kiếm ít đậu đã.”

Anh ta dẫn tôi ra khỏi khách sạn và đi dọc xuống một ngõ hẻm bụi bặm, tới một cánh cửa nhỏ không có biển hiệu gì. Chúng tôi bước qua một cậu bé đang chơi với chú mèo con trên bậu cửa và vào một phòng khách nhỏ nhắn. Một người phụ nữ lớn tuổi ngước nhìn lên từ một chiếc bếp ga cũ kĩ trong một hốc tường kề đó, bà ta đang khuấy một nồi đậu hầm thơm ngào ngạt.

“Hola, Caballo” bà ta chào.

“Cómo está, Mamá?” Caballo đáp lời. Chúng tôi ngồi bên một chiếc bàn gỗ ọp ẹp trong phòng khách. Anh ta có “mẹ” ở khắp nơi trong thung lũng, anh ta kể, đó là các bà già sẵn lòng cho anh ta ăn đậu và bánh ngô với giá chỉ vài xu trong các cuộc chạy lang thang của mình.

Mặc dù Mamá có vẻ thờ ơ, tôi có thể hiểu tại sao người Tarahumara lại kinh hãi khi Caballo xuất hiện lần đầu và phóng qua các cánh rừng của họ. Thành tích chạy bền không tưởng dưới ánh mặt trời không khoan nhượng đã biến Caballo thành một kẻ hoang dã. Anh ta cao trên một mét tám, với nước da vốn là sáng màu nhưng đã bị thời tiết tô vẽ thành các sắc khác nhau, từ màu hồng trên mũi cho đến màu hạt dẻ dưới cổ. Với chân tay dài và cơ bắp săn gọn, anh ta trông như bộ xương của một con thú to lớn hơn; quẳng Kẻ huỷ diệt vào vạc axit, thì ta sẽ có Caballo chui ra.

Ánh sáng chói chang trên sa mạc đã làm mắt anh ta thường xuyên nheo lại, khiến gương mặt anh ta chỉ có hai trạng thái biểu cảm: hoài nghi hoặc thích thú. Dù tôi nói bất kỳ điều gì trong phần còn lại của buổi tối hôm đó, thì tôi cũng không thể biết được anh ta nghĩ tôi hài hước hay toàn nói nhăng nói cuội. Khi Caballo tập trung sự chú ý vào bạn, thì anh ta rất chú tâm; anh ta chăm chú nghe như một người thợ săn đang theo dấu con mồi, như thể cố gắng đang đọc ra điều gì từ chính giọng của bạn chứ không phải chỉ từ những lời lẽ bạn đang nói. Mặc dầu vậy, kỳ lạ là khả năng nghe giọng địa phương của anh ta vẫn rất tệ hại – sau hơn một thập kỷ ở Mexico, tiếng Tây Ban Nha của anh ta dở tới mức nghe như anh ta đang phát âm từ mấy tấm thẻ tập đọc vậy.

“Điều khiến tôi bực mình ở anh -,” Caballo bắt đầu nói, nhưng đột nhiên dừng lại, mắt sáng lên vẻ đói khát, vì Mamá đặt các cái bát lớn trước mặt chúng tôi và loay hoay thêm vào đó rau mùi, ớt xanh và vài vắt chanh. Cái nhìn gầm ghè mà anh ta tặng tôi lúc ở khách sạn không phải vì tôi đang đứng chắn giữa anh ta và tự do; mà là vì tôi đang chắn giữa anh ta và đồ ăn. Caballo ra đường sáng hôm đó định thực hiện một chuyến leo núi ngắn tới một hồ nước nóng tự nhiên trong rừng, nhưng ngay khi nhìn thấy một vệt đường mòn xuyên qua rặng cây mà trước đây anh ta chưa từng thấy, thì vụ leo núi và hồ nước nóng lập tức bị lãng quên. Anh ta bắt đầu chạy, và cứ tiếp tục như thế nhiều giờ sau đó. Anh ta đụng một quả núi, nhưng thay vì quay lại, thì anh ta lại gò lưng len lên độ cao gần một cây số, tương đương với việc leo lên đỉnh toà nhà Empire State hai lần liền. Cuối cùng, anh ta cũng tìm tới được một lối đi quay trở lại Creel, và một buổi ngâm mình thư giãn trong nước nóng đã biến thành một cuộc chạy marathon đường mòn gian khổ. Lúc tôi tóm được anh ta trong khách sạn, anh ta chưa ăn chút gì từ lúc mặt trời mọc và sắp lên cơn mê sảng vì đói.

“Tôi luôn bị lạc và phải trèo dốc dựng đứng, với chai nước cắn giữa hai hàm răng, và lũ chim ó lượn vòng trên đầu,” anh ta nói. “Điều đó thật tuyệt.” Một trong những điều đầu tiên và quan trọng nhất mà anh ta học được từ người Tarahumara là khả năng vọt chạy đi bất kỳ lúc nào, giống như điều mà con sói sẽ làm khi nó đánh hơi được một con thỏ. Đối với Caballo, chạy bộ đã gần như trở thành cách di chuyển ưu tiên số một, như việc lái xe ô tô đối với dân sống ở ngoại thành; bất kỳ nơi nào anh ta đi, anh ta luôn đi với tâm trạng phấn chấn, lên đường và mang theo rất ít đồ đạc, như những thợ săn Thời kỳ Đồ đá mới và chẳng quan tâm đến chuyện anh ta sẽ đi tới điểm nào hoặc xa tới tận đâu.

“Nhìn này,” anh ta nói, chỉ tay vào cái quần leo núi cũ mèm và đôi xăng đan Teva đáng vứt vào thùng rác từ lâu. “Tôi chỉ ăn mặc như vậy thôi, và tôi luôn luôn mặc như vậy.”

Anh ta ngừng một chút để xúc món đậu cay cay đổ vào miệng, và dồn đám thức ăn đó xuống bằng cách tu một hơi dài từ chai Tecate. Caballo đánh sạch một bát và được Mamá tiếp thêm nhanh tới mức anh ta chẳng chậm thìa lại chút nào, đưa tay từ bát, lên miệng, tới chai bia với hiệu suất tối ưu, như thể bữa tối này không phải là điểm kết thúc của một buổi tập dài, mà cứ như nó là phần tập luyện tiếp theo vậy. Nghe âm thanh mà anh ta phát ra từ phía bên kia bàn giống như tiếng bơm xăng vào bình xăng trên xe: xúc, nhồm nhoàm, nhồm nhoàm, ừng ực, xúc, nhồm nhoàm, nhồm nhoàm, ừng ực…

Thỉnh thoảng, anh ta lại ngẩng đầu lên và kể tiếp một đoạn ngắn theo mạch câu chuyện, sau đó lại cắm đầu vào bát. “Đúng rồi, anh bạn ạ, tôi từng là võ sĩ, đứng thứ năm trên thế giới.” Rồi lại quay lại với cái thìa. “Điều làm tôi nổi cáu, là anh bất thần từ đâu chui ra. Ở đây có đủ các vụ bắt cóc và giết người. Toàn chuyện tệ hại dính đến ma tuý. Một người quen của tôi bị bắt cóc, vợ anh ta trả một khoản tiền chuộc lớn, song chúng vẫn giết anh ta. Tởm lắm. May là tôi chẳng có gì hết. Tôi chỉ là gã lạ mặt lang thang, chạy bộ cùng những người Rarámuri khiêm nhường.”

“Xin lỗi -,” tôi định mở lời, nhưng anh ta đã lại cắm mặt vào món đậu.

Tôi chưa muốn làm Caballo khó chịu với những câu hỏi, dù cho việc nghe anh ta kể chuyện chẳng khác nào đi xem một bộ phim nghệ thuật nhưng lại tua nhanh; những tổn thương, những câu chuyện đùa, những ảo tưởng, những hồi tưởng, hận thù, tội lỗi từ những hận thù đó, những mảnh kiến thức uyên thâm từ thời cổ đại luôn ám ảnh – tất cả đều tuôn ra vừa mờ ảo vừa chóng vánh khó mà nắm bắt hết được. Anh ta kể một câu chuyện, rồi lại nhảy sang một câu chuyện khác, rồi bỏ qua và chuyển sang câu chuyện thứ ba, quay trở lại để sửa một chi tiết trong câu chuyện thứ nhất, phàn nàn về một gã trong câu chuyện thứ hai, rồi lại xin lỗi vì đã phàn nàn anh ta bởi vì, anh ta đã giành cả cuộc đời mình để kiểm soát cơn giận giữ, và đó lại là cả một câu chuyện khác…

Anh ta tên là Micah True, theo lời anh ta nói, đến từ bang Colorado. À, mà thực ra là California. Và nếu như tôi thực sự muốn hiểu được người Rarámuri, tôi đáng nhẽ phải có mặt ở đây khi một ông già chín mươi lăm tuổi leo hai mươi lăm dặm qua một ngọn núi. Biết tại sao ông ấy có thể làm được điều đó không? Vì chẳng ai từng nói là ông ta không thể làm được. Chưng từng ai nói với ông ta rằng ông ta nên đến một trại dưỡng lão và chờ đến lúc qua đời. Anh bạn ạ, hãy sống như chính mình mong đợi. Giống như lúc anh ta tự đặt tên mình theo con chó cưng. Cái tên “True” thực ra đến từ đó, là tên con chó già của anh ta. Anh ta chẳng bao giờ xứng với con chó già ngoan ngoãn trên True, nhưng đó cũng lại là một câu chuyện khác nữa…

Tôi chờ đợi, cào cào móng tay lên nhãn chai bia, và băn khoăn liệu anh ta có lúc nào dịu bớt xuống để tôi có thể hiểu được anh ta đang nói gì. Dần dần, tay thìa của Caballo cũng chậm lại và dừng hẳn. Anh ta tu hết chai bia Tecate thứ hai và ngồi ngả ra, thoả mãn.
“Guadajuko!” anh ta cười nhe răng và nói. “Từ đó đáng để học đấy. Theo tiếng Rarámuri, nó nghĩa là ‘Hay’.”

Tôi đẩy tiếp chai Tecate thứ ba sang phía bên kia bàn. Anh ta nhìn nó với ánh mắt nheo nheo kiểu nghi ngại, hay như dưới ánh mặt trời chói chang vậy. “Tôi không chắc đâu” anh ta nói. “Cả ngày đã chẳng ăn gì rồi. Tôi uống không khoẻ được như người Rarámuri đâu.”

Nhưng anh ta cầm chai bia lên rồi nhấp một ngụm. Leo trèo cả ngày lên đỉnh núi cao vút hẳn là khát khô cổ. Anh ta tu ừng ực một hơi dài, rồi ngả người ra thư giãn trên chiếc ghế, gác chân lên và đan tay trước cái bụng phẳng của mình. Có điều gì đó vừa nảy ra trong đầu anh ta; tôi có thể cảm nhận được trước khi anh ta tiếp tục nói. Có vẻ như anh ta cần nốt chỗ bia cuối cùng để thả lỏng, hoặc anh ta cần phải xả nốt chút cảnh giác cuối cùng trước khi đi vào câu chuyện chính của mình.

Vì khi Caballo mở miệng lần này, anh ta đã làm tôi bị mê hoặc. Anh ta nói chuyện đến tận đêm khuya, kể một câu chuyện kinh ngạc trải suốt mười năm từ khi anh ta biến mất khỏi thế giới bên ngoài, trong đó có bao nhiêu nhân vật kỳ dị, những chuyến phiêu lưu sửng sốt, và những trận đấu quyết liệt. Và, ở cuối câu chuyện đó, là một kế hoạch. Một kế hoạch táo bạo.

Một kế hoạch, mà tôi dần dần nhận ra, là có cả tôi trong đó.

— Hết chương 7 —-

About the Author chay365

follow me on:
>
0 Shares