5 Giai Đoạn Tâm Lý Khi Gặp Chấn Thương Trong Chạy Bộ

Đối với một số người, chạy bộ giống như một người bạn thân vậy. Chúng ta đi chạy để xả stress, sống tập trung, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chấn thương xuất hiện và ngăn cản chúng ta đi chạy? Ta sẽ chửi bới, bực bội và thậm chí khóc lóc. Thoạt nghe thì có vẻ như chúng ta đã làm quá, nhưng theo các chuyên gia thì điều đó là những cảm xúc hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh. Với bất kỳ vận động viên thể thao nào, khi gặp chấn thương cũng sẽ có cảm giác mất mát như việc trải qua những khủng hoảng với những vấn đề khác trong cuộc sống (mất việc, thú cưng chết…)  – Diane Wiese – Bjornstal – tiến sĩ kiêm giáo sư  vận động học tại trường ĐH Minnesota và là nhà nghiên cứu hàng đầu trong ngành chấn thương tâm lý cho biết.

Để đối mặt với sự buồn phiền và thất vọng rồi tiến tới hồi phục, tiến sĩ Wiese khuyên chúng ta nên theo  một chiến lược cụ thể. Nếu bạn đã từng bị chấn thương, bạn sẽ trải qua quá trình gồm 5 giai đoạn sau đây (phủ nhận, tức giận, thương lượng, trầm cảm, chấp nhận) mà không hề biết. Chìa khóa ở đây là phải tìm một cách tiếp cận có chủ đích (purposeful approach). Nếu bạn có thể nhận biết mình đang ở giai đoạn nào và chủ động tìm cách vượt qua nó thì bạn sẽ nhanh chóng hồi phục và dĩ nhiên cũng sẽ nhanh chóng trở lại đường chạy.

Giai đoạn 1: Phủ nhận (Denial)

Thông thường, khi có dấu hiệu của chấn thương, người chạy bộ thường phủ nhận nó và tiếp tục tập luyện, đặc biệt là đối với những ai đã vạch ra kế hoạch, đặt mục tiêu và  kỳ vọng cho cuộc đua hoặc thử thách sắp tới.

Lời khuyên: Nếu bạn cứ tiếp tục như vậy sẽ rất nguy hiểm. Bằng việc phủ nhận rằng mình đang bị chấn thương, chúng ta sẽ khiến điều đó trầm trọng thêm. Một dấu hiệu đau nhẹ cũng có thể dẫn tới một chấn thương nghiêm trọng sau đó. Vì vậy hãy lắng nghe cơ thể bạn, hãy tỉnh táo và lùi lại. Một vài ngày nghỉ ngơi ở nhà sẽ tốt hơn là việc dành cả tháng trời sau đó đến gặp bác sĩ vật lý trị liệu. – Jim Taylor, tiến sĩ kiêm nhà tư vấn tâm lý thể thao và vận động viên marathon sub 3h ở Francisco, Califonia khuyên.

Giai đoạn 2: Tức giận (Anger)

Không thể chạy được race với tốc độ nhanh nhất mà bạn mong muốn là điều khiến bạn sẽ thất vọng và thậm chí là tức giận. “Vì sao chuyện này lại xảy ra ngay trước kỳ race lớn nhất mà tôi hằng mong đợi?” Bạn cảm thấy cơ thể, chương trình luyện tập và toàn bộ mọi thứ như đang phản bội bạn –  tiến sĩ Taylor cho biết.

Lời khuyên: Hãy suy nghĩ tích cực – đó sẽ là vũ khí tốt nhất của bạn. Nghiên cứu cho thấy rằng các buổi tự nói chuyện với chính mình (self-talk) và đặt mục tiêu cho quá trình điều trị như là một đợt nghỉ ngơi đặc biệt sẽ có ý nghĩa trong giai đoạn này.  Vậy hãy chỉ buồn phiền một vài ngày đầu thôi và sau đó phải tiếp tục nhìn về phía trước. Đặt các mục tiêu hồi phục dần dần, điều đó sẽ khiến bạn cảm nhận được những thành công nhỏ trong quá trình điều trị này. Ví dụ, nếu trong quá trình hồi phục, bác sĩ khuyên bạn tập plank, hãy đặt mục tiêu plank được 15s, 30s rồi 60s và khi hoàn thành được hãy ghi nhận những cố gắng đó của bản thân.

Giai đoạn 3: Thương lượng (Bargaining)

Khi mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện với sự thật, thì tiếp theo chúng ta sẽ bắt đầu cư xử như thế này: chúng ta sẽ hỏi lời khuyên từ bác sĩ rằng “Nếu tôi thực hiện các bài tập hồi phục nhiều hơn liệu tôi có thể nhanh chóng quay lại đường chạy?” Nhưng thực tế là, làm nhiều chưa hẳn là đã tốt.

Lời khuyên: Hành động để sửa chữa sai lầm là điều tốt tuy nhiên đừng làm quá mức. “Bạn không thể ngay lập tức chữa khỏi, mà phải làm mọi thứ từ từ”.  Tuân theo chương trình hồi phục  như bác sĩ đã chỉ dẫn và phải nghiêm túc thực hiện việc này giống như khi đang tập luyện vậy.  Nếu quá trình hồi phục này diễn ra tốt đẹp thì bạn có thể quay lại và trở thành một người chạy tốt hơn. Đừng bao giờ phá hủy mục tiêu cuối cùng này.

Giai đoạn 4: Trầm cảm (Depression)

Nghiên cứu của tiến sĩ Wiese cho thấy rằng người chạy bộ nào bị chấn thương càng nghiêm trọng lại càng mất nhiều thời gian ở giai đoạn này. Sự hào hứng chuẩn bị thực hiện quá trình hồi phục dần dần biến mất, bạn nhớ lượng endorphine cơ thể tạo ra khi còn chạy bộ, và nhớ cả cộng đồng chạy bộ nữa.

Lời khuyên: Hãy tìm kiếm các hoạt động khác trong thời gian không thể chạy được nhưng lưu ý hoạt động đó không được khiến chấn thương của bạn nặng hơn. Và hãy giữ liên lạc với cộng đồng chạy bộ: đạp xe cùng với những người bạn đang chạy, mời bạn chạy bộ tham gia chung khóa yoga hoặc làm tình nguyện viên tại các giải race.

Giai đoạn 5:  Chấp nhận (Acceptance)

Đây là giai đoạn mà bạn đã theo chương trình hồi phục và thấy được những cải thiện. Bạn chấp nhận thực tế mình đang chấn thương và hiểu rằng trước sau gì bạn cũng sẽ quay lại đường chạy được. Đạt được tới suy nghĩ này là bước tiến rất quan trọng trong quá trình hồi phục. Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa căng thẳng và chấn thương. Lo lắng khiến cho các cơ của chúng ta bị căng và ngăn cản các chức năng miễn dịch và điều này có thể khiến quá trình hồi phục diễn ra chậm hơn.

Lời khuyên: Thường thì rất khó để chấp nhận sự thật nhưng nếu nhanh chóng đạt tới giai đoạn này, thì quá trình phục hồi sẽ diễn ra nhanh hơn. Và nếu ai đã từng tự trải qua quá trình này đều biết đó là một bài học đáng giá.

Hãy suy nghĩ lại!

Chấn thương có thể khiến bạn buồn phiền và thất vọng. Tiến sĩ Jim Taylor đưa ra một vài lời khuyên bằng việc “Hãy suy nghĩ lại” khi chúng ta có suy nghĩ tiêu cực và chán nản như:

Suy nghĩ tiêu cực 1:  Tôi luôn được biết đến là một người chạy bộ, còn bây giờ tôi không thể chạy được nữa, vậy tôi là ai?

Hãy suy nghĩ lại: Chạy bộ chỉ là một phần của con người bạn. Hãy tập trung vào những sở thích khác gắn liền với bạn, và hãy nhớ rằng bạn không chỉ là một người chạy bộ. Bạn có thể là một người câu cá, một blogger, một leader … một thành viên có giá trị trong cộng đồng của bạn. Hãy dành thời gian này để theo đuổi các hoạt động và sở thích khác. Và đừng quên dành thời gian bên gia đình bạn bè. Và cũng lưu ý rằng, việc chấn thương chỉ là tạm thời mà thôi.

Suy nghĩ tiêu cực 2: Chạy bộ khiến cơ thể tôi cân đối và tôi cảm thấy hạnh phúc, nếu bây giờ không thể chạy tôi sẽ mập lên và khổ sở!

Hãy suy nghĩ lại: Hỏi bác sĩ của bạn xem còn có hoạt động nào mà an toàn với bạn không. Tìm các bài bổ trợ chéo (cross-training) giúp đốt calo và tạo ra nguồn endorphin tương tự như việc chạy bộ.

Suy nghĩ tiêu cực 3: Tôi không biết tôi sẽ làm gì đây nếu tôi không đạt được kỷ lục cá nhân (PR) vào cuộc đua tuần tới?

Hãy suy nghĩ lại: Hãy điều chỉnh lại mục tiêu của bạn. Hoặc là tiếp tục race với tốc độ chậm hơn hoặc chọn một race khác mà nó cho phép bạn có thời gian hồi phục và tích lũy đủ sức mạnh để có thể thực hiện nó.

 

Lược dịch từ cuốn Runner’s World Essential Guides: Injury Prevention & Recovery 

Hình ảnh được lấy từ trang: http://www.nystromchiropractic.com

 

About the Author Mai Anh

Vận động viên chạy bộ không chuyên. Hiện đang là nhân viên của một công ty quốc tế đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Yêu thích chạy bộ đường dài, đang tập luyện để hoàn thành các giải chạy ultra trail và cải thiện thành tích cự ly full marathon.

  • […] quãng thời gian sáu tháng không chạy là một thử thách tinh thần không nhỏ. Sở dĩ bệnh này cần nhiều thời gian […]

  • >
    91 Shares