Trái tim thuần khiết (phần 2)

PHẦN 2

Manhattan vẫn còn tối khi đoàn xe buýt tới Trung tâm Rockefeller. 131 vận động viên nam rời xe, tụ tập ở sảnh tầng trệt, cạnh sân trượt băng “The Rink” nổi tiếng. Meb Keflezighi. Alan Culpepper. Ryan Hall. Dathan Ritzenhein. Abdi Abdirahman. Brian Sell. Tất cả đều ở đây, trong sự kiện tập hợp những vận động viên chạy bộ đường dài tài năng nhất nước Mỹ, để thi đấu marathon. Một số thu mình trong ghế bành, một số dựa lưng vào tường, số khác nằm dài trên sàn nhà, trông uể oải và chệnh choạng, tiết kiệm từng kilo-joule năng lượng. Trên thực tế, chưa bao giờ họ tập trung và sạc đầy adrenaline đến thế. Đã 4 năm trôi qua kể từ kì tuyển chọn Olympic trước. Phải 4 năm nữa mới tới kì tiếp theo. Carpe diem. Tận hưởng khoảnh khắc này. Carpe viam. Tận hưởng cuộc đua này. Giờ G đã điểm.

Chuyên gia giãn cơ Phil Wharton hỗ trợ vài vận động viên bằng các bài tập nhẹ nhàng. Ryan Shay là một trong những người cuối cùng, chỉ vừa kịp để máu lưu thông. Hai người là bạn, cùng sống ở Flagstaff, bang Arizona. Ryan vẫn điều trị đều ở chỗ của Wharton khi anh tăng cường độ luyện tập cho giải đấu này. Lúc chia tay, Wharton dặn “Hãy chạy thật kiên nhẫn”.

“Kế hoạch là vậy rồi”, Ryan đáp lời.

Huấn luyện viên của anh, Joe Vigil, còn nhấn mạnh điều đó hơn nữa. Ông từng dẫn dắt Deena Kastor giành huy chương Olympic năm 2004. Ông là bậc thày của những lời khuyên tại vạch xuất phát. Một mặt kì vọng Ryan hiểu cần phải làm gì, mặt khác Vigil muốn đảm bảo không có chuyện gì xảy ra ngoài dự tính. Ông đã huấn luyện Ryan đạt thành tích marathon 2:11, và tin rằng anh đã sẵn sàng để tối thiểu chạy được như thế. “Đừng vươn lên dẫn đầu, nhưng bám theo tốp đầu”, ông dặn dò, “Sáng nay có gió, thời điểm phù hợp để đeo bám”.

Lời cuối cùng của Vigil là “Thi đấu tự tin, nhưng kiểm soát cảm xúc”.

* * *

Đến từ một thị trấn nhỏ bé xa xôi, Ryan Shay thu hút sự chú ý của nhiều trường đại học tên tuổi. Anh sắp xếp tham quan ba nơi – Tulane, Arizona, Notre Dame. Trọng lượng của anh – 170 pounds thời phổ thông – cùng với phần thân trên đầy cơ bắp, gây ấn tượng với các vận động viên chạy bộ khác. Khi đến tham quan trường Arizona năm 1997, Ryan lần đầu gặp Abdi Abdirahman. Ban đầu Abdi nghĩ Ryan là một hậu vệ bóng bầu dục. Cuối cùng, Ryan chọn trường Notre Dame. “Anh ấy thích ngôi trường này vì nó nằm trong top 25 về mặt học thuật, và top 10 về chạy bộ”, cậu em Nate Shay, người sau đó cũng tiếp nối Ryan học ở Notre Dame, kể lại “Cả hai điều đó đều hết sức quan trọng với anh ấy”.

Ryan Shay trong màu áo đội tuyển trường Notre Dame

Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản ở bậc đại học. Ở trường phổ thông, Ryan thường vô địch với khoảng cách đáng kể. Notre Dame hoàn toàn khác. Trong lần đầu khoác chiếc áo Fighting Irish của đội thể thao Notre Dame, huấn luyện viên của anh, Joe Piane, dặn các học trò chạy sát nhau trong 3 dặm đầu, trước khi bung hết sức có thể. “Có thể cậu ấy đã hiểu nhầm ý tôi”, Piane nháy mắt nhớ lại, “Cậu ấy chỉ chạy cùng mọi người trong vài bước, trước khi phóng vụt đi. Khi tôi hỏi cậu ấy về việc này, cậu ấy trả lời ‘Thưa Thày, em tới đây là để chạy nhanh.’

Trên lớp học, Ryan cũng tỏ ra hăng hái không kém. Ngay năm đầu đại học, anh nộp một bài luận dài 10 trang cho lớp Anh ngữ. Trong đó, Ryan mô tả giấc mơ chạy bộ đường dài của mình, và con đường để đạt được giấc mơ ấy. Anh đặt tên cho bài luận là “Chạy bộ đường dài Hoa Kỳ: tụt lại trên đường chạy”. Bài luận bắt đầu như sau “Mục tiêu cuộc đời của tôi là trở thành vận động viên chạy bộ đường dài hàng đầu. Tôi muốn được ấp ủ trong chiến thắng và có thể nói với bản thân rằng mình đã đạt tới trình độ cao nhất trong lĩnh vực của mình”. Sau đó, bài luận chỉ trích các học sinh phổ thông đã không luyện tập đủ chăm chỉ “Giới trẻ ngày nay nói chung lười biếng, chạy đường dài lại đòi hỏi cực kì chuyên cần” – cũng như phê bình các vận động viên sau đại học thiếu niềm tin họ có thể chiến thắng các đối thủ Đông Phi. Ryan kết thúc bài luận bằng việc trích dẫn Steve Prefontaine, người đã chạy bộ “để xem ai gan dạ hơn”. Với anh, Steve là tâm gương mọi người cần học hỏi, “Điều đó sẽ tạo ra các vận động viên chạy bộ Mỹ vĩ đại. Nó sẽ khiến họ trở thành những người hùng bất diệt”.

Ryan mới chỉ 18 tuổi khi anh viết bài luận này, và anh sống cùng các châm ngôn của nó. Tại trường Notre Dame, anh được vinh dự chọn vào đội tuyển tiêu biểu toàn nước Mỹ chín lần trong ba năm, ở ba nội dung: chạy băng đồng, chạy trong nhà, chạy ngoài trời. Không có thời điểm nào trong năm mà Ryan không tập luyện vất vả và chạy đua tích cực. Trong đám bạn ở Notre Dame, những câu chuyện về nỗ lực của anh đã trở thành huyền thoại. Anh không bao giờ chạy chậm hơn tốc độ 6 phút 1 dặm. Không ai có thể theo kịp Ryan khi anh chạy thả lỏng, hoặc không ai muốn theo. Anh từng một lần dẫn dắt Notre Dame đến chức vô địch với cái chân bị chấn thương đã làm khổ anh suốt hai tháng. Piane, người đã huấn luyện đội trong 33 năm, thừa nhận “Cậu ấy là vận động viên ngoan cường nhất tôi từng biết”.

Câu chuyện nổi tiếng nhất là chuyện nhiều người còn ngờ vực. Trong một lần chạy trong bão tuyết – việc chẳng có gì ầm ĩ với Ryan, anh không bao giờ để thời tiết hay bất cứ điều gì ảnh hưởng tới các bài tập – anh bị xe tông và đè vào xương cẳng chân. Lúc đó, anh mới chạy được 3 dặm, trong khi giáo án là 16 dặm. Ryan đứng dậy, tự kiểm tra và thấy vẫn ổn. Anh còn phải chạy nốt 13 dặm nữa, và quỷ bắt anh đi nếu anh chạy thiếu dặm nào trong quãng đường còn lại.

Khi về nhà, anh kể cho cậu bạn Sean Zanderson chuyện này. Zanderson dò khắp khuôn mặt Ryan, tìm kiếm một nụ cười lộ tẩy. Hoàn toàn không có. Anh kiểm tra cẳng chân Ryan, thấy bầm tím và chảy máu. Zanderson khuyên Ryan nên đến bệnh viện chụp XQ. “Nhất trí”, Ryan trả lời. Nhưng trước hết cần hoàn thành bài tập giãn cơ sau buổi chạy đã.

Những khoảnh khắc chiến thắng của Ryan Shay. Hình giữa là lần anh vô địch nội dung 10 000m của NCAA

Thật phù hợp, chiến thắng hoành tráng nhất của Ryan diễn ra ở sân vận động Hayward Field, trường đại học Oregon, địa điểm đã trở nên nổi tiếng nhờ các lần chạy theo kiểu dám-đuổi-tôi-không của Prefontaine. Trong giải vô địch NCAA (Hiệp hội Vận động viên Sinh viên Quốc gia) năm 2001, cự ly 10 000 m, Ryan được xếp hạt giống sô 4. Vòng đầu tiên mọi người chạy với tốc độ như đi bộ khiến Ryan cảm thấy thật báng bổ. Pre có bao giờ chạy một cách thận trọng thế này? Không đời nào. Thế là anh tăng tốc vượt lên dẫn đầu, và duy trì vị trí đó suốt 24 vòng sau, vô địch với cách biệt lớn. “Nếu tôi hướng đến một thắng lợi hoành tráng, đây là nơi tôi muốn làm điều đó”.

Phần 1

Phần 2

Phần 3

Phần 4

Phần 5

About the Author chay365

follow me on:
  • […] Trái tim thuần khiết (phần 2) […]

  • […] Trái tim thuần khiết (phần 2) […]

  • >
    56 Shares