Đến lớp học chạy bộ

Đến lớp học chạy bộ

Trích chương 4 – “Getting schooled in running”, sách “Chạy bằng ý chí” (Let your mind run) của huyền thoại chạy bộ đường dài Deena Kastor.

_______________________________________

Alamosa, Colorado, 1996

 

 

“Tôi nghe nói cô đã chuyển tới đây”.

Huấn luyện viên Vigil ngồi phía sau chiếc bàn gỗ lớn, tay cầm cốc cà phê. Ông giống người đàn ông tôi đã gặp trong chuyến đi Pháp hồi phổ thông, ngực lớn như thùng rượu, quần dài thể thao và áo phông. Quan sát kỹ, tôi thấy ánh nắng mặt trời đã hun sậm màu da Tây Ban Nha của ông, ông có đôi bàn tay to khoẻ của một người đã lao động chăm chỉ cả cuộc đời. Cái nhìn của ông trực diện, nhưng không thô lỗ, có vẻ tò mò nhiều hơn.

“Em được truyền cảm hứng sau buổi nói chuyện qua điện thoại với Thày”, tôi nói, cố ngồi rướn cao thêm một chút để tạo ấn tượng tốt. “Em rất muốn được tập cùng Thày. Em chuyển tới đây để chứng tỏ quyết tâm của mình”.

Thày Vigil gật đầu. Ông hỏi tôi thấy Alamosa thế nào, tôi sẽ tập chạy ở đâu. Tôi nói, Peter đã dắt tôi tới con đê dọc sông Rio Grande, từ đó chúng tôi chạy vòng ra mặt sau sân gôn, nơi tôi lần đầu tiên nhìn thấy một con nhím. Thày mỉm cười khẽ gật đầu.

“Chúng ta còn nhiều việc phải làm”, ông đặt cốc cà phê lên bàn, “Nếu tôi không nhầm, cô muốn tham gia đội tuyển Olympic và chạy 5K dưới 15 phút”. Tôi gật. “Đó là các mục tiêu lớn, đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn, và lối sống của một vận động viên”.

Tôi nói rằng Thày đã nhấn mạnh những điều đó trong cuộc nói chuyện qua điện thoại.

“Repetitio matter studiorum est”, ông vươn người ra trước, phát âm từng chuẩn xác từng từ. “Tiếng Latin nghĩa là ‘Lặp đi lặp lại là khởi nguồn của học tập’. Cô sẽ gặp nó trong mọi khía cạnh của quá trình tập luyện.”

Thày ngả người ra sau, bắt đầu mô tả chi tiết cái gọi là “lối sống của một vận động viên”. Việc luyện tập chỉ chiếm hai giờ mỗi ngày, nhưng phần còn lại trong ngày cũng quan trọng không kém. Cách chúng ta sử dụng thời gian giữa các buổi tập, cách chúng ta chăm sóc bản thân, đều trực tiếp ảnh hưởng tới thành tích. Thày nhắc thêm tôi nên ăn nhiều đồ ăn bổ dưỡng, và ngủ trưa mỗi ngày.

Huấn luyện viên Vigil rất quan tâm tới giấc ngủ. Khi ngủ, cơ thể ngừng tiết ra cortisol, một hormone gây căng thẳng, nhưng lại giải phóng hormone tăng trưởng, thứ giúp cơ thể hồi phục và phát triển hệ cơ. Chỉ có nghỉ ngơi đầy đủ mới giúp chúng ta thích nghi được với khối lượng tập luyện.

“Cô ngủ tốt chứ?”. Vâng, thưa Thày.

“Tốt. Điều đó nghĩa là cô có sự an yên”. Ý ông là tôi không gặp các lo lắng về tài chính hay gia đình có thể ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ, và từ đó, ảnh hưởng quá trình luyện tập và hồi phục.

Mọi điều Thày nói đều mới mẻ và cuốn hút. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chuyện tiền bạc lại có thể liên quan tới thành tích thi đấu.

Thày Vigil dành thời gian giải thích cấu trúc và mục đích các bài tập, mỗi bài tập khác nhau sẽ kích thích chuyển hoá của cơ thể theo những hướng khác nhau như thế nào; phối hợp lại, chúng sẽ giúp vận động viên chạy xa hơn, nhanh hơn. Đôi lúc, Thày nhấn mạnh các thuật ngữ khoa học – chu kỳ tập luyện, hoạt chất chuyển hoá, dự trữ năng lượng – và đổ người ra trước “Cô vẫn theo kịp chứ?”, đảm bảo tôi hiểu những điều ông nói.

“Cô thường chạy bao nhiêu dặm mỗi tuần?”

“45 dặm, thưa Thày.”

“Thế không nhiều lắm. Cô cần thời gian để thích nghi với độ cao ở đây. Tôi sẽ bắt đầu bằng giáo án chạy nhẹ nhàng 70 dặm mỗi tuần, trong ba tuần. Ta sẽ xem cô cảm thấy thế nào trước khi bổ sung các bài tập.”

Tôi muốn biết liệu mình sẽ tập cùng cả nhóm hay tập riêng với Thày, nên tôi hỏi mình có chạy cùng đội nam hay không.

“Có. Tôi sẽ rèn cô như rèn một vận động viên, không phải như một thiếu nữ.”

Tôi cảm thấy buổi nói chuyện sắp kết thúc, thì đúng lúc đó, Thày Vigil đột ngột hỏi “Triết lý của cô là gì?”

Triết lý? Tôi ngớ người một chút, chưa hiểu rõ câu hỏi, nhưng Thày không giải thích thêm. Tôi cố gắng tìm điểm kết nối giữa việc chạy bộ với các tư tưởng, nhưng không tìm thấy mối quan hệ nào cả. “Triết lý của em là em muốn vào đội tuyển Olympic.”

“Dớ dẩn”, Thày Vigil bật cười, “Đó là mục tiêu”. Thày giải thích thêm, “Tôi muốn biết nền tảng cho mọi hành động của cô, những giá trị mà cô dựa vào đó để đưa ra các quyết định.”

Các giá trị? Ý Thày là gia đình? Nền tảng cho mọi hành động của tôi? Nó dường như lớn hơn chuyện chạy bộ, như kiểu cuộc sống. Tôi chỉ tới đây để chạy thôi, Người ơi!

“Thôi được rồi”, Thày buông tha cho tôi. “Cả nhóm sẽ tập trung lúc 7 rưỡi sáng mai ở công viên Cole. Hẹn gặp cô ở đó, nhớ mang theo thái độ tích cực.”

* * *

Sáng hôm sau, tôi cùng Peter chạy tới gặp mọi người ở công viên Cole, một khu rộng rãi, xanh mướt, với những hàng cây gỗ gòn thẳng tắp. Huấn luyện viên Vigil đứng cạnh chiếc xe bán tải, cùng tám thanh niên mặc đồ chạy bộ. “Đây là Deena”, Thày giới thiệu. Chúng tôi gật đầu chào nhau. Đa số họ đều từng tập dưới hướng dẫn của Thày ở trường đại học Adams State. Họ đến rồi đi, nhưng có ba người thường xuyên tập nhất. Đầu tiên là Peter, người tôi đang ở ké, 24 tuổi, tóc đen ngắn, đôi tai to. Phil Castillo, 23, gốc da đỏ, tới từ bộ lạc Acoma, có một sự dịu dàng mà tôi thích ngay lập tức. Cả hai đều đang theo đuổi cự ly marathon, nhưng đã nằm trong đội hình năm 1992 của Thày làm sững sờ giới thể thao đại học khi giành thành tích tuyệt đối ở giải vô địch quốc gia nội dung chạy băng đồng.

Người thứ ba, Marco Ochoa, 32 tuổi, thấp, da ngăm đen, săn chắc, thuộc nhóm các vận động viên marathon hàng đầu nước Mỹ tại thời điểm đó. Hôm trước, Marco đã tới quán Campus Café, nơi tôi làm việc, ngồi đọc cuốn tiểu thuyết “Atlas nhún vai” khi tôi bê đồ ăn ra cho anh. “Thày khuyên tôi đọc cuốn này”, anh nói “Nó rất sâu sắc.”

“Hôm nay, chúng ta sẽ có bài tập chạy biến tốc một dặm”, Thày Vigil nói với đội nam, “Để Deena chạy khởi động cùng các cậu cho quen. Cô ấy sẽ tiếp tục sau màn làm nóng.”

Tôi cùng đội nam chạy băng qua công viên, sải bước trên con đường bụi bặm dọc sông Rio Grande, hướng về phía Bắc, mạn sân gôn. Không khi buổi tập thư thái, thoải mái, chúng tôi chuyện trò bâng quơ. Cánh đàn ông hỏi tôi tại sao tôi chạy bộ, về quãng thời gian tôi ở Arkansas. Tôi hỏi lại các mục tiêu và quá trình tập luyện của họ. Rồi họ trêu chọc nhau. Phil chê cười bộ mặt lởm chởm râu ria của Peter, thứ huấn luyện viên không ưa thích. Peter độp lại rằng sáng nay anh đã chén đủ ngũ cốc để đá vào mông tất cả mọi người.

Sau mười phút, chúng tôi vượt qua cầu State Street, sang bờ bên kia sông. Cuộc hội thoại thay đổi. Mọi người bắt đầu nói về tốc độ, phương án thay phiên nhau chạy dẫn đoàn. Tôi lắng nghe. Ai cũng cho thấy sự cam kết cá nhân của mình đối với bài tập, rất khác tính nghĩa vụ mà tôi cảm thấy ở trường đại học. Nó tạo cho nhóm chạy một cảm giác chuyên chú.

Cánh nam giới cất bước hướng về phía huấn luyện viên. Tôi tiếp tục chạy vài vòng quanh công viên để quan sát họ. Sau một lúc, họ tụ tập quanh Thày, tôi cũng đứng lại cùng nghe. “Hôm nay chúng ta gặp thời tiết lý tưởng đấy”, Thày nói, nhắc đến không khí ấm áp và bầu trời trong trẻo. “Hãy tận dụng nó. Các cậu sẽ chạy năm tổ, mỗi tổ một dặm, nghỉ ba phút giữa các tổ. Còn ai hỏi gì nữa không?” Ông dừng lại, quét qua khuôn mặt đám học trò, “OK. Vậy chạy thôi.”

Tôi nghe thấy tiếng bước chân quẹt trên mặt đường, khi đội nam phóng về phía trước. Họ chạy sát nhau, gần như khuất khỏi tầm mắt khi rẽ ở cuối công viên. Khi quay về, vài người rớt lại. Vẫn giữ nhịp chân như cũ, Peter đưa tay về phía sau, như lúc lấy gậy tiếp sức, trong một cử chỉ cổ vũ các đồng đội tụt lại. Sự thân thiết đó khiến tôi cảm động.

Đội nam kết thúc cùng nhau, chạy chầm chậm để phục hồi. Vài phút sau, họ lại phóng đi. Tôi hoàn thành buổi chạy của mình và đứng cùng Thày dưới tán gỗ gòn. Họ tăng tốc hướng về phía chúng tôi, hoàn thành liên tiếp từng dặm. Vòng áp chót, một người than phiền bị rộp chân. “Điều tốt là cậu bị đau ở chỗ cách xa quả tim cả mét”, Thày nói với anh, rồi quay sang tôi “Cậu ấy cần chạy bằng trái tim, chứ không phải đôi chân”. Tôi lắng nghe, nghĩ rằng một huấn luyện viên có bằng tiến sỹ Sinh lý học chắc hẳn sẽ rất nhiều triết lý.

* * *

Tôi thích đám con trai, thích sự cam kết của họ với huấn luyện viên và những người khác trong đội. Tôi thấy may mắn được cùng nằm trong nhóm thân ái này. Tôi nghĩ họ đều có triết lý của mình. Họ nói cùng ngôn ngữ với Thày. “Thêm một bước nữa tới gần hơn sự xuất sắc”, Marco có lần bảo sau một bài tập.

Chúng tôi chạy cùng nhau mỗi ngày, tích luỹ dặm chạy dọc bờ sông và sân gôn. Đôi khi, chúng tôi chạy trên các con đường quê bụi bặm rộng thênh thang, với những ruộng khoai tây và điền trang chạy song song, cùng lên dây cót để hoàn thành đủ khối lượng tập luyện buổi sáng. Mỗi ngày, tôi nhận ra Thày lại gửi chúng tôi một thông điệp tích cực “Hôm nay là một ngày lý tưởng để cùng tập, hướng tới mục tiêu của chúng ta”, Thày từng nói khi chúng tôi tụ tập sau bài chạy. Hay vào một hôm gió mạnh, thông điệp sẽ là “Một dịp tuyệt vời để thử thách bản thân và ý chí”. Đôi khi, câu từ của Thày rất ngắn gọn, “OK. Chạy thôi” – và chính sự hăng hái, hãy-hoàn-thành-bài-tập ấy của huấn luyện viên đã truyền không khí hưng phấn cho buổi chạy.

Vào ngày thứ Tư, Thày thường lái xe chở chúng tôi đến rừng Forbes, khu bảo tồn thiên nhiên nằm dọc bờ Đông Alamosa, nơi có thể dễ dàng bắt gặp những bầy hươu nai lang thang đi dạo. Tại đó, đội nam và tôi chạy trên các cung đường khấp khểnh và nhớp nháp, trong khi Thày lái xe bên cạnh để tiếp nước. Một lần, vào đầu buổi tập, Thày nhoài người qua cửa sổ ôtô, cười lớn “Deena, chào mừng cô đến với phòng làm việc của tôi!” Ông giang rộng tay, ôm lấy thảo nguyên ngập tràn thông và cây xô thơm. Tôi nhìn chung quanh, cảm thấy cả không gian tươi đẹp này cũng là phòng làm việc của mình.

Tôi cần gắng sức một chút để theo kịp tốc độ chạy nhẹ nhàng của đội nam. Các câu chuyện của họ bông phèng, với phong cách châm biếm nhẹ nhàng, chủ đề trẻ trung. Nếu Marco đến tập với bộ dạng mỏi mệt, cả nhóm sẽ chọc ngoáy anh “Tập chạy nhiều quá mắt trũng thế kia, hay có cô nàng nào quấy rầy cậu cả đêm?” Họ nói những câu chuyện về nước tiểu đỏ sau buổi chạy đường dài, các tư thế làm tình, tác động của bữa tối có món ớt xanh đối với lần đi vệ sinh buổi sớm hôm sau. Họ cuốn tôi vào, và nếu tôi không hiểu một câu đùa nào đó, một cậu sẽ mỉa mai “Xét cho cùng, nàng ấy vẫn chỉ là một cô gái tóc vàng hoe.”

Huấn luyện viên hướng dẫn tôi cách tiến hành các bài tập nâng cao đùi và chạy nảy chân. Nhấn bàn chân xuống mặt đường để tạo phản lực đẩy đầu gối lên cao. Thời gian tiếp xúc mặt đất cần ngắn nhất có thể. Sử dụng hai tay để hỗ trợ chuyển động. Đội nam dạy tôi cách hỉ mũi trong lúc chạy. Nghiêng người về một bên, dùng ngón tay ấn sát một bên mũi, và xỉ ra thật mạnh, đồng thời lưu ý hướng gió và vị trí của bạn chạy, để không vảy về phía họ. Họ vừa hướng dẫn, vừa làm, và cổ vũ tôi thực hành.

Sau buổi chạy, Thày tổng kết bài tập, làm nóng tinh thần của cả nhóm. “Nhìn xem, chúng ta đã hoàn thành rất nhiều, và còn chưa tới giờ ăn trưa”, ông mỉm cười “Giờ về nhà nghỉ ngơi đi. Vẫn còn nhiều việc phải làm.”

Trở về nhà, tôi tập trung vào phần còn lại trong ngày của mình. Tôi nấu món trứng ốp-la với nhiều rau xanh hơn. Tôi uống hàng bình nước để đảm bảo cơ thể đủ nước. Tôi tìm chỗ đậu xe gần cửa siêu thị nhất để giữ cho đôi chân đã mỏi không phải đi bộ quá xa. Thùng xe của tôi chất đầy những lát thịt ngon, cá tươi, mì Ý. Tôi mua túi đá để chườm và đặt lịch mát-xa hàng tuần. Giấc ngủ trưa có vẻ xa xỉ, nhưng thật ngạc nhiên là quá cần thiết khi tăng khối lượng bài tập. Tôi tập chạy buổi tối một mình, dọc bờ sông, đôi khi chạy cùng Peter, Marco, hay Phil. Thỉnh thoảng, tôi tự khám phá thung lũng, lái xe đến chân núi Sangre de Cristo và chạy quanh rừng quốc gia Đụn Cát Lớn hay thác Zapata. Cuối buổi, tôi ngâm chân trong dòng nước lạnh như băng của thác. Sau tất cả các bài tập, giãn cơ, ăn uống, giấc ngủ, thật ngạc nhiên khi gần như không còn thời gian trống.

About the Author Đinh Linh

Bác sĩ Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, giảng viên Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội. Thành viên sáng lập Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners, LDR) Thành tích cá nhân: 10km: 36:56, HM: 1:20:35, FM: 2:41:25

  • […] đầu tiên đứng bục kể từ khi huyền thoại Deena Kastor giành chức vô địch ở giải này vào năm […]

  • chiennd.piacom@petrolimex.com.vn says:

    Anh có thể chia sẻ nơi mua cuốn sách không (bản gốc hoặc dịch). Xin cảm ơn.

  • chay365 says:

    Amazon nhé bạn

  • >
    466 Shares