Đọc lại “Let your mind run”

Đọc lại “Let your mind run”

Mình đang đọc lại “Let your mind run” (tạm dịch “Chạy bằng ý chí”), hồi ức về sự nghiệp chạy bộ của Deena Kastor. Nói như một blogger yêu sách, chỉ “đọc lại” mới thực sự có giá trị. Nếu một quyển sách không khiến ta muốn “đọc lại”, đó hẳn không phải sách hay.

Mình biết Deena Kastor từ lâu, nhờ xem “Spirit of the Marathon”. Phim được quay trong giai đoạn đỉnh cao của Deena, lúc ấy đã sưu tập vài chục chức vô địch đủ mọi nội dung, giữ kỉ lục quốc gia cự ly marathon, nhưng chưa từng thắng một giải marathon nào (elite nên không thể bừa phứa đăng kí mấy giải cấp phường cấp quận). Huấn luyện viên gợi ý Berlin, nhưng cô chọn Chicago, “I want to win on US soil” (Em muốn chiến thắng trên đất Mỹ).

Khi chuẩn bị cho Chicago, Deena bị chấn thương xương bàn chân, phải nghỉ chạy 6-8 tuần. Phần này nằm gần cuối sách, đã đọc tới đây rồi thì không ai còn ngạc nhiên với việc Deena vượt qua chấn thương để dành chức vô địch. Từ nhiều chương trước đó, cô đã học được cách sử dụng sức mạnh tinh thần và thái độ lạc quan để khắc phục các nghịch cảnh trong quá trình luyện tập cũng như trong cuộc sống.

Đây là điểm mình thích nhất ở “Let your mind run”. Không đơn thuần là sách về chạy bộ, mà còn đề cập đến nhiều khía cạnh về tâm lý, tư tưởng. Ai trong chúng ta mà không trải qua những giai đoạn chới với, chông chênh? Với Deena, đó là lúc cô tốt nghiệp đại học, cùng 4 lần liên tiếp thất bại ở giải vô địch quốc gia. Khi năng khiếu bộc lộ quá sớm, các chiến thắng cứ tới liên tục đến mức cô chạy đua trong nỗi ám ảnh thua cuộc, cú ngã đầu đời đủ khiến Deena hoài nghi tới mức dự định giã từ chạy bộ, chuyển sang … làm bánh. Cùng sự hỗ trợ rất lớn từ huấn luyện viên Joe Vigil, người chỉ yêu câu cô một điều duy nhất khi tập luyện: “Bring good attitude” (giữ thái độ tích cực), Deena đã đối diện các thách thức của mình, tìm niềm vui từ những điều nho nhỏ (ví dụ làm vui lòng một thực khách khó tính trong quán cà phê mà cô làm bồi bàn), đặt ra mục tiêu vừa sức trong tập luyện, và tận hưởng sự thư giãn an yên mỗi ngày. Thái độ của cô, chứ không phải thứ hạng trong giải chạy, mới là thước đo của sự tiến bộ.

Đó là một hành trình không dễ dàng. “Còn gì mệt mỏi hơn những bài tập biến tốc, khốc liệt đến mức bạn nếm thấy vị máu ở thành sau cổ họng? Câu trả lời đến rất nhanh: vật lộn với tư tưởng của bản thân”. Những chia sẻ của Deena là thứ mà chúng ta có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, không riêng gì chạy bộ.

Điểm thứ hai mình thích ở sách: đó thực sự là một cẩm nang dành cho người yêu chạy bộ, với nhiều kinh nghiệm thực chiến cụ thể: các bài tập chạy biến tốc, chạy tempo, chạy đường dài, chạy leo dốc. Không chỉ mô tả chi tiết những buổi chạy “khô máu”, Deena còn tiết lộ nhiều “mẹo” để chạy đua tốt hơn – như cách cô nhắm mắt, chìm vào giai điệu hùng tráng của “Joga” (ca sĩ Bjork), và hình dung về màn cán đích của mình. Năm 2004, khi lên podium ở thế vận hội Athens (trong khi huyền thoại Paula Radcliffe phải bỏ dở giữa chừng vì tiết trời quá khắc nghiệt), sự chuẩn bị của Deena phải nói là hoàn hảo: cô nghiên cứu thời tiết, địa hình, cân bản thân sau mỗi dặm chạy, đảm bảo uống đủ nước để không bị sụt cân sau buổi chạy đường dài.

Nhiều chương sách chỉ đơn giản là dòng hồi ức của Deena về giải chạy, từ lúc đăng ký, di chuyển tới địa điểm thi đấu, cảm xúc ở vạch xuất phát, suy nghĩ trên đường chạy, chiến thuật đeo bám và bứt qua đối thủ tại thời điểm quyết định,… Đây là điều mà “Spirit of the Marathon”, dù hấp dẫn đến mấy, cũng không thể truyền tải được hết. Hồi tưởng của người chạy bộ thông thường về giải chạy đã thú vị, hồi tưởng của một nhà vô địch lại thú vị lập phương.

Khi Kawauchi vô địch Boston 2018, không ai hỏi về giáo án, không ai quan tâm đến VO2 max, tốc độ, hay cách tiếp đất,… Mọi người chỉ chú ý đến tinh thần thép của anh. Dường như có một xu thế mới trong cộng đồng chạy bộ: chú trọng sức mạnh ý chí hơn là các vấn đề kĩ thuật. Amby Burfoot (quán quân Boston 1968) viết trong cuốn “Run Forever”: “Thứ duy nhất bạn cần tập luyện trước buổi chạy đường dài không phải là cơ tứ đầu hay bắp chân, mà là tinh thần của bạn”. “Let your mind run” của Deena Kastor cũng nằm trong dòng chảy chung đó.

About the Author chay365

follow me on:
  • […] chương 4, sách “Chạy bằng ý chí” (Let your mind run) của huyền thoại chạy bộ đường dài Deena […]

  • >
    1 Shares