Đánh giá giải chạy Đà Nẵng marathon 2016

dnim-index-2a

Đánh giá giải chạy Đà Nẵng Marathon

Giải marathon quốc tế Đà Nẵng (DNIM) đã được 4 năm tuổi đời. Cùng với Sapa cho đường mòn, đây có thể coi là giải chạy đường trường có truyền thống lâu dài nhất ở Việt Nam dành cho dân chạy bộ nghiệp dư.

Đường chạy: 3 điểm

Đường chạy hoàn toàn là đường nhựa (concrete). Tương đối phẳng, ngoại trừ việc phải leo cầu Trần Thị Lý và cầu Thuận Phước. Cầu Trần Thị Lý không cao lắm, leo tương đối dễ chịu. Cầu Thuận Phước khó nhằn hơn nhiều. Độ dài đoạn dốc lên và dốc xuống gần như cầu Nhật Tân ở Hà Nội. Đoạn leo cầu khiến nhiều người phải đi bộ (nhất là ở vòng 2). Đoạn đổ dốc dễ khiến người chạy chấn thương hoặc xóc bụng nếu kĩ năng downhill chưa đủ tốt.

Screen Shot 2016-08-09 at 10.34.19

Đường chạy gần như không có bóng cây. Nên khá là nắng. Đoạn đường Võ Nguyên Giáp chạy dọc bờ biển nhưng hầu như không có gió.  Lặp lại 2 vòng nên cũng ít nhiều tạo cảm giác tẻ nhạt cho người chạy.

Điều kiện chạy: 2 điểm

Mọi năm DNIM vẫn tổ chức vào cuối tháng 8. Năm nay có lẽ vì muốn “né” Sapa mountain marathon nên giải được đẩy lên tổ chức vào đầu tháng 8, khoảng thời gian nắng nóng ở Đà Nẵng. Xuất phát lúc 4h30 cũng là một bất lợi cho người chạy bộ (4h00 sẽ dễ chịu hơn). Đến 6h30, khi phần lớn vận động viên mới hoàn thành 1 vòng thì mặt trời đã lên cao, nắng gắt.

Công tác tổ chức: 2 điểm

Ban tổ chức là Pulse Active, một trong những đơn vị tiên phong tổ chức các giải chạy bộ phong trào ở Việt Nam. Từ trước tới nay Pulse Active có vẻ “một mình một ngựa” trong thị phần này (gần đây đã có thêm Sporting Republic của Hồng Kông và công ty DHA). Kinh nghiệm tổ chức có tăng lên, nhưng vẫn còn nhiều “hạt sạn”. Ở HCMC 2016 là sự cố xuất phát muộn và quãng đường hụt 400 m. Ở DNIM 2016 là những lùm xùm về việc trao giải và thành tích của các vận động viên.

Xem thêm: Vài cảm nhận về giải chạy DNIM 2016

Các trạm nước được rải đều trên đường chạy, luôn có đầy đủ nước, điện giải, bọt biển. Điều này đặc biệt hữu ích cho các vận động viên trong hoàn cảnh thời tiết nắng nóng. Đồ ăn chỉ có chuối.

DNIM có sự tham gia tổ chức của chính quyền khá tốt. Có phân luồng cho người chạy bộ, mỗi ngã tư đều có cảnh sát giao thông đứng làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn.

DNIM 2016, giống như HCMC 2016, tiếp tục không công bố danh sách toàn bộ các vận động viên. Muốn biết thành tích của ai chỉ có thể tra cứu theo số bib. Tôi thấy thông báo có hơn 1000 người tham gia, trong đó có đến 406 vận động viên marathon. 406 người chạy marathon là con số không chính xác, vì tôi biết có bạn chạy 6h27 phút (trước cut-off time 3 phút) mà vẫn đứng khoảng hạng 200. Tôi không biết tại sao Pulse Active làm như vậy, do muốn thổi phồng quy mô giải chạy? Nếu đây đúng là một “chiêu trò” của ban tổ chức để “làm giá” với những nhà tài trợ thì quả thật các vận động viên đã bị  biến thành công cụ, hơn là đối tượng chính cần được tôn trọng. Hy vọng tôi nhầm!

Dường như ban tổ chức cố ý nâng thành tích của các vận động viên (phải chăng đó cũng là lý do mà HCMC hụt 400m). Không hiểu họ làm vậy để làm gì? Đành rằng “dễ đạt PR” là một điểm cộng của giải chạy, nhưng mỗi người chạy bộ đều muốn đạt PR bằng nỗ lực cá nhân hơn là những chiêu trò kiểu “sửa bảng điểm”. Nói chung, nhiều khi thành tích hoàn toàn không phải điều quan trọng nhất. Vượt qua chính mình mới là quan trọng.

Screen Shot 2016-08-09 at 09.18.52

Tôi về đích hạng 10, nhưng không thể biết được mình về sau người hạng 9 bao lâu

Không khí race: 2 điểm

Không khí khá buồn tẻ, như mọi giải chạy khác ở Việt Nam. Người dân hoàn toàn dửng dưng. Có lẽ quá nhiều thứ cơm áo gạo tiền phải lo rồi, ai rảnh cổ vũ mấy ông rỗi hơi chạy bộ đường dài?

Vạch đích nằm ở công viên Biển Đông, thiết kế đẹp. Không khí rất hoành tráng náo nhiệt.

Phần thưởng: 4 điểm

Gồm có áo + bib + huy chương. Áo chạy bộ làm bằng chất liệu thun mè, tương tự áo của SRC hay LDR, thiết kế rất đơn giản, nhưng dáng đẹp, mặc thích. Huy chương hình đầu rồng cách điệu, đẹp và chuyên nghiệp. Áo finisher phải trả thêm tiền, có vẻ khá đẹp. Sở dĩ tôi nói “có vẻ” là mặc dù đăng ký mua áo finisher nhưng khi về đích người chạy bộ phải tự ra gặp BTC để lấy áo (các giải khác sẽ có người đem áo đến cho mình như đem huy chương). Một số người như tôi do vội, do mệt nên không lấy áo.

Kết luận

Tôi yêu thành phố Đà Nẵng. Bờ biển quá đẹp, xanh và trong vắt. Bầu trời cũng xanh và trong vắt. Không khí thoáng đãng, đồ ăn ngon, người dân thân thiện. Nếu khắc phục được một số điểm yếu trong công tác tổ chức, đặc biệt là điều kiện chạy (chọn thời điểm đỡ oi nóng) và việc thông báo kết quả (cần tường minh hơn và nhanh chóng hơn), thì DNIM sẽ là giải chạy thường xuyên của tôi.

Tôi có tham gia DNIM năm sau hay không? Không!

Chay365.com có hệ thống tiêu chí đánh giá giải chạy riêng. Hệ thống này hoàn toàn phụ thuộc chủ quan của người chạy bộ và không chịu ảnh hưởng bởi bất cứ yếu tố nào khác.

Xem thêm: Đánh giá một giải chạy

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • Toan says:

    Mặt đường nhựa hay bê tông nhựa là asphalt concrete nhé chứ nếu chỉ ghi concrete thì lại được hiểu là mặt bê tông xi măng có độ cứng lớn hơn nhiều.

  • >
    0 Shares